Cuba trong tầm nhìn có sự thay đổi - Dân Làm Báo

Cuba trong tầm nhìn có sự thay đổi

Dr. Tristan Nguyễn (Danlambao) - TT Obama nói “Tôi đã tới đây để chôn cái tàn dư cuối cùng của Chiến tranh Lạnh ở Châu Mỹ/I have come here to bury the last remnant of the Cold War in the Americas”.

Cuộc Cách mạng Cuba năm 1959 rất là phong phú trong các sách lịch sử và mọi người cũng có thể tìm thấy nhiều chi tiết về nó trong tất cả các sách hướng dẫn du lịch ở nước Cuba. Cho tới nay sau 57 năm Chính phủ Cộng sản Cuba vẫn còn phải tốn nhiều tiền chỉ để làm công việc tuyên truyền cho cuộc cách mạng tuyệt vời của họ bằng mọi hình thức ở khắp nơi trong nước Cuba. Đó là những công viên và những quảng trường có nhiều tượng đài kỷ niệm, những bích chương lớn, những biểu ngữ dài, những nhà bảo tàng có trưng bày chứng tích cách mạng, những tòa nhà lịch sử, những pháo đài hầm hố chiến đấu, và hàng nghìn tranh ảnh ghi lại cuộc cách mạng Cuba với những người lãnh đạo tài giỏi của nó.

Tuy nhiên, đối với người dân Cuba trong suốt 57 năm qua đã thực sự chỉ có những sự khó khăn trong cuộc sống và sự thất vọng, chán nản trong tinh thần vì những hứa hẹn tốt đẹp của cách mạng chỉ là những lời hứa suông không được thực hiện, hay không được thực hiện đầy đủ. Trong hiện tại người dân Cuba cảm thấy họ đã đang bị lừa gạt, bị buộc phải hy sinh quá nhiều; vì vậy họ không quan tâm tới những hình ảnh biểu tượng của cách mạng Cuba trong quá khứ, những thứ đã không thể làm cho cuộc sống của họ được ấm no, hạnh phúc, tự do hơn. Ở khắp nơi trong nước Cuba, tiêu biểu là ở Quảng trường Cách mạng Cuba tại Thủ đô Havana, và ở các thành phố người dân Cuba không còn ai muốn nói chuyện về cách mạng Cuba nữa, vì họ đã mất hết nhiệt tình tinh thần cách mạng; cũng nhưng không có một người nào còn muốn nói tới chủ nghĩa cộng sản. Hầu như mọi người dân Cuba chỉ muốn nói tới chuyện chính phủ Cuba cần phải nới lỏng sự kềm kẹp để cải thiện đời sống của người dân Cuba. Trong hiện tại người dân Cuba đang tìm kiếm một giải pháp thực tiễn, một tầm nhìn có chắc chắn một sự thay đổi đất nước Cuba trong tương lai gần.

Quả thật cuộc Cách mạng Cuba đã chấm dứt lâu rồi, nhưng những người lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản Cuba đã không bao giờ dám nói cho người dân Cuba biết như vậy. Hơn nữa, cái bộ máy tuyên truyền có mặt ở khắp hang cùng ngõ tận của đảng luôn luôn kêu gọi người dân phải sống một cuộc sống của con người cách mạng vô sản, có nghĩa là một cuộc sống giản dị, có đạo đức cách mạng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng cộng sản Cuba, phải giữ gìn an ninh trật tự xã hội, và tự hào về chiến thắng của cách mạng Cuba. Điểm nhấn mạnh của luận điệu tuyên truyền gian manh, xảo quyệt của cộng sản Cuba là kêu gọi người dân phải sống một cuộc sống giản dị tùy theo những phương tiện sống mà người dân đó hiện đang có được, có nghĩa là phải cam lòng chịu đựng một cuộc sống đói khổ thiếu hụt mọi thứ nhu yếu phẩm trong sinh hoạt hàng ngày.

Trở lại thực tế của mối quan hệ ngoại giao đã từng có nhiều sóng gió của một nước tư bản lớn và một nước nhỏ tiên phong trong phong trào cộng sản ở Châu Mỹ. Mặc dù Chiến tranh Lạnh đã chấm dứt, nhưng cái ảnh hưởng ý thức hệ nặng nề của nó vẫn còn ngăn cản hai nước hòa giải với nhau. Sau nhiều ngày tháng năm cố gắng làm nồng ấm lại mối quan hệ giữa hai nước Mỹ và Cuba, TT. Obama, một tổng thống Mỹ đương nhiệm đã tới thăm Cuba lần đầu tiên trong một thời gian dài 88 năm, cho dù nước Mỹ chỉ ở cách xa nước Cuba qua một eo biển 60 cây số! Chuyến thăm đảo quốc Cuba trong hai ngày của một tổng thống Mỹ đang tại chức được đánh giá là chuyến thăm lịch sử, vì chính quyền Obama đã có thể nới lỏng sự cấm vận kinh tế nước Cuba nhiều hơn nữa, người Mỹ được đi thăm Cuba dễ dàng hơn và lưu lượng dòng tiền đô la luân chuyển lớn hơn, những nguồn vốn quốc tế tư bản đầu tư trực tiếp vào Cuba sẽ được nhiều hơn với nhiều thương vụ được mở ra giữa hai nước, trong khi Quốc hội Mỹ vẫn còn ngăn cấm nghiêm ngặt trên nhiều lãnh vực.

TT. Obama đã thực hiện một cuộc thăm viếng nghi lễ chính thức của vị nguyên thủ một cường quốc tư bản đến đảo quốc cộng sản Cuba, một nước nhỏ trong vùng biển Caribbean. Như vậy, nước Mỹ đã thực sự thay đổi cách cư xử với nước Cuba, đã không còn quyết liệt đòi hỏi những người cầm quyền chính phủ cộng sản độc tài Cuba phải được thay thế trước khi nước Cuba phục hồi quan hệ ngoại giao với nước Mỹ. TT Obama cũng đã đọc một bài diễn văn nói về sự tin tưởng của nước Mỹ vào tương lai tốt đẹp của nước Cuba, và nhân dân Mỹ đặt nhiều hy vọng vào nhân dân Cuba nhất định là đất nước và người dân Cuba sẽ có thể đạt được một tương lai thịnh vượng hơn và hạnh phúc hơn.

Sau khi nghe bài diễn văn của TT Obama tại Đại hí viện Havana, Cuba, mọi người buộc phải chú ý đến ý nghĩa xác định rõ ràng của nó. TT Obama nói “Tôi đến đây để đem lại tình hữu nghị của nhân dân Mỹ dành cho nhân dân Cuba”. Chính quyền Obama đã có nhiều nỗ lực để làm thay đổi những năm dài của một nước Cuba bị cô lập và một lịch sử đối nghịch gay gắt, để dẫn đường cho một hướng đi mới tốt hơn trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước Mỹ và Cuba. Quang cảnh lúc TT Obama đọc bài diễn văn đã được trực tiếp truyền thanh và truyền hình đi khắp trong nước Cuba, và lúc đó trong đại hí viện đang có hàng ngàn người dân Cuba chứng kiến lời nói của TT Obama; tất cả họ đã vỗ tay hoan hô nồng nhiệt. 

Tổng thống Obama nói tiếp “Con cháu của chúng ta sẽ nhìn lại thời gian cô lập như là một giai đoạn sai lầm kỳ cục”. Hơn nữa, bài diễn văn của Tổng thống Obama không chỉ nói với người dân Cuba mà nó còn là một thông điệp rõ ràng gởi tới Ông Raul Castro Chủ tịch nước Cuba. Tổng thống Obama đã kêu gọi Chủ Tịch Raul Castro hãy đẩy mạnh tốc độ cải cách dân chủ. TT Obama cũng nhắc tới tính quan trọng của tự do báo chí và quyền hội họp chính trị của người dân Cuba. 

TT Obama đã nói ông tin rằng người công dân của một nước nên có quyền tự do để nói lên những suy nghĩ của họ mà không phải lo sợ, họ có thể tổ chức, hội họp, và chỉ trích chính phủ của họ, và họ có thể biểu tình phản đối một cách ôn hòa. TT Obama cũng tin rằng luật pháp không nên bao gồm tính cách chuyên quyền bắt giữ, độc đoán giam cầm những công dân thực hiện những quyền tự do của họ.

TT Obama cũng nhấn mạnh vấn đề người tù chính trị ở Cuba trong khi Chủ Tịch Raul Castro đã chối cãi rằng ở trong nước của ông không có một người tù chính trị nào cả. Từ trước tới nay chính phủ Mỹ đã từng thường xuyên nêu lên vấn đề người Cuba tù chính trị với chính phủ Cuba. Trong bài diễn văn này TT Obama cũng nhắc tới một điểm quan trọng mà những người cầm quyền nước Cuba và người dân Cuba phải chú ý, đó là chính phủ Mỹ luôn luôn tôn trọng chính phủ Cuba. TT Obama đã nói “Chúng tôi sẽ không áp đặt cái hệ thống kinh tế hoặc chính trị của chúng tôi lên quí vị/We will not impose our political or economic system on you”

Thời gian tiếp theo sau khi đọc bài diễn văn là tại Tòa Đại sứ Mỹ ở Havana, TT Obama đã tiếp đón và thảo luận những vấn đề được quan tâm có liên quan với các vị lãnh đạo xã hội dân sự và các nhà bất đồng chính kiến, hoạt động dân chủ Cuba. Việc tiếp xúc trực tiếp giữa TT Obama và giới đối lập Cuba cũng đẩy lui luận điệu chỉ trích xuyên tạc rằng TT Obama đã ủng hộ Chủ tịch Raul Castro để yểm trợ, củng cố cho chính phủ cộng sản độc tài Cuba còn tồn tại vững chắc hơn. 

Trong Quốc hội Mỹ cũng còn có những dân biểu và thượng nghị sĩ mãnh liệt phản đối việc TT Obama cải thiện ngoại giao với nước Cuba, cụ thể như cả hai Thượng nghị sĩ Ted Cruz và Marco Rubio đã lên án TT Obama phạm một “sai lầm lịch sử/historic mistake” khi hợp thức hóa bang giao với một chính phủ cộng sản độc tài, phản dân chủ của Raul Castro ở Cuba. Quả thật bài diễn văn của TT Obama đọc tại Đại hí viện Havana không những chỉ dành cho người dân Cuba và Chủ tịch Raul Castro mà còn gián tiếp nói với Quốc hội Mỹ, bởi vì trong số khán thính giả đang có mặt ở đó vào lúc đó có chừng vài chục người dân biểu, thượng nghị sĩ Mỹ đang ngồi nghe tổng thống Mỹ nói gì. TT Obama đã gián tiếp kêu gọi Quốc hội Mỹ hãy hủy bỏ lệnh cấm vận nước Cuba. Hủy bỏ lệnh cấm vận là một việc làm cần thiết càng sớm càng tốt, nhưng nó lại phải có sự đồng thuận của toàn thể Quốc hội Mỹ.

Quả thật, TT Obama đã bất chấp những chỉ trích gay gắt của các đối thủ chính trị của ông ở trong cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ; ông đã trực tiếp nói với nhân dân Cuba rằng một chính sách cô lập được thiết kế và thực hiện cho thời kỳ Chiến tranh Lạnh đã không còn ý nghĩa thiết thực gì trong Thế kỷ 21. Việc cấm vận chỉ đang làm tổn hại người dân Cuba thay vì có thể giúp đỡ cho họ. Và rất rõ ràng là TT Obama đã nói “Tôi đã tới đây để chôn cái tàn dư cuối cùng của Chiến tranh Lạnh ở Châu Mỹ/I have come here to bury the last remnant of the Cold War in the Americas”. TT Obama đã được người dân Cuba vỗ tay hoan hô nồng nhiệt và kéo dài vang dội.

Trong quan hệ giữa hai nước Mỹ và Cuba vẫn còn khá nhiều trở ngại nghiêm trọng, đó là Chủ tịch Raul Castro có thực sự thực hiện công cuộc cải cách đúng nghĩa cho nước Cuba của ông hay không; hơn nữa, Quốc hội Mỹ sẽ hoàn toàn huỷ bỏ lệnh cấm vận Cuba hay không. Trên thực tế cấm vận là một trở lực rất lớn đã chặn đường phát triển của nước Cuba, và ở một khía cạnh tế nhị khác, cấm vận cũng khiến không thể thúc đẩy Cuba thực hiện công cuộc cải cách thực sự.

Kết quả những cuộc thăm dò ý kiến của người dân Mỹ về vấn đề cải thiện quan hệ ngoại giao với đảo quốc Cuba cho thấy hiện nay đa số người Mỹ ủng hộ việc có quan hệ gần hơn, nồng ấm hơn với người Cuba, cho dù cái chế độ cộng sản độc tài Castro vẫn còn thống trị đảo quốc này. Đa số người Mỹ chấp nhận rằng công cuộc cải cách ở Cuba sẽ do chính người dân Cuba tự trách nhiệm thực hiện dựa trên lịch trình cải cách của chính họ; người Mỹ sẽ không làm giùm một cuộc cải cách Cuba cho người Cuba! Chính TT Obama cũng có cùng một quan điểm đó với đa số người dân Mỹ nên ông có nhắc lại rằng nước Mỹ luôn luôn tôn trọng chủ quyền của nước Cuba, “Tương lai của nước Cuba sẽ do nhân dân Cuba quyết định và không bởi bất cứ một ai khác/The future of Cuba will be decided by Cubans and not by anyone else.” 

Lẽ tất nhiên giữa hai nước Mỹ và Cuba còn có sự khác biệt rõ ràng không thể bỏ qua hoặc xem thường, đó là Cuba chủ trương tuyệt đối quyền của đảng cộng sản lãnh đạo và quyền của nhà nước trên các quyền công dân, trong khi Mỹ xem trọng quyền tự do cá nhân của công dân, nhưng rất rõ ràng là cái chế độ Castro cộng sản độc tài không thể tiếp tục ngăn cản người dân Cuba đang đẩy mạnh chiếc bánh xe lịch sử Cuba lăn nhanh tới đích dân chủ và tự do.

San Francisco, 1/4/2016



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo