Công Đoàn nhà nước và chức năng của Nghiệp Đoàn Độc lập - Dân Làm Báo

Công Đoàn nhà nước và chức năng của Nghiệp Đoàn Độc lập

Phóng viên Lao Động Việt - Trên Vietnamnews, cơ quan thông tin điện tử của chính phủ có đăng tin: "TPP pushes free association reforms to happen sooner”, tựa đề có nghĩa TPP ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH QUYỀN TỰ DO THÀNH LẬP CÔNG ĐOÀN,” trước thời điểm Mỹ sắp gửi phái đoàn đến Việt Nam để xem xét. Đó là bản tin hiếm thấy được trang điện tử tiếng Anh của Vietnam News, cơ quan thông tin của chính phủ Việt Nam, đưa ra vào sáng 21/4. Tuy nhiên đây không phải là một tin vui hoàn toàn, trong bản tin này chính phủ cũng đã không lấy làm vui mừng và lo ngại các tổ chức công đoàn sẽ từ bỏ công đoàn của nhà nước mà tham gia vào tổ chức công đoàn độc lập để được bảo vệ hiệu quả hơn.

Ngay sau khi 12 nước thành viên đặt bút ký Hiệp ước TPP (Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương) tại New Zeeland ngày 4/2/2016 thì lẽ ra, Việt Nam phải cải tổ luật pháp và các định chế liên quan, chính quyền phải công bố các cách thức để đăng ký nghiệp đoàn. Nhưng đến hôm nay Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ cải tổ nào, vẫn đứng ỳ một chỗ. Trong lúc tổng thống Mỹ Barrack Obama đã hứa thúc đẩy TPP sớm được thông qua trong chuyến thăm Việt Nam vừa mới qua của ông.


Công đoàn nhà nước hiện nay thực chất như thế nào?

Nữ công nhân thuộc công ty Lý Minh, KCN Vĩnh Lộc, cho hay: “Ở đây công đoàn thuộc ban giám đốc quản lý hết, chứ công đoàn là không có công nhân nào được quản lý”. Theo cô, công việc của công đoàn ở công ty là: “công đoàn kiểu như là đóng tiền vô cho ban giám đốc, rồi dịp 30/4 , 2/9 lấy cái tiền đó ra lại thưởng cho công nhân”. Và đa số các công nhân công ty Yupoong, KCN Biên Hòa, Đồng Nai cũng cho biết công đoàn trong công ty cũng chỉ có chức năng giống như vậy: "công đoàn để tặng hoa cho công nhân các dịp lễ 8/3, tặng quà các dịp tết”. Khi được hỏi, vậy công đoàn đã bảo vệ hay làm được gì có lợi khác cho người lao động, họ đã lắc đầu: "công đoàn chẳng làm được gì, họ chỉ nhận lương, rồi tổ chức đi chơi, tiệc tùng, hát hò với nhau".

Một nhà báo trước đây hay viết cho các tờ báo của chính phủ, nay anh là 1 cây viết tự do, nhắc đến công đoàn doanh nghiệp, anh chia sẻ câu chuyện có thật trong một lần anh đi lấy tin tại công ty Komega-X: Ở công ty Komega-X, nói về Công đoàn, họ nặn ra 1 cái gọi là “Công Đoàn trong doanh nghiệp” và đưa một cô 19 tuổi, mặt non choẹt lên làm chủ tịch. Khi gặp đoàn cán bộ xuống điều tra về vụ đình công, cô đứng lên đọc 1 bản báo cáo: Kính thưa các cán bộ Sở ban ngành trong Tỉnh…Tên em là:… Sau 1 thời gian nhận nhiệm vụ làm chủ tịch Công Đoàn doanh nghiệp Komega-X, tuy thời gian đầu còn nhiều bỡ ngỡ nhưng với sự cố gắng vượt khó, chúng em đã tự…”

“Thôi, dừng lại!”, đồng chí lãnh đạo ngăn lại trong khi anh muốn cười phá lên “Em vào thẳng vấn đề đi, về hoạt động của Công đoàn trong thời gian đình công ấy” Chủ tịch Công đoàn lại tiếp tục: “Qua 6 tháng hoạt động, chúng em đã tổ chức tặng hoa, tặng quà nhân dịp ngày 8/3 cho chị em…”. “Thôi được rồi, em có thể dừng lại và cho tôi biết Công đoàn công ty em chịu sự quản lý của ai và đại diện cho ai không?” – Phó chủ tịch hỏi.

Chủ tịch Công đoàn điềm nhiên trả lời: "Dạ! Chịu sự quản lý của công ty và đại diện cho Ban giám đốc công ty ạ!” đến lúc này thì anh không thể nhịn được cười nữa. Anh nhà báo chia sẻ: “tôi thấy rất thương và tội nghiệp cho công nhân nước mình còn rất thiếu hiểu biết, và bị bóc lột nặng nề mà không có công đoàn của riêng họ”.

Chúng tôi đến KCN Sóng Thần, tiếp xúc với một nam công nhân, anh chia sẻ: “Tầng lớp công nông khổ thật, mình là một công nhân mình thấy cảnh doanh nghiệp nước ngoài sang đây thuê nhân công giá rẻ mạt mà chế độ hỗ trợ còn thấp, vì vậy chúng mình rất muốn thành lập công đoàn độc lập mà công đoàn độc lập phải từ người công nhân mà làm nên”

Anh nói tiếp: "Công ty mình người lãnh đạo công đoàn thì toàn người văn phòng chẳng đòi hỏi được quyền lợi gì cho công nhân. Khi mình hoặc ai đó muốn đòi hỏi, yêu cầu cái gì đều không được, những người đòi hỏi như mình thì công ty và các anh chị trên văn phòng tìm cách tạo áp lực và sa thải."


Anh kể: “Mình chỉ nhớ có lần minh hỏi giúp công nhân xin tiền môi trường độc hại công ty cho công nhân, nhưng anh chủ tịch công đoàn cũng là anh nhân viên trên văn phòng trả lời cho mình là: "anh chưa chết, chưa nghỉ công ty đâu mà được tiền đó”, ấy mà giờ anh đó đã nghỉ công ty rồi còn công nhân thì vẫn chịu hít khí độc hại trong khi đó bên bộ phận kiểm định môi trường đến thì bảo: không độc hại”

Một Luật sư, xin dấu tên, cho hay: “hiện nay các công đoàn có cũng như thừa, nó chỉ là một cánh tay nối dài, thậm chí là tay sai của giới chủ, khổ là như vậy, chứ nó không thật sự đấu tranh cho quyền lợi người lao động. Vì công đoàn trên thực tế có rất nhiều ban chấp hành công đoàn là chỉ có 2 loại công đoàn: một là do người chủ họ dựng lên và giựt dây, thứ 2 là họ sợ nếu công đoàn đấu tranh thì họ bị mất quyền lợi rất nhiều, vì luật dành cho công đoàn rất nhiều lợi thế, ví dụ như luật quy định: quy chế lương, nội quy, quy chế thưởng, xử lý kỷ luật lao động…Không có công đoàn là anh không làm được.”

Trong lần trả lời báo chí về thử thách của công đoàn Việt Nam sẽ ra sao khi cho phép thành lập công đoàn độc lập, khoảng tháng 11/2015 ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã nhận định về công đoàn do ông nắm như sau: "đây là 1 thách thức lớn với hoạt động công đoàn, đòi hỏi tổ chức công đoàn Việt Nam phải hoạt động để có hiệu quả hơn, bảo vệ hiệu quả quyền lợi của người lao động và cắt giảm những hoạt động hình thức không cần thiết".

Khi xảy ra đình công, các tổ chức công đoàn thường đến nói chuyện với công nhân, cho dù họ có mục đích là khuyên giải, nhưng thường bị công nhân hiểu rằng họ đang đứng về phía của giới chủ, trường hợp như công nhân tại Công ty Dụ Đức, thuộc KCN Tân Hương, ngày 9/3, công nhân đã đình công liên tục 5 ngày, nhưng quá trình đó công đoàn đã hoàn toàn im tiếng trước đòi hỏi phải bênh vực cho công nhân, một công nhân của công ty nói: "tụi em có công đoàn cũng như không, họ đã không bảo vệ tụi em mà còn đi vận động thuyết phục hãy đi làm lại đi, mà không hề phản đối chủ quản công ty đã ép công nhân, và đánh nữ công nhân đang mang thai trong lúc đình công…" Cô nói tiếp, đầy sự bức xúc: "vậy mà hàng tháng tụi em phải đống 2 phần trăm lương của mình để nuôi những người như họ, nhưng khi gặp chuyện, kêu họ không nghe, công nhân chỉ biết kêu Trời."

Linh mục An tôn Lê Ngọc Thanh, người được RSF vinh danh anh hùng thông tin, chia sẻ thêm: "Khi tham gia vào TPP, chính sách của Việt Nam phải thay đổi để phù hợp với tương tác quốc tế, còn nếu không thay đổi, thì chắc chắn anh sẽ không thích ứng được”

“Hiện nay Việt Nam đang thể hiện thay đổi về phương diện luật pháp, nhưng khi chúng tôi đọc những dự thảo luật, ví dụ luật về lập hội, luật về công đoàn độc lập, luật tín ngưỡng tôn giáo thì chúng tôi vẫn e dè, vì có khả năng những dự luật đó chỉ nhằm để đối phó với các yêu cầu của hiệp ước mà không phải đáp ứng nhu cầu thực sự của người dân.” LM Lê Ngọc Thanh nói

Linh mục Antôn cũng lưu ý đến công đoàn trá hình và những cái bẫy xin cho hay bẫy hạn chế, cha nói:

"Có 2 vấn đề cần phải chú ý khi việc cho phép thành lập diễn ra, thứ 1 là sẽ có hàng loạt công đoàn độc lập được lập ra, nhưng bản chất của nó chỉ là loại trá hình của Đảng Cộng Sản để tìm cách khống chế, hạn chế những công đoàn xuất phát từ nhu cầu thật sự của công nhân. Vì lúc đó các công đoàn sẽ mọc ra như nấm, và họ không thể kiểm soát được, nên họ sẽ kiểm soát số công đoàn không do họ thành lập ít hơn số công đoàn do họ thành lập, sau đó họ tuyên bố công đoàn của họ là công đoàn độc lập và vẫn sẽ điều hành theo cách thức của họ."

“Và thứ 2, khi luật công đoàn đưa ra phải chú ý để tránh rơi vào cái bẫy xin cho và bẫy giới hạn, giới hạn nghĩa là cho phép cơ sở được thành lập công đoàn, nhưng đưa ra các điều kiện kèm theo, ví dụ: một công ty đã có một công đoàn rồi thì không được có công đoàn thứ 2, hoặc là một công đoàn độc lập muốn mở phải có 2/3 lượng công nhân đồng tình. Và những điều đó nó giới hạn cái quyền của người thành lập công đoàn. Còn xin cho ví dụ như trước khi anh đình công, anh phải gửi hồ sơ xin phép trước 30 ngày, và phải trải qua thẩm tra, đánh giá của cơ quan chức năng mới được cho phép đình công, thì cơ quan chức năng đó thuộc nhà nước, và nếu cơ quan này đứng về giới chủ thì họ sẽ không cho phép đình công”

Nghiệp đoàn độc lập để làm gì?

Cô Đỗ Thị Minh Hạnh, người đấu tranh cho nghiệp đoàn độc lập đã đánh giá rất cao quyền của người thành lập các nghiệp đoàn độc lập, cô nói:

“Quyền của người làm nghiệp đoàn không thể đánh đổi được như vật chất, nhưng nó sẽ đem lại một tương lai rõ ràng và chủ động hơn cho người lao động”, Cô cho biết thêm: “Cái quyền của người tham gia nghiệp đoàn cao lắm, cái quyền mà giới chủ phải sợ, thật ra trước đây cái quyền của người hoạt động công đoàn không có giá trị gì và sợ giới chủ, nhưng trong hiệp định TPP, giới chủ phải sợ cái quyền nghiệp đoàn, chúng ta có quyền vì chúng ta lên tiếng cho giai cấp công nhân, vì ta đem lại lợi ích cho công nhân, do công nhân cử, công nhân bầu".


Cô cũng chia sẻ về chức năng, và lý do quan trọng để thành lập nghiệp đoàn độc lập như sau: “Lý do hiện hữu của nghiệp đoàn là bảo vệ các quyền lợi chính đáng của công nhân, xây dựng tình tương thân tương ái, và giữ gìn phát triển xã hội. Các nghiệp đoàn không phải là những người phát ngôn nhằm thống trị hay cai trị công nhân, nhưng phải tranh đấu cho quyền lợi các công nhân, cho công bằng xã hội.”

Trong phiên trả lời chấp vấn trước Quốc hội ngày 19/11/2015 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng trả lời: “Quyền thành lập tổ chức người lao động, theo hiệp định TPP, và cũng phù hợp với tổ chức lao động quốc tế ILO, Việt Nam và tất cả các nước tham gia hiệp định TPP phải tôn trọng và bảo đảm quyền của người lao động trong việc thành lập, và gia nhập tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp, tổ chức lao động sau khi thành lập có thể lựa chọn tham gia tổng liên đoàn lao động Việt Nam, hoặc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được chính thức hoạt động sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận đăng ký sau 1 quy trình minh bạch.”

“Các tổ chức công đoàn độc lập được phép hoạt động, thì nó khác với công đoàn Việt Nam ở chỗ họ không có trách nhiệm thực hiện các chủ trương, các chỉ đạo của đảng Cộng sản Việt Nam.”- ông Đặng Ngọc Tùng thừa nhận với báo chí.

Một nhà hoạt động công đoàn khác tại Việt Nam cho biết: “Các nghiệp đoàn còn nhắm đến tổ chức kinh tế, đào tạo lương tâm cho công nhân nhằm phục vụ lợi ích chung, và đồng thời nhắc nhở, phản biện chính quyền để biết quan tâm lo lắng đến công nhân. Nhiệm vụ của nghiệp đoàn là thượng lượng với giới chủ để đòi quyền lợi cho công nhân, trong một số trường hợp có thể tổ chức đình công hay phản đối để gây áp lực để đạt mục tiêu của mình. Nghiệp đoàn không phải là đảng phái chính trị, và không phụ thuộc các đảng phái chính trị”.

Phóng viên Lao Động Việt



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo