Quang Pham - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là người đã phụng sự đúng trách nhiệm công dân. Chính quyền lẽ nào không muốn thế?
Cách đây ít bữa, Quỳnh có nói với tôi: Em sắp bị bắt, lần này án to. Tôi có nói: Vậy thì cứ vui chơi đi, kẻo rồi vô trỏng lại tù chân tù tay. Quỳnh nói: Em thoải mái mà!
Chuyện dông dài, hồi Quỳnh ra Hà Nội có ghé thăm tôi. Anh em cùng uống coffee nói chuyện thế sự, chuyện đời mình. Quỳnh nói: Thực lòng em chỉ muốn về nấu ăn, kho cá, chăm Nấm, Gấu chứ chẳng muốn đi làm thế này. Bị đánh ai chẳng sợ, ai chẳng đau? Nhưng mình không nói không được, không nói thì không đành lòng.
Vậy đấy, cái lý của người mẹ đơn thân nuôi hai con nhỏ chỉ là không nói thì không được, không nói thì không đành lòng. Tôi thì nhát! Tôi cũng như hàng triệu con người biết rõ cần phải thay đổi nhưng đành câm lặng, đành cúi đầu mà sống.
Tôi nhát và tôi cho rằng thế là khôn ngoan!
Ngày Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam, đấy là cái quan hệ bang giao hai nước, hai nhà nước với nhau, nhưng người dân có quyền được bày tỏ chính kiến của mình. Một Cộng Hòa Trung Hoa vừa đem Hải Dương Thạch Du 981 xâm phạm vùng Đặc quyền kinh tế biển Việt Nam, một Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa lúc nào cũng lăm le bắt, cướp thuyền của ngư dân Việt Nam, lẽ nào công dân nước nhà không có tiếng nói phản kháng?
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh có nói: Không phản kháng, không bày tỏ sự bất bình của mình đối với Tập Cận Bình nghĩa là chúng ta xấu hổ khi là công dân, chúng ta xấu hổ với ngư dân Việt Nam. Chẳng lẽ thế là phản động? Chẳng nhẽ vì liêm sỉ quốc gia lại thành đứa phản động?
Ngày 10/10, Cơ quan an ninh điều tra tỉnh Khánh Hòa khám xét nhà riêng, bắt tạm giam Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Chẳng một chút mảy may ngạc nhiên nào cả, Quỳnh bình thản đón nhận như một sự đương nhiên, một người đang làm tròn trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của mình.
Báo Công an đưa ra cáo giác rằng Quỳnh đã thực hiện nhiều bài viết "xuyên tạc sự thật, xuyên tạc lịch sử, chống lại đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước". Tôi không hiểu sự thật lịch sử là cái gì? Ai cho mình độc quyền sự thật? Trong khi khoa học và cả cuộc sống thực tiễn luôn đòi hỏi, phát sinh những điều mâu thuẫn.
Chân lý, sự thật không nằm nơi anh, nơi tôi, không nằm nơi Chính quyền độc quyền cho những gì mình nói là sự thật. Chân lý nằm ở hiện trạng xã hội, hiện trạng quốc gia, chân lý bắt đầu từ chính mâu thuẫn.
Tôi càng không hiểu Quỳnh chống lại chủ trương đường lối gì của Đảng và Nhà nước? Câu khẩu hiệu “Cá cần nước sạch, Nước cần minh bạch” mà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh sử dụng, người dân sử dụng trong các cuộc biểu tình gần đây lẽ nào lại trái chủ trương đường lối của Đảng, của nhà nước?
Lẽ nào, tôi chỉ dám nói lẽ nào Đảng không cần biển sạch và đảng và Nhà nước đang bất minh điều gì đó? Và khi đòi hỏi điều đương nhiên như vậy là chống phá chủ trương?
Nếu thế tôi ước tính có hàng triệu con người muốn nói, muốn sự công bình, minh bạch đang là những tù nhân dự khuyết. Đất nước này thật ghê rợn lắm thay!
Trong khi Chính phủ đang rối vì thảm họa cá chết và người dân đi biểu tình đòi môi trường sống, đòi cuộc sống của chính họ và con em thì câu khẩu hiệu kia là lời giải đáp thỏa đáng nhất. Người dân chứ chẳng phải ai khác đã mở lối cho Chính phủ, hỏi các vị có dám đi không?
Các vị đã quá quen thống trị người dân, đã quá quen với việc ban phát ân huệ và tự kỷ mình là vinh quang (tức là một dạng bệnh lý tâm thần) nên các vị không quen, không hài lòng với việc người dân trở thành công dân thực thụ và đưa ra lối thoát cho chính các vị.
Và nói thẳng ra rằng nếu Quỳnh có tham gia tổ chức những cuộc biểu tình thì đó không là điều sai trái gì cả. Đơn giản Hiến pháp Việt Nam ghi nhận công dân có quyền biểu tình, Quốc Hội chưa ra luật đó là Quốc hội nợ nhân dân chứ không phải là nhân dân phải chịu tội gì trước các lực lượng hành pháp, tư pháp.
Đừng trách dân, đừng trách một công dân như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hay tệ hại hơn buộc tội họ vì đã dám nói điều khác biệt. Hãy trân trọng những con người như thế bởi vì tương lai thuộc về những người dám vì sự cường thịnh của quốc gia mà dấn thân cho cuộc thay đổi.
Đừng trách một công dân khi người ấy dám dấn thân chính trị, một sự nghiệp chính trị khác với những gì Nhà nước mong muốn. Bởi công dân có quyền ấy!
Ngẫm câu “Đảng ơi thương lấy dân”, ngẫm câu “Dân chủ là để cho dân được mở cái miệng” càng buồn, càng thêm vô vọng!