Trung Quốc đi về đâu? (Phần 2) - Dân Làm Báo

Trung Quốc đi về đâu? (Phần 2)


II - Đảng Cộng Sản Trung Quốc: Con đường cùng trước mặt.

Tượng Mao trạch Đông mạ vàng, cao 37 mét, tạo dựng ở tỉnh Hà Nam mất 9 tháng, tốn 3 triệu nhân dân tệ, tương đương 500.000 USD, khánh thành tháng 12/2015, mới mấy ngày đã được lệnh phá hủy. Tượng bị cắt thành 3 khúc, vất trên xe tải chở đi.

Hơn 40 năm trước, Mao là đấng cứu tinh của nhân dân Trung Quốc, là cha già dân tộc, là vị thần linh mà mỗi người dân sau 1 ngày làm việc tới trước bức ảnh Mao treo trên tường cúi đầu, chắp tay ăn năn xám hối về những sai phạm trong ngày để xin được tha thứ. Mao Tuyển là kinh thánh đọc sớm tối, đọc để xin khỏi bệnh, đọc lúc giải phẫu mà không cần thuốc gây mê?

Tại sao đảng Cộng Sản Trung Quốc vội vã ra lệnh phá hủy tượng Mao tốn bao công của xây dựng, trong khi Mao vẫn là vị thần linh bảo trợ cho đảng Cộng Sản Trung Quốc bấy lâu nay? 

Đơn giản là kinh tế Trung Quốc đang hồi xuống dốc: than, thép chất đầy trong kho, xuất cảng đình đốn, chứng khoán đổ vỡ làm hàng chục triệu công nhân thất nghiệp, hàng trăm triệu nông dân ra tỉnh làm việc nay phải trở về quê quán. Tình trạng u ám không khác gì thời Bước Tiến Nhảy Vọt của những năm 1950, 1960 do Mao phát động: kinh tế càng ngày càng đi xuống với kết quả là người dân Trung Hoa phải ăn thịt người, phải chết đói 37 triệu nhân mạng.

Bức tượng vĩ đại của Mao dựng lên ở tỉnh Hà Nam mau chóng gợi lại trong tâm trí người Trung Hoa cảnh chết đói thảm khốc đã qua và tưởng đến tương lai đen tối sắp đến! 

Không bám vào Mao thì đảng CSTQ không có lý do để tồn tại mà dựng tượng Mao để tôn thờ thì gặp phản ứng bất lợi trong dân chúng. Đó là lý do giải thích sự lung túng của đảng CSTQ dựng tượng rồi đập tượng trong tháng 12/2015 vừa qua.

Được thành lập năm 1921 trong khung cảnh xã hội suy kiệt, người dân nghèo đói vì bị chế độ phong kiến kìm hãm, cường hào ác bá bóc lột, dùng mọi cách cướp nhà, cướp đất... đảng Cộng Sản Trung Quốc lúc bấy giờ đưa ra khẩu hiệu tuyên truyền lật đổ phong kiến, diệt trừ cường hào ác bá, tịch thu ruộng đất của địa chủ phân phát cho dân nghèo, mọi người đều bình đẳng, tự do, dân chủ, ấm no, hạnh phúc... để lôi cuốn dân chúng.

Nhưng khi đã nắm được quyền hành vào năm 1949, những lãnh tụ Cộng Sản còn khắc nghiệt, tàn bạo gấp trăm lần vua chúa thời phong kiến, những cường hào ác bá đỏ của Cộng sản còn thủ đoạn, nham hiểm gấp mấy lần cường hào ác bá thời xưa. Những địa chủ, những người giàu có, những người chống đối không những bị xử bắn mà anh em, họ hàng con cháu bị gạt ra ngoài tất cả các sinh hoạt và đời sống, bị coi như những công dân ghẻ lở trong xã hội Cộng Sản.

Cũng chỉ vì sự độc đoán của Mao mà Bước Tiến Nhảy Vọt đưa đến gần 40 triệu người chết đói, cũng vì bảo vệ địa vị độc tôn của mình bị lung lay sau khi Bước tiến Nhảy Vọt thất bại mà Mao thanh toán các đồng chí của mình và những thành phần có tiềm năng chống đối lên tới 20 triệu người gồm cả Lưu thiếu Kỳ, Bành đức Hoài, Lâm Bưu, Chu Đức, Hạ Long...; trong dân chúng đó là những trí thức, giáo viên, giáo sư, con cháu của những địa chủ, những người chống đối đã bị xử tử. Chiến dịch thanh toán này được ngụy trang dưới chiêu bài Cách Mạng Văn Hóa từ 1966 đến 1976. (Trong lịch sử Trung Hoa không biết có ông vua nào giết dân và làm cho dân chết đói khủng khiếp như vậy không?)

Người dân Trung Hoa trong giai đoạn đó không dám nổi lên chống đối vì bị công an, mật vụ, đảng viên Cộng sản dày đặc kiềm chế, theo dõi và nhất là chế độ hộ khẩu, chế độ sổ lương thực đảng Cộng Sản kiểm soát rất gắt gao, chống đối bị cắt hộ khẩu, cắt lương thực lấy gì mà sống.

Bụng đói nhưng vẫn phải đời đời nhớ ơn Mao chủ tịch, quần áo tả tơi rét mướt nhưng vẫn phải hoan hô Đảng vinh quang. Những sự cưỡng bách tinh thần đó có tiêu diệt hẳn được sự bất mãn của người dân Trung Hoa hay chỉ tạm thời kìm hãm nó khỏi bị bộc phát?

Đất nước Trung Hoa suy bại cùng kiệt, nhưng phải đợi đến khi Mao chết năm 1976 và sau khi diệt được bọn Tứ Nhân Bang do vợ Mao là Giang Thanh cầm đầu, Đặng tiểu Bình và phe cánh phải đổi mới về kinh tế để cứu vãn sự sụp đổ của chế độ và đảng Cộng sản Trung Quốc:

Không cải cách Trung Quốc chỉ có nước chết mà thôi!” (Đặng tiểu Bình, Nam Tuần Giảng Thoại, 1992)

Cửa mở rộng ra, thảm đỏ trải ra để tư bản các nước đem tiền của đến khai thác một thị trường lớn nhất thế giới mà xưa kia “Bát quốc liên quân” dùng súng đạn để chiếm mà không được. 

Người dân Trung Hoa vốn cần cù, khéo tay, đem bán sức lao động kiếm đồng lương rẻ mạt nhưng vẫn khá hơn khi làm lao động cho các hợp tác xã nông nghiệp hay trong các xí nghiệp, nhà máy của Đảng. 

Đời sống có khá hơn vì bao nhiêu ngàn tỷ đô-la đổ vào và những đồng bạc cắc rơi rớt vào tay người dân sau khi đã tràn đầy túi các lãnh đạo vô sản. Những nhà máy, những cơ sở kinh doanh mọc lên nhanh chóng, tổng sản lượng gia tăng nhưng không thể phát triển bền vững, lâu dài vì cơ chế xã hội không thay đổi, đảng CSTQ vẫn ngự trị trên xã hội Trung Quốc với tất cả đặc tính của nó như:

- Thứ nhất là tính độc tôn: đảng Cộng Sản giữ địa vị tối thượng, tự tạo ra Hiến Pháp, luật lệ bắt dân tuân phục. Mọi ý kiến khác với ý Đảng đều bị coi là bất tuân, phản động. Dự án đập thủy điện trên sông Dương Tử là 1 thí dụ. Vị kỹ sư đưa ra ý kiến về những bất lợi phải gánh hậu quả, nhưng sau khi nhà máy điện hoạt động được ít năm người ta mới thấy hậu quả tại hại của nó đối với môi trường và nông nghiệp, ngư nghiệp. Tính độc tôn truyền thống của đảng Cộng sản cộng với trình độ rất có giới hạn của những lãnh tụ vô sản “hồng hơn chuyên” này là những người lãnh đạo đất nước không có cái nhìn sâu và xa (viễn kiến), nhất là về các ngành như kinh tế, tài chánh, phát triển đòi hỏi phải có kiến thức cao để nghiên cứu và hoạch định hướng tiến lâu dài.

- Thứ hai là uy quyền tuyệt đối từ trên xuống dưới đối với người dân (trung ương, tỉnh, quận, xã), người dân làm bất cứ công việc gì cũng phải có phép, phải bị kiểm soát nên cách tốt nhất là lo lót, hối lộ. Đó là nguyên nhân của nạn tham nhũng: quyền lực đẻ ra tham nhũng.

- Thứ ba là đặc quyền đặc lợi dành cho giai cấp đảng, chỉ có đảng viên mới được giữ các chức vụ chỉ huy. Sĩ quan công an, quân đội đều là đảng viên. Con cháu các lãnh tụ lần lượt thay thế các lãnh tụ hoặc được “biên chế” vào những cơ quan, xí nghiệp có nhiều bổng lộc dù chẳng có tài cán gì, nắm quyền chỗ nào thì tan hoang chỗ đó.

Kết quả là sau hơn 30 năm phát triển Trung Quốc gặp đủ thứ rối loạn. Hơn 90% sông hồ và nước ngầm bị ô nhiễm, hơn 1/3 diện tích đất đai, phần nhiều là những vùng đất có dân cư, đất trồng trọt bị nhiễm các kim loại nặng và hóa chất độc hại. Các thành phố lớn, nhất là Bác Kinh không khí bị ô nhiễm nặng gây ra bịnh tật như ung thư, viêm phổi - có những làng ung thư ở Trung Quốc. 

Về mặt xã hội, hố cách biệt giàu nghèo, nạn tham nhũng, cường hào ác bá, con cái của những cán bộ cao cấp (Lệnh kế Hoạch, tướng công an Lý Cường, tướng quân đội Lý long Giang...) thác loạn, lộng hành làm cho dân chúng bất mãn, những vụ nổi lên chống đối chính quyền càng ngày càng tăng.

Những năm 2010, 2011, 2012 mỗi năm có trên 180.000 vụ biểu tình, đốt phá công sở, lật xe công an, cho nổ bom, đốt lửa tự thiêu... vì bị kéo nhà, cướp đất, sưu thuế nặng, đòi tăng lương, chống ô nhiễm, chống công an đánh chết dân. Những vụ phản đối nhiều nhất là bị cường hào ác bá cướp nhà, cướp đất, khoảng 120.000 vụ /năm. 

Khi Tập cận Bình lên cầm quyền thì: "Trung Quốc như một trái táo, vỏ ngoài còn tươi nhưng bên trong đã rũa nát." và: “Trung Quốc sẽ phải đối phó với nhiều cuộc nổi dậy trong tương lai”, lời ông Chu minh Quốc, Bí Thư thành phố Lục Phong, tỉnh Quảng Đông phát biểu cuối tháng 12/2011. 

Điều này cả nhân dân Trung Quốc đều biết vì báo Nhân Dân ngày 3-11-2011, Hoàn Cầu Thời Báo ngày 25-9-2011 rồi Thủ Tướng họ Ôn đều kêu lên: nhân dân “bất mãn”, “oán ghét”, “căm thù” chế độ “và người hiểu rõ hơn hết là ông Tập cận Bình.

Đầu tháng 3/2012, Phó Chủ Tịch Trung Quốc Tập cận Bình phát biểu tại Trường Đảng về những tệ nạn trong đảng CSTQ đăng trên báo đảng Cầu Thị ngày 16-3-2012: “Thiếu lý tưởng, sa đọa, vô nguyên tắc, vô trách nhiệm xâm nhập mọi cấp đảng viên.” và: “Họ vào đảng chỉ vì được hưởng đặc quyền, đặc lợi cá nhân.” 

Ai cũng biết ông này, ông nọ, báo này, báo nọ của Đảng nói ra như để xả van an toàn, cho dân hiểu rằng Đảng biết rồi, yên chí chờ Đảng sửa sai!

Nhưng dù sao thì đó cũng là sự thật và sự thật là Trung Quốc như một bãi mìn, bãi bom đụng chỗ nào cũng nổ: Nơi biên cương thì Tân Cương, Tây Tạng, Mông Cổ, bên trong thì Tứ Xuyên, Hà Bắc, Đại Liên, Thẩm Quyến, Long Thủ, Ô Khảm... hoặc tự thiêu, hoặc tấn công đồn bốt công an, hoặc đòi trả nợ máu, “huyết trái huyết hoàn”, lật đổ chính quyền địa phương.... Đối với đảng CSTQ, cách tốt nhất là tạm lùi xa (bãi mìn) để tìm cách tháo gỡ. 

Khi lên cầm quyền, Tập cận Bình của Đảng CSTQ thay đổi chiến thuật: Một mặt xoa dịu tập thể dân chúng bằng cách bớt đi những vụ cướp nhà, cướp đất - một mặt mở chiến dịch bài trừ tham nhũng nhưng thực tế là một cuộc thanh trừng nội bộ khốc liệt giữa phe Ôn, Tập và phe Giang trạch Dân, Chu vĩnh Khang, Bạc hy Lai. Nếu Chu, Bạc có 5,10 tỷ USD thì riêng gia đình Ôn đã có hơn 2 tỷ, gia đình Tập 3,4 trăm triệu đô la. Do đó tham nhũng, cường hào ác bá vẫn còn, dân chúng vẫn nổi loạn. Cuộc thanh trừng chưa chấm dứt, Tập càng ngày càng lộng vì quyền hành đã nắm vững làm giới đảng viên, giới thái tử đỏ lo lắng và bắt đầu tỏ thái độ chống đối.

Nhưng điểm quan trọng nhất là Tập không đảo lộn được tình hình kinh tế đang suy thoái trầm trọng. Sự tăng trưởng GDP đều đều giảm sút, chỉ số sản xuất PMI hạ thấp liên tục, xuất cảng trì trệ, thị trường Chứng Khoán mất giá, đồng Nhân Dân Tệ phá giá, giới kinh doanh trong nước và ngoài nước ào ào tháo chạy: năm 2015 có 1.000 tỷ đô la ra khỏi Trung Quốc. Than, thép, cement, hóa chất đầy kho nhưng vẫn phải sản xuất để công nhân không bị thất nghiệp, không nổi loạn. Bảy mươi triệu căn nhà không bán được, nợ Ngân Hàng, nợ nhà nước chồng chất. Sản xuất giảm, xuất nhập cảng giảm nên thuế không thu được trong khi phải tăng ngân sách cho quân đội và công an, hai lực lượng bảo vệ sự sống còn của Đảng.

Nếu trước đây chính quyền Bắc Kinh đưa ra khẩu hiệu "Ổn định để phát triển" làm lý do đàn áp dân, thì nay không thể nêu khẩu hiệu "Ổn định để thụt lùi" làm lý do giữ cho xã hội ổn định và đảng Cộng Sản thong dong ngồi trên đầu dân. 

Những trái bom 1.000 cân nổ chậm Mông Cổ, Tân Cương, Tây Tạng bên hông - Dân chúng bất mãn, căm phẫn, đụng đến là biểu tình chống đối - Biển Đông, Biển Bắc tự làm thành chảo dầu sôi, tàu bè súng ống ngợp trời, hoả tiễn tua tủa từ Nhật qua Đài Loan, Phillippines, Indonesia, Mã Lai - Kinh tế sa sút, Tập cận Bình đối phó cách nào để Trung Quốc ổn định, đảng CSTQ khỏi đi theo bước chân của Liên Xô, Ba Lan, Roumanie, Đông Đức? 

Thực ra sự sụp đổ của Trung Quốc đã được 1 thái tử Đảng là Trung Tướng Lưu á Châu, con rể Lý tiên Niệm tiên đoán từ 5, 7 năm trước và những tờ báo có uy tín trên thế giới như Le Monde, Wall Street Journal, Les Echos, Le Figaro... đã có những bài viết nói về đề tài này.

Mới đây nhà nghiên cứu nổi tiếng của Trung Tâm Nghiên Cứu An Ninh Hoa Kỳ, Robert D. Kaplan trong bài Eurasia’s Coming Anarchy (Sự hỗn loạn vô chính phủ sắp tới của lục địa Âu - Á) đăng trên Tạp Chí Foreign Affairs số tháng 3&4 năm 2016 tiên đoán Nga và Trung Quốc, do sự suy thoái về kinh tế và chế độ độc đoán sẽ tạo ra những hỗn loạn, tan rã trong tương lai gần và đề nghị chính phủ Mỹ nên sửa soạn kế hoạch ứng phó với tình thế mới.

Tình hình Trung Quốc sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến Việt Nam. Những nhà chính trị Việt đã nghĩ đến kế hoạch đáp ứng chưa và những người cầm quyền ở Hà Nội có biết rằng nếu tình hình Trung Quốc xảy ra như dự đoán thì những lời thề nguyền ở Thành Đô năm xưa liệu có còn giữ được đến lúc đầu bạc răng long?

Cách tốt nhất là đảng CSVN hãy quay trở về với dân tộc để chuộc lại những lỗi lầm đã phạm phải từ xưa tới nay.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo