Biển không nhiễm độc, cá nhiễm phenol ăn không sao? - Dân Làm Báo

Biển không nhiễm độc, cá nhiễm phenol ăn không sao?

Mẹ Nấm (Danlambao) - Hơn hai tháng trôi qua, ngoài những lời hứa hẹn “sẽ công bố” nguyên nhân cá chết cho đến nay không một người dân nào biết chính xác chuyện gì đã xảy ra tại 4 tỉnh ven biển miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế hồi tháng 4/2016.

Hàng trăm tấn cá biển chết, hàng chục tấn thủy hải sản nuôi biển bị thiệt hại, san hô và giáp xác chết dưới tầng đáy, thợ lặn trong khu vực của nhà máy thép Formosa chết chưa rõ nguyên nhân, hàng chục người dân bị ngộ độc sau khi ăn cá biển từ tháng 4… Thông tin đang mờ dần và chìm dần vì người dân Việt Nam giỏi cam chịu và dễ thông cảm.

Ngày 10/6/2016, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đã có báo cáo kết quả kiểm nghiệm các lô cá tại kho đông lạnh trên địa bàn. Kết quả kiểm nghiệm 30 tấn cá nục thu mua ngay sau thời điểm cá chết, các ngành chức năng đã phát hiện có chứa hàm lượng Phenol, là chất cực độc tuyệt đối cấm không có trong thực phẩm.

Ngay lập tức đã có báo, có nhà khoa học lên tiếng chứng minh rằng Phenol không phải là chất nguy hiểm, rằng ăn mỗi ngày 2 lạng cá có chứa Phenol không gây hại đến sức khoẻ… (*)

Tôi tự hỏi: Các nhà khoa học này ở đâu trong suốt quá trình thảm họa môi trường xảy ra?

Thay vì chứng minh Phenol không nguy hiểm, tại sao không ai đặt câu hỏi Phenol ở đâu ra?

Tại sao nó chỉ được phát hiện trong lô cá được thu mua sau khi thảm họa môi trường xảy ra? 

Tương tự như trước đây tôi từng đặt câu hỏi: Bộ Thông tin và Truyền thông, đài truyền hình quốc gia Việt Nam (VTV) đã ở đâu trong suốt thời gian qua khi cố lên tiếng cho rằng báo chí đi quá giới hạn trong việc thông tin cá chết? Khi cố chứng minh clip của VTC thực nghiệm cá chết sau 2 phút là dàn dựng? Các nhà báo “tử tế” đã ở đâu khi những đồng nghiệp tận tâm khác lặn xuống biển để trục vớt san hô và xem tận mắt việc gì đã diễn ra?

Trong một tài liệu tôi được đọc vài ngày qua về việc môi trường biển bị đầu độc có nhắc đến “huyền phù” (một dạng keo bám ở tầng nước đáy) là nguyên nhân khiến san hô và các sinh vật giáp xác sẽ bị chết. Huyền phù được tạo nên từ hỗn hợp chính FeO2, phenol và cyanua. Nếu liên kết tới toàn bộ thông tin liên quan đến thảm họa môi trường từ tháng 4 đến nay tôi thấy có liên quan. Và có lẽ các cơ quan chức năng đang chọn cách khốn nạn nhất là phương thức công bố thông tin phân khúc để làm loãng dần sự cố. Nước biển bị nhiễm độc, tìm thấy hàm lượng sắt vượt quá mức cho phép trong mẫu nước ngày 5/06, và cuối cùng là phát hiện chất phenol trong mẫu cá được thu mua sau thảm họa. 

Chúng ta đừng cãi nhau nữa, đừng khuyên nhau cái gì là an toàn nữa, hãy quan sát và nhìn lại xem: 

- Đã xử lý ống thải ngầm ra biển của Formosa chưa?

- Đã trả lời vì sao cá chết một cách minh bạch chưa?

Đừng để các cơ quan chức năng, những người có thể khuynh đảo truyền thông, phân khúc thông tin đến người đọc xỏ mũi chúng ta nữa.

"Chôn sâu, ngâm lâu" là phương pháp trước giờ mà nhà nước Việt Nam luôn chọn để đối phó với các vấn đề xã hội, bởi tâm lý người dân nhanh quên và dễ thông cảm.

Hãy thôi cãi nhau để nghĩ xem con em chúng ta có xứng đáng được bảo vệ, được sống trong một môi trường minh bạch, trong sạch hay không?

Ngày thứ 69 cá chết, và chính phủ vẫn tiếp tục xem người dân là những con lừa khi không công bố nguyên nhân.

14.06.2016

danlambaovn.blogspot.com

____________________________________



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo