Sẽ có một ngày "Hồ Chí Minh" trả lại cho "Sài Gòn" - Dân Làm Báo

Sẽ có một ngày "Hồ Chí Minh" trả lại cho "Sài Gòn"

Viên D (Danlambao) - Ngày 2/7/1976, Lê Duẩn, Trường Chinh Đặng Xuân Khu và cộng sản bắc Việt đã cưỡng ép đổi tên Sài Gòn thành "thành phố Hồ Chí Minh". Năm nay, Bộ máy tuyên truyền CSVN đang vận dụng hết công suất để làm nổi cái thời điểm "lịch sử" đó. Họ rêu rao rằng năm 1911 Hồ Chí Minh đã rời Sài Gòn để "tìm đường cứu nước". Nhưng tất cả đều là một sự dối trá trắng trợn. Hồ Chí Minh tìm đường cứu thân, cứu gia đình của ông, chứ không phải "cứu nước". Đó là sự thật cần phải nói cho người dân biết.

Người cộng sản có một tập quán rất ngạo mạn, thích áp đặt tên lãnh tụ của họ cho các đặt địa danh quan trọng. Cộng sản Nga Xô lấy tên Lenin đặt cho thành phố xinh đẹp St Petersburg thành "Leningrad". Thành phố Tsaritsyn cũng bị cho mang tên Stalingrad một thời gian, đến khi Khrushchev xóa bỏ cái tên đồ tể đó để trả về cái tên cũ. Ở Việt Nam, cộng sản bắc Việt cũng bắt chước theo Nga Xô lấy tên Hồ Chí Minh đặt cho thành phố Sài Gòn. Sài Gòn đã phải ngậm ngùi mang cái tên của một kẻ bất lương bất nghĩa suốt 40 năm.

Thực ra, việc đổi tên Sài Gòn thành "Hồ Chí Minh" không phải đợi đến năm 1976, mà đã có âm ưu từ năm 1960. Theo tiết lộ của ông Nguyễn Minh Cần, năm 1960 chính trị bộ đảng CSVN họp ở Hà Nội và bàn về việc dùng tên "Hồ Chí Minh" cho thành phố Sài Gòn. Ông Cần còn tiết lộ rằng khi có người hỏi "Thế bác Hồ có ý kiến gì không" thì có người nói "Bác đồng ý, nhưng có dặn là chưa nên nói ra khi thành phố chưa ở trong tay mình". Như vậy, rất có thể chính Hồ Chí Minh muốn lưu danh hậu thế nên gật đầu tán thành việc làm của đàn em. Điều này hoàn toàn hợp lý vì Hồ Chí Minh từng viết sách tự khen mình và xem mình ngang hàng với Đức Thánh Trần.

Nhưng đảng CSVN không dám tiết lộ ý đồ của Hồ Chí Minh nên phải tìm một lý do khác. Một trong những lý do Lê Duẩn và đồng bọn của y áp đặt tên Hồ Chí Minh cho Sài Gòn là ông Hồ Chí Minh rời bến Nhà Rồng, Sài Gòn năm 1911 để "tìm đường cứu nước". CSVN xem đó là một thời điểm lịch sử. Nhưng những dữ kiện lịch sử được công bố ở Pháp trong vài năm qua cho thấy Hồ Chí Minh chỉ tìm đường cứu thân y, chẳng hề có ý định "cứu nước" gì cả.

Năm 1911, Hồ Chí Minh lúc đó lấy tên là Nguyễn Tất Thành đã 21 tuổi, nếu năm sanh thật là 1890. Trong một thời gian dài, Nguyễn Tất Thành bị đuổi học và không có việc làm. Thành trôi dạt vào nam, và sống lang thang, không có nghề cụ thể. Trong cùng thời gian thì cha của Thành là Nguyễn Sinh Sắc cũng sống lang thang, lúc thì hành nghề dạy trẻ, viết liễn, lúc thì làm lang băm. Tóm lại, tình cảnh của gia đình Nguyễn Tất Thanh trong thời gian đó rất ư là bi đát.

Chính vì thế nên Nguyễn Tất Thành tìm đường ra nước ngoài để học tiếp và hy vọng tìm được việc làm. Khi theo tàu Pháp Amiral Latouche-Tréville đến Marseille, Nguyễn Tất Thành lập tức viết đơn xin được đi học ở trường thuộc địa. Một đơn gởi cho bộ trưởng bộ thuộc địa Pháp, một thơ khác gởi cho tổng thống Pháp. Cả hai đơn có nội dung giống hệt nhau. Trong lá đơn đề ngày 15/9/1911 gởi cho tổng thống Pháp, Nguyễn Tất Thành viết như sau:

"Marseille, ngày 15 tháng Chín năm 1911

Kính thưa Tổng Thống Cộng Hòa,

Tôi xin trân trọng thỉnh nguyện lòng hảo tâm của Ngài ban cho tôi đặc ân được nhận vào học nội trú trường Thuộc Địa. Tôi hiện đang làm công nhân trong công ty Chargeurs Réunis (tàu Amiral Latouche-Tréville) để sinh sống.

Tôi hoàn toàn không có chút tài sản nào, nhưng rất khao khát học hỏi. Tôi ước mong trở nên hữu ích cho nước Pháp đối với đồng bào tôi, đồng thời làm thế nào cho họ hưởng được những ích lợi của nền học vấn.

Tôi người gốc tỉnh Nghệ An, xứ An nam.

Trong khi chờ đợi câu trả lời mà tôi hy vọng là thuận lợi của Tổng Thống, xin Ngài nhận trước nơi đây lòng biết ơn của tôi.

Nguyễn Tất Thành, sinh tại Vinh năm 1892,
Con của ông Nguyễn Sinh Huy (Phó bảng).
Học sinh Pháp văn, Quốc ngữ và chữ Nho." - (Bản dịch của GS Nguyễn Thế Anh).

Chú ý trong lá đơn trên, Hồ Chí Minh khai sanh năm 1892. Đó cũng là một lý do khác cho thấy khó biết sự thật Hồ Chí Minh sanh năm nào.

Trong lá đơn trên, Nguyễn Tất Thành tỏ ra rất khẩn khoản, van xin được học trường thuộc địa, để được làm quan. Như vậy, chính Hồ Chí Minh bày tỏ nguyện vọng để được làm quan thuộc địa chứ không hề có ý định "cứu nước" gì cả.

Hai lá đơn này bị đảng CSVN giấu kín, cho đến nay cũng không dám công bố. Hai lá đơn được GS Nguyễn Thế Anh phát hiện trong văn khố Pháp. GS Anh là nguyên viện trưởng viện đại học Huế trước 1975.

Nhưng đơn của Nguyễn Tất Thành bị bác bỏ. Lý do bác bỏ là vì trình độ của Thành còn quá kém. Ngay cả lá đơn Thành viết cũng có quá nhiều sai chính tả và ngữ vựng. Những sai lầm về cách dùng từ như thay vì subsistance thì Thành viết là substance, hay thay vì Veuillez agréer Monsieur le President, thì Thành viết Agréer Monsieur le President. Đại khái như thế.

Năm 1912, Nguyễn Tất Thành còn viết một thơ khác cho Khâm sứ Pháp tại Huế để xin việc cho cha ông. Lá thơ có lời lẽ rất thống thiết như sau: 

"...cầu mong Ngài vui lòng cho cha tôi được nhận một công việc như thừa biện ở các bộ, hoặc huấn đạo, hay giáo thụ để cha tôi sinh sống dưới sự quan tâm cao quý của Ngài…"

Những sự thật trên bị đảng CSVN giấu nhẹm nói lên 2 điều về ông Hồ Chí Minh. Điều thứ nhất là ông rời Việt Nam để tìm đường mưu cầu danh lợi cho cá nhân, cụ thể là muốn làm quan. Cậu Nguyễn Tất Thành không hề có ý định "cứu nước". Điều thứ hai là trình độ học vấn của cậu thanh niên Nguyễn Tất Thành rất kém. Cả hai sự thật chẳng có gì đáng trách. Ai cũng muốn mưu cầu hạnh phúc cho mình, chứ đâu riêng gì Hồ Chí Minh. Không có cơ hội theo học chính quy thì kém tiếng Pháp là điều hoàn toàn có thể thông cảm.

Nhưng điều thô bỉ nhất là bộ máy tuyên truyền của đảng CSVN muốn biến sự mưu cầu hạnh phúc cá nhân của Hồ Chí Minh thành một lý tưởng cao cả "cứu nước". Một điều lố bịch và dối trá nữa là các văn nô CSVN lại tâng bốc rằng Hồ Chí Minh thông thạo 29 ngoại ngữ. Tiếng Pháp là ngoại ngữ tốt nhất của Hồ Chí Minh mà ông còn viết sai và nói sai nhiều thì chuyện thông thạo 29 ngôn ngữ chỉ là một sự bịa đặt. Sự thần tượng hóa trong chế độ cộng sản đã trở thành một truyền thống dối trá. Người cộng sản thừa biết rằng lập lại sự dối trá trong nhiều năm thì nó sẽ thành "sự thật". Chính vì thế mà cả hai ba thế hệ người bắc vẫn còn tin rằng Hồ Chí Minh ra đi "tìm đường cứu nước"! 

Những sự thật trên cũng nói lên hùng hồn rằng không có một lý do gì để đặt cái tên "Hồ Chí Minh" cho thành phố Sài Gòn. Sài Gòn là một cái tên lịch sử. Lấy tên Hồ Chí Minh để đặt cho thành phố lớn nhất của đất nước không chỉ là một sự ngạo mạn của người cộng sản mà còn là một hình thức xóa ký ức lịch sử dân tộc. Xóa ký ức sử là một trọng tội.

Ngày nay, khi cộng sản sụp đổ, "Leningrad" phải lại cho St Petersburg. Một ngày nào đó khi Việt Nam tự do và dân chủ, Hồ Chí Minh cũng phải trả lại cho Sài Gòn. Trả lại địa danh Sài Gòn là một điều hoàn toàn hợp lý vì Hồ Chí Minh hoàn toàn không có liên quan hay có bất cứ công trạng gì với Sài Gòn. Trả lại địa danh "Hồ Chí Minh" cho Sài Gòn cũng như đem xác ông đi chôn là cách giúp linh hồn ông được siêu thoát.

3.7.2016



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo