Formosa - Phiên tòa vô định - Dân Làm Báo

Formosa - Phiên tòa vô định

Thạch Đạt Lang (Danlambao) - Việc tòa án thị xã Kỳ Anh nhận 506 hồ sơ của ngư dân Quỳnh Lưu, Nghệ An khởi kiện công ty Formosa, Hà Tĩnh, đòi bồi thường thiệt hại do đường ống xả của nhà máy luyện thép Formosa gây ra thảm họa, làm ô nhiễm môi trường khiến cá chết hàng loạt kéo dài 240 km dọc bờ biển Việt Nam, đồng thời yêu cầu công ty Formosa phải đóng cửa nhà máy luyện thép, rời khỏi VN – là một bước khích lệ trong tiến trình đóng cửa Formosa.


Tuy nhiên, việc tòa án Kỳ Anh nhận hồ sơ là một chuyện, họ có xét xử và muốn xét xử hay không lại là chuyện khác. Đừng bao giờ quên rằng CSVN là một chế độ gian ác, thâm hiểm, tráo trở nhất trong lịch sử đất nước. Chưa bao giờ CSVN tôn trọng bất kỳ một lời hứa, một văn bản, công ước, hiệp định nào mà họ đã ký với quốc tế, từ hiệp định Genève 1954, Paris 1973 đến các công ước chống tra tấn, hành hạ tù nhân... Chữ ký chưa ráo mực, họ đã xé toẹt, ngang nhiên vi phạm những điều vừa ký kết.

Điều này có thể nhận thấy rất rõ ràng. Ngay từ bước đầu, CSVN đã giở ngay trò gian ác, đòi hỏi án phí cho 506 hồ sơ của ngư dân vào khoảng 4 tỉ VNĐ để giải quyết vụ kiện trong vòng 30 ngày, kể từ ngày 27.09.2016 là ngày nhận đơn. Việc đòi án phí gây nên một số tranh luận: Người dân VN có nên đóng góp tài chánh, thành lập một quỹ pháp lý yểm trợ vụ kiện hay không?

Theo nhận định của người viết, thành lập quỹ pháp lý cho vụ kiện là điều hợp lý, nhưng đóng 4 tỉ án phí là điều vô lý.


Cần thành lập quỹ pháp lý vì trong tiến trình theo đuổi vụ kiện, đòi hỏi có những chi phí như giao dịch thư từ, điện thoại, đi lại, khách sạn, ăn uống cho những người hướng dẫn, luật sư, chuyên viên giám định thiệt hại… Còn việc đóng án phí thì không hợp lý vì tất cả nhân viên tòa án thị xã Kỳ Anh, từ chánh án đến thừa phát lại, ủy viên công tố, thư ký tòa án... đều sống bằng tiền thuế của dân.

Nhận đơn từ người dân khiếu kiện một công ty của người nước ngoài, chưa biết vụ kiện diễn tiến thế nào mà đã đòi án phí là một việc làm thâm hiểm, cố tình gây khó khăn, trở ngại cho vụ kiện của tòa án thị xã Kỳ Anh. Thông thường, nhiệm vụ đầu tiên của tòa án sau khi nhận hồ sơ là ủy viên công tố phải nghiên cứu hồ sơ, phân tích dữ kiện, ước tính thiệt hại…, sau đó đúc kết, trình cho chánh án, để trả lời cho nguyên cáo chứ không phải vội vã đòi án phí.

Đòi hỏi ngư dân phải trả một số lệ phí nhỏ cho thủ tục nộp hồ sơ thì chấp nhận được, nhưng đòi hỏi họ trả trước án phí là một sự lạm quyền của tòa án Kỳ Anh, hiếp đáp ngư dân không hiểu biết nhiều về luật pháp. Lệ phí nộp hồ sơ phải được quy định bằng văn bản với những điều khoản rõ ràng cho tất cả các vụ kiện tụng dân sự, không đợi đến khi bị ngư dân nộp hàng loạt đơn thưa mới ra quyết định bằng miệng. Khi ngư dân không có tiền trả lệ phí nộp hồ sơ vì sau 6 tháng biển chết, họ bị thất nghiệp, không có thu nhập, luật sư đại diện cho họ có thể làm đơn đề nghị tòa không thu lệ phí này.

Đối với chế độ tự do, dân chủ ở các nước tây phương như Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Ý...khi người dân không có tiền để trả lệ phí nộp hồ sơ, tòa án vẫn bắt buộc phải thụ lý hồ sơ. Điều này tất nhiên không thể so sánh với chế độ CSVN bởi họ có một rừng luât nhưng chỉ dùng luật rừng.


Vụ kiện Formosa chắc chắn đòi hỏi thời gian lâu dài, ít nhất phải một vài năm hoặc lâu hơn. Nếu công minh, chính trực, chánh án tòa Kỳ Anh, người được ủy nhiệm thụ lý vụ kiện phải cho phép luật sư của bên nguyên cáo sử dụng báo cáo của các chuyên viên thẩm định môi trường (bác sĩ, kỹ sư địa chất, hóa học, các nhà hải dương học…) về tác hại lâu dài của những hóa chất độc hại thấm vào lòng biển, bờ biển, cũng như biên bản ước tính thiệt hại của các ngư dân từ các chuyên gia kinh tế độc lập…

Tất cả phí tổn cho những việc này chắc chắn phải lên tới ít nhất là vài triệu USD, bởi nó lệ thuộc vào mức lương của các luật sư, các chuyên viên địa chất, hóa học, hải dương học... Hơn thế nữa, nếu Formosa thua kiện (mà chắc chắn sẽ thua bởi họ đã công khai nhìn nhận, chính họ gây ra sự cố hủy hoại môi trường), đương nhiên họ phải trả tất cả mọi phí tổn cho phiên tòa, cùng với tiền bồi thường cho ngư dân. Không có lý do nào để bắt ngư dân phải đóng trước 4 tỉ đồng án phí.


Với 506 hồ sơ, tòa án Kỳ Anh tuyên bố sẽ trả lời trong 30 ngày chỉ là thủ đoạn câu giờ của chế độ CS, đồng thời vòi vĩnh 4 tỉ đồng để gây trở ngại, khiến ngư dân Quỳnh Lưu mệt mỏi, chán nản đưa tới việc bỏ cuộc. Có thể sau 30 ngay, tòa án Kỳ Anh sẽ: -1. Im lặng, lì lợm coi như không hề nhận được đơn thưa, mặc cho ngư dân muốn phản đối, la ó gì, cứ tự nhiên, 2. Tuyên bố không có thẩm quyền thụ lý vụ kiện, hồ sơ sẽ chuyển lên tòa trên (chưa biết là tòa nào), 3. Trả lời rằng nhân viên, thư ký tòa làm thất lạc, xáo trộn hồ sơ nên công tố viên, chánh án...không thể quyết định khởi tố Formosa, đề nghị ngư dân nộp đơn lại, 4. Nếu không đóng 4 tỉ đồng ứng trước án phí, hồ sơ sẽ không được cứu xét.

Sau khi xẩy ra thảm họa Formosa, ngày 26.04.2016 tôi có viết bài - So sánh Formosa với Woburn, vụ kiện ô nhiễm môi trường lớn nhất nước Mỹ – Xin được nhắc lại ngắn, gọn. Bài viết này nói về tác hại lâu dài của các hóa chất độc hại thấm vào trong lòng đất, đi vào trong nguồn nước ngầm, gây bệnh hoại huyết ra sao, đồng thời nói đến diễn tiến vụ kiện từ lúc Jan Schlichtman khởi tố đến lúc chấp nhận bồi thường $8.000.000 của tổ hợp W.R. Grace & Beatrice Foods, sau khi trừ các phí tổn, chia đều cho 15 gia đình, mỗi gia đình được $375.000. Tuy nhiên vấn đề không dừng lại ở đó, Jan Schlichtman cũng như người ở Woburn không hài lòng với kết quả vụ kiện nên Jan Schlichtman kháng án.

Đơn kháng án của Schlichtman bị tòa bác bỏ. Bực tức, Mấy tháng sau Jan Schlichtman chợt nẩy ra ý kiến, tại sao không nhờ sở Bảo Vệ Môi Trường EPA (Environmental Protection Agency) làm nguyên cáo? Thế là Schlichtman chuyển giao hồ sơ kháng án cho sở Bảo Vệ Môi Trường EPA (Environmental Protection Agency), đề nghị cơ quan này xúc tiến vụ kiện. Khi cơ quan này vào cuộc, W.R.Grace & Beatrice Foods – để tránh bị ra tòa lần nữa, tai tiếng ảnh hưởng đến doanh thu – đồng ý bồi thường $68.000.000 để đóng góp vào chi phí tái tạo, làm sạch môi trường cho một diện tích đất đai chỉ có 15 mẫu tây (1 acre=4.046m²), hơn 60.000 m² nơi nhà máy thuộc da của Riley Jr hoạt động. Nhà máy thuộc da của Riley Jr. tác nhân gây ra ô nhiễm ở Woburn bị đóng cửa sau vụ kiện.

Nhắc lại bài viết để độc giả thấy rõ, nếu thật sự là một chế độ tự do, dân chủ thì UBND, sở Tài Nguyên- Môi Trường tỉnh Hà Tĩnh, cũng như bộ TN-MT phải đồng thời là nguyên cáo bên cạnh ngư dân chứ không phải để cho những kẻ như Võ Tuấn Nhân, Trần Hồng Hà, Võ Kim Cự... đứng ra tuyên bố láo lếu, bênh vực cho thủ phạm tàn phá môi trường, hủy hoại đất nước.

Trở lại vụ kiện Formosa. Bên cạnh thủ đoạn câu giờ của tòa án Kỳ Anh, ít ngày sau khi nhận đơn khiếu kiện, chế độ CS cho các báo chí đồng loạt phổ biến một tin: Đã đưa ra phương án đền bù thiệt hại cho ngư dân bị thảm họa Formosa với mức bồi thường từ 2,91 triệu đồng đến 37 triệu đồng/tháng, trong 6 tháng. Không hiểu số tiền này có phải lấy từ $500.000.000 do Formosa chuyển cho CSVN để bồi thường thiệt hại không?

Những con số bồi thường cho ngư dân nói trên do ai tính toán, đưa ra và căn cứ vào tiêu chuẩn nào để đánh giá thiệt hại của ngư dân? Sẽ có bao nhiêu người được lãnh, ai là người được lãnh, bao giờ sẽ phát? Ai sẽ thiết lập danh sách nguời dân bị thiệt hại? Liệu số tiền đền bù có đến được tay ngư dân nguyên vẹn hay lại bị cắt xén, ăn bớt…? Ngoài bẩy nhóm đối tượng được xác định thiệt hại do thảm họa môi trường gây ra, còn những nhóm nạn nhân gián tiếp như tài xế taxi, cửa hàng buôn bán hàng hóa, vật dụng kỷ niệm cho du khách thì sao? Tất cả vẫn là những câu hỏi bỏ ngỏ.

Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng, nhức nhối mà chế độ cộng sản VN không hề muốn nhắc đến hay nghe ai nói tới là môi trường dọc theo bờ biển và dưới lòng biển dài 240 km đã bị hủy hoại hoàn toàn. Làm cách nào, lấy chi phí từ đâu, để trong thời gian vài ba năm có thể tái tạo môi trường, ổn định cuộc sống cho vài trăm ngàn người ở 4 tỉnh dọc ven biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế? Ở Woburn cần 68.000.000 USD để tái tạo môi trường cho 60.000m², vậy cần bao nhiêu tiền để làm việc này cho lòng biển, bờ biển, cho các làng mạc dọc ven biển 4 tỉnh miền trung dài 240 km?

Hơn thế nữa, khi Formosa đi vào hoạt động thì liệu viêc xả thải có ngừng gây ô nhiễm, bơm chất độc vào lòng biển nữa hay không? Cơ quan nào sẽ kiểm soát và bảo đảm được việc này khi Formosa là một lãnh địa bất khả xâm phạm? Trả lời được câu hỏi này thì tòa án Kỳ Anh mới có thể giải quyết được hồ sơ, trả lời thỏa đáng những đòi hỏi của 600 ngư dân Quỳnh Lưu, đại diện cho hàng trăm ngàn ngư dân khác trên 4 tỉnh miền Trung.

Chắc chắn phải có lý do hoặc một sự thỏa thuận, cam kết nào đó của ĐCSVN, đại diện của Formosa Hà Tĩnh, phó giám độc Yu Ching-Chang mới tuyên bố vụ kiện của 506 ngư dân Nghệ An không dính dáng gì đến họ. Sự thỏa thuận, cam kết đó là gì, thời gian sắp tới sẽ trả lời.

Do đó, nếu không lôi kéo thêm được sự tham gia của hàng trăm ngàn ngư dân khác cùng những nạn nhân gián tiếp trong các ngành nghề liên qua đến thủy, hải sản như chế biến cá, làm nước mắm, cào muối... kể cả nghành du lịch trên 4 tỉnh miền Trung, sẽ không tạo được đủ áp lực, buộc Formosa phải đóng cửa, rời khỏi Việt Nam. Vụ kiện Formosa của 506 ngư dân Quỳnh Lưu, Nghệ An sẽ trở thành một phiên tòa vô định.

Bài viết vừa kết thúc thì nhận được tin sáng ngày 02.10.2016, khoảng 8.000 người dân ở thị xã Kỳ Anh và nhiếu nơi khác đã kéo đến biểu tình trước cổng khu công nghiệp Formosa, yêu cầu công ty này rời khỏi Việt Nam. Cảnh sát cơ động, công an đã kéo đến rất đông, đàn áp biểu tình nhưng sau đó vì bị chống trả, dù bất bạo động nhưng rất quyết liệt, lực lượng này bỏ chạy, rút vào bên trong phạm vi nhà máy. Hi vọng đây là những báo hiệu khởi đầu của cơn đại hồng thủy sẽ ập đến nay mai, cuốn đảng CSVN trôi ra biển.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo