Vũ Ngọc Yên (Danlambao) - Ngày 8.11.2016 cử tri Mỹ sẽ chọn ứng cử viên tương đối tốt hoặc ít tồi nhất, xứng đáng là tân Tổng thống để lãnh đạo quốc gia. Tổng thống Donald Trump, tỷ phú 70 tuổi, thuộc đảng Cộng Hòa hay Nữ Tổng thống Hillary Clinton, chính trị gia 68 tuổi, thuộc đảng Dân Chủ.
Mặc dù các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy hai ứng cử viên đều có cơ hội đạt được đa số phiếu trong cuộc bầu cử nên không kết luận rõ ai sẽ thắng cử. Nhưng rồi thế giới cũng sẽ phải trực diện trước một tân Tổng thống hay nữ Tổng thống với những chính sách có nhiều ảnh hưởng đến an ninh và kinh tế toàn cầu. Một điều chắc chắn chính sách đối ngoại thận trọng như dưới thời Obama sẽ không còn nữa và có thể ảnh hưởng đến cuộc đấu tranh cho dân chủ hóa tại Việt Nam...
Mục tiêu chính của Tổng thống Trump
Trong cuộc tranh cử, Trump đã luôn nhấn mạnh mọi chính sách của ông sẽ phục vụ cho nước Mỹ (America first) và làm nước Mỹ vĩ đại trở lại qua khẩu hiệu "Make America great again".
Về mặt nội chính: Trump hứa hẹn miễn thuế hoàn toàn cho người độc thân có lợi tức hằng niên 25.000 USD và vợ chồng dưới 50.000 USD. Số hộ được hưởng miễn thuế ước tính khoảng 31 triệu. Duy trì luật công dân sở hữu vũ khí. Giới hạn di dân (Hồi giáo và Mễ tây cơ) và tăng cường chống tội phạm (Buôn bán ma túy và hiếp dâm).
Về mặt đối ngoại, nếu Trump thắng cử trong ngày 8.11.2016, chính sách dối ngoại của Hoa Kỳ sẽ đổi hướng rõ ràng.
Hoa Kỳ sẽ quay về cải tổ cơ cấu nội địa thay vì can thiệp ở nước ngoài. Các đại doanh nghiệp như Ford phải gia tăng sản xuất trong nước để tạo việc làm cho người Mỹ. Các doanh nghiệp bành trướng cơ sở sản xuất ngoài nước sẽ phải trả thuế cao. Thuế nhập khẩu sẽ tăng mạnh, chẳng hạn 45% cho hàng nhập cảng từ Trung cộng và 35% cho hàng từ Mễ Tây Cơ.
Quan hệ thương mại giữa Mỹ và Âu Châu cũng như các quốc gia Á Châu – Thái Bình Dương sẽ điều chỉnh lại. Thỏa ước đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương Transatlantic Trade and Investment Partnership (TTIP) và đối tác xuyên Thái Bình DươngTrans-Pacific Partnership (TPP) có thể bị hủy bỏ.
Thảo thuận nguyên tử với Ba Tư sẽ bị xét lại.
Chính sách năng lượng của chính quyền Obama cũng như Hiệp định bảo vệ khí hậu bị đình chỉ thi hành.
Đối với Nga, Trump chủ trương hòa hoãn và hợp tác để kết thúc các cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông. Trump đòi hỏi các quốc gia đồng minh trong khối Nato và ở Á Châu phải chia sẻ tài chính trong chính sách an ninh.
Mục tiêu chính của Nữ Tổng thống Hillary Clinton
Về mặt nội chính, Clinton sẽ có chính sách hỗ trợ giới trung lưu và thành phần có lợi tức thấp. Tuy nhiên sẽ không chấp nhận tình trạng nợ công cao. Theo bà thâm thủng ngân sách là mối nguy cơ cho an ninh quốc gia. Clinton chủ trương tăng trưởng kinh tế với sự đóng góp của di dân. Clinton muốn hợp pháp hóa tình trạng cư trú của hàng triêu người nhập cư bất hợp.
Về lãnh vực kinh tế Clinton sẽ duy trì các quan hệ kinh tế với mọi quốc gia trên thế giới cũng như sẽ chấp nhận các thỏa ước thương mại tự do và bảo vệ khí hậu trong chiều hướng thuận lợi cho nền kinh tế nước Mỹ.
Là một thành viên trong cánh diều hâu, nữ Tổng thống Clinton chủ trương một chính sách can thiệp năng động. Dưới thời Tổng thống Bush bà đã ủng hộ chiến tranh Irak và sau này khích lệ Obama nên can thiệp mạnh vào cuộc chiến Syria. Theo bà Mỹ và Âu Châu phải cứng rắn với Nga và Tổng thống Putin. Trong quá khứ, bà đã từng công khai chỉ trích Obama quá thận trọng nên đã tạo khoảng trống cho khủng bố bành trướng trong cuộc tranh chấp tại Syria. Nếu thắng cử Clinton sẽ gia tăng các hoạt động quân sự và sẵn sàng đối đầu với Nga. Là người cùng soạn thảo chiến lược chuyển trục về Á Châu, Clinton sẽ duy trì chính sách kìm chế tham vọng bá quyền của Trung Cộng.
Một nước Mỹ phân hóa
Cuộc tranh cử Tổng thống 2016 đã phân hóa xã hội Mỹ vì chủng tộc, giai cấp, học thức… Trong đảng cộng hòa, đa số đảng viên bình thường đã ủng hộ Trump chống lại giai tầng lãnh đạo. Trong đảng dân chủ, Bernie Sanders dù nhận được nhiều sự hỗ trợ của thành phần cơ sở, nhưng phải nhường cho Hillary Clinton làm ứng cử viên Tổng thống vì thể thức bầu cử của đảng. Sở dĩ Trump và Sanders được quần chúng ủng hộ vì chương trình tranh cử đơn giản phù hợp với quan điểm đại chúng mà giới truyền thông cho là chính trị dân túy, mị dân. Trong tương lai những ứng cử viên phát biểu mạnh bạo, mị dân vẫn có cơ hội thắng vòng đầu bầu cử như Trump…
Trước đây, trong thời gian chiến tranh lạnh, nhân dân đoàn kết hỗ trợ Tổng thống trong chính sách đối ngoại. Nhưng cái gọi là Cold War consensus đã bị mất từ thời Bill Clinton và Goerge W. Bush, nay không còn nữa. Vì vậy Trump hay Clinton sau khi đắc cử sẽ phải trực diện với tình trạng phân hóa của đất nước trước khi có sách lược cụ thể đối đầu với các cường quốc đối nghịch.