Tòa Phúc thẩm sắp xét xử vụ những người phê phán ôn hòa bị kết tội.
New York, ngày 20 tháng Chín năm 2016 - Hôm nay Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tuyên bố rằng chính quyền Việt Nam cần hủy bỏ bản án mang động cơ chính trị đã tuyên với hai blogger, và phóng thích họ khỏi trại giam. Ngày 22 tháng Chín năm 2016 Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội sẽ xử phiên phúc thẩm đối với blogger nổi tiếng Nguyễn Hữu Vinh và cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy, những người đã điều hành trang web phê phán chính quyền Việt Nam.
Công an bắt giữ Nguyễn Hữu Vinh (bút danh Ba Sàm) và Nguyễn Thị Minh Thúy vào tháng Năm năm 2014 và cáo buộc họ với tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước” theo điều 258 bộ luật hình sự Việt Nam. Tháng Ba năm 2016, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội kết án Nguyễn Hữu Vinh năm năm tù và Nguyễn Thị Minh Thúy ba năm tù. Vợ của Nguyễn Hữu Vinh, bà Lê Thị Minh Hà, nói rằng gia đình chưa được gặp ông trong hơn 11 tháng qua dù đã nhiều lần gửi đơn đề nghị.
“Chính quyền Việt Nam cứ khăng khăng cho rằng cung cấp tin tức độc lập cho công chúng Việt Nam là một hành vi phạm tội,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Giờ đây tòa phúc thẩm đang có một cơ hội quan trọng để khẳng định quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam.”
Nguyễn Hữu Vinh, 60 tuổi, nguyên là sĩ quan công an và Đảng viên Đảng Cộng sản, xuất thân từ một gia đình cộng sản có tiếng. Vào tháng Chín năm 2007, ông thành lập blog Ba Sàm. Sử dụng khẩu hiệu “Phá vòng nô lệ,”mục tiêu được tuyên bố của Ba Sàm là đưa tin tức từ nhiều góc nhìn đến với độc giả. Ba Sàm dẫn các đường kết nối với các “tin nóng” - đôi lúc kèm theo các bình luận ngắn của người điều hành blog - về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và thời sự quốc tế từ rất nhiều nguồn, trong đó có cả báo chí nhà nước và các blog cá nhân. Blog cũng đăng những bài xã luận phê bình và bản dịch sang tiếng Việt của các bài báo nước ngoài liên quan đến tình hình xã hội và chính trị Việt Nam. Trong sáu năm hoạt động, tính đến thời điểm Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy bị bắt, Ba Sàm đã thu hút hàng triệu độc giả trong và ngoài nước Việt Nam.
Trong phiên xử hồi tháng Ba, công an đã quản chế nhiều người khiến họ không đến được tòa án để bày tỏ tinh thần đoàn kết. Tuy nhiên, hàng chục blogger và nhà hoạt động nhân quyền vẫn tìm được cách tổ chức một cuộc biểu tình kêu gọi trả tự do cho họ ngay trên vỉa hè đối diện tòa án. Công an đã câu lưu một số người, trong đó có nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng Nguyễn Quang A.
Năm 2016, chính quyền gia tăng đàn áp các cây viết trên Internet, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu. Trong chín tháng đầu năm 2016, các tòa án ở Việt Nam đã xét xử và tuyên án tù đối với ít nhất là 18 blogger và nhà hoạt động vì đã vi phạm một số điều trong bộ luật hình sự có nội dung hình sự hóa tự do ngôn luận và tôn giáo.
“Việt Nam có cả ngàn tờ báo, trang web, đài phát thanh và truyền hình của nhà nước để đăng tải các tin tức được chính quyền cho phép, thế mà vẫn đi truy tố những blogger và nhà báo dũng cảm không chịu đưa tin theo đúng đường lối,” ông Adams nói. “Các nhà lãnh đạo Việt Nam cần biết rằng bỏ tù những nhà báo và blogger này không thể khiến họ ngừng đưa tin về thực trạng đất nước tới những người dân Việt Nam. Các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế cần công khai gây sức ép để Việt Nam chấm dứt đàn áp những công dân đang thực thi các quyền cơ bản của mình một cách ôn hòa.”
Để biết thêm các báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về Việt Nam, vui lòng truy cập:
Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ:
Ở San Francisco, Brad Adams (tiếng Anh): +1-347-463-3531 (di động); hoặc adamsb@hrw.org. Twitter: @BradMAdams
Ở Bangkok, Phil Robertson (tiếng Anh, tiếng Thái): +66-85-060-8406 (di động); hoặc robertp@hrw.org. Twitter: @Reaproy
Ở Washington, DC, John Sifton (tiếng Anh): +1-646-479-2499 (di động); hoặc siftonj@hrw.org. Twitter: @johnsifton