Chút tâm tình gửi về Quê Hương - Dân Làm Báo

Chút tâm tình gửi về Quê Hương



Hạt sương khuya (Danlambao) - Trong mấy tháng qua, tôi thật bận rộn với nhiều công việc. Từ chương trình "Khúc Tù Ca Hát Cho Việt Khang" đến "Vinh Danh Người Vợ Thương Binh Việt Nam Cộng Hòa". Rồi giới thiệu bộ phim "Máu Lửa Charlie" bút ký chiến trường của Thiếu tá Đoàn Phương Hải. Gần nhất là chương trình văn nghệ đấu tranh 30 tháng 4 tại Đức Quốc. Biết bao công việc dồn dập, khiến tôi không còn thời gian để chia sẻ với các Anh, Chị, Em trên trang nhà Dân Làm Báo. Dù thế nào, vẫn coi đây là nơi tôi gửi gấm những cảm xúc yêu thương của mình với những người anh, người chị, người em có cùng một nỗi đau chung. Nỗi đau của những người con đất Việt đang xé lòng nhìn cảnh quê hương điêu tàn trước họa diệt vong.

Hình như tôi chẳng bao giờ bỏ sót thời gian nào của mình, cho dù bận rộn cách mấy, tôi vẫn luôn theo dõi những tin tức tại quê nhà. Mấy tuần qua, sự kiện Formosa đã khiến người Việt trong và ngoài nước quan tâm, lo lắng đến sự tồn vong của dân tộc. Từ những bài viết cho đến bài thơ, ấp ủ nỗi đau của nhiều năm tháng chất chồng, nay được dịp bày tỏ sự phẫn uất vô bờ bến trước những bất công mà cường quyền đã và đang tiếp tục giày xéo trên nỗi đau của quê hương.

Là một người sinh ra và lớn lên tại vùng biển, từ bé tôi đã quen với sóng nước. Con cá, con tôm đã gắn liền với cuộc sống hàng ngày, tôi hiểu được lẽ sống thiên nhiên mà đất trời đã ban cho con người để sinh tồn. Người nông dân biết yêu quý hạt lúa như thế nào, thì người dân biển cũng yêu quý những con tôm, con cá như món ăn mà thượng đế đã ban cho. 

Nhìn cảnh người nông dân khóc trên mảnh đất khô cằn, nứt nẻ vì thiếu nước từ thượng nguồn đưa về. Nỗi đau chưa nguôi thì nay lại đến vấn nạn cá chết ngập trắng bờ biển lan dần đến sông ngòi, nơi nào cũng thấy cá chết trừng, chết tức tưởi, chết không vì một ý nghĩa cao cả là nuôi sống con người, mà chết vì độc tố bởi dã tâm độc ác của một tham vọng bá quyền. 

Cách đây mấy năm, tôi được hân hạnh diện kiến Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết tại Houston. Một chút duyên hạnh ngộ, anh đã tặng tôi cuốn sách "Tâm Tình Người Con Việt". Từ đó tôi đã bắt đầu lướt qua những trang sách của anh viết về môi trường. Thời gian trước đó, tôi vẫn thường tham dự những buổi thuyết trình của anh trên các trang mạng, cũng như được anh dạy dỗ nhắc nhở tôi rất nhiều về nhân cách sống ở đời. Tôi luôn coi anh là một biểu tượng của một trong nhiều sĩ phu thuộc vùng đất phương Nam. 

Từ cái duyên hạnh ngộ ấy, anh là người đầu tiên nhắc nhở tôi về hiểm họa Trung Cộng, anh nói: TS sẽ thấy Việt Nam không chết bởi chiến tranh quân sự mà sẽ chết do hiểm họa về môi trường nằm trong "Tiến Trình Đô Hộ Việt Nam Của Trung Cộng". "Từ Bauxite đến Uranium"... cuốn sách gồm ba tác giả Mai Thanh Truyết-Trần Minh Xuân- Phan Văn Song đã cho tôi thêm nhiều hiểu biết về môi trường cũng như tham vọng bá quyền của Trung cộng qua sự việc Bauxite mà nhà cầm quyền Việt Nam đã coi như một quyết định của "chính phủ" phải thực hiện cho bằng được, bất chấp sự lên tiếng cản ngăn của nhiều bậc trí thức. Tôi nhớ không lầm sự kiện Bauxite khởi đi từ năm 2006, thời gian ấy TS Mai Thanh Truyết đã hết lòng đem tiếng nói và sự hiểu biết của mình đi khắp nơi, cũng như anh đã bỏ rất nhiều tâm huyết về sở trường học của mình để phân tích không chỉ về hiểm họa của Bauxite mà anh còn gióng lên hồi chuông cảnh báo về hiểm họa môi trường nằm trong sách lược hủy diệt dòng giống Việt qua vũ khí sinh học mà sự tàn phá của nó là những dấu lặng được trộn lẫn trong các ngành về nông nghiệp, hay những chất độc được thải ra từ vụ Vedan xả chất thải ra sông Thị Vải, gây ô nhiễm môi trường vào những năm 1997 làm ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân quanh vùng. Chính anh là người đã phát hiện ra sự kiện trên và cảnh báo đến người dân. Cho đến khi không thể che đậy, nhà cầm quyền mới nhập cuộc và chỉ xử lý một cách hời hợt để an lòng dân, cuối cùng đâu cũng vào đấy, bởi đa số người dân không đủ thông tin và kiến thức để nhận ra sự tác hại về lâu dài vào môi trường sống của con người. 

Khi sự việc Bauxite xảy ra. Tiến sĩ Mai Thanh Truyết đã phân tích cho chúng ta thấy "dự án Tân Rai và Nhân Cơ cùng 6 dự án khai thác quặng mỏ bauxite khác đã được quy hoạch ở Đắk Nông có thể được xem như là DIỆN trước dư luận thế giới và ĐIỂM là chính thức hóa sự hiện diện của người Trung Hoa ở vùng Cao nguyên Trung phần Việt Nam, ẩn tàng một âm mưu chính trị-quân sự của Trung Cộng trong tiến trình tiến chiếm Việt Nam và vùng Đông Nam Á qua não trạng Đại Hán của quốc gia này". Cho đến nay mọi việc đã quá rõ ràng, nơi nào nhà cầm quyền cho Trung Cộng thuê, nơi ấy sẽ kéo theo hàng chục ngàn người Hoa dưới danh nghĩa công nhân, và vùng đất ấy coi như không có sự hiện diện của người Việt Nam kể cả nhà cầm quyền. Nói chính xác thuộc vùng tự trị của Trung Cộng.

Theo nhận định của TS Mai Thanh Truyết, công ty Formosa tuyển 10 ngàn người lao động, nung sắt, trộn than, tạo thép, chưa khai thác, chưa vận hành ngày nào. Một khi nhà máy thép chưa bắt đầu hoạt động, thì làm sao có chất thải nhiều vậy? Tại sao có quá nhiều cá chết như thế? Để trả lời những câu hỏi trên, xin tất cả những ai còn nghĩ đến tiền đồ của dân tộc, hãy bỏ chút thời gian đọc bài viết dưới đây của TS Mai Thanh Truyết, dù chỉ tóm gọn trên vài trang giấy, nhưng đó là cả một sự nghiên cứu của nhiều chục năm trên con đường học vấn của ông, để cho chúng ta thấy được những hiểm họa đang đe dọa sinh mệnh sống của dòng Lạc Việt. Từ cái nhìn rõ hơn ấy sẽ cho chúng ta tìm ra một phương án hành xử đúng với sự kiện đang diễn ra trên đất nước, mà không bị sai lầm bởi truyền thông do nhà cầm quyền đang cố tình che đậy để tiếp tục mị dân, kéo dài thời gian cho Trung Cộng thực hiện mục tiêu bá quyền của chúng.

Tâm tình người viết

Trong quá trình đi tìm cho mình một "ý thức hiện sinh". Ở đây tôi không nói đến "Thuyết Hiện Sinh" thuộc về lĩnh vực Triết học, mang tính "trừu tượng" trong giai đoạn bộc phát về tư duy mang tầm mức ảnh hưởng lớn đối với một số triết gia sau đệ nhị thế chiến. Hơn nữa nó quá cao siêu đối với sự hiểu biết tầm thường của tôi. Với tôi... "Ý thức hiện sinh" chỉ đơn thuần là nếp sống hiện thực, qua những việc làm cụ thể, không mơ hồ, không ảo tưởng, mang một ý niệm trong sáng dựa trên nền tảng Đạo đức - Nhân bản của Ông Cha mà tôi đang cố gắng gột rửa những mảng đen trong ý niệm sống của đời thường mà bản thân đã vô tình nhiễm phải. Từ đó đã cho tôi một cái nhìn thoáng hơn, vị tha hơn đối với cuộc chiến tranh nếu đặt nó ở một vị thế về "Ý thức hệ" (Thay vì đúng tên gọi của nó là cuộc chiến tranh xâm lược cho mục tiêu Cộng sản hóa toàn cầu được khởi đi từ Cộng sản Bắc Việt). Cho đến nay sau 41 năm nắm quyền điều hành đất nước, dù trên danh nghĩa "giải phóng" thì những gì đã và đang xảy ra, đủ cho chúng ta thấy sự bất lực của họ trong việc điều hành đất nước, chứ chưa nói đến sự hèn hạ bán nước, hại dân qua nhiều chính sách mà nếu có một tòa án lương tâm được mở ra thì họ sẽ bị xét vào tội diệt chủng. 

Trong tâm tình của một người con Việt sau 41 năm nhìn lại. Tôi muốn nhắc lại một lần nữa, rồi thôi. Tất cả sẽ chôn vào ký ức như một bài học cho chính bản thân, để từ đó mở ra một lối thoát mới cho dân tộc, hầu mong còn kịp cứu vớt đất nước này trước thảm họa diệt vong.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi đất nước hoàn toàn rơi vào tay Cộng sản bắc Việt, ngoài những kẻ ăn cơm Quốc gia thờ ma cộng sản, hoặc những kẻ xu thời, nịnh hót... tôi tin chắc không có một người dân miền Nam nào chào đón sự hiện diện của "quân giải phóng" trong niềm vui "thống nhất". Người ta vỗ tay cho một nền hòa bình gượng ép và giả tạo hơn là sự mong mỏi như những gì mà "quân giải phóng" đã tuyên truyền. Những tiếng nói chân thật từ đáy lòng ngày càng rõ nét, dù muộn màng nhưng cũng đủ để kịp nhận ra chân giá trị của Sự Thật, cho dù có bị bóp méo thế nào thì sự thật muôn đời vẫn là chân lý. Thử hỏi lại những người lính bộ đội ngay từ những ngày đầu, khi bước chân vào thủ đô Sài Gòn cảm nhận của họ như thế nào, tôi tin chắc ngay chính bản thân của họ đã phải kinh ngạc đến quê mùa tội nghiệp mà chúng ta có thể nghe qua những lời bộc bạch của nghệ sĩ Ái Vân trong tự truyện "Để gió cuốn đi". Hay đau đớn hơn nữa là nhà văn Dương Thu Hương, một đảng viên Cộng sản đã bật khóc khi chứng kiến một xã hội miền Nam sung mãn về vật chất, phong phú và đa dạng về tinh thần. 

Một không khí chết chóc, khủng bố tinh thần trong những ngày đầu "giải phóng". Đã là giải phóng thì tại sao người miền Nam lại phải sống trong nỗi lo sợ hãi như vậy? Điều đó không khó để trả lời. Ngay những ngày đầu "giải phóng", một chính sách đấu tố "vừa đủ" để răn đe, tạo sợ hãi trong lòng người dân miền Nam, dù sống trong chiến tranh, nhưng chỉ thấy những cái chết đến từ bom đạn, người miền Nam chưa từng thấy những cái chết man rợ mang tính đấu tố như thời "Cải cách ruộng đất" (ngoài cuộc thảm sát Mậu Thân). Và tôi cho đây là một trong những "thiếu sót" do nền giáo dục nhân bản, mà chính sách của Việt Nam Cộng Hòa đã không sử dụng cho mục tiêu tuyên truyền, mặc dù đó là sự thật. Vì thế khi nhìn thấy những cuộc đấu tố, giết người giữa ban ngày trước mặt dân mà chính bản thân tôi đã có lần ngất xỉu khi chứng kiến cận cảnh giết người này, cho dù có can đảm đến đâu, cũng phải rùng mình khiếp sợ. Vì sao tôi gọi là "một chính sách đấu tố vừa đủ", vì ngoài những cuộc đấu tố nói trên, một chính sách thanh trừng, thủ tiêu man rợ hơn gấp vạn lần, người chết mất xác sau một lần gõ cửa vào lúc nửa đêm, sáng hôm sau mới biết người thân bị mất tích, dù không nói ra, nhưng ai cũng hiểu là do Việt cộng giết.

Sau đó là hàng loạt những chính sách giết người không cần súng đạn mà tôi xin được nhắc lại một lần như đã nói ở trên. Sự việc này không còn là mới mẻ gì cả, quá rõ ràng và đầy đủ dữ kiện để những người tuổi trẻ hôm nay có thể tìm hiểu.

1- Chính sách " Học tập cải tạo" đưa quân cán chính của VNCH vào cảnh tù đày.
2- Chính sách đổi tiền
3- Chính sách đánh tư sản mại bản
4- Chính sách cải tạo công thương nghiệp
5- Chính sách kinh tế mới
6- Chính sách cho đi vượt biên bán chính thức, sau đó giết người cướp của.
7- Chính sách chia rẽ tôn giáo
8- Chính sách đồng hóa tạo sự hận thù Nam-Bắc (đẩy người miền Nam lên vùng kinh tế mới, đưa người miền Bắc vào chiếm nhà cửa của người miền Nam).

Nhắc lại quá khứ không phải để gây thêm lòng thù hận, điều tôi mong ước là các bạn trẻ không liên quan gì đến quá khứ của thế hệ cha anh, hiểu và thấy được sự thâm độc rất bài bản trong cách giết người của Cộng sản bắc Việt sau ngày “giải phóng” miền Nam.

Sau khi kiệt quệ về kinh tế, do dân chẳng còn gì để cướp. Cái nôi XHCN sụp đổ tại Đông Âu, thay vì mượn thời cơ, hối lỗi quay về với chủ nghĩa dân tộc, nhà cầm quyền lại một lần nữa tiếp tục gây nghiệt, vì lợi ích đảng, đã quay về quỳ dưới chân Trung cộng qua Hiệp Ước Thành Đô. Một cơ hội mới mở ra cho cường quyền đúng vào lúc nhu cầu của người dân đang cần "cởi trói" trước khi đi đến cuộc bạo loạn theo bản năng sinh tồn, chết vì đói. Chẳng biết đó là phước hay họa? Chỉ biết rằng sau cuộc "cởi trói" bắt buộc ấy, đã tạo thêm sức mạnh và cơ hội cho cường quyền tiếp tục có đủ và thêm phương tiện cai trị dân một cách chuyên nghiệp và quy mô hơn cho đến tận hôm nay. Một loạt chính sách "cởi trói" ra đời. Từ kinh tế, đến Nông nghiệp, Khoa học, Hành chính, Văn nghê, Văn Hóa v.v. Nói chung... cái gì đem đến lợi ích kinh tế cởi được là cởi hết, ngoại trừ TỰ DO. 

Từ bước ngoặc “cởi trói” ấy cho đến nay, ngoài giải quyết được cái dạ dày đói ăn, đất nước hoàn toàn khánh kiệt về mọi mặt. Từ kinh tế, chính trị, văn hóa, đạo đức… tất cả đang đi dần vào một đáy vực không lối thoát. Tệ hại hơn nữa là cái họa diệt vong đang đến rất gần qua vũ khí sinh học mà Trung cộng đang sử dụng trên đất nước Việt Nam, những rác phóng xạ kinh hoàng ấy, sẽ đem đến những dị tật quái thai, bệnh tật, bào mòn dần sức sống của dân tộc, phá hủy hệ sinh thái, những nhu cầu cần thiết cho cuộc sống con người, bao gồm Đất, Nước và Không khí. Sự kiện này không còn là nỗi hoài nghi, mà là sự thật, nếu chúng ta chịu tìm hiểu qua bài viết của TS Mai Thanh Truyết, dựa trên những gì đang xảy ra qua việc cá chết ngày một lan dần đến tận Nha Trang, nếu không là vũ khí sinh học thì với số hóa chất 384 tấn do Formosa nhập về, cùng với thể tích nước lớn rộng như thế, làm sao có thể khiến cho cá chết nhiều đến vậy. Chưa kể những loại cá nằm trong độ nước sâu. Phải chăng đang có một nhà máy bí mật nào không có trong dự án?

Nhìn chung cho đến nay, một đất nước mà người dân phải luôn đối đầu với “chính quyền”, vậy thì chúng ta còn trông chờ gì ở những con người đang quay lưng lại với chính đồng bào của mình. Sự kiện Formosa là thời cơ có một không hai để hàn gắn lại vết thương quá khứ, nếu chúng ta vẫn còn gian dối ác độc với nhau, đạp lên nhau mà sống, thì hậu quả sau này khi đất nước rơi hẳn vào tay của Trung cộng, đến lúc đó có muốn hàn gắn hay vị tha cũng quá muộn. Muốn chống ngoại xâm, điều này chỉ có thể làm được một khi chúng ta đồng lòng. Đồng lòng bằng chính nhận thức của yêu thương và tha thứ, đây là chìa khóa duy nhất để cứu nguy con đường sống cho dân tộc. Phải nhìn ra cốt lõi của vấn đề, dù bạn đến từ vùng miền nào, chúng ta đều có chung một kẻ thù, đó là nhà cầm quyền cộng sản Bắc Việt, những kẻ nội thù đang quay lưng lại với dòng sống của dân tộc.

Trong những ngày qua, cuộc xuống đường của người dân khắp ba miền, đã cho tôi một niềm tin rất lớn vào tương lai, tôi khát khao được nhìn thấy những hình ảnh của người dân ba miền Nam -Trung - Bắc tay trong tay cùng hát chung một ca khúc khải hoàn. Các bạn nữ xinh đẹp của quê hương ơi, có thể nào các bạn mặc chiếc áo dài tiêu biểu của vùng quê mình trong lần biểu tình sắp tới, tôi nghĩ hình ảnh ba cô gái Bắc-Trung-Nam đứng bên nhau sẽ rất cảm động. Từ phương trời xa này, chắc tôi sẽ khóc. Tôi biết mình đang đòi hỏi quá nhiều, nhưng đó là con đường duy nhất để đi đến cánh cửa tương lai. Cuộc đấu tranh ngày hôm nay, ở thời điểm này không còn là cuộc đấu tranh bí mật, đã đến lúc phải thể hiện lòng yêu nước của mình một cách công khai minh bạch, không có bạo tàn nào có thể dập tắt được ngọn lửa tin yêu trong tim của các bạn. Hãy can đảm lên, như lời kêu gọi của vợ chồng Phạm Thanh Nghiên, xin đừng bỏ cuộc, đừng để Formosa cùng chung số phận như Bauxite, Formosa là cơ hội cho một cuộc cách mạng dành lại quyền tự quyết cho dân tộc. Nếu để chờ đến khi sự kiện Bauxite xảy ra, sự tàn phá của nó còn khủng khiếp hơn nhiều so với vấn nạn Formosa hôm nay. Làm sao có thể nói cho hết nỗi lòng của tôi trong lúc này, ruột gan như lửa đốt, đường về không có lối, thấy các anh chị em bị đánh đập bởi chiếc roi đồng chủng, lòng tôi quặn thắt. Nhìn chung cuộc biểu tình thiếu vắng hẳn những gương mặt tiêu biểu cho tầng lớp trẻ, so với nhiều vị trí thức và thế hệ cha anh thì các bạn đã hơn hẳn nhiều về lòng can đảm và tinh thần yêu nước. Hãy vững niềm tin, tương lai đất nước đang nằm trong tay các bạn, đừng trông chờ vào bất cứ điều gì, hãy đứng thật vững bằng tinh thần tự lực, tự cường. Vì lòng yêu nước không cần lời kêu gọi, và cũng không cần nghe theo lời xúi dục của bất cứ ai. Hãy chọn cách yêu Tổ Quốc bằng con tim của chính mình. Mong rằng cuộc biểu tình sắp tới sẽ có thêm nhiều những gương mặt mới nhập cuộc, tôi cầu chúc các bạn thành công trên con đường quang phục quê hương. Nguyện Hồn Nước phù hộ cho các bạn.


Paris ngày 11 tháng 05 năm 2016

PS: Xin gửi tặng các anh chị em một bài hát "Ai Đang Giết Dân Tôi" một sáng tác mới do Đình Đại sáng tác và trình bày.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo