Lật lại hồ sơ vụ án nhà báo Đoàn Hữu Hậu "lừa đảo chiếm đoạt..." (bài 3) - Dân Làm Báo

Lật lại hồ sơ vụ án nhà báo Đoàn Hữu Hậu "lừa đảo chiếm đoạt..." (bài 3)

Bài 3: Không phạm tội xử cho có tội

- Tình lý bị bóp nghẹt
- Vì sao NB Đoàn Hữu Hậu bị truy xét tới cùng?

Hoàng Hà - Thanh Toàn (Danlambao) - Qua 4 phiên Tòa xét xử, 4 lần đình án, kéo dài hơn 2 năm trời, ngày 10/06/2014 tại Phiên tòa phúc thẩm lần 2 Tòa Án Tối Cao TP Hồ Chí Minh tuyên xử Nhà báo Đoàn Hữu Hậu, phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xử phạt 1 năm tù (cấp sơ thẩm xử 2 năm tù) buộc bồi thường 32 triệu đồng, một phiên Tòa bất công, phi lý, đã để lại nhiều dư âm trong lòng độc giả…

Cứu nhân, nhân trả oán

Có thể nói, nguyên nhân đẩy nhà báo Đoàn Hữu Hậu vào vòng “lao lý” dẫn đến “thân bại danh liệt” là bởi sự ích kỷ, nhỏ nhen và lòng tham của con người. Hay nói đúng hơn, sự ích kỷ, nhỏ nhen, so đo tính toán đã sai khiến “lòng tham” của con người hòng đem lại lợi ích của mình, đẩy người khác vào cảnh khó khăn. 

Sự ích kỷ, nhỏ nhen ấy đã thể hiện ở con người mà nhà báo Đoàn Hữu Hậu đã dang tay giúp đỡ họ. 

Bà Đinh Ngọc Diễm, trong đơn yêu cầu gửi đến tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang ngày 08/10/2014 ghi “…trong lúc bế tắc, không cơ quan nào giải quyết trong vụ khiếu nại đòi đất thì ông Đoàn Hữu Hậu đã giúp đỡ đăng báo, hướng dẫn tôi làm thủ tục thắng kiện và thắng kiện 50%”, “…tôi đã trả tiền bồi dưỡng cho ông Hậu tổng cộng 70 triệu đồng. 

Nhưng ông Hậu không tiếp tục giúp đỡ tôi, nên tôi đòi lại tiền”.

Vì tiền, bà Đinh Ngọc Diễm đã khiếu nại “ân nhân” của mình lên cơ quan chức năng.

Ông bà ta có câu nói không ai mà không biết “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “uống nước nhớ nguồn” để nói về đạo lý của con người sống sao cho có nghĩa, có tình, có trước, có sau, phải biết ơn những người đã giang tay giúp đỡ mình. Ở đây, trong vấn đề của bà Đinh Ngọc Diễm, thì nhà báo Đoàn Hữu Hậu là ân nhân của họ, đã giúp họ giảm thiểu mức thiệt hại của mình. Nhưng “dò sông dò biển dễ dò/ đố ai lấy thước mà đo lòng người”, lòng người thật nham hiểm thay! Nhà báo Đoàn Hữu Hậu không thể ngờ rằng người mà mình giúp đỡ đã đẩy mình vào con đường “chết”, thật là đau đớn!

“Được voi, đòi tiên” thật đúng với bà Diễm, thắng kiện 50% giá trị quyền sử dụng đất, nhưng bà Diễm không cam tâm, muốn “nuốt trọn” 100% giá trị quyền sử dụng đất nên tiếp tục nhờ vả nhà báo Đoàn Hữu Hậu nhưng nhà báo Đoàn Hữu Hậu không tiếp tục giúp đỡ nên bà đã đòi tiền lại. Ở đây, cái sự “được voi, đòi tiên” đã thể hiện “lòng tham không đáy” của họ, bộc lộ bản chất “ích kỷ” của họ. Lòng tham và sự ích kỷ đã che lấp lương tâm của con người họ, biến họ thành kẻ “sát nhân” không dao kéo, kẻ “vong ơn bội nghĩa. Ở đây, TÌNH NGƯỜI đã chết. Cái TÌNH đã bị “bóp nghẹt”.

Công lý... có trở về không?

Cái tình NGƯỜI nơi bà Diễm đã “mất”, nhà báo Đoàn Hữu Hậu chỉ còn trông chờ vào cái “Lí” của cơ quan pháp luật. Cái “lí” ở đây được hiểu là sự chí công vô tư, thượng tôn pháp luật, sự công bằng trong xã hội mà cơ quan chấp pháp là người “cầm cân nẩy mực”. Nhưng đáng buồn thay, cơ quan thực thi pháp luật đã thay đổi tội danh của nhà báo Đoàn Hữu Hậu liên “soành soạch”, xoay nhà báo Hậu như “chong chóng”. Sự thay đổi tội danh ấy thể hiện điều gì? Năng lực yếu kém? Sợ bồi thường? Trả thù cá nhân? Hay là một cái “tát” nhằm cảnh tỉnh những nhà báo, công dân có tư tưởng “chống tiêu cực” trong “phòng chống tham nhũng” - Nên nhớ, nhà báo Hữu Hậu là một nhà báo có tâm và có tài đã điều tra, phản ánh, phanh phui nhiều vụ tiêu cực “cộm cán” ở địa phương – với hàm ý, hãy noi gương nhà báo Đoàn Hữu Hậu đấy, cây “ngay” cũng sẽ bị bẻ cho “cong”?.

Xưa, thời phong kiến, ông cha ta có câu “bộ Binh, bộ Hộ, bộ Hình/Ba bộ đồng tình bóp vú con tôi” nhằm phê phán sự thối nát trong “công đường” khi xét xử con người. Sự thối nát ấy tưởng đã “triệt tiêu”, nhưng hóa ra nó vẫn còn tồn tại trong xã hội ngày nay, điển hình là trong vụ án nhà báo Đoàn Hữu Hậu, mà qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, ai cũng biết, không cần phải nêu lại cho dài dòng.

Trong phiên tòa phúc thẩm ngày 10/06/2014 tại Tòa án Nhân Dân Tối Cao TP Hồ Chí Minh, Hội đồng xét xử nhiều lần gợi ý “xin kháng cáo giảm nhẹ”, bị cáo đã 3 lần trả lời là “xin được xem xét không phạm tội”.

Một vị Hội thẩm đã nói là “Bị cáo không phạm tội thì cả hệ thống pháp luật ở Kiên Giang không ra thể thống gì cả, phải bồi thường cho bị cáo à?” Có nghĩa là bị cáo vô tội, thì các Cơ quan Tố tụng ở Kiên Giang mất danh dự và phải bồi thường.

Một vị lại nói “Nếu không phạm tội lừa đảo, thì có dấu hiệu phạm tội “chạy án”. Nghĩa là đường nào cũng phải có tội. Nhận tội đi để được giảm nhẹ.”

Thực sự, bản thân nhà báo Đoàn Hữu Hậu, các luật sư và người dự đều đi từ ngạc nhiên đến bất ngờ và cuối cùng là phẫn nộ trước phát ngôn có thể nói là “trơ trẽn” đến “lật ngửa quân bài” của thành viên tham gia xét xử đối với nhà báo Đoàn Hữu Hậu. Và, xin được bóc tách, phân tích từng vấn đề. 

Ở vấn đề thứ nhất, Hội đồng xét xử nhiều lần gợi ý “xin kháng cáo giảm nhẹ”. Mỉa mai thay cái từ “gợi ý”! Gợi ý hay là “mớm cung” đây? Có lẽ từ “mớm cung” thì phù hợp hơn, bởi, họ “mớm” để nhà báo Đoàn Hữu Hậu chấp thuận theo ý đồ, kịch bản mà họ đã dựng sẵn. Nực cười là bị cáo có phạm tội lừa đảo đâu mà xin kháng cáo giảm nhẹ!

Ở vấn đề thứ hai, một vị Hội thẩm đã nói là “Bị cáo không phạm tội thì cả hệ thống pháp luật ở Kiên Giang không ra thể thống gỉ cả, phải bồi thường cho bị cáo à?”. Câu nói này đã khẳng định hệ thống pháp luật ở Kiên Giang không ra thể thống gì cả, ẩn trong hàm ý ấy là hệ thống pháp luật Kiên Giang rất non kém về nghiệp vụ chuyên môn hay chuyên quyền lộng hành độc đoán? Chính vì “không ra thể thống gì” nên mới phải “bảo vệ cái hệ thống không ra gì ấy” để giữ danh dự, để khỏi “bồi thường” để “bảo vệ nội bộ” - mà các vị cũng biết rồi đấy, bảo vệ nội bộ là mục tiêu sống còn của một cơ quan, đơn vị - mà muốn bảo vệ “hệ thống không ra thể thống gì ấy” thì bắt buộc nhiều lần phải “mớm” “xin kháng cáo giảm nhẹ” để đưa con người ta vào tù. 

Thâm độc và trắng trợn hơn là ở vấn đề thứ ba, Một vị lại nói “Nếu không phạm tội lừa đảo, thì có dấu hiệu phạm tội “chạy án”. Nghĩa là đường nào cũng phải có tội. Nhận tội đi để được giảm nhẹ.” Câu nói này đã chứng tỏ cơ quan công quyền cố tình quy kết, ép nhà báo Đoàn Hữu Hậu phải có tội bằng mọi giá, tức là quyết tâm đẩy nhà báo Đoàn Hữu Hậu vào bước đường cùng để bảo vệ “cả hệ thống pháp luật ở Kiên Giang không ra thể thống gì”. Như thế, nhà báo Đoàn Hữu Hậu có lòng quyết tâm sắt đá đến mấy trong việc đòi công lý cho mình cũng đành phải bất lực mà chấp nhận sự thật phũ phàng. 

Đến đây, ta thấy, cái “Lí” cũng đã không còn. Sự chí công vô tư, thượng tôn pháp luật đã bị “bóp méo”, bị “chà đạp”. Nơi “bấu víu” nhằm minh oan, làm sáng tỏ sự việc, trả lại công bằng cho bản thân của nhà báo Đoàn Hữu Hậu đã bị dập tắt trong đau đớn, tủi nhục. Còn gì đau đớn, xót xa hơn khi danh dự, phẩm chất, cuộc sống của mình bị chà đạp, bị “bức tử”. Và ta nhận ra rằng, thân phận một con người thật mong manh, yếu ớt trước một thế lực “vô hình”.

Đứng trước cái điều “TÌNH, LÍ BỊ BÓP NGHẸT” nhà báo Đoàn Hữu Hậu đành phải ngậm ngùi chấp nhận bản án mà người ta đã ép mình vào trong đau đớn. Anh đành phải chấp nhận thôi, bởi anh cũng đã quá mệt mỏi lắm rồi. Hai năm qua, anh luôn phải sống vạ vật qua ngày vì cái án cứ lơ lửng ở trên đầu mà chẳng thể làm gì có thu nhập để giúp vợ con; anh đành phải chấp nhận thôi, bởi nếu hủy án, điều tra lại thì lại phải mất nhiều năm nữa mà không biết “công lý” có trở về với mình không, trong khi đó tuổi của anh đã lớn, chẳng lẽ cứ theo đuổi mãi để “đốt tuổi thanh xuân” của mình đi hay sao? Đành chấp nhận thôi! Một năm tù như một cơn gió thoảng để chấm dứt, kết thúc chuỗi tháng ngày cay đắng, cơ cực, bất công còn hơn là ăn chực nằm chờ trong vô vọng. 

Vì sao nhà báo Đoàn Hữu Hậu bị truy xét đến cùng?

Viết báo

Đoàn Hữu Hậu đã từng kinh qua là nhà văn, nhà giáo, nhà báo, nhà đài. Một người có tài, nhưng ông Hậu không được trọng dụng, cất nhắc lên chức vụ cao, vì ông không phải là Đảng viên CSVN. Chức vụ cao nhất của ông chỉ là Hiệu trưởng trường PTCS, Trưởng Văn phòng đại điện báo Gia đình & Xã hội tại ĐBSCL. Người ta biết đến ông như là một kẻ “khắc tinh” của tiêu cực, tham nhũng. Trong sự nghiệp làm báo của mình, ông luôn viết về đề tài chống tiêu cực, với nhiều bút danh như Thế Hiển, Hoàng Hà, Kim Ngân, Hoài Hận… cho nhiều tờ báo. Giới trong nghề khẳng định rằng ông Hậu chỉ biết viết chê, chứ không khen. Thật vậy xem lại các bài viết, chưa thấy ông khen ai, những bài của ông trên báo, chỉ toàn “chửi” là chửi.

Có thể dẫn ra đây một vài ví dụ. Loạt bài phóng sự điều tra “Trung tâm thương mại An Minh – Làm đâu sai đó” phản ảnh về việc chính quyền huyện An Minh tỉnh Kiên Giang giải tỏa quy hoạch xây dựng Trung tâm thương mại. Trong khi chính sách đền bù, tái định cư không thỏa đáng, dân chúng kêu ca, khiếu nại nhiều nơi, sự việc kéo dài. Mà người chỉ đạo “sát sao” trực tiếp là ông Phạm văn Bảy – Bí thư huyện ủy. Sau loạt bài đó, Thanh tra và các ban ngành liên quan cấp tỉnh về kiểm tra, xử lý. Kết quả là ông Phạm văn Bảy bị cách chức Bí thư huyện ủy, về Văn phòng tỉnh ủy “rộng” một thời gian, vài năm sau mới “ngoi” lên chức Phó Văn phòng Tỉnh Ủy, rồi Phó Ban Nội chính tỉnh.

Loạt bài kế tiếp là “Dự án lấn biển ở Rạch Giá” Kiên Giang. Trong quy hoạch, giải tỏa đền bù… có quá nhiều bất cập, dân chúng kêu ca. Nhà nước chỉ bồi thường 1 m2 đất chỉ 8.200 đồng, chỉ bằng 1 ly cà phê, trong khi rao bán 2 triệu đồng/1m2. Dân chúng kéo nhau khiếu nại tận Trung ương, không ai giải quyết. Họ chạy đôn chạy đáo nhờ các Phóng viên “báo lớn” như Nhân dân, Thanh Niên, Pháp Luật… cũng chẳng ai chịu đăng. NB Đoàn Hữu Hậu đã viết một loạt bài phóng sự điều tra “Lấn biển hay lấn đất của dân?”. Loạt bài này được một số báo mạng, Đài phát thanh nước ngoài “ăn theo” làm nổi đình nổi đám. Sau đó Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc và đã xử lý thích đáng. Ông Bùi Ngọc Sương – Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang bị kỷ luật cảnh cáo Đảng về việc triển khai sai phạm, không đúng quy trình Dự án, cùng với việc ký miễn thuế sử dụng đất cho Ngân Hàng Phát triển nhà ĐBSCL làm thất thoát 4 tỷ đồng, mức kỷ luật khá nặng nề đối với một vị Chủ tịch tỉnh. Sau đó ông bị điều về làm Phó Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ (http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Phap-luat/248223/ky-luat-canh-cao-dang-chu-tich-ubnd-tinh-kien-giang.html).

Còn rất nhiều loại bài viết như thế, với những títle hơi bị “shock” như: “Có hay không sự tiếp tay để lừa đảo?” “Người dân khổ vì đất”, “Biết sai nhưng không sữa”, “Người phụ nữ nhiều năm kêu oan cho chồng không được giải quyết”… Còn rất nhiều loại bài như thế . Có lẽ vì vậy mà “gây thù chuốc oán” với cái đám quan tham. Và biết đâu hai ông Quan này lại không ra tay khi có cơ hội.

Viết văn

Đoàn Hữu Hậu có in một tập truyện ngắn “Khoảng giữa cuộc đời” vào năm 2011, do Hội Văn nghệ TP Hồ Chí Minh xuất bản, gồm 10 truyện ngắn. Đọc truyện ngắn của ông tôi thấy có cái gì đó “gai góc” rất khó chịu. Nhiều người nói, viết vậy mà sau nhà xuất bản lại duyệt cho in. Không hiểu có phải vậy không, nhưng tôi thấy lạ, lạ từ cốt truyện đến cách viết… không giống như lối viết truyền thống. Vào thì vào ngang, Kết thì kết lửng. Ai muốn nghỉ sao thì nghỉ. Mà mỗi truyện đều là đả kích, châm biếm, phê phán…Nhưng phải nhìn nhận rằng mỗi truyện là một mảng của cuộc sống, là một lát cắt, hiện thực và sâu sắc. Và chung quy là phản ảnh xã hội với một “màu xám”. Đọc hết tập truyện ngắn Đoàn Hữu Hậu người ta có cảm giác hình như chuyện này xảy ra ở đâu đó, và hình như có mình trong đó. http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacgia&action=detail&id=717

Và “tác dụng” của nó

Ngay sau khi CQĐT khởi tố, thì từ ngày 16/4/2012 đến 21/4/ 2012 có đến gần 30 tờ báo, vừa báo giấy vừa báo mạng, tung tin, có tính miệt thị, đọa mạng, bôi nhọ ông. Như là một cơ hội, họ thi nhau nhục mạ, để dẹp đi thằng “nhà báo khùng”, một cách không thương tiếc. Có báo đưa tin với tít cái rất “kêu” như: “Khởi tố đối tượng giả danh hội viên nhà báo lừa đảo”. Báo Lạng Sơn một ờ báo của tỉnh Lạng Sơn xa tít ở cực bắc, cũng đăng tin ông Hậu “lừa đảo”, ở một tỉnh cực Tây Nam đất nước. Nói chung cả hệ thống báo chí trong nước đều “chĩa mũi dùi” về ông. Kể cả các Tòa soạn các báo ông từng tham gia, cũng “ngoảnh mặt” với ông. Họ là ai? Đó là những đồng nghiệp của ông, kẻ mà bị “lép vế” bởi những bài viết của ông. Vì những tay bút này chả này ra làm sao, viết theo kiểu tâng bốc, khen ngợi gượng gạo,… Ai biểu ông viết hay, ai kêu ông chống tiêu cực?... Tất nhiên cũng có sự ủng hộ của Ban biên tập, của Tổng biên tập. Nhưng chuyện đời “Chìm xuồng mạnh ai nấy lội”. Người ta sợ liên lụy, sợ bị mất chức, mất việc, nên đành im lặng “chết ai nấy chịu”. Và nếu như bị buộc trách nhiệm liên đới, có thể lãnh đạo của ông sẽ nói rằng “Ông Hậu đã nghỉ làm việc cơ quan trước đó 1 ngày”. Như thường xảy ra ở một số báo, đài trước đây.

Ai cũng biết là báo chí Việt Nam được kiểm duyệt chặt chẽ như thế nào. Phải qua nhiều “ngỏ ngách” và người viết phải có nghệ thuật “lách” thì mới “qua” được. Thật tình nếu NB Đoàn Hữu Hậu là tay viết “xoàng”, a dua, ba phải, thì chả ai để ý, ăn thua đến ông ấy làm gì. 



Mãi cho đến khi Tòa án Tối cao xử phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của Tòa án tỉnh Kiên Giang, thì báo các báo “chính thống” như Công Luận, Người cao tuổi mới lên tiếng thanh minh cho ông.


Với những tình tiết như trên đã nêu, khiến dư luận đặt vấn đề. Phải chăng đây là một sự trả thù, để trừ khử đi kẻ “bất trị” chuyên đi “moi móc” việc làm của các quan?. Loại ra khỏi “cuộc chơi” kẻ viết không giống ai?

Sau khi ra tù, NB Đoàn Hữu Hậu đã tiếp tục yêu cầu Giám đốc thẩm - Tòa án Nhân dân Tối cao. 

Tuy nhiên tôi cũng không yên tâm, vì một khi họ đã cố tình truy xét, với hệ thống Tư pháp như hiện nay, nhà báo Đoàn Hữu Hậu khó có thể “thoát nạn”. Chỉ có phép nhiệm mầu nào đó mới cứu được ông ấy. 

Hội đồng Giám đốc thẩm TATC có đủ can đảm, nghị lực để hủy Bản án phúc thẩm oan sai ngút trời kia không? Điều này chưa có tiền lệ. Nhưng cũng hy vọng, dù là chỉ trong một thoáng nghỉ qua. Chúng tôi những người cầm bút cho Báo Nhà nước, một thời “ theo Đảng”, đã quá nhàm chán, đầy thất vọng với những lời hô “Chống tiêu cực, tham nhũng”. Chống ai, để rồi bị trả thù, lãnh một Bản án phi lý như NB Đoàn Hữu Hậu. Ai có còn tin vào hệ thống pháp luật Nhà nước, có còn tin ở Cơ quan xét xử Tối cao. Vụ án của Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, bị tù đày oan sai hàng chục năm trời, Tòa chỉ chịu nhận sai, khi thủ phạm đã ra đầu thú chịu tội. Còn những vụ án “án nhỏ” như Đoàn Hữu Hậu, có lẽ “chuyện nhỏ” để cho qua. 

Một công dân bị mang án oan sai, đến chết không nhắm mắt, cho dù là bị tù treo. Bời lệ lụy nặng nề và tàn nhẫn của nó. Một lời xin lỗi của Cơ quan làm sai, quá nhẹ nhàng, không đầy 5 phút, mà có thể giải tỏa nỗi đau đớn dằng dặc, cứu một con người oan sai và gia đình họ. Hội đồng Giám đốc thẩm - TATC hãy can đảm lên- Nên làm lắm.

Qua đây tôi cũng xin có lời cảm phục ông Hậu, có lời khuyên ông cố gắng giữ gìn sức khỏe, để còn tiếp tục chiến đấu. Và cũng xin được cảm ơn quý báo đã chuyển thông tin về “vụ nhà báo Đoàn Hữu Hậu để dư luận hiểu thêm, thực chất về nhà báo Đoàn Hữu Hậu ./.

Những tài liệu liên quan


Hết





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo