BBC - Một linh mục người Việt tại Đài Loan nói với BBC về cuộc họp báo liên quan đến Công ty Formosa Hà Tĩnh.
Hôm thứ Năm 16/6 đã có cuộc họp báo tại Quốc hội Đài Loan liên quan đến cáo buộc công ty Formosa Hà Tĩnh thải chất độc gây ô nhiễm môi trường biển với sự tham dự của ba dân biểu và đại diện các tổ chức phi chính phủ (NGO).
Từ Đài Bắc, linh mục Peter Nguyễn Văn Hùng, trưởng Văn phòng Trợ giúp Pháp lý cho Công nhân và Cô dâu Việt ở Đài Loan, nói:
“Cuộc họp này là bước khởi đầu cho cuộc họp báo được tổ chức tại buổi họp cổ đông của công ty Formosa hôm 17/6.”
“Một thông tin mới được tiết lộ trong cuộc họp hôm nay là khi thảm họa cá chết xảy ra ở vùng biển miền Trung Việt Nam, Cơ quan Bảo vệ môi sinh Đài Loan đã đề nghị với chính phủ Việt Nam về việc hợp tác điều tra vụ cá chết nhưng không được đồng ý.”
BBC: Ông có thể cho biết những điểm chính trong cuộc họp báo hôm nay?
Linh mục Peter Nguyễn Văn Hùng: Các đại diện NGO đặt vấn đề về mối liên hệ giữa Formosa Hà Tĩnh và vụ cá chết hàng loạt. Bên cạnh đó, các nhà báo và luật sư yêu cầu chính phủ Đài Loan điều tra về vụ cá chết cũng như việc Formosa Hà Tĩnh thải kim loại nặng ra môi trường biển.
Một quan chức Bộ Kinh tế Đài Loan cũng cho hay là dự kiến kết quả điều tra sẽ được công bố cuối tháng 6/2016.
BBC: Hôm nay, truyền thông Đài Loan tường thuật nhà máy sản xuất thép Formosa Hà Tĩnh bị buộc phải tạm hoãn thời gian khởi động, ông có bình luận gì về sự kiện này?
Linh mục Peter Nguyễn Văn Hùng: Tôi cho rằng có điều gì đó làm cho họ phải ngưng. Nhưng với người Việt ở Đài Loan và trong nước, đó là một tin vui, ít nhất là nhà máy này sẽ không còn thải chất độc ra biển nữa.
Nhưng việc này là chưa đủ, vì đang có những áp lực đòi chính phủ Đài Loan và Việt Nam phải điều tra rốt ráo vụ cá chết và công khai kết quả cho người dân hai nước được biết.
BBC: Dường như vấn đề không chỉ dừng lại ở vụ việc Formosa Hà Tĩnh mà còn liên quan đến chính sách đầu tư của doanh nghiệp Đài Loan ở nước ngoài?
Linh mục Peter Nguyễn Văn Hùng: Đúng vậy, chính phủ của bà Thái Anh Văn đang có chính sách Nam Tiến, do vậy công luận đặt vấn đề các công ty Đài Loan ra nước ngoài kinh doanh không chỉ tuân thủ luật pháp về môi trường của nước sở tại mà còn phải tuân theo luật quốc tế.
Việc này là để giảm thiểu những vấn đề liên quan đến cung cách làm việc quan liêu cũng như vấn nạn tham nhũng và hối lộ khiến chính quyền sở tại không nghiêm minh khi xử lý vấn đề môi trường do doanh nghiệp gây ra.
BBC: Hiện tại, ông ghi nhận công luận Đài Loan đang đặt những áp lực nào lên tập đoàn Formosa?
Linh mục Peter Nguyễn Văn Hùng: Bên cạnh việc họ phải lập Ủy ban điều tra và hợp tác với các tổ chức NGO về nạn cá chết ở Việt Nam, công luận còn muốn khi có kết quả về việc họ gây ra thảm họa, tập đoàn này công khai chính sách bồi thường cho các nạn nhân, cụ thể là gia đình những thợ lặn, ngư dân tại bốn tỉnh miền Trung Việt Nam.
Ngoài ra là họ phải công bố kế hoạch làm sạch vùng biển mà họ gây ra ô nhiễm.
Vào ngày 9/6, Đại sứ Mỹ Ted Osius nói tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington rằng Việt Nam không chấp nhận đề nghị từ Hoa Kỳ về việc hỗ trợ điều tra nguyên nhân vụ cá chết hàng loạt.