K’Tem (Danlambao) - Lần đầu tiên nhìn hình em Nguyễn Viết Dũng bước ra khỏi trại trong chiếc áo trắng có hình chiếc cờ VNCH trên góc túi, tự nhiên xúc động mạnh, nước mắt ứa ra. Ngồi thật lâu để trải lòng mình với một người mà khoảng cách thế hệ được nối liền bằng ý nghĩa của màu cờ. Và đến khi nhìn hàng chữ xâm trên cánh tay, mà phần sau của bài cho biết là của em, thì mới thấy dấy lên trong lòng sự hổ thẹn. Hổ thẹn không phải vì mình làm điều gì xấu xa, tệ hại, nhưng trước sự biểu lộ tinh thần bất khuất, một thái độ thách thức và đối diện, một người thuộc thế hệ đàn anh cảm thấy mình nhỏ bé, và nhỏ bé hơn nữa chưa giúp gì cho em.
Biết mấy ngày này là thời gian em mãn hạn tù, muốn viết cho em đôi giòng, nhưng sợ những gì mình biểu lộ với em sẽ làm bọn VC căm tức mà kéo dài ngày tù tội của em. Buổi sáng tìm đọc tin tức, biết em chưa về - hy vọng là ngày mai như người nhà và bạn bè em nói - rồi chờ đợi. Sáng hôm nay em về thật. Mừng.
Nguyễn Viết Dũng bước ra khỏi nhà tù với thần sắc cương nghị, tự tin và bất khuất. Em không còn là người thư sinh trong chiếc áo field jacket của người lính nhảy dù trong cuộc biểu tình năm xưa, mà giờ đây em là một người thanh niên điềm tĩnh, tự tin và mạnh mẽ bước ra khỏi vòng rào sắt, vất ngục tù sau lưng. Ngày xưa em là người thư sinh biểu lộ một thái độ. Ngày nay em là người thanh niên cương nghị toát lên phong cách của con người được trang bị với niềm tin, chuẩn bị đương đầu và đối phó. Thái độ năm xưa đã trở thành niềm tin và ý chí. Em đã ‘LỚN’ (không muốn dùng chữ vĩ đại mà bọn CSVN đã làm ô uế).
Hình ảnh em hôm nay chợt gợi lại hình ảnh người thanh niên “vô danh” đứng đối đầu trước hàng xe tăng cạnh quảng trường Thiên An Môn năm nào. Và hôm nay trước hình bóng em như thế, chắc chắn nòng súng sẽ hạ xuống, và chiếc xe tăng cũng phải thụt lùi, nếu có một cuộc đương đầu tương tự. Anh tự hỏi liệu người sinh viên ở Thiên An Môn năm xưa có được cái thần thái của em hôm nay.
Hàng chữ trên cánh tay em sắc, mạnh hằn trên da thịt và giòng máu nóng, mang cái hồn ‘SÁT THÁT’ của chiến sĩ nhà Trần đối với quân Nguyên và trên cánh tay em hàng chữ ấy cũng cuồng cuộn sóng Bạch Đằng. Trong cái hồn ấy có tiếng nói dõng dạc của tiền nhân “Ta thà làm quỷ nước Nam chớ không thèm làm vương đất Bắc”.
640 năm sau, bằng tinh thần bất khuất ấy, cũng có một thanh niên, cũng khoảng tuổi em đã từ bỏ con đường học hành mà thực dân Pháp rộng mở, để trở thành người anh hùng trẻ tuổi trong lịch sử đánh đổ thực dân của nước nhà - anh hùng Nguyễn Thái Học. Người anh hùng theo lẽ thường tình có thể tiếp tục con đường học vấn để ra làm việc cho Pháp. Nhưng không, ông đã đứng về phía dân tộc mà cùng lập ra và lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng (và chết dưới lưỡi máy chém với tiếng hô Việt Nam muôn năm chứ không phải VNQD đảng muôn năm).
Ngày nay, dưới chế độ CS này có người thanh niên Nguyễn Viết Dũng, từ bỏ Đại học Bách Khoa Hà Nội, từ bỏ hứa hẹn một công việc sau khi ra trường dành cho học sinh giỏi, như biết bao sinh viên mơ ước “trên con đường lên đỉnh Olympic” mà chế độ CS treo trước đầu dây. Em đứng dậy khước từ những hứa hẹn mà chế độ dối trá mang lại mà đứng lên cho một ý thức mới, một nhận thức mới. Em xiển dương và mang lại trên người giá trị Việt Nam Cộng Hòa. Cái giá trị mà CSVN muốn vùi dập và tốn bao nhiêu công sức để tuyên truyền tô vẽ 41 năm nay bằng những điều xấu xa mà ngày nay những tô vẽ xấu xa ấy chính là sự bạch hóa ngược lại những xấu xa của chế độ CSVN và đám lãnh đạo của nó. Thái độ thần phục TC của CSVN, mà em chống đối, là thái độ của kẻ tay sai. Hành vi cho phép TC thâu đạt lợi ích của chúng trên quê hương và biển đảo, mà em chống đối, là hành vi của kẻ bán nước. Để mất phần lãnh thổ và biển đảo mà cha ông để lại, mà em cùng bạn bè vạch ra, là tội lớn của một chính quyền ươn hèn. Lợi dụng chức quyền để làm giàu trên cuộc sống nghèo khổ khó khăn của nông dân và công nhân là hành động của kẻ bóc lột. Biểu tượng Việt Nam Cộng Hòa mà em mang trên người chính là sự chống đối cho điều dối trá của CSVN. Trước sự dối trá này Việt Nam Cộng Hòa tỏa sáng. Nếu không có chiến tranh cuộc sống dưới thời VNCH so với cuộc sống mà CSVN mang đến ngày hôm nay chính là nơi để sống.
Mang trên người biểu tượng VNCH là một thái độ. Nhắn gởi với mọi người rằng “Government should be afraid of people” là một trách nhiệm của người công dân hôm nay. Người công dân phải dành lại quyền lực về tay mình và trước cái chế độ tệ hại tay sai, bán nước hà hiếp dân và trộm cắp của dân này phải làm cho chúng sợ để chúng chùng tay.
Người sinh viên năm nào bước vào nhà tù và lừng lững bước ra thành một con người của công dân và của đất nước không CS. Ngưỡng mộ em và hy vọng gặp em.
* Lẽ ra bài này được gởi ở phần comment dưới tin em Nguyễn Viết Dũng ra tù, nhưng vì e bài dài quá nên gởi thành một bài riêng
(13/04/2016)