Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ‘đồng hành’ với Hoa Sen Group từ khi nào? - Dân Làm Báo

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ‘đồng hành’ với Hoa Sen Group từ khi nào?

Thảo Vy - Nguyễn Phúc (VNTB) - Trần Tuấn Anh, nhân vật hiện là Bộ trưởng Bộ Công thương, đã bị nhiều tố cáo vào thời ông còn là hiệu trưởng Đại học Công nghiệp TP. HCM...

Trong một bài viết trên trang Dân Làm Báo, tác giả ký tên Người Quan Sát có đặt nghi vấn: “Dự án thép Hoa Sen Cà Ná - nhóm lợi ích của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc?”.

Trong phần gọi là “điểm qua một số sự kiện song hành của ông Trần Tuấn Anh trong quá khứ cùng tập đoàn Tôn Hoa Sen - kể từ thời còn làm thứ trưởng”, tác giả Người Quan Sát chỉ xét cột mốc tính từ tháng 6-2015, trong đó chủ yếu là nói về mối quan hệ gia đình, với người cha của ông Tuấn Anh là cựu chủ tịch Nước Trần Đức Lương.

Bài viết 2 kỳ này xin đề cập về một Trần Tuấn Anh đã nhận rất nhiều đơn thư tố cáo lúc ông đang ngồi cả 2 ghế thứ trưởng Bộ Công thương và hiệu trưởng (HT) trường Đại học Công nghiệp (ĐHCN) TP. HCM. Từ đó đến nay, ông liên tục thăng quan tiến chức, kể cả về mặt đảng.

Từ ông hiệu trưởng bị đề nghị cảnh cáo…

Trước khi ‘chia tay’ ghế HT trường ĐHCN TP. HCM, ông Trần Tuấn Anh nhận được kiến nghị của Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về yêu cầu Bộ Công thương cần ban hành quyết định (QĐ) cảnh cáo HT ĐHCN TP. HCM do không đạt cả hai tiêu chí về giảng viên, diện tích sàn xây dựng và tự xác định chỉ tiêu vượt năng lực đào tạo thực tế quá lớn ở kỳ tuyển sinh năm 2012.

Trước đó, Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD-ĐT) đã phát hiện trường ĐHCN TP. HCM thu học phí “vượt trần” đối với SV kể từ năm học 2010-2011 dưới thời HT Tạ Xuân Tề sang cả thời HT Trần Tuấn Anh. Theo đó, suốt 3 niên khóa, sinh viên trường này dù “mang tiếng” là học trường công nhưng vẫn phải đóng học phí cao hơn so với quy định của Bộ GD-ĐT dưới hình thức “tín chỉ lý thuyết” và “tín chỉ thực hành”.

Tuy nhiên khi Thanh tra Bộ GD-ĐT bắt đầu vào cuộc thì tháng 9-2012, ông Trần Tuấn Anh rời ghế kiêm nhiệm HT ĐHCN TP. HCM để về tập trung làm tốt vai trò thứ trưởng Bộ Công thương, do đó không có một QĐ cảnh cáo nào dành cho cựu HT Trần Tuấn Anh.

Hiệu trưởng Trần Tuấn Anh từng bị tố cáo gì?

Tháng 8-2012, HT Trần Tuấn Anh đã thực hiện kế hoạch “tái cơ cấu bộ máy nhân sự” khiến nhiều người, nhất là những cán bộ kỳ cựu lên tiếng phản đối.

Theo đơn tố cáo của một số cán bộ, giảng viên đang công tác tại ĐHCN TP. HCM gửi đến báo chí phản ánh: Đầu tháng 8-2012 ông Trần Tuấn Anh, HT trường ĐHCN TP. HCM đã ra hàng chục các QĐ gây chấn động toàn trường và miễn nhiệm một loạt cán bộ không lý do, rồi đưa một số cán bộ, giảng viên về làm việc tại các đơn vị không cần chuyên môn.

Với tinh thần làm việc “khẩn trương”, trong ngày 6-8-2012, HT Trần Tuấn Anh ký một mạch 26 QĐ từ 615 đến 640 về việc thay đổi bộ máy nhân sự của trường ĐHCN TP. HCM. Hai ngày sau, HT Tuấn Anh lại ký một loạt 10 QĐ tương tự. Trước đó, vào tháng 6 và 7-2012, HT Tuấn Anh cũng ký nhiều QĐ “bổ nhiệm, điều động cán bộ”.

Theo các QĐ này, có nhiều người được lên chức rất nhanh. Cụ thể như kỹ sư Ninh Văn Tiến đương chức phó khoa Công nghệ điện, được HT Tuấn Anh điều động về làm phó phòng Quản trị và quản lý thiết bị ngày 13-6-2012. Chỉ hơn tháng sau, HT Tuấn Anh bổ nhiệm ông Tiến giữ chức Trưởng phòng này. Trường hợp ông Huỳnh Văn Minh còn đặc biệt hơn, chỉ là nhân viên với tấm bằng cao đẳng nhưng đã được cất nhắc lên chức phó phòng Dịch vụ. Đã thế, ông Minh còn được HT Tuấn Anh giao phụ trách cả phòng này.

Ngược lại, không ít cán bộ chủ chốt bị “hạ” chức, chuyển công tác sang đơn vị khác, không đúng chuyên môn. Đang là Trưởng khoa Công nghệ thông tin, ông Đỗ Công Thành bất ngờ bị HT Tuấn Anh cho xuống làm phó khoa Cơ khí! Trưởng khoa Quốc tế Bùi Đinh Tiền thì sửng sốt khi bị hạ xuống làm phó giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế. Còn nữa, Trưởng khoa Marketing Phạm Duy Hiếu xuống phó phòng Quản lý khoa học; Trưởng khoa Máy và thiết bị Nguyễn Thạch Minh xuống làm phó khoa Hóa học; Trưởng khoa Giáo dục quốc phòng Nguyễn Minh Luận xuống phó khoa Lý luận chính trị; Trưởng khoa Cơ khí Huỳnh Văn Quang xuống làm phó phòng Quản trị.

Tương tự, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ Đinh Văn Đệ và Giám đốc Trung tâm Công nghệ hàn Lê Văn Điện cùng bị hạ xuống làm phó khoa Cơ khí. Cùng cảnh ngộ, Giám đốc Trung tâm Phần mềm Phạm Minh Tùng xuống phó khoa Công nghệ thông tin.

Tệ hại hơn, đương chức phó giám đốc Trung tâm Phần mềm Nguyễn Anh Sơn bị HT Tuấn Anh cho về làm nhân viên quản lý ký túc xá! Thạc sĩ kinh tế Nguyễn Thị Thủy – phó phòng Học liệu – xuống làm nhân viên Trung tâm Thư viện! Phó giám đốc Thư viện Phạm Thủy Hồ cũng bị cho xuống làm nhân viên Phòng Công tác chính trị! Trưởng khoa Giáo dục thường xuyên Đặng Hữu Hạnh xuống làm giảng viên Khoa Ôtô.

Không chỉ bị hạ chức, một số cán bộ còn mất chức. Ngày 18-7-2012, HT Tuấn Anh ký QĐ miễn nhiệm chức Trưởng phòng Tài chính - kế toán kiêm Kế toán trưởng (do Bộ Công thương bổ nhiệm) đối với ông Đỗ Ngọc Chín vì quá tuổi. Trong khi ông Trịnh Xuân Ngọ bằng tuổi ông Chín (SN 1954) thì được HT Tuấn Anh bổ nhiệm chức Trưởng phòng Quản lý khoa học (?!).

Ở thời điểm đó, những việc làm kể trên của HT ĐHCN TP. HCM hoàn toàn trái với điều lệ trường đại học do Thủ tướng ban hành. Ngoài ra, những người được bổ nhiệm đều được hưởng hệ số phụ cấp chức vụ trái với quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Sau khi được “tái cơ cấu”, bộ máy nhân sự của trường ĐHCN TP. HCM chẳng những không được tinh gọn mà trở nên cồng kềnh, rối rắm. Thời ông Tạ Xuân Tề làm HT, trường có sáu phó HT gồm PGS-TS Lê Văn Tán, PGS-TS Phan Chí Chính, tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng và thạc sĩ Nguyễn Thiên Tuế.

Đến thời HT Trần Tuấn Anh, trường lại tăng thêm một phó HT nữa là thạc sĩ Trần Văn Thắng (công tác tại Bộ Công thương). Dư luận tại trường không đồng tình vì ông Thắng không đáp ứng hai tiêu chí bắt buộc cần có của một hiệu phó trường đại học như điều lệ trường đại học quy định, là phải có trình độ tiến sĩ; tham gia giảng dạy và quản lý trong trường đại học 5 năm trở lên...

Với bảy phó HT, trường ĐHCN TP. HCM trở thành trường đại học có nhiều “sếp” phó nhất tại Việt Nam. Theo điều lệ trường đại học, số lượng phó HT của các trường đại học không quá ba người. Đối với trường quy mô lớn thì Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét, quyết định việc có trên ba phó HT.

“Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của hàng trăm cán bộ, giảng viên đang công tác tại trường ĐHCN TP. HCM, tập thể cán bộ nhà trường khẩn thiết đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ những dấu hiệu sai phạm tại ĐHCN TP. HCM, đảm bảo sự trong sạch của nền giáo dục đào tạo”. Đó là một trong những nội dung trong đơn tố cáo ông HT Trần Tuấn Anh mà báo chí ở Sài Gòn đã nhận vào tháng 9-2012.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh 
và vợ là người mẫu Thủy Hương
*

Ông Trần Tuấn Anh dường như có số làm quan ngay từ khi còn rất trẻ. Từ một vị trí có tên gọi chung chung là chuyên viên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông đã lên nhanh như diều gặp gió khi người cha của ông ngồi vào ghế chủ tịch Nước.

Điểm lạ là trong lý lịch của ông Trần Tuấn Anh từ lúc còn giữ chức hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp (ĐHCN) TP. HCM cho đến khi ngồi vào ghế bộ trưởng Bộ Công thương, không thể tìm được ông Trần Tuấn Anh từng học ở đâu, tốt nghiệp đại học nào và ông đã bảo vệ đề tài gì cho luận văn tiến sĩ.

Hoạn lộ thênh thang

Trước khi về làm HT trường ĐHCN TP. HCM, ông Trần Tuấn Anh từng là Giám đốc Quỹ Ngoại giao phục vụ kinh tế, Bộ Ngoại giao; cựu Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco (Mỹ). Đó là giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2008, giữa hai triều đại Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng.

Tháng 7-2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký QĐ phê chuẩn ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Cần Thơ, giữ chức phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2004-2009.

Tháng 8-2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký QĐ điều đồng, bổ nhiệm ông Trần Tuấn Anh giữ chức thứ trưởng Bộ Công thương.

Ngày 23-3-2015, ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã trao QĐ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc điều động giữ chức vụ phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Theo đó, thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh được bổ nhiệm làm phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương kiêm nhiệm.

Đến ngày 9-4-2016, tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khóa XIII, Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công thương cho ông Trần Tuấn Anh theo đề xuất của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

“Đỡ đầu” tập đoàn Tôn Hoa Sen?

Lúc còn giữ chức thứ trưởng tại Bộ Công thương, ông Trần Tuấn Anh được giao nhiệm vụ phụ trách trực tiếp lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu và dịch vụ thương mại; phát triển nguồn nhân lực, thương mại điện tử và công nghệ thông tin; quan hệ song phương, phát triển thị trường và các vấn đề liên quan đến xử lý tranh chấp thương mại và chống bán phá giá, chống trợ cấp ở nước ngoài đối với hàng hóa Việt Nam tại các nước Châu Mỹ.

Như vậy với việc ông Trần Tuấn Anh thường xuyên có mặt trong các sự kiện ở tập đoàn Tôn Hoa Sen, cho thấy hoàn toàn có lý cho hoài nghi ẩn giấu một lợi ích nhóm trong những cú áp phe làm ăn này.

Trong chuyến công tác của Bộ Công thương tại Mexico ngày 15-04-2013 do thứ trưởng Trần Tuấn Anh dẫn đầu, trong danh sách đoàn có ông Lê Phước Vũ, chủ tịch HĐQT tập đoàn Tôn Hoa Sen.

Ngày 20-06-2013, thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh dự lễ ký kết cấp hạn mức tín dụng giữa Vietinbank và tập đoàn Tôn Hoa Sen. Sự kiện này hiểu nôm na là Hoa Sen đi vay tiền, thứ trưởng Trần Tuấn Anh chẳng rõ hiện diện để làm gì. Và sau đó mặc dù không phải là lãnh vực được giao phụ trách quản lý về ngành dọc, vào ngày 19-06-2015, thứ trưởng Trần Tuấn Anh đã đến dự Lễ khởi công nhà máy tôn Hoa Sen tại Nghệ An.

Đến ngày 25-08-2016, Bộ Công thương cho dự án thép của tập đoàn Tôn Hoa Sen vào quy hoạch. Lúc này ông Trần Tuấn Anh đã lên bộ trưởng rồi.

Liệu trên cương vị bộ trưởng, ông Trần Tuấn Anh có tiếp tục ‘đồng hành’ cùng tập đoàn Tôn Hoa Sen trong liên quan áp phe làm ăn có tên dự án thép Cà Ná? Mở báo cáo tài chính hợp nhất kết thúc vào ngày 30-6-2016 của tập đoàn Tôn Hoa Sen ra xem thì thấy tập đoàn này có vốn điều lệ 1.965 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu 3.689 tỉ đồng và tổng vốn vay, nợ thuê tài chính ngắn hạn, dài hạn là 4.639 tỉ đồng.

Danh sách các ngân hàng cho tập đoàn Tôn Hoa Sen vay có đủ mặt, cả quốc doanh và nửa quốc doanh, có cả bốn “ông lớn” Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank; nước ngoài có HSBC, ANZ, Standard Chartered Bank, UOB; ngân hàng cổ phần có Á Châu, Quân đội, Bản Việt, VPBank; lại có cả Ngân hàng Phát triển Việt Nam (chủ yếu cho vay chính sách).

Hoa Sen chỉ có 15% vốn tự có cho dự án Cà Ná, phần còn lại tất phải đi vay. Những ngân hàng nào đủ sức thẩm định tác động đến môi trường của một dự án thép khổng lồ như Cà Ná khi mà “tấm gương” của Formosa còn nhãn tiền ra đấy? Liệu ông Trần Tuấn Anh có dám dùng ghế bộ trưởng để ‘thế chấp’ cho phi vụ làm ăn này hay không?

Công luận nghi vấn

Cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng được cho chính là người đỡ đầu cho Trịnh Xuân Thanh. Đến lượt mình, Trịnh Xuân Thanh được cho là người đỡ đầu cho Nhà máy giấy Lee & Man ở tỉnh Hậu Giang.

Với ông Trần Tuấn Anh, như trình bày phía trên, nếu không có sự ưu ái thì vì sao với rất nhiều đơn thư tố cáo, có cả kết luận của thanh tra Bộ GD-ĐT, ông Trần Tuấn Anh vẫn tiếp tục thăng quan tiến chức? Và gần đây nhất là bất chấp vụ việc tàn phá môi trường của dự án thép Formosa Hà Tĩnh, ông Bộ trưởng Bộ Công thương lại đưa dự án thép của tập đoàn Tôn Hoa Sen vào quy hoạch, bất chấp chuyện đã công khai vi phạm quy trình thẩm định về quy hoạch ngành thép Việt Nam.

Cũng cần nhắc lại một tình tiết mà chắc hẳn là người ngồi ghế thứ trưởng Bộ Công thương từ 6 năm về trước phải biết rất rõ, rằng lâu nay quy hoạch ngành thép chưa có dự án của tập đoàn Hoa Sen. Vết đổ của tập đoàn Vinashin khi tuyên bố đầu tư vào ngành thép cho công nghiệp đóng tàu tại Cà Ná, là bài toán kinh doanh thua lỗ - mặc dù đã được chính phủ thời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hết sức ưu ái về các nguồn vốn - mà hậu quả đến nay vẫn chưa giải quyết nỗi.

Câu hỏi đặt ra là tại sao khi lên chức bộ trưởng Bộ Công thương, ông Trần Tuấn Anh lại ra quyết định đưa dự án thép của Hoa Sen vào quy hoạch, trong khi trên thế giới tình hình sản xuất thép đang là ứ đọng và Trung Quốc cũng đang ứ đọng xuất bán giá rẻ?




 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo