Nguyễn Tường Tâm (Danlambao) - Dậy thêm và học thêm chưa bao giờ là một vấn đề ở mọi quốc gia trên thế giới. Duy nhất chỉ có ở Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa việc cô thầy dậy thêm và học trò đi học thêm mới tạo ra vấn nạn gây ồn ào trong nhiều năm vẫn chưa có giải pháp. Nếu được trao trách nhiệm, với mười hai năm phụ giáo trường cấp ba tại Hoa Kỳ, tôi có thể dẹp vấn nạn đó trong một tháng bằng giải pháp mà các cô thầy sẽ hài lòng, phụ huynh thỏa mãn và các học trò cũng vui vẻ.
Theo dõi việc trao đổi ý kiến và các biện pháp của giới hoạt động và lãnh đạo giáo dục Việt Nam Xã hội chủ nghĩa về vấn đề dậy thêm & học thêm, người ta thấy hình như giới lãnh đạo giáo dục và các cô thầy giáo xã hội chủ nghĩa đều thiếu khả năng nhận định, phân tích, tổng hợp và lý luận; những khả năng mà người tốt nghiệp đại học bốn năm trở lên ở bất cứ quốc gia văn minh nào cũng phải có. Bởi vì thiếu cái khả năng đó, giới lãnh đạo và hoạt động giáo dục XHCN đã lúng túng không giải quyết được một vấn đề vốn dĩ "nhỏ như con thỏ".
Khả năng trước tiên là ghi nhận dữ kiện (data). Thực tế là đại đa số các cô thầy giáo dậy thêm, đại đa số học trò đều đi học thêm kể cả học sinh lớp 1 và mẫu giáo, đại đa số học trò đều không muốn mà bị ép đi học thêm, đại đa số học trò kiệt sức vì học thêm, đại đa số học trò đều không có thì giờ nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí vì học thêm; đại đa số phụ huynh đều không muốn cho con học thêm vì nhiều lý do, nhưng vẫn phải miễn cưỡng đóng tiền cho con đi học thêm vì sợ con họ bị cô thầy giáo cho điểm xấu, cho lưu lớp. Tất cả các dữ kiện đó đều được phản ảnh trên báo chí.
Vấn đề kế tiếp là phải biết phân tích xem dữ kiện nào là chính đáng, dữ kiện nào là không chấp nhận được cần xóa bỏ. Rõ ràng là việc học trò đi học thêm là chính đáng và việc cô thầy dậy thêm cũng là chính đáng. Các dữ kiện còn lại không chấp nhận được.
Việc học sinh đi học thêm là chính đáng bởi vì quyền đi học thêm không thể bị cấm cản. Việc cô thầy dậy thêm cũng là chính đáng vì cũng như tất cả mọi người, ai cũng có quyền làm việc, quyền mưu sinh. Đó là một nhân quyền căn bản được luật pháp quốc tế cũng như luật pháp quốc gia công nhận. Ai cũng có quyền tự do làm việc miễn là việc làm của mình không có nguy cơ gây hại cho người khác. Nếu việc làm có nguy cơ gây hại cho người khác ví dụ nghề y thì nhà nước cần có những qui định chặt chẽ điều kiện hành nghề để bảo vệ bệnh nhân.
Việc một người là cô thầy hay không là cô thầy mà mở lớp dậy thêm chữ nghĩa hay dậy bất cứ ngành nghề gì như đàn hát, ca múa v...v đều không có nguy cơ gây hại cho người học nên không thể và không cần một qui định giới hạn hay cấm cản nào. Việc cấm thầy cô hay bất cứ ai (không phải thầy cô giáo) mở lớp dậy thêm là vi phạm hiến pháp.
Vấn đề cần phải dẹp bỏ ở đây không phải là sự dậy học mà là sự đe dọa của thầy cô để ép học trò của mình phải đi học thêm lớp tư của mình. Đe dọa học sinh dưới bất cứ hình thức nào là hành vi phản giáo dục và vi phạm luật pháp cần phải triệt để cấm. Bình thường việc đe dọa làm thiệt hại người khác đã là hành vi bị luật pháp trừng phạt.
Trong trường học Hoa Kỳ, việc đe dọa học sinh cũng bị tuyệt đối cấm. Việc đó gọi là bắt nạt (bully). Ngay từ đầu năm, các trường học Hoa Kỳ đều cho học sinh học tập rất kỹ thế nào là hành vi bắt nạt và hành vi đó phải bị cấm đoán ra sao. Ngăn cản hành vi bắt nạt nhau trong trường là tối quan trọng. Cô thầy giáo khi nghe nói có học sinh bị bắt nạt thì phải hoặc giải quyết ngay tức khắc, hoặc báo hiệu trưởng để cùng giải quyết cấp thời. Nếu một học sinh báo cáo bị bạn đồng lớp hay đồng trường bắt nạt, đe dọa mà cô thầy và hiệu trưởng không họp giải quyết ngay tức khắc mà để việc đó kéo dài nhiều lần thì hiệu trưởng hay cô thầy giáo có thể bị mất bằng hành nghề (và dĩ nhiên mất việc). Việc bảo vệ học sinh trong trường học Hoa Kỳ là một trong các mục tiêu hàng đầu. Đấy là nói về việc học sinh đồng trường hay đồng lớp bắt nạt, đe dọa nhau.
Cô thầy trong trường Hoa Kỳ tuyệt đối không được lớn tiếng (raise the voice) với học trò chứ đừng nói là đe dọa. Tôi chưa thấy trường hợp nào cô thầy đe dọa học trò ở Hoa Kỳ. Chỉ thỉnh thoảng báo đăng trường hợp cô thầy giáo tằng tựu với học trò và trường hợp này cô thầy bị đuổi việc ngay tức khắc (không cần chờ kết luận của cuộc điều tra của công an), chưa kể còn bị truy tố trước pháp luật. Tất cả các biện pháp đó nhằm bảo đảm trường học là một môi trường thân thiện và an toàn cho học sinh.
Chương trình cải cách giáo dục của Việt Nam cũng đề ra mục tiêu trường học thân thiện, an toàn nên cũng là hợp lý nếu áp dụng biện pháp của trường học Hoa Kỳ vừa trình bày.
Vì thế nếu được trao trách nhiệm tận diệt vấn nạn dậy thêm & học thêm hiện nay tôi sẽ ban hành một nghị định với nội dung sau:
1 - Yêu cầu hiệu trưởng và các giáo viên các trường từ vườn trẻ tới cấp 3 trên toàn quốc phổ biến trực tiếp cho tất cả các học sinh và phụ huynh nghị định này.
2 - Các cô thầy giáo được hoàn toàn tự do mở lớp dậy thêm bất cứ ở đâu và bất cứ ngày giờ nào miễn không xâm phạm giờ giảng dậy trong trường và cơ sở nhà trường.
3 - Các cô thầy giáo tuyệt đối không được đe dọa học sinh dưới mọi hình thức để bắt học sinh đi học thêm.
4 - Các cô thầy giáo tuyệt đối không được nhận học sinh trong lớp công của mình về lớp tư của mình để dạy thêm lấy học phí.
5 - Các học sinh bị cô thầy giáo đe dọa hay phụ huynh biết con em mình bị đe dọa dù dưới bất cứ hình thức nào, với bất cứ mục đích gì, được khuyến khích làm tờ trình gửi hiệu trưởng liên quan và bản sao gửi về văn phòng của tôi để theo dõi.
6 - Ngay khi nhận được tường trình của học sinh hay phụ huynh về hiện tượng cô thầy đe dọa học sinh dưới bất cứ hình thức nào, với bất cứ mục đích gì, thì hiệu trưởng phải làm tờ báo cáo gửi trưởng ty giáo dục đề nghị bãi nhiệm giáo viên liên hệ ngay lập tức (trong ngày) và thông báo kết quả việc xử lý tới văn phòng tôi.
7 - Nếu phụ huynh thấy hành vi đe dọa của cô thầy đối với con mình đáng bị khởi tố tội hình sự thì được khuyến khích làm đơn gửi cơ quan công an thụ lý.
8 - Giáo viên bị phụ huynh và học sinh tố cáo dù không bị cơ quan công an truy tố hình sự thì vẫn bị kỷ luật hành chánh là sa thải.
9 - Tất cả các hiệu trưởng và giáo viên trên toàn quốc phải tức khắc áp dụng nghị định này.
Bộ Giáo Dục và Đào Tạo
Chủ tịch ủy ban cấm đe dọa học sinh
Ký tên và đóng dấu
Trong 9 điều của nghị định, điều thứ 4: "Các cô thầy giáo tuyệt đối không được nhận học sinh trong lớp công của mình về lớp tư của mình để dạy thêm lấy học phí" nhằm triệt để ngăn chặn sự đe dọa của cô thầy đối với học sinh.
Nguyên lý trong biện pháp này là việc bảo vệ học sinh là mục tiêu tối hậu và lời tố cáo của học sinh được coi là bằng chứng phạm tội đối với cô thầy bị tố cáo. Đây là sự khác biệt đối với nguyên tắc hình sự thông thường. Theo nguyên tắc hình sự thông thường, nghi can được coi là vô tội cho tới khi có bằng chứng phạm tội. Nhưng trong các tội danh liên quan giữa cô thầy và học trò thì lời khai của học trò lại được coi là bằng chứng phạm tội của cô thầy, vì học trò vị thành niên là thành phần dễ bị xâm hại và các em không có khả năng tự vệ hay khả năng thu thập bằng chứng, và cần được bảo vệ. Vả lại lời nói của các em vị thành niên được tin tưởng trong mọi xã hội. Ngay xã hội Việt Nam cũng có câu châm ngôn "đi xa hỏi già, về nhà hỏi trẻ."
Chính vì thế một khi bị học trò tố cáo thì giáo viên sẽ bị trừng phạt ngay tức khắc, nhẹ nhất là đình chỉ công tác cho tới khi chứng minh được mình vô tội. Tôi bảo đảm nếu áp dụng đúng nghị định này thì tệ nạn dậy thêm & học thêm lâu nay ở Việt Nam sẽ chấm dứt hoàn toàn trong vòng một tháng.