Tháng Chín (Danlambao) - Tình trạng đồng bằng sông Cửu Long bị ngập mặn gây ra hậu quả chưa từng có trong lịch sử từ trước đến nay. Nhiều thành phố có khả năng thiếu nước ngọt. Bên cạnh nguy cơ này người ta còn lo lắng đến việc các nước ở thượng nguồn sông Mekong, trong đó có Trung Quốc triển khai xây dựng các đập thủy điện là nguy cơ lớn với các nước ở hạ nguồn như Việt Nam.
Dự án “Nghiên cứu tác động của các đập thủy điện trên dòng chính hạ lưu sông Mekong lên châu thổ sông Mekong”, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long được trình bày trong hội nghị quốc tế với báo cáo của Ủy ban Quốc gia sông Mekong (VNMC) và DHI tại Diễn đàn WLE (Nước, cảnh quan, năng lượng) tại Phnom Penh (Campuchia) chiều 21/10/2015 có kết luận: “Tác động của 11 đập thủy điện trên sông Mekong lên đồng bằng sông Cửu Long là không đáng kể”(1)
Dự án nghiên cứu này Chính phủ Việt Nam được giao cho Bộ Tài nguyên và môi trường thay mặt Chính phủ là chủ đầu tư quản lý và VNMC điều hành. Dự án lên tới 3,5 triệu USD (gần 80 tỉ đồng, được quốc tế tài trợ), và công ty tư vấn là DHI. Kết luận của dự án báo cáo ra quốc tế hàm nghĩa đã được sự cho phép của Chính phủ Việt Nam và gián tiếp có thể được hiểu là Việt Nam đồng tình với việc xây dựng cả 11 đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong.(2)
Để đưa ra một kết luận tưởng chừng như vô hại với tác động của các đập thủy điện trên dòng Mekong, hãy thử hỏi trách nhiệm của Bộ Tài nguyên Môi trường nói chung và Ủy ban song Mekong nói riêng đối với quốc gia đến đâu?
Bên cạnh đó, nhìn tổng thể hơn về các toan tính thâu tóm ảnh hưởng về chính trị của Trung Quốc với các nước trong khu vực ASEAN để thấy vấn đề rõ ràng hơn. Trong vòng 20 năm qua, Trung Quốc luôn dành cho Thái Lan và Lào những gói viện trợ đầy ưu đãi nhằm gia tăng việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Khối ASEAN vốn lỏng lẻo nay càng rệu rã hơn. Lợi ích của mỗi quốc gia và cách liên minh giữa các nước chưa thoát được vòng kềm tỏa về chính trị lẫn kinh tế của Trung Quốc. Kết quả: biển Đông vẫn là chuyện của mỗi quốc gia, tình trạng ngập mặn và thiếu nước tại hạ lưu... vẫn là chuyện riêng của từng đất nước. Ở các quốc gia đang phát triển trong khối ASEAN, quá trình tàn phá môi trường diễn ra vô cùng tinh xảo. Và song song với tiến trình này, các tổ chức xã hội dân sự chỉ còn là cái bóng mờ được sử dụng như những tiếng nói mẫu trong các hội nghị quốc tế.
Các công trình được tạo dựng khắp nơi, các tập đoàn như SunGroups, Vingroup, FLC… vung tiền tàn phá rừng, thay đổi hiện trạng biển.. dưới hình thức đầu tư phát triển du lịch… Quá trình này diễn ra dưới sự im lặng của báo giới, trót lọt bởi sự bảo kê của các quan chức từ địa phương đến trung ương.. Và màu xanh tự nhiên bị che phủ dần dần bởi bàn tay con người.
Người dân ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ khó có câu trả lời cụ thể cho tình trạng ngập mặn, thiếu nước ngọt trong năm nay, bởi đó là việc của các nhà khoa học.
Các nhà khoa học đứng về phía nào để bảo vệ lợi ích tự nhiên, điều này tùy thuộc vào lương tâm và sự dấn thân lên tiếng của những người có chuyên môn.
Đất nước rệu rã, mỗi lần có sự cố hay thảm họa xảy ra, việc đầu tiên các bộ ngành quan tâm luôn là các gói viện trợ. Thảm họa môi trường tại đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung một lần nữa là cơ hội béo bở để kiếm viện trợ. Và trên thực tế không phải ai cũng biết rằng, các gói viện trợ là những món nợ khổng lồ đi kèm với sự phụ thuộc vào chủ quyền kinh tế.
Hưởng lợi từ những khoản vay này chính là những kẻ đang nắm quyền lực, làm giàu bằng chính tài nguyên của quốc gia này.
Chú thích: