Chia sẻ kinh nghiệm trong trường hợp người thân bị công an đánh và đánh chết - Dân Làm Báo

Chia sẻ kinh nghiệm trong trường hợp người thân bị công an đánh và đánh chết

Trịnh Kim Tiến - Tôi viết bài này với mong muốn nó có thể đến tay được nhiều người, nhất là những người dân bình thường chưa bao giờ quan tâm đến xã hội, bởi họ là những nạn nhân đáng thương nhất. Họ không ý thức được những tai ương sẽ đến bất ngờ và không định ra được một con đường cần phải đi trong hành trình đau thương.

Bài viết chia sẻ lại kinh nghiệm tôi đã từng trải qua, những bước đi cần thiết khi người thân bị đánh. Trong một xã hội thượng tôn và luật pháp bảo vệ người dân, những dòng này không có giá trị, nhưng trong một cơ chế mà ngành công an chiếm quyền lực tối cao và bao che lẫn nhau như hiện nay thì tôi nghĩ bài viết này sẽ là một cẩm nang hữu ích cho mọi người.

Trước hết tôi sẽ đi vào 5 bước cơ bản cần thiết sau đó sẽ đi vào từng trường hợp cụ thể.

Bước 1: điều cần phải làm ngay khi người thân bạn bị đánh là quay, chụp lại hiện trạng của thân nhân. Ví dụ hình ảnh họ còng tay khi chưa có án, mọi thương tích trên người người bị hại.

Quay lại một clip kể lại sự việc đầu đuôi rõ ràng để dư lận có thể hiểu rõ hơn về sự việc và quan tâm. Nên để người nhà kể lại vì lúc này nạn nhân cần nghỉ ngơi. Khi quay chú ý ngồi bên nạn nhân.

Đến hiện trường nơi xảy ra sự việc, ghi hình lấy lời kể của nhân chứng tại đây. Việc này cần làm nhanh ngay sau khi sự việc xảy ra và nhớ là ghi hình, không phải ghi âm vì hiện nay người dân rất sợ công an nên khi bị sức ép họ sẽ không dám đứng ra làm chứng, hoặc sẽ phản cung so với lời kể ban đầu.

Sau đó đăng tải những thông tin vừa thu được lên mạng xã hội cá nhân với thứ tự lần lượt để dư luận theo dõi diễn tiến.

Bước 2: Yêu cầu phía bệnh viện cho biết rõ tình hình của người thân. Cũng ghi âm tất cả cuộc tiếp xúc với các bác sĩ. Vì nhiều trường hợp, trước sức ép của phía công an bệnh viện sẽ không dám nói tình hình thật của bệnh nhân. Hãy nói với họ, họ sẽ phải chịu tất cả trách nhiệm về những gì họ nói và đây là việc giữa gia đình và công an, không liên quan y bác sĩ.

Bước 3: Gọi đến đường dây nóng của các báo chính thống trong nước tố cáo và kêu cứu. Số điện thoại có thể tìm kiếm qua 1080 hoặc google, chỉ cần cho biết tên tờ báo muốn tìm.

Tại đây báo chí sẽ cho người xuống phỏng vấn lấy tin nhưng quan điểm báo chí là phải khách quan và một phần họ cũng bị sức ép vì vậy nếu họ có đăng bài không được đúng ý cho lắm thì cũng không quan trọng. Quan trọng là sự việc của bạn đã được đưa ra trước dư luận. Có một số báo sẽ rắc rối hơn, họ sẽ yêu cầu gia đình làm đơn tố cáo gửi đến tòa soạn rồi mới xuống, không sao cứ làm và gửi cho họ.

Nếu báo chí chính thống vì một sức ép lớn nào đó từ phía công an hay ban tuyên giáo, không thể viết bài đăng bài cũng không vấn đề gì. Còn rất nhiều trang báo mạng phi chính thống của dân, còn gọi là lề trái, hay các báo đài Quốc tế không được công an thích cho lắm như BBC, RFA, VOA... bạn có thể gửi Mail đến họ thông tin về sự việc.

Báo chí nào cũng trả lời phỏng vấn được hết. Đừng nghe người khác dọa đó là trang phản động rồi sợ hãi, nó là trang gì đi nữa nếu bạn nói không sai thì không có gì phải sợ.

Điều quan trọng là đẩy sự việc vào lòng dư luận. Lưu ý khi trả lời phỏng vấn của bất cứ một báo đài nào đều cần kiểm soát lời nói, kìm lại sự phấn nộ. Nếu ghi lại được cuộc phỏng vấn là tốt nhất.

Bước 4: Làm đơn tố cáo gửi đến công an quận nơi xảy ra sự việc, công an thành phố nơi đang cư ngụ. Đơn này dân làm nên không cần quá cầu kỳ chỉ là tố cáo, trình bày sự việc và yêu cầu cơ quan có trách nhiệm lên tiếng.

Bước 5: Tìm luật sư để hướng dẫn pháp lý. Đây là một vấn đề hết sức khó khăn, tưởng chừng như dễ dàng nhưng không hề đơn giản. Bởi nếu gặp phải một luật sư không có tâm chỉ cần tiếng thì gia đình sẽ vừa mất tiền vừa ôm hận. Một luật sư có tâm không cần nói nhiều, chỉ cần hướng dẫn bạn đi như thế nào cho đúng luật. Cũng cấp cho bạn tất cả những gì luật sư nhận được từ phía cơ quan điều tra. Và luôn đứng sau hoặc đứng bên ủng hộ bạn. Luật sư của những nạn nhân bị công an đánh chết không cần phải là người nổi tiếng hay quá sức tài giỏi, nhưng phải có trái tim và cái tâm của người luật sư. Nếu ở Hà Nội bạn có thể tìm đến văn phòng luật Hưng Đạo Thăng Long, luật sư Hà Huy Sơn... Nếu ở miền Trung hay Sài Gòn có thể nhờ sự giúp đỡ của luật sư Nguyễn Khả Thành, Võ An Đôn...

Tiếp theo đây tôi sẽ chia những trường hợp bị công an đánh thành 2 khả năng có thể xảy ra:

* Trường hợp bị công an đánh mà chưa chết: Trường hợp này nếu không cẩn thận người bị nạn còn có khả năng đi tù cao về tội "chống người thì hành công vụ" do công an quy chụp.

Tôi có biết một vụ thế này, người con bị CSGT giữ phương tiện khi tham gia giao thông. Sau khi gọi điện cho bố báo cho biết là mình bị giữ xe, anh đôi co với CSGT yêu cầu lấy lại giấy tờ vì khẳng định mình không vi phạm luật. Theo lời của anh nói với luật sư người CSGT lao vào dùng mũ bảo hiểm của anh đã tháo ra để trên xe đập vào đầu anh, vừa đúng lúc bố anh đi đến. Thấy cảnh con mình bị đánh, ông bố cũng lao vào đẩy người CSGT kia ngã ra đất, lập tức rất đông CSGT lao đến đánh 2 bố con và còng tay họ lại. Sau đó họ bị bắt giữ và truy tố với tội danh chống người thì hành công vụ. Đó là một trong rất nhiều trường hợp công an ăn vạ và đòi truy tố dân mà tôi biết được qua báo chia cũng như nghe người liên quan thuật lại.

Trong trường hợp bị đánh mà không nặng hoặc không chết, gia đình bạn có thể sẽ gặp phải 2 tình cảnh:

- Một là sẽ bị công an dọa nạt và làm tiền, bởi dù đúng dù sai, quyền cũng đang tay họ. Trường hợp này bạn giả vờ chấp nhận, và ghi âm tất cả lại. Để khi làm truyền thông theo các nước trên đưa nó ra trước dư luận. Không tự ý nói bồi thường hãy để họ tự mở miệng yêu cầu để không bị quy là gài bẫy hối lộ.

- Hai là vì cay cú họ bất chấp, cho nạn nhân đi tù để thể hiện uy quyền của mình. Trường hợp này gia đình cần cương quyết không nhận tội và thực hiện đầy đủ 5 bước ở trên. Trong đó lời khai nhân chứng là quan trọng nhất, cần phải làm đầu tiên với trường hợp này. Sau đến tình trạng thương tích cần được công khai không sót điểm nào.

* Trường hợp bị đánh đến chết: Nạn nhân không còn có thể đi tù nên người nhà nạn nhân và người dân bức xúc có thể trở thành nạn nhân kế tiếp của công an với việc quy kết tội danh cho họ, ngành công an vừa có thể răn đe, làm dân sợ, vừa có thể ép gia đình bị hại rơi vào thế phải nghe lời.

Với hoàn cảnh đã không thể còn nước còn tát, người thân của nạn nhân buộc phải chấp nhận nỗi đau này và bình tĩnh giải quyết.

Điều đầu tiên, hãy yêu cầu pháp y Quân đội khám nghiệm tử thi cho người đã chết. Hiện nay ở Việt Nam có 3 cơ quan khám nghiệm pháp y nhưng xét về tính độc lập thì chưa có. Nên yêu cầu pháp y Quân đội cũng chỉ là để an tâm hơn so với pháp y của bên công an mà thôi. Trong quá trình khám nghiệm gia đình cần cử người tham gia trực tiếp ghi âm và quay lại, nên có luật sư cùng tham gia trong quá trình này.

Nếu phía công an tự ý khám nghiệm mà chưa có sự đồng ý của gia đình người bị hại, thì phía bên bị hại hoàn toàn có thể yêu cầu khám nghiệm pháp y quân đội khám nghiệm lại bằng cách làm đơn yêu cầu và khiếu nại công an tự ý mổ tử thì khi chưa được sự cho phép.

Người thân đã bị chết một cách oan ức như vậy rồi, hãy ngưng sợ hãi và mạnh dạn lên trong việc kêu cầu công lý. Ngoài sức ép truyền thông còn cần sức ép từ phía người dân bên ngoài trang mạng. Tùy hoàn cảnh của mỗi gia đình, tôi không khuyên bạn một hành động cụ thể nào hết.

Cá nhân gia đình tôi thì lựa chọn cách căng băng rôn yêu cầu pháp luật xử lý nghiêm minh những người công an đã đánh chết người nhà mình cho đến khi có lệnh khởi tố bị can và bắt tạm giam nghi phạm mới tháo xuống. Mọi người đừng nhầm giữa lệnh khởi tố bị can và khởi tố vụ án nhé. Bởi khởi tố vụ án không có giá trị gì, chỉ khi có khởi tố bị can thì sự việc mới buộc phải điều tra và được đưa ra xét xử. Việc căng băng rôn ôn hòa không nhất thiết là phải cố định một địa điểm, nếu địa điểm nhà nạn nhân không thuận lợi cho việc kêu oan thì người thân hoàn toàn có thể ôn hòa trên đường phố với những yêu cầu chính đáng.

Chúng tôi không lựa chọn mang xác đi tuần hành như một số vụ từng xảy ra vì cảm thấy rất tội cho người đã khuất, thứ 2 là khi mang xác người thân đi tuần hành như vậy sẽ khó kiểm soát diễn biến hơn là biểu tình ôn hòa, dễ khiến những người đang bức xúc thay gia đình mình gặp phải chuyện không hay.

Tuy nhiên trong những ngày căng băng rôn, đến khi hạ xuống rồi chúng tôi vẫn quyết định giữ lại xác người thân trong nhà xác bệnh viện vì chưa có kết quả pháp y. Nếu đã quyết định bước đi trên con đường đầy những bất công thì phải chấp nhận chịu đựng nỗi đau cho đến ngày có được câu trả lời chính thức từ phía pháp y.

Khi có chứng nhận pháp y tôi nghĩ cũng là lúc gia đình có thể hoàn tất được thủ tục mai táng cho người thân.

Tôi nhấn mạnh một điều với mọi người là nên chôn cất khi có đủ 3 yếu tố, lệnh khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối tượng và bản kết luật sơ bộ của pháp y. Bởi chỉ có 1, 2 trong 3 không thể đưa bạn đến một phiên tòa trong tương lai. Dụ như vụ anh Quốc Bảo bị đánh chết ở Hà Nội, gia đình giữ xác được 7 ngày, dù đã có pháp y bị chấn thương sọ não mà chết nhưng sau đó công an vẫn kết luận nguyên nhân là tự thương, tự tử vì chưa có được lệnh khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng gây án.

Ở trên là kinh nghiệm riêng của gia đình tôi còn đương nhiên là không phải lúc nào bạn cũng cần làm như vậy. Như vụ án của anh Ngô Thanh Kiều ở Phú Yên thì có điều khác hơn là gia đình không cần giữ xác bởi vì những hình ảnh thương tích do bị tra tấn bằng dụng cụ chuyên dụng và hình ảnh sau mổ tử thì hiện lên rất rõ ràng là do bị đánh đến chết. Và sau đó có luật sư nhập cuộc ngay nên mọi thứ cũng đỡ phức tạp hơn rất nhiều.

Tôi xin được lưu ý với gia đình người bị hại một vấn để khác là người thân, ngoại trừ cha mẹ, vợ chồng, con cái, thì những người khác đều có thể bị đe dọa để hòng chặn đứng sự phản kháng, và có thể họ sẽ còn cố gắng kích động người nhà để truy ra tội, ép đôi bên đi vào thế thỏa hiệp. Vậy nên trong nỗi đau này nên để phụ nữ thay nhau đứng ra gánh vác. Trong tất cả mọi cuộc làm việc với cơ quan chức năng gia đình đều cần ghi âm và lưu giữ lại.

Và tôi khuyên rằng nếu người thân bạn bị rơi vào những trường hợp này bạn đừng ngần ngại việc nhận bồi thường. Mất mát đau thương của bạn không gì có thể bù đắp được nhưng đó là những thứ gia đình bạn phải được nhận để bù đắp tổn thất tinh thần và vật chất, để người còn sống được yên tâm và người đã khuất được yên lòng. Hãy bỏ qua những luồng dư luận không hay ho và có phần khốn nạn bởi lòng tham và sự ngu dốt. Hãy dẹp những cái comment, những lời xúc xiểm không thiện ý sang một bên bởi nó không đáng phải để bạn nhìn đến. Trong một vụ án hình sự thì trách nhiệm dân sự là cần phải có vì vậy nhận bồi thường không có nghĩa là phải bãi nại cho kẻ thủ ác. Khi nhận đền bù gia đình chỉ cần viết một giấy biên nhận "khắc phục hậu quả" với chủ thể bên A và bên B là được. Biên nhận ghi rõ ràng đây không phải giấy bãi nại, mọi sai phạm xử theo quy định của pháp luật.

Tôi mong rằng những kinh nghiệm ít ỏi này sẽ được mọi người chia sẻ rộng rãi để góp phần giảm tải, ngăn chặn tình trạng công an lạm quyền đánh dân như hiện nay.

Trong cuộc chiến này những con người đang đau khổ phải là những con người bình tĩnh, khéo léo và quyết đoán nhất trong cách hành xử. Đây không chỉ là một cuộc chiến pháp lý, đây cũng không chỉ là một cuộc chiến truyền thông. Đây là một chuộc chiến truyền thông - pháp lý. Nếu chỉ làm truyền thông mà bỏ qua pháp lý hoặc tiến hành pháp lý mà gạt đi sự quan trọng của truyền thông thì việc đấu tranh cho các nạn nhân bị công an đánh sẽ không thu được kết quả nào. Hai điều này phải được tiến hành song song thì may ra người dân mới mong tìm đến được sự thật. Tôi nói ở đây là sự thật không phải công lý bởi để có được công lý còn xa vời lắm, công lý trong cơ chế tam quyền không phân lập là món hàng vô cùng xa xỉ với người dân.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo