Đại Nghĩa (Danlambao) - Việt Nam một đất nước đang phát triển, rất cần sự đầu tư của nước ngoài, vì thế nhà cầm quyền đã trải thảm đỏ mời thỉnh các doanh nhân tư bản vào, bất chấp sự thiệt hại về sinh mạng của người dân, về chủ quyền của đất nước, trong đó có sự tiếp tay của một số không nhỏ quan chức tham nhũng.
Theo ông Phạm Khánh Ly-Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết sau khi nhận được báo cáo cá chết hàng loạt ở miền Trung, ông cầm đầu phái đoàn vào làm việc, nhưng ông phân trần:
“Việc kiểm tra các nhà máy khu công nghiệp Vũng Áng chúng tôi không thể vào được, một là phải có ý kiến của UBND tỉnh Hà Tĩnh, hai là phải có công an vào cuộc, chứ đoàn chúng tôi không thể vào được khu công nghiệp.
Vì đây là khu công nghiệp lớn của quốc gia, phải có chỉ đạo từ Trung ương xuống hoặc phải có sự chỉ đạo từ ngành dọc”. (Motthegioi online ngay21-4-2016)
Về đường ống thải dẫn từ công ty Formosa ra biển bằng một ống thoát nước ngầm sâu, có đường kính 1,5m, dài 1,5 km. Đường ống dẫn nước thải này được ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN&MT đã phát ngôn bao che:
“Về đường ống khổng lồ” mà báo chí thông tin, thực tế đường ống này đã được cơ quan chức năng biết và cho phép đơn vị đặt, nước thải ra đã được xử lý theo chuẩn mới được xả ra biển. Việc làm đường ống xả ngầm nước thải đã qua xử lý hết sức bình thường. Quy trình xử lý này có máy giám sát tự động.”
“Trong khi trước đó, trả lời PV, ông Hoàng Dương Tùng-Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT khẳng định, đến nay, Formosa chưa được cấp phép xả thải xuống biển. Hiện các cơ quan chức năng của Bộ vẫn đang tiến hành các bước thủ tục kiểm tra, thẩm định cần thiết. Nếu hệ thống xử lý nước thải, xả thải đạt tiêu chuẩn mới được cấp phép hoạt động”. (Petrotimes online ngày 24-4-2016)
Thế là ông nói gà, bà nói vịt.
“Về việc Formossa có được phép xây dựng hệ thống xả thải ngầm hay không, Bộ trưởng Hà khẳng định: ‘Đối với pháp luật Việt Nam thì hệ thống ống xả thải mà lấp đặt ngầm là không cho phép. Chúng tôi đề nghị có biện pháp để giám sát, tiếp cận và quan sát hệ thống này”. (Vietnamnet online ngày 28-4-2016)
Theo một ngư dân tên Nguyễn Xuân Thành lặn bắt cá chỗ ống xả thải của Formosa kể lại cho mọi người nghe đồng thời trình báo đồn biên phòng Đèo Ngang (TX Kỳ Anh) rồi thì “Kình ngư ‘mất tích’ sau công bố về ống xả thải của Formosa”. Tẩu tán nhân chứng, người Việt Nam không còn lạ gì trò “bịt mắt thủ tiêu” của Vẹm thường làm trong thời “kháng chiến”.
“Hay tin về việc phát hiện ra ống thải này, rất nhiều phóng viên báo chí đã tìm đến anh Thành để tìm hiểu nhưng không thể gặp được. Theo lời người thân và hàng xóm, anh Thành đã rời khỏi nhà và rất khó để tìm cách liên lạc được với anh ấy, dù là qua điện thoại”. (Motthegioi online ngày 23-4-2016)
Việt Nam Net vào cuộc “1 thợ lặn Formosa tử vong, 5 người nhập viện”.
“Đại diện nhà thầu cho biết, thợ lặn tử vong là ông Lê Văn Ngày (quê Khánh Hòa). Ông Ngày và một số thợ lặn của công ty Nibel (thi công để chắn sóng cho Formosa) gặp vấn đề sức khỏe nên công ty Sam Sung cho đổi thợ lặn này nghỉ một tuần.
Khoảng 4h30 chiều qua, khi đang ngồi chơi thì bất ngờ ông Ngày lên cơn co giật. Sau khi sơ cứu, mọi người chuyễn ông lên bệnh viện Ba Đồn cấp cứu. Tuy nhiên ông đã tử vong trên đường đi”. (VietNamNet online ngày 27-4-2016)
Ngoài cái chết bất đắc kỳ tử của anh Ngày:
“Bên cạnh đó, hai thợ lặn khác của ông ty Nibel chia sẻ với phóng viên VTC: ‘Em làm nghề lặn trên 10 năm rồi, từ khi cá chết, cảm thấy trong người mệt, ê ẩm, đau xương, đau đầu, tức ngực, khó thở…sau khi em bị phổi, khó thở, công ty chuyển đi nơi khác”. (Petrotimes online ngày 25-4-2016)
Người Đưa Tin online cho hay: “Vụ cá chết trắng: Chất độc Formosa nhập có sức hủy diệt kinh khủng”.
“Qua tìm hiểu, từ đầu năm đến nay, Formosa đã nhập 297 tấn hóa chất vào Việt Nam phục vụ quá trình thi công và chuẩn bị vận hành nhà máy.
Báo Tuổi Trẻ cũng đã có được danh sách 45 loại hóa chất mà Formosa nhập về để xử lý chất thải, xúc rửa đường ống xả thải…
Giáo sư Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường (ĐH Công nghiệp TP.HCM) cũng nêu rõ, tất cả 45 chất đó, trừ một số chế phẩm vi sinh cần xem lại thì hầu hết là chất độc và cực độc”. (Nguoiduatin online ngày 25-4-2016)
Thử xem qua thành tích hãi hùng của bọn tài phiệt Formosa trước đây ở Campuchia thế nào, nhà cầm quyền CSVN ăn cái thải gì mà nhắm mắt trải thảm đỏ rước “thần tử” vào nhà trong khi “Campuchia từng ‘gửi trả’ Formosa chất độc”.
“Hồi năm 1999, chính quyền Campuchia đã kỷ luật hàng chục quan chức và gửi trả hàng nghìn tấn chất độc mà Formosa Plastics tống sang cảng Sihanoukville…
Sự việc xảy ra từ ngày 4 đến 6 tháng 12/1998, khi Formosa cho đem sang cảng Sihanoukville khối chất thải nhiễm độc, và gây nhiễm độc cho nước biển, đất ven bờ và cả người dân địa phương…
Chính Cơ quan Bảo vệ Môi trường Đài Loan (EPA) đã nhận được đơn của Formosa xin phép đem 5.000 tấn chất thải chứa thủy ngân sang Campuchia nhưng bác đơn này.
Dù vậy, vào tháng 12/1998, tàu container Chang Shun từ Đài Loan đã vào cảng Sihanoukville và đem đến 2.799 tấn chất thải.
Pich Sovann, một công nhân khuân vác ở cảng đã chết ngày 16 tháng 12 chỉ vì tham gia đổ khối hàng xuống…
Sau đó có thêm một người đàn ông nữa chết sau khi tìm kiếm đống rác có chất thải hàng Đài Loan đổ ra”. (BBC online ngày 25-4-2016)
Tên Chu Xuân Phàm, trưởng văn phòng Formosa tại Hà Nội đã trả lời một cách trịch thượng khi phóng viên báo Tuổi Trẻ hỏi ông ta về việc thiệt hại tôm cá quanh vùng ống xả thải của Formosa thì ông ta nói nguyên văn:
"Tôi công nhận việc xả thải là ít nhiều có ảnh hưởng đến môi trường, nước xả thải là nước ngọt khi xả thải ra hòa lẫn với nước biển chắc chắn làm thay đổi môi trường, cá tôm ít đi là điều đương nhiên.
Trước khi xây dựng nhà máy này thì công ty phải xin phép Nhà nước VN. Nhiều khi được cái nọ mất cái kia, đây là tôi nói thật lòng. Hôm nay nhà nước mình muốn cho ngư dân đánh bắt ở đây hay là chọn cái nhà máy thép ở đây, đương nhiên Nhà nước phải có sự cân nhắc…
Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được". (TuoiTre online ngày 25-4-2016)
Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng rõ ràng đã chọn nhà máy. Trong khi dư luận râm ran về việc cá chết thì ông Trọng lại đến Hà Tĩnh thăm công ty Formosa, không đá động gì đến nhân dân và tôm cá chết ở đây khiến dư luận vô cùng “bức xúc”. Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh viết:
“Tiến độ nhanh chậm của dự án Formosa thì ảnh hưởng bao nhiêu lắm và trực tiếp gì đến dân sinh mà phải kiểm tra. Nó là doanh nghiệp tư nhân, nó làm chậm thì nó bị thiệt hại nên tự nó cong lưng lên mà làm cho nhanh, cần gì ông phải đến đôn đốc…
Trong khi cá chết hàng loạt, ông không lo đôn đốc quân lính của ông đi kiểm tra nguyên nhân hầu ngăn chận kịp thời cho dân nhờ”. (VOA online ngày 29-4-2016)
Nhà cầm quyền CSVN đã cố tìm cách biện bạch bao che, không dám tìm ngay nơi xuất phát nguyên nhân làm cá chết để có cách ngăn ngừa thiệt hại cấp thời mà cứ lòng vòng để cho kẻ phạm tội kịp thời phi tang nhân chứng, vật chứng.
Buổi họp báo mà toàn dân mong đợi, rốt cuộc tân Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cáo bận dù thông báo trước đó buổi họp do ông ta chủ trì.
Nực cười họp báo theo kiểu chạy tang. Nhà cầm quyền CSVN ngày nay ăn phải chất thải của Formosa cho nên từ trên xuống dưới không ai dám tiếp xúc với người dân, không ai có can đảm trả lời lý do cá chết ở 4 tỉnh miền Trung. Đảng CSVN đưa một con chốt đứng ra chịu đòn đó là Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, nhưng rồi ông ta cũng ấm ấ hội tề, cũng chạy làng với “Một buổi họp báo lạ lùng”.
“Trên thực tế thì tận 20h, cán bộ của Bộ TN&MT mới bước vào phòng họp và Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cầm văn bản chuẩn bị sẵn độc một mạch trong vòng hơn 5 phút.
Đọc xong, ông đi thẳng ra khỏi phòng họp báo mà không cho phóng viên cơ hội hỏi thêm một câu nào. Tất cả diễn ra trong vòng chưa tới dăm bảy phút…
Tài liệu do Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cung cấp cũng rất sơ sài và gần như…không có thông tin gì”. (Petrotimes online ngày 28-4-2016)
Ông Võ Tuấn Nhân đã tỏ ra sợ hãi và luýnh quýnh cắt ngang khi một nữ phóng viên đặt câu hỏi “Cá nhiễm kim loại nặng crom trong nước biển Lăng Cô cao gấp 9 lần mức cho phép”, ông Nhân cho rằng hỏi câu ấy "làm tổn hại đất nước”.
“Nghe tới đây, ông Võ Tuấn Nhân khoát tay ra hiệu dừng lại và nói: ‘Tắt máy. Tắt máy nghe. Xin lỗi. Không, không, để anh nói riêng với em. Đừng hỏi câu đó. Hỏi câu đó tổn hại cho đất nước của mình. Nhá. Em hỏi câu đó làm tổn hại cho đất nước của mình”. (DanLamBao online ngày 28-4-2016)
Cho đến nay, Bộ TN&MT không dám nhìn thẳng vào nguyên nhân gây chết cá mà loanh quanh bảo rằng do “tảo độc của thủy triều đỏ”. Những chuyên gia và hội nghề cá lên tiếng phản đối:
“Cụ thể, Hội nghề cá Việt Nam kiến nghị nên loại trừ nguyên nhân cá chết do tảo độc vì những biểu hiện đặc trưng của thủy triều do không được ghi nhận trên thực tế như: lượng tảo phát triển gây biến đổi màu nước biển; cá tầng mặt chết hàng loạt và xác tảo trôi vào bờ thành từng mảng lớn, gây ô nhiễm”. (ThanhNien online ngày 28-4-2016)
Theo PGS, TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang thì:
“Thủy triều đỏ chỉ diễn ra trong một thời gian nhất định và hiện nay đã không có gì cả, đó là sự cố về sinh thái chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, không thể chăm chăm vào mà bỏ qua những nguyên nhân khác.
Với kết quả phân tích đến nay thì chưa đủ cơ sở khẳng định hải sản đã an toàn hay chưa và đây là nhiệm vụ quan trọng của các nhà khoa học”. (Vietnamnet online ngày 28-4-2016)
Nhà báo Thanh Ngọc của Petrotimes đã can đảm nói ra sự thật mà nhà cầm quyền CSVN đã tránh né không dám nói sợ phật lòng “thiên triều” khi mà tập đoàn “Formosa đã xây dựng đường ống xả thải sai luật”.
“Với những thông tin như trên và căn cứ theo tài liệu thu thập được, chúng tôi cho rằng, nguyên nhân cá chết ở vùng biển miền Trung do chất ô nhiễm hữu cơ được thải ra từ bờ là có cơ sở nhất và ‘nghi can tiềm năng’ ở đây chính là Formosa.
Sở dĩ chúng tôi đưa ra nhận định này là bởi:
Thứ nhất, suốt dọc bờ biển miền Trung hiện các cơ quan chức năng vẫn chưa phát hiện được bất kỳ một nhà máy, khu công nghệ nào khác có hệ thống xả thải ra biển ngoài Formosa…
Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao Fomosa lại xây dựng đường ống xả thải trái với quy định của luật pháp Việt Nam như vậy? Họ không biết hay cố tình không biết để bưng bít, che giấu việc xả thải ra biển?...
Chúng ta cũng không thể không nhắc đến là Formosa là một tập đoàn có ‘lý lịch đen’ về tàn phá môi trường? Đã bị nhiều quốc gia xử phạt…” (Petrotimes online ngày 29-4-2016).