Hạ Trắng (Danlambao) - Trong bài viết “Ở Việt Nam cái gì cũng độc”, tôi có đề cập đến việc gần 40.000 thùng nước ngọt đã được bán ra thị trường.
Trong vô số những chất độc (dưới dạng đồ ăn thức uống) ấy, hôm nay xin nói tới vụ 30 tấn cá nhiễm chất độc Phenol ở Quảng Trị và hơn 3 000 sản phẩm xúc xích nhãn hiệu Vietfoods chứa chất Sodium Nitrate.
Tôi không định phân tích tác hại của thức ăn nhiễm độc đối với sức khỏe và tính mạng của người dân. Cũng không phân tích đúng sai trong các kết luận của những “cơ quan chức năng” VN trong lĩnh vực này. Một trong những điều đáng quan tâm trong số nhiều vụ việc tương tự đều có các kết luận cũng như đánh giá trái chiều, không có sự thống nhất khiến người tiêu dùng hoang mang, lo ngại và không biết phải tin ai. Tất nhiên chữ “tin” được hiểu theo nghĩa tạm thời, tạm bợ chứ không xuất phát từ sự tin cậy thực sự trong một xã hội mà niềm tin đã bị xói mòn. “Tin”, cũng là một dạng của trạng thái tự lừa dối bản thân để trốn tránh những lo lắng, sợ hãi đang ngày một bủa vây tâm hồn người.
Về vụ việc 30 tấn cá nục nhiễm độc (có báo nói là 25 tấn), hiện vẫn đang có sự tranh cãi về “chuẩn Phenol” giữa ngành Y tế và ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Trị.
Trong khi ngành Y tế Quảng Trị cho rằng phenol là “chất cấm, không được phép có” trong thực phẩm còn lãnh đạo ngành Nông nghiệp lại nói chất này “được phép tồn tại” nếu có hàm lượng dưới ngưỡng cho phép. Xin lưu ý, bà Lê Thị Thuộc, chủ lô cá nục trên đã xác nhận thông tin rằng lô cá này của bà được cấp giấy chứng nhận an toàn từ Sở NN&PTNT Quảng Trị.
Cuộc cãi vã vẫn còn đang tiếp diễn và không biết đến bao giờ ngã ngũ. Điều duy nhất thống nhất được lúc này là cả ba đơn vị: Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị đã quyết định niêm phong số cá bị nhiễm chất phenol tại cơ sở thu mua hải sản của bà Lê Thị Thuộc - thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh để… chờ xử lý. Cuộc niêm phong được tiến hành vào ngày 11/6/2016. Như vậy, số cá này, dù có kết quả cuối cùng là nhiễm độc hay không, thì phần thiệt hại vẫn thuộc về người dân. Nếu bị kết luận nhiễm độc, người dân nào dám chắc nó được tiêu hủy? Nếu không, liệu chất lượng cá có còn đảm bảo chất lượng và không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng sau nhiều ngày bị niêm phong? Câu hỏi này xuất phát từ giải thích của chính ông Võ Văn Hưng - giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Trị, “trong điều kiện bình thường của tự nhiên trong nước biển cũng như trong quá trình sử dụng, cấp đông và chế biến hải sản thì cũng có thể phát sinh hàm lượng phenol”. Chưa kể thiệt hại đối với người kinh doanh, chủ lô cá nục này.
Cuộc tranh cãi có phần gay cấn hơn quanh những phát biểu của ông Hồ Sĩ Biên - Chi cục trưởng Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Quảng Trị. Có thông tin rằng ông Biên yêu cầu hủy kết quả phát hiện mẫu cá nhiễm Phenol. Nhưng ngày 13/6, ông này lại phân bua với báo Lao Động rằng "Đâu có hủy kết quả này đâu, ai nói hủy kết quả đó. Mình nói biên bản đề nghị hủy lô hàng chưa thực thi chứ không có chuyện hủy kết quả. Trước đó đã có biên bản niêm phong lô hàng 30 tấn để chờ hủy, nhưng bây giờ chưa thực thi để lấy thêm mẫu, chứ không có chuyện hủy kết quả xét nghiệm trước đó".
Các quan vẫn cãi nhau. Doanh nghiệp và người dân vẫn nín thở chờ đợi, và chửi thầm.
Vụ việc thứ 2: xúc xích Vietfoods chứa chất Sodium nitrate. Thông tin này tuy cũ nhưng vẫn là những vấn đề thời sự chưa có hồi kết. Cuộc tranh cãi giữa các cơ quan chức năng được thể hiện bằng cách đối chiếu, dẫn chứng các thông tư, nghị định (luật) càng khiến người tiêu dùng cảm thấy bị xúc phạm và bất an. Còn doanh nghiệp, người làm ăn không còn biết làm theo quy định nào, bởi theo luật này thì sẽ vi phạm luật kia. Bởi vậy, cái luật “bất thành văn” là luật “đầu tiên” (tiền đâu) luôn là cách lựa chọn của đa số doanh nghiệp làm ăn ở Việt Nam. Nhưng một khi doanh nghiệp không đủ sức để rót tiền vào túi tham vô đáy của quan chức thì chuyện thanh tra, kiểm tra là đương nhiên. Quá trình thanh tra, kiểm tra chẳng qua cũng lại là cơ hội để làm tiền doanh nghiệp. Mặt khác, cũng là một trò mị dân của hệ thống cai trị rằng ta đây cũng quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng. Khi quan chức và doanh nghiệp thỏa hiệp được, người tiêu dùng, đương nhiên- sẽ lãnh đủ. Do đó, những doanh nghiệp tử tế, từ chối bắt tay với tiêu cực luôn “chết yểu” trong môi trường làm ăn đầy bất công này.
Cơ chế chính trị độc tài cộng sản đẻ ra môi trường làm ăn thiếu minh bạch, tham nhũng. Hủy hoại môi trường và sức khỏe của người dân cũng chính là sản phẩm và hệ quả tất yếu của thể chế này.
Những tệ nạn trên sẽ không giảm đi, mà sẽ còn tăng lên cùng với tuổi thọ của đcs VN. Mỗi ngày, chúng ta sẽ còn phải ngán ngẩm, lo sợ khi lần giở những trang báo và ngồi trước màn hình máy tính.