Ls. Đào Tăng Dực (Danlambao) - Tình cờ đọc một bài viết về câu chuyện có thật (tác giả Hữu Bằng đăng trên báo Đại Kỷ Nguyên VN) của một người đàn ông nông dân Ấn Độ tên Manjhi khi vợ bị thương nặng trong một tai nạn năm 1959, phải đưa đi nhà thương. Vì bị một ngọn núi chặn đường, phải đi vòng quanh núi mất nhiều thời gian.
Khi đến nhà thương thì quá trễ và người vợ thương yêu của ông qua đời.
Sau đó, một thân một mình, mặc cho những lời đàm tiếu và búa rìu dư luận, ông đã quyết định dùng những dụng cụ thô sơ, kiên trì suốt 22 năm, phá và tạo ra một con đường xuyên núi, giúp cho dân làng của mình tiết kiệm thời giờ quý báu, đưa thân nhân đến nhà thương nhanh chóng hơn.
Ông qua đời năm 73 tuổi vì ung thư bàng quang, được chính quyền tiểu bang Bihar làm “quốc táng” và câu chuyện của ông được đóng thành phim, làm gương cho hậu thế.
Khi so sánh với nông dân Manjhi này, nhiều dân tộc bất hạnh trên thế giới, khi phải đối đầu với thảm họa Cộng Sản, thì chướng ngại họ gặp còn lớn lao hơn ngọn núi chặn đường sống của người vợ mà Manjhi yêu dấu rất nhiều. Nếu so với ngọn núi cản đường Manjhi thì các đảng cộng sản trên thế giới có thể ví như những rặng Hi Mã Lạp Sơn chặn đường tiến hóa các dân tộc.
Trước hết ý thức hệ Mác Lê là một ý thức hệ giáo điều khắc nghiệt và các đảng cộng sản trên thế giới là những định chế bảo thủ và kiên định, xây dựng trên những bản năng và dục vọng thấp hèn nhất của con người.
Các đảng CS trên thế giới kéo dài được hơi thở và mạng sống cũng vì giới lãnh đạo từ Đặng Tiểu Bình đến Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh đến quyền lợi và bổng lộc của từng đảng viên sẽ được bảo vệ bao lâu mà đảng còn thống trị tuyệt đối. Chính vì thế, tuy chống đối lẫn nhau bề nổi, nhưng trong bản chất, cả Nguyễn Phú Trọng lẫn Nguyễn Tấn Dũng đều ý thức sâu sắc nguyên tắc tập thể lãnh đạo và luân phiên lãnh đạo hầu duy trì đảng trị và phân chia quyền lợi, theo đúng lời dạy của Thái Sư Phụ Đặng Tiểu Bình.
Các đảng cộng sản là những ngọn núi lớn lao và vững chắc hơn các chế độ quân phiệt, độc tài cá nhân trị và ngọn núi của Manjhi. Con đường dân chủ hóa của các dân tộc bị cộng sản cai trị muôn vàn khó khăn.
Liên Bang Xô Viết và các quốc gia Đông Âu phải mất 70 năm mới vượt thoát khỏi hiểm họa này, lâu hơn hẳn Manjhi. Các dân tộc khác như Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Hàn, Lào chắc chắn cũng phải chấp nhận mất nhiều thời gian tương tự.
Chính vì thế, mỗi cá nhân đang kiên trì dấn thân vào con đường dân chủ hóa đất nước, nhất là những người đã kiên trì từ các thập niên 70 sau ngày miền Nam rơi vào tay CS, đã kiên trì tranh đấu suốt 40 năm, xứng đáng được tuyên dương như những con người bất khuất nhất lịch sử dân tộc.
Nông dân Manjhi chỉ là một con người chất phát, ít học, chỉ biết sử dụng những khí cụ thô sơ. Thế nhưng ông vẫn thành công vì ý chí dấn thân sắc đá, tình yêu của ông đối với vợ và dân làng vô bờ bến và ngọn núi đối diện với ông mặc dầu vĩ đại nhưng rồi cũng phải quy hàng.
Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, yếu tố mà những người Việt tham gia vào tiến trình dân chủ hóa đất nước cần phải học hỏi từ nông dân Manjhi là ý chí dấn thân sắc đá kiên định.
Dĩ nhiên, trong hàng ngũ những người tranh đấu cho tiến trình dân chủ hóa đất nước không thiếu nhiều người trí thức và hiểu biết. Tuy nhiên điều đáng buồn là trong cuộc tranh đấu dài nhiều thập kỷ, người đã bỏ cuộc, trở nên yếm thế và làm suy giảm tiềm năng của công cuộc đấu tranh.
Thêm vào đó, trên bình diện đấu tranh chính trị, chỉ có sự đối kháng có tổ chức mới làm CSVN sợ hãi và tích cực đàn áp. Trong khi đó rất nhiều thành phần trí thức bất đồng chính kiến chọn con đường dễ đi là cá nhân chống đối và không dấn thân tích cực như nông dân Manjhi.
Một khó khăn nữa là đảng CSVN không phải là một khối đá vô tri, bất di bất dịch, mặc cho chúng ta đục đẽo, mà là một thực thể sinh động, có thể uyển chuyển co giãn, làm cho công cuộc tranh đấu dân chủ hóa đất nước trở nên phức tạp hơn nhiều.
Chính vì thế, cũng như Manjhi vậy, tiến trình dân chủ hóa Việt Nam cần những con người ý chí dấn thân kiên định và một tình yêu dân tộc Việt Nam vô bờ bến. Đảng CSVN tuy không phải là một khối đá vô tri vô giác, nhưng cũng bị xoi mòn và tha hóa bỡi trào lưu tư tưởng và tin học của nhân loại. Thêm vào đó, lực lượng tranh đấu cho tiến trình dân chủ hóa cũng có thể phát huy sinh động và muôn màu muôn sắc.
Chính vì thế ý chí dấn thân kiên định phải là điều kiện tiên quyết và chúng ta cần phải vinh danh tất cả những cá nhân, nhất là những cá nhân lãnh đạo các tập thể đấu tranh trong nước lẫn hải ngoại, trong suốt nhiều thập niên qua, bất chấp các trở lực khách quan và búa rìu dư luận, như những Manjhi của Việt Nam.
22.12.2016
-->