Phạm Thanh Nghiên (Danlambao) - Hôm qua, tôi được một người khách “đặc biệt” tới thăm. Gọi là khách đặc biệt vì Mỹ Lệ từng ở chung buồng giam với tôi hồi còn trong Trại 5 Thanh Hóa. Mỹ Lệ, cũng chính là nhân vật được nhắc đến trong truyện ngắn “Mẹ con thằng Khoai Tây” tôi viết hơn một năm trước.
Gặp bạn tù để biết cuộc sống bây giờ của nhau và ôn lại những kỷ niệm xưa kia rồi buồn vui lẫn lộn. Trong tù, Mỹ Lệ là một trong số ít người dám vượt qua sự sợ hãi để kết bạn với một đứa “phản động” như tôi. Hồi ấy, Lệ gọi tôi bằng “cụ” và xưng “chắt”. Cứ đùa nhau mãi thành quen miệng. Nhớ lại lần đầu tiên Lệ gọi cho tôi lúc cô nàng mới về, cũng cụ cụ, chắt chắt rồi cả hai cùng nói liến thoắng, oang oang trong điện thoại. Hồn nhiên đến lạ.
Câu chuyện của hai người bạn tù chợt chùng xuống, buồn thấu ruột gan:
- Mấy tháng trước em ra Hà Nội tìm cái Ngà. Nhưng hàng xóm nói Ngà lại đi tù lần nữa rồi chị ạ.
Lệ nói trong tiếng thở dài nhè nhẹ.
- Thế còn thằng Khoai Tây thì sao? Có tìm được nó không?
Tôi hỏi, nhưng cũng không mong đợi điều gì tốt đẹp từ câu trả lời của Lệ.
- Người ta nói không biết. Có lẽ nào, Ngà nó bán thằng Khoai Tây không hả chị?
Vừa hỏi, Lệ vừa đút thìa cơm vào miệng đứa con trai hai tuổi cô bồng theo đến thăm tôi.
Làm sao mà tôi trả lời được cơ chứ. Ngay cả đến thằng Khoai Tây, cũng chưa chắc biết nó đang ở đâu. Tháng chín năm nay, nó mới được sáu tuổi.
Lệ là một trong số bạn tù thường đọc những bài tù của tôi trên facebook Lệ nói "chị viết thật hơn cả sự thật". Tôi coi đó là một lời khen. Với tôi, mọi lời lẽ chau chuốt, những câu chữ gọt giũa dù có hay, có bóng bẩy đến mấy cũng không thể giá trị bằng sự thật. Được bạn tù "chứng nhận" cho cái sự viết thật, kể thật ấy là một phần thưởng tôi tự tặng cho mình.
Lệ đột nhiên đổi đề tài, làm tôi bối rối:
- Mà cái vụ người chết bó chiếu, sao chị không viết gì?
Đúng là tôi chưa có bài viết nào về vụ người chết bó chiếu. Cả vụ Chùa Liên Trì bị đập nữa. Hình ảnh người phụ nữ nghèo, khi chết phải bọc thây trong manh chiếu chở trên chiếc xe gắn máy về nhà chôn cất làm nhiều người sốc. Hình ảnh vị Hòa Thượng già ngồi khóc bên ngôi Chùa chỉ còn là đống đổ nát khiến không ít người xót xa. Tất cả đều quá sức chịu đựng đối với tôi. Tôi đã khóc, khóc tức tưởi trước màn hình máy tính khi chứng kiến hai hình ảnh ấy.
Không biết có phải "bệnh" không nhưng tôi thường lên cơn đau đầu, ốm mệt sau mỗi lần khóc nhiều. Tôi không muốn khóc, nhưng càng kiềm chế, cơn xúc động càng được dịp bung ra. Và rồi suốt mấy ngày không còn làm được gì ra hồn nữa. Một người chú quen trên facebook nói với tôi rằng: "Nhóc sẽ chẳng bao giờ làm chính trị được. Làm chính trị phải tỉnh táo, quyết đoán, biết kiềm chế cảm xúc khi cần thiết. Và nhiều lúc phải biết nói những gì người nghe thích nghe, dù biết đó chỉ là sự gian dối. Còn nhóc, đã không làm được thế lại còn có tật chuyện bé bằng con muỗi cũng khiến nhóc ngẩn ngơ...".
Chú ấy nói đúng. Tôi sống với quá nhiều cảm xúc của mình lẫn của tha nhân. Cuống quýt, nhiều khi bất lực trước rủi ro của người khác và buồn cạn nỗi buồn mang tên mình. Nó là cơn yếu đuối mãi không nguôi của tôi. Cũng may, tôi không phải là một chính trị gia và chưa bao giờ có mơ ước trở thành một người hoạt động chính trị chuyên nghiệp. Nói như nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa thì tôi “bước vào con đường đấu tranh khổ ải, gian nguy này bằng hai bàn tay trắng: không máy tính, không điện thoại di động, không xe gắn máy... Nhà đông người, lại nghèo khó tạo cho Phạm Thanh Nghiên một tấm hình nhỏ bé, yếu ớt giữa sáu anh chị em không hơn được bao nhiêu. Với gia cảnh này, cô qua được THPT đã là một điều lạ...”.
Nhưng tôi coi chuyện tôi đi đấu tranh đây Ơn mà Thiên Chúa ban tặng. Mặc dù không ít lần tôi đã muốn chối bỏ và khước từ trách nhiệm của mình.
Thi thoảng, tôi vẫn hay chế giễu bản thân. Việc nhỏ chưa làm xong, nói gì đến chuyện to tát. Có tôi, hoặc không có tôi thì đất nước này vẫn thế. Chùa vẫn bị phá, đất của Nhà Thờ vẫn bị chiếm và Tôn giáo vẫn bị đàn áp. Người ta vẫn tạo ra những thảm cảnh người nghèo chết phải bó chiếu đi chôn. Vẫn nhan nhản những đứa trẻ không có tương lai như thằng Khoai Tây hay những đứa trẻ miền Trung bị bách hại bởi thảm họa môi trường. Nhiều lắm, kể không xiết. Cứ thế, thân xác Việt Nam mỗi ngày thêm kiệt quệ bởi lũ bội vong và phản trắc.
Tôi hay cáu giận cuộc đời nhưng suy cho cùng tôi sống để yêu, thứ tình yêu không phải lúc nào cũng được ngự trị bởi những tên gọi cao quý "Tổ Quốc", "Đất Nước" hay "Dân Tộc".
Tôi yêu cái nhọc nhằn của người anh, người chị bên kia bờ đại dương đã bỏ cả sự nghiệp để góp sức một cách thầm lặng cho công cuộc đổi thay đất nước. Tôi yêu những hy sinh mất mát của một người cha không sinh ra tôi nhưng đã trìu mến gọi tôi bằng hai tiếng “con gái”. Tôi mến yêu những anh, những chị, những chú, những cô, những em, những bạn đã xả thân cho quê hương, bền bỉ và không ồn ã.
Cho nên tôi còn rong ruổi trên thế gian này vì mang nợ với tha nhân.
1.10.2016