Giải Nobel Hòa Bình 2016 được trao cho Tổng Thống Colombia - Juan Manuel Santos - Dân Làm Báo

Giải Nobel Hòa Bình 2016 được trao cho Tổng Thống Colombia - Juan Manuel Santos

Vũ Ngọc Yên (Danlambao) - Ngày 7.10.2016 Ủy ban Nobel Na Uy cho biết tại Oslo giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2016 sẽ được trao cho chính khách Juan Manuel Santos (65 tuổi), Tổng thống nước cộng hòa Colombia vùng Nam Mỹ vì "những nỗ lực kiên trì của ông để kết thúc cuộc nội chiến kéo dài hơn 50 năm ở đất nước mình". Chiến tranh giữa quân chính phủ và các lực lượng du kích, phiến loạn (FARC) bùng nổ trong thập niên 60 đã làm hơn 340.000 người bị thiệt mạng, mà 80% là thường dân. Và ít nhất 7 triệu người phải chạy loạn chiến tranh.

Lực lượng Vũ trang Cách mạng của Colombia - Quân đội Nhân dân, theo tiếng Tây Ban Nha Fuerzas Armadas Revolucionarias de Colombia - Ejército del Pueblo, còn được biết đến với tên viết tắt FARC hay FARC-EP là một tổ chức cách mạng cộng sản và du kích ở Colombia... FARC được thành lập vào khoảng 1964 là một tổ chức chính trị theo đường lối Mác-Lênin, tuyên bố đại diện cho tầng lớp dân nghèo ở nông thôn chống lại tầng lớp giàu có hơn ở Colombia và chống lại ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở Colombia. Nguồn tài chính của tổ chức phần lớn là nhờ tống tiền, bắt cóc và tham gia vào các đường dây buôn bán ma túy. FARC có khoảng 10.000 người và hiện nay là tổ chức du kích lớn nhất tại Châu Mỹ La Tinh.

Sau bốn năm thương thảo, đại diện của chính quyền Santos và đại diện Lực lượng FARC, đạt được một thỏa ước định đình chiến vào tháng chín 2016. Nhưng thỏa ước sau đó bị đa số dân chúng bác bỏ trong một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 2.10.2016. Họ cho rằng chính phủ đã quá nhân nhượng loạn quân du kích cộng sản và đòi hỏi chính phủ phải thương thảo lại để có một thỏa ước công bằng hơn.

Bà Kaci Kullmann Five, chủ tịch Ủy ban Nobel nêu lý do trao giải cho Tổng Thống Colombia là nhằm “...khuyến khích mọi thành phần đang đấu tranh vì Hòa Bình, Công Lý và Hòa Giải ở Colombia. Sự kiện đa số dân bỏ phiếu không chấp thuận thỏa ước hòa bình, không có nghĩa tiến trình hòa bình bị bức tử. Cuộc trưng cầu dân ý không phải là cuộc biểu quyết thuận hay chống Hòa bình... Tổng thống Santos đã nhiều lần khẳng định quyết tâm theo đuổi Hòa bình cho tới ngày cuối cùng của nhiệm kỳ... Ủy ban hy vọng giải Hòa bình sẽ giúp ông thêm nghị lực vượt qua nhiều thử thách...”.

Năm ngoái Ủy ban đã trao giải thưởng cho Bộ Tứ Tunesia (Công đoàn, Hiệp hội chủ nhân, Liên minh Nhân Quyền và Luật sư đoàn) vì những đóng góp cho dân chủ hóa và đối thoại dân tộc ở Tunesia.

Năm nay Ủy ban Nobel Na Uy đã nhận được danh sách 376 ứng viên được đề cử bao gồm 228 cá nhân và 148 tổ chức. Trong số đó có Nữ thủ tướng Đức Angela Merkel, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Ernest Monitz, Giám đốc sở nguyên tử năng Ba Tư Ali Akbar Salehi, Nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden. Ủy ban đã chọn Santos là muốn đưa ra tín hiệu kêu gọi nhân dân Colombia hãy tiếp tục thúc đẩy tiến trình hòa bình, cũng như vinh danh những nỗ lực tìm giải pháp chấm dứt nội chiến của Tổng Thống Colombia.

Giải Nobel Hòa Bình là giải hòa bình quốc tế quan trọng nhất với giá trị 830.000€. Một Ủy ban gồm 5 thành viên do Quốc hội nước Na Uy chỉ định phụ trách việc giao giải thưởng và giải này được trao vào ngày 10 tháng 12 tại Oslo-Na Uy nhân ngày chết của nhà phát minh thuốc nổ Alfred Nobel. Trong khi các giải Nobel khác về Y khoa, Vật Lý, Hóa học, Văn chương... do Hàn Lâm Viện Thụy Điển phụ trách và được trao tại Stockolm-Thụy Điển.

08.10.2016



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo