Nguyễn Tường Thụy (rfavietnam) - Thông tin đầu tiên về vụ bắn chết hai quan đầu tỉnh Yên Bái có lẽ lên báo sớm nhất là tin “Chấn động: Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm Yên Bái nổ súng bắn lãnh đạo tỉnh của Pháp luật Việt Nam” vào lúc 9 h40’ ngày 18/8/2016, tức là chỉ sau khi vụ việc xảy ra 1 giờ rưỡi. Tuy nhiên ít phút sau, bài báo này đã bị ẩn. Chỉ khi đến giữa ngày, nhiều trang báo đồng loạt đăng tin thì bài này mới cho hiện trở lại.
Lập tức, các trang mạng xã hội, đặc biệt là facebook dày đặc các thông tin, bình luận về sự kiện này. Sang mấy ngày tiếp theo, các facebooker gần như không quan tâm đến thông tin nào khác. Đặc biệt, thái độ khi bình luận đối với họ tuyệt đại đa số là... hả hê.
Sự hả hê lan rộng tới mức, ngay tối hôm đó, VTC phải đăng bài để chấn chỉnh, định hướng, được các facebooker coi là bài khóc mướn “Khi kẻ vô lương đùa cợt trên nỗi đau tột cùng vụ thảm án” của tác giả Khánh Nguyên. Bài viết đầy những giáo lý từng nghe đến nhàm chán, chỉ trích nặng nề đám đông đang hả hê đó.
Sau khi cho rằng, đây là tổn thất lớn của hệ thống chính trị, của gia đình nạn nhân, tác giả cao giọng dạy bảo, qui kết: “Đùa cợt, rồi hả hê với nỗi đau của sự mất mát cũng đồng nghĩa với cổ vũ cho hành vi tội ác man rợ. Và những kẻ này, ở một mức độ nào đó, cũng có phần man rợ như tên sát nhân máu lạnh”.
Và đương nhiên, lời rao giảng giáo điều này bị cộng đồng mạng đồng thanh lên tiếng kịch liệt phản đối. Họ đặt ra những câu hỏi mà tác giả khó trả lời. Chỉ xin dẫn ra đây ý kiến của Trương Minh Tam, một tù nhân lương tâm từng chịu quá nhiều đau khổ: “Không có lương tri nào đòi hỏi mỗi chúng ta phải đau khổ, thương xót khi đứng trước cái chết của những kẻ tội đồ cả. Nhỏ nước mắt trước cái chêt của quỷ dữ là nước mắt của những kẻ không có não!”.
Hỉ, nộ, ái, ố là các cung bậc trạng thái tình cảm của con người. Những trạng thái này được thể hiện bằng thái độ, bằng lời nói tuy đôi khi cũng phải kìm nén. Bày tỏ như thế nào là tùy thuộc vào mỗi người do quan hệ cá nhân của họ. Việc thể hiện hay không, thể hiện như thế nào, không ai có thể bắt được ai. Một chàng trai không thể chất vấn một cô gái rằng, tôi nhà giàu, đẹp trai, con quan, tại sao cô không yêu tôi? Không thể trách cô gái là không có xúc cảm trước cái tưởng là tiêu chuẩn hàng đầu cho mỗi người khi chọn bạn đời. Việc các facebooker hả hê trước vụ thanh toán nhau ở Yên Bái là trạng thái tình cảm thật, khi mà người dân phải chịu quá nhiều áp bức, đè nén, bất công, đau khổ vì chính quyền gây ra, khi mà chính quyền coi họ như cỏ rác, giẫm đạp, giày xéo lên họ để thăng tiến, để sống cuộc đời vương giả, phè phưỡn. Thời buổi soi vào tim óc người ta xem người ta nghĩ gì, định hướng tình cảm phải yêu ai, ghét ai đã qua rồi.
Xin hỏi tác giả bài viết, tác giả có thái độ thế nào trước cảnh tượng như sau mỗi cuộc đàn áp áp dân thành công như đàn áp biểu tình, cưỡng chế đất, cán bộ và nhân viên cộng lực hả hê chia tiền và nâng cốc ở các nhà hàng, không cần biết đến hậu quả là những gia đình lâm vào cảnh cùng quẫn vì mất nhà, mất đất? Ngược lại chút thời gian, trong thời kỳ chiến tranh, báo chí hả hê đưa tin như thế nào sau mỗi trận thắng, giết được bao nhiêu Mỹ và “Ngụy”, trong khi những người lính ấy cũng có gia đình, vợ con?... Lúc ấy, tác giả ở đâu? Nếu chưa sinh ra, tác giả có biết đến cuộc nội chiến đẫm máu và nước mắt trong giai đoạn đau thương nhất trong lịch sử dân tộc?
Xin kể một chuyện về vụ Tòa tháp đôi của Nước Mỹ bị tấn công ngày 11/9/2001 làm 2999 người tử vong và mất tích, trong đó có tới 2944 người là dân thường. Vậy mà ở Việt Nam, không hiếm người tỏ rõ sự hả hê với những từ ngữ như “đáng đời”, “cho chết”. Trong bữa ăn trưa ngày 12/9 năm ấy, vợ tôi đi chợ về kể nhiều người mừng lắm, tôi bảo: “Sao lại mừng? Nước Mỹ nhức đầu thì Việt Nam cũng sổ mũi. Bin Laden là kẻ thù chung của loài người chứ đâu của riêng Nước Mỹ. Người chết lại toàn là dân thường”.
Chú em tôi đi họp chi bộ về nói cuộc họp phổ biến việc Nước Mỹ bị khủng bố không được tỏ ra vui mừng. Rồi chú ấy nhận xét: “Như vậy là rõ ràng công nhận là mình có vui mừng rồi còn gì”.
Đừng lên mặt đạo đức để rao giảng cho thiên hạ mỗi khi có người tỏ thái độ khác với mình. Cần phải đặt ra câu hỏi, tại sao công an chết, cán bộ chết thì dân mừng, cấp càng cao thì càng mừng hơn nữa. Vấn đề nên rút ra ở đây là tại sao họ mừng, lòng dân hướng về ai, họ cần gì và căm ghét những gì.
Việc cán bộ cao cấp ở Yên Bái bị thanh toán mà dân lại mừng có thể coi như một cuộc trưng cầu dân ý về lòng dân đối với Đảng và nhà cầm quyền. Nó không như những gì mà cộng sản thường rêu rao như “ý đảng, lòng dân”, “nhân dân tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng” và cả những đại ngôn “Đảng vững mạnh, đất nước phát triển, dân tộc trường tồn”. Nhân đây, xin nhắc thêm sự kiện gần nhất là Tổng thống Obama sang thăm Việt Nam. Sự cuồng nhiệt của người Việt Nam khi đón Tổng thống Mỹ, cách bày tỏ tình cảm của nhân dân Việt Nam với ông Obama cho thấy, họ đang hướng về Nước Mỹ, khát khao những giá trị Mỹ, đặc biệt là giá trị dân chủ, nhân quyền. Đó cũng có thể coi như một cuộc trưng cầu dân ý vậy.