Chính trị thời đại cần tư duy hợp thời đại - Dân Làm Báo

Chính trị thời đại cần tư duy hợp thời đại


Chiến trường cần chiến sĩ dũng cảm.
Nghị trường cần chính trị gia sáng suốt.

Những tư tưởng, luận thuyết, những mô hình tổ chức cai trị, hệ thống cai trị lạc hậu lỗi thời phải bị đào thải, thay thế. Đó là qui luật tất yếu của lịch sử phát triển xã hội loài người và mô hình tổ chức cai trị độc tài quân chủ, độc tài cộng sản, độc tài quân phiệt cũng không là ngoại lệ. Điều hiển nhiên là mô hình cai trị không còn thích hợp cho nhu cầu phát triển xã hội về hướng văn minh phải bị đào thải. Hiện nay mô hình cai trị độc tài quân chủ, độc tài cộng sản, độc tài quân phiệt đã, đang bị thay thế bằng mô hình tổ chức hiện đại, là mô hình tổ chức cai trị dân chủ tức thể chế chính trị dân chủ.

Trong thể chế này, những biến động chính trị, thay đổi quyền bính chính trị, tranh đoạt quyền lực chính trị đều diễn ra cách công khai ôn hòa, êm đẹp trong hòa bình. Do đó, các đối thủ chính trị, các chính trị gia cần phải được trang bị tư duy nhận thức mới, kỹ năng hành động mới.

Ai cũng thấy dưới chính thể độc tài quân chủ, độc tài cộng sản mọi cuộc đấu tranh chính trị, tranh lấy quyền hành cai trị đều bị cấm đoán, bị đặt ra ngoài vòng pháp luật và việc thay đổi chế độ dù bạo động hay bất bạo động đều ít nhiều có đổ máu. Trừ khi giai cấp cầm quyền tự chuyển biến, tự chuyển hoá thì việc thay đổi chính quyền sẽ diễn ra trong hòa bình, không đổ máu. Nhưng thường thì các chế độ độc tài ít khi chịu thay đổi, chịu rời bỏ quyền lực, nếu không có sức ép mạnh mẽ của người dân bị trị và của cộng đồng nhân loại tiến bộ. Thế cho nên mọi hoạt động chính trị, tổ chức đấu tranh thay đổi các chế độ độc tài đều diễn ra trong vòng khép kín, bí mật hoặc nửa bí mật, nửa công khai và thiên về bạo lực vũ trang nhiều hơn đối thoại hòa bình.

Ngày nay đã qua rồi thời đại quân chủ, nhân loại đã bước sang thời đại dân chủ nên mọi cuộc đấu tranh chính trị thay thế chuyển đổi chính thể độc tài quân chủ, cộng sản còn sót lại phải thay đổi tư duy, nhận thức để theo kịp thời đại. Trong thời đại này, thời đại dân chủ những loại bạo lực vũ trang dần dần bị thay thế bởi các phương pháp đấu tranh ôn hòa qua đối thoại hòa bình và các chính trị gia thời đại cần đoạn tuyệt với kiến thức, tư duy đấu tranh kiểu cũ, kiểu lỗi thời lạc hậu "thắng - bại" của được làm vua, thua làm giặc thời quân chủ, thời vua là con trời, vua là thiên sứ được trời sai xuống trần thế cai trị muôn dân.

Những kiến thức, phương thức đấu tranh chính trị hiện đại của thời đại dân chủ, ngoài những dòng tư tưởng chỉ dẫn đại khái, chung chung từ sách vở, những diễn giải bài bản khoa học của trường ốc, các nhà đấu tranh cho dân chủ, các chính trị gia hiện đại cần phải học hỏi, rút tỉa kinh nghiệm từ đời sống thực tiễn đấu tranh của thể chế chính trị dân chủ mà mình đã may mắn tiếp cận và sống trong.

Được sống trong môi trường dân chủ, nhà nước dân chủ tiên tiến là điều may mắn, là cơ hội cho chúng ta tiếp cận quan sát hiểu rõ hơn, nhận xét đúng đắn hơn về giá trị tư tưởng chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong chính thể dân chủ mà trước kia chúng ta chỉ tiếp nhận mơ mơ, màng màng qua lý thuyết của sách vở, trường ốc, nặng hàn lâm hơn thực tiễn đời sống dân chủ đương đại. Thực tiễn đời sống dân chủ có những điểm nổi bật như sau:

Về chính trị dân chủ: quyền dân làm chủ đất nước được thể hiện qua hình thức bầu cử, ứng cử tự do cho mọi công dân đã thành niên vào các nhiệm vụ điều hành, quản trị nhà nước trong các cuộc phổ thông đầu phiếu có hạn kỳ và giới hạn nhiệm kỳ theo thỏa thuận của bản giao kèo, hợp đồng được đồng thuận giữa nhà cầm quyền với người dân, tức thông qua bản Hiến Pháp thực hiện ý chí, nguyện vọng của toàn dân sống trong một quốc gia.

Mặt khác, trên nghị trường các đối thủ chính trị, các chính trị gia tranh đấu giành lấy quyền lực chính trị, dù phản bác gay gắt, quyết liệt, sòng phẳng không nhân nhượng trong tranh luận nhưng không xem nhau là kẻ thù, họ xem nhau là bạn bè, là anh em. Họ xem chuyện giỏi thắng dở thua là chuyện bình thường của chính trị và dù thắng hay bại, đúng với ý nghĩa "thắng không kiêu, bại không nản" họ đều bắt tay nhau ôm nhau, chúc cho nhau những lời tốt đẹp sau mỗi mùa tranh cử.

Ví dụ, chuyện xây dựng nhà ở hoặc nhà cao tầng để kinh doanh, ngoài chuyện đương đơn được cơ quan hữu trách chấp thuận cho xây dựng, một thủ tục bắt buộc khác phải có là đăng thông báo trên báo chí và dựng bảng thông báo công cộng nơi dự án, công trình sẽ xây dựng nhằm tiếp nhận ý kiến đóng góp của người dân, nếu có ý kiến về sửa đổi từng phần hoặc phản đối toàn bộ đồ án xây dựng của ai đó, không hề bị gán ghép chống phá chính sách nhà nước mà phải đáp ứng thỏa đáng nguyện vọng của người dân hợp tình hợp lý theo đúng pháp luật. Đây là một khía cạnh trong nhiều mặt, thể hiện quyền làm chủ của người dân, đáng học hỏi và suy nghiệm.

Về kinh tế dân chủ: người dân hoàn toàn tự do trong kinh doanh, sản xuất không bị nhà nước chỉ huy, không bị định giá hàng hóa lẫn dịch vụ. Giá cả hàng hóa đều do cung cầu, do thị trường quyết định chứ nhà nước không can thiệp và người dân được tự do làm chủ động sản lẫn bất động sản, được tự do cạnh tranh công bằng, minh bạch có luật pháp giám sát, bảo đảm.

Với kinh tế dân chủ không ai được lạm dụng quyền lực chính trị trong kinh doanh để làm giàu bất chính cho cá nhân, giòng tộc, phe nhóm và cũng không ai được quyền lợi dụng quyền hành chính trị để độc quyền, để cạnh tranh bất chính trong kinh doanh.

Ví dụ, chuyện mở quán ăn, mọi người dân đều được mở quán bất cứ đâu, bán bất cứ món ăn gì, nhà nước không cấm, nhưng phải tuân theo qui định cho từng khu vực hoặc trung tâm thương mại (chợ). Cụ thể là dân số bao nhiêu thì có được mấy quán ăn, bán loại thức ăn gì? Không thể ba quán đều bán Cháo mà phải, Phở - Mì- Cháo để tránh trường hợp tự giết nhau vì cạnh tranh, dẫn đến thua lỗ, phá sản trở thành gánh nặng cho xã hội, và nhất là không bị dòm ngó, rình rập, vòi vỉnh tiền hối lộ, chung chi. Chuyện tuy nhỏ nhưng phản ảnh bài học lớn của kinh tế tự do, kinh tế thị trường.

Về văn hóa dân chủ: người dân tự do sáng tác, sáng tạo nghệ thuật, tự do xuất bản, in ấn phổ biến đứa con tinh thần của mình hoặc bất cứ sản phẩm trí tuệ nào mình tin, mình thấy hay, tốt đẹp cho cộng đồng, xã hội, qua các phương tiện tân tiến của truyền thông hoặc phương tiện thô sơ mà mình sở hữu. Đặc biệt những sản phẩm trí tuệ không bị định hướng hoặc viết theo chỉ đạo, nó được ra đời tự do, được đánh giá, thẩm định của độc giả qua sức bán cũng như tuổi thọ của tác phẩm.

Có nhiều sản phẩm trí tuệ ra đời trong môi trường tự do lột tả được tâm tư, nguyện vọng ước mơ của con người đã trở thành bất tử vượt cả không gian, thời gian và nhiều tác phẩm văn chương, âm nhạc được làm ra do định hướng, chỉ đạo đã biến mất trong đời sống con người không lâu sau khi nó ra đời.

Ví dụ, chuyện chọc cười trên truyền hình, người dẫn chương trình được quyền chọn hình đẹp hoặc xấu, câu nói hay hoặc ngớ ngẩn để chọc cười khán giả của bất cứ ai, từ thường dân đến nguyên thủ quốc gia của nước mình lẫn thế giới, không hề bị cấm kỵ hay vi phạm pháp luật. Miễn sao những hình ảnh đưa ra là trung thực, không bị chỉnh sửa và lời nói không bị cắt đầu ngắt đuôi nhằm bóp méo, xuyên tạc sự thật như trường hợp nguyên Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt "...cảm thấy nhục nhã, khi cầm hộ chiếu Việt Nam đi ra nước ngoài..." mà truyền thông nhà nước VN đã làm đối với ông.

Về xã hội dân chủ: người dân được quyền thành lập mọi loại đoàn thể độc lập hoàn toàn với tổ chức nhà nước, từ thiện nguyện, tôn giáo, ngành nghề, vui chơi giải trí tài tử lẫn chuyên nghiệp đều được hưởng quyền lợi, nghĩa vụ như nhau, không hề bị phân biệt đối xử. Chính các đoàn thể độc lập được hoạt động tự do trong xã hội đã chia sẻ trách nhiệm, gánh nặng với nhà nước góp phần không nhỏ vào việc tạo sự ổn định xã hội và hình thành nhà nước gọn nhẹ, cai trị ít như nhiều nhà tư tưởng của nhân loại mơ ước.

Ví dụ, Sinh hoạt tôn giáo, cộng đồng di dân, sắc tộc đều được khuyến khích, giúp đỡ, hỗ trợ như xây dựng chùa chiền, nhà thờ, thánh thất, trung tâm sinh hoạt cộng đồng... đều được trợ cấp tài chánh theo tỷ lệ luật pháp quy định, nghĩa là tổ chức tôn giáo, cộng đồng quyên góp từ tín hữu được bao nhiêu thì nhà nước sẽ trợ cấp bấy nhiêu theo luật định. Ngoài ra các tôn giáo, sắc tộc còn được trợ cấp tài chánh hàng năm cho nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, cộng đồng. Trợ giúp này không phân biệt tín ngưỡng, chủng tộc, nhân thân tốt, có công với cách mạng, nó được áp dụng đồng đều cho mỗi người, mọi người không kể gốc dân bản địa hay gốc di dân, miễn là công dân hoặc đã được phép thường trú ở nước sở tại.

Qua những nét chấm phá đơn giản của bức tranh dân chủ khá đẹp, dù chưa hoàn tất bức họa dân chủ toàn cảnh nhưng vẫn nổi bật lên màu sáng đẹp rực rỡ so với sắc màu xám xịt của bức họa độc tài quân chủ và cộng sản.

Thiết nghĩ, ngoài quan sát nghiên cứu, học hỏi điều hay lẽ phải, những văn minh tiến bộ, khoa học của hệ thống tổ chức cai trị dân chủ, chính thể dân chủ. Các chính trị gia tương lai cần tiếp cận, trang bị cho mình những tư tưởng lẫy lừng đã từng góp phần không nhỏ trong tiến trình phát triển xã hội loài người. Từ triết học, tôn giáo, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cả đông lẫn tây tự cổ chí kim để có tầm nhìn rộng lớn hơn, xa hơn, để biết rằng con người rất bé nhỏ, rất đáng thương tội nghiệp. Không ai được quyền chọn lựa giàu nghèo, tôn giáo, màu da, nơi chốn chào đời, mọi thứ đều diễn ra trước khi con người biết phân biệt tốt xấu, thiện ác, giàu nghèo...

Rồi chính từ những tinh hoa nhân loại này sẽ giúp các chính trị gia có lòng vị tha, bao dung, biết hóa giải, dung chứa những tư tưởng, chính kiến, quan điểm nghịch chiều của nhiều phía, nhiều thành phần, nhiều khuynh hướng khác biệt hầu đáp ứng nhu cầu thời đại, xứng đáng là chính trị gia thời đại, người lãnh đạo xã hội loài người phát triển trong tương lai.

16.10.2016



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo