Mẹ Nấm (Danlambao) - Những cánh rừng đóng vai trò rất quan trọng trong việc giữ nước cho những con sông. Đặc biệt là rừng ở khu vực lưu vực. Vì vậy trước khi chửi Trung cộng hãy xem Hoàng Anh Gia Lai đã làm gì với những khu rừng tự nhiên ở Cambodia hay Lào.
Phá rừng lấy gỗ, các nông trường cao su mọc lên liệu có giữ được nước?
Hết hạn hán, ngập mặn sẽ là lũ quét?!
Xin trích lại ở đây thông tin trên báo Đất Việt:
"Theo số liệu công bố của HAGL, tính tới cuối năm 2012, Tập đoàn này có tổng cộng 51.000ha đất được phân bổ để trông cao su tại Tây Nguyên, Lào và Campuchia. Trong đó, tại Gia Lai là 8.000ha, Đắk Lắk là 3.000ha, Lào là 25.000ha, Campuchia là 15.000ha.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), hiện Tây Nguyên có hơn 2,848 triệu ha rừng, độ che phủ 51,3%. Trong 8 năm (2005-2012), các tỉnh Tây Nguyên mất hơn 205.000 ha rừng tự nhiên. Bình quân mỗi năm, khu vực này mất khoảng 25.700 ha rừng.
Nguyên nhân chính làm diện tích rừng tự nhiên ở Tây Nguyên suy giảm nhanh chóng là do chuyển đổi sang trồng cao su (46,7%); xây dựng thủy điện, thủy lợi, khu công nghiệp (31,3%); khai thác, chặt phá, lấn chiếm trái phép (6%)...
Theo Quyết định 750/QĐ-TTg năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020, Tây Nguyên chỉ quy hoạch trồng 100.000 ha cao su. Tuy nhiên, theo dự kiến, tới năm 2015 mà các tỉnh khu vực này đã quy hoạch diện tích lên đến 164.000 ha. Điều đáng nói, khoảng 80% diện tích quy hoạch trồng cây cao su là trên đất có rừng tự nhiên mà không chú trọng khai thác quỹ đất trống, đồi trọc. Sở dĩ có chuyện “vượt chỉ tiêu” và quy hoạch trồng cao su trên đất có rừng là do khu vực này mang lại cho đơn vị thuê đất khoản lợi lớn từ tận thu, tận diệt gỗ rừng…" (hết trích)
Nói về trách nhiệm với nguồn nước, với tài nguyên, tôi nghĩ là hiếm người trong chúng ta chịu tìm đọc, chịu lên tiếng đến tận cùng. Bởi một lý do đơn giản: chuyện còn xa, chưa ảnh hưởng đến mình.
Hôm nay nói về việc đồng bằng sông Cửu Long ngập mặn, hạn hán, thiếu nước ngọt, chúng ta loay hoay mắc kẹt đổ lỗi cho thủy điện thượng nguồn.
Ủy ban sông Mekong Việt Nam (VNMC) dưới sự ủy quyền của Bộ Tài nguyên Môi trường đã xem nhẹ tác động của các đập thủy điện ảnh hưởng đến chất lượng nước về hạ lưu như thế nào?
Thủy điện ở thượng lưu và hạ lưu sông Mekong, ảnh hưởng đến đời sống chung của nhiều nước.
Nông dân Thái Lan còn đứng lên, lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình, còn chúng ta làm gì?
Đổ lỗi hết cho Trung Quốc, sẽ làm nhiều người vô can trong việc vô tư phá rừng? Tàn phá rừng ở khu vực lưu vực sông là nguyên nhân chính làm giảm khối lượng nước về hạ lưu.
Phá rừng trồng có duy nhất một loại cây là cao su là phá vỡ cân bằng sinh thái. Mưa xuống là đất còn bị xói mòn vì không có thảm thực vật giữ nước gây là lũ, lụt.
Đừng đổ hết cho Trung Quốc để thoát thân,
Bởi hậu quả chúng ta nhận hôm nay, là kết quả từ chính tư duy nhiệm kỳ mà không có một ai phải chịu trách nhiệm.
Tư duy nhiệm kỳ bắt đầu thể hiện hậu quả cụ thể trên đất nước này!
Trước khi "chết bởi Trung cộng" chúng ta sẽ chết bởi sự tham lam và ngu xuẩn của nhà cầm quyền!
Nguồn hình: BBC Tiếng Việt