Hành trình về dân chủ Đa nguyên (phần sáu) - Dân Làm Báo

Hành trình về dân chủ Đa nguyên (phần sáu)

Bùi Quang Vơm (Danlambao) - Trong cuộc hành trình chắc chắn không ít khó khăn này, chúng ta đã cùng thảo luận với nhau về các điều kiện nhất thiết phải có để một nền dân chủ đa nguyên có thể ra đời và được bảo đảm là Tự do cá nhân và Sở hữu tư nhân. Chúng ta cũng đã ít nhiều thống nhất các khái niệm rất cơ bản của lý thuyết dân chủ đa nguyên là Pháp quyền và Pháp trị, về Tam Quyền Phân lập. Trong phần này, chúng ta thảo luận về một định chế đặc trưng của thể chế dân chủ đa nguyên là Nhà Nước Trung tính. Người viết luôn chỉ là người nêu ra một ý kiến.

Nhà nước Trung tính

Tính Trung tính hay gọi là tính trơ, neutre, của một vật thể là tính chất không phản ứng hóa học với các vật thể khác, không bị thay đổi về chất bởi xung đột với các vật thể khác, trơ trước các tác động của ngoại cảnh.

Nhà nước trung tính là nhà nước không có tính định hướng (vectorial), là nhà nước phi tôn giáo, phi đảng phái, phi dân tộc, phi giai cấp, là nhà nước trung gian, độc lập với mọi lực lượng chính trị xã hội, là nhà nước thế tục, độc lập với mọi đức tin, moị tôn giáo, mọi ý thức hệ tư tưởng. 

Nhà nước trung tính là nhà nước đại diện quyền lợi của mọi công dân, mọi thành phần, mọi tầng lớp, mọi sắc tộc, mọi nguồn gốc xuất thân, mọi cấp bậc kinh tế, chính trị và xã hội, mọi ngôn ngữ, mọi tập quán và tnguồn gốc văn hoá.

Nhà nước trung tính không có lợi ích tự thân. Lợi ích của nhà nước trung tính là lợi ích tổng thể bao trùm của xã hội, là nhà nước trơ với mọi tác động thiên vị, có hướng và có mục đích cục bộ riêng rẽ.
Nhà nước trung tính là công cụ công cộng của toàn xã hội, thuộc sở hữu toàn dân, phục vụ cho lợi ích cuả mỗi công dân và lợi ích bao trùm của toàn xã hội.

Khái niệm nhà nước nói chung và nhà nước trung tính nói riêng chỉ mới xuất hiện như một thuật ngữ chính trị xã hội học từ những nghiên cứu cơ bản cuả các nhà chính trị xã hội học hiện đại như Montesquieu vào khoảng thế kỷ15-16 và Rousseau vào thế kỷ 18-19. Tuy nhiên nhà nước trung tính hay bản chất trung gian phi tôn giáo và phi chính trị của bộ máy quyền lực công cộng là bản chất khởi thuỷ của Nhà nước. Nó có nguồn gốc là sản phẩm tự nhiên và tự thân của xã hội đa nguyên. Nó ra đời trong môṭ cộng đồng xã hội, trong đó mọi thành tố đều bình đẳng, có quyền và có lợi ích ngang nhau.

Chức năng có tính khởi thuỷ của Nhà nước là chức năng trọng tài, hoà giải xung đột và xét xử các vi phạm quy ước sinh họat chung. Chính vì vậy, lịch sử hình thành nhà nước gắn liền với sự hình thành luật pháp với tư cách là các quy tắc sinh hoạt, khuôn mẫu của phép hành xử trong sinh hoạt cộng đồng. Các bộ luật được bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện theo sự hoàn thiện của thể chế và cơ cấu nhà nước.

Bộ phận phôi thai của công quyền có xuất xứ từ những cá nhân được ủy nhiệm vai trò trọng tài, hoà giải và xét xử các va chạm sinh hoạt, các xung đột lợi ích giữa các cá thể, các hội nhóm hay tập thể công dân. Trong xã hội nguyên thuỷ, thông thường những cá nhân này là những tù trưởng, các tộc trưởng hay các bô lão, trưởng lão có kinh nghiệm, có trí tuệ, học vấn, có tài sản và đức độ hơn người.

Cùng với sự phát triển của sản xuất, của năng suất lạo động, sự dư thừa của cải từ sản xuất nông nghiệp tạo ra quá trình trình phân công lao động xã hội ngày một cao, cho phép bộ phận trung gian thoát ly dần khỏi sản xuất, chuyên nghiệp hóa và quan liêu hoá. Đó là những phần tử đầu tiên của bộ máy Nhà nước, với chức năng ban đầu duy nhất là Trọng tài, Hòa giải và Xét xử các vụ kiện tụng, các xung đột sinh hoạt và các xung đột lợi ích giữa các thành tố của cộng đồng. Bộ phận này sống bằng đóng góp tự nguyện của các thành phần trong cộng đồng và nhận được ủy nhiệm, thừa nhận tư cách và uy lực quan toà trên tòan thể cộng đồng.

Để tăng cường quyền lực và hiệu lực xét xử, dàn xếp trật tự công cộng, Nhà nước khởi thủy thiết lập cảnh sát và điều tra, hình thành chức năng thứ hai của Nhà nước là duy trì trật tự và an ninh nội bộ. Cho đến khi các bộ tộc, bộ lạc phát triển lớn mạnh dần, số lượng công dân và lãnh thổ lan rộng, xuất hiện những va chạm đụng độ với các cộng đồng bộ lạc khác. Nguy cơ bị đe doạ an ninh từ bên ngoài làm xuất hiện nhu cầu hình thành lực lượng vũ trang, tự vệ. Đó là quân đội, có chức năng chủ yếu là bảo vệ an ninh lãnh thổ, an ninh quốc phòng, chủ quyền cương vực. Chức năng thứ ba ra đời như vậy. Nhà nước cho đến trước thời kỳ chuyên chế phong kiến, chỉ có ba chức năng chính, Toà án xét xử, Trật tự nội địa và An tòan cương giới.

Trong truyện Tam Quốc Diễn Nghĩa có kể chuyện Bàng Thống, một nhân vật được coi là cùng với Khổng Minh Gia Cát Lượng, "nếu được một trong hai người, đủ bình được Thiên hạ". Khi bỏ Ngô về với Lưu Bị, lúc đầu được giao làm tri huyện, chỉ cả ngày uống rượu say khướt. Một lần, khi Trương Phi đi thanh tra, khiển trách bê trễ việc quan, Bàng Thống chỉ một buổi sáng, miệng phán, tay phê, xử êm xuôi tất cả các vụ kiện tụng tồn đọng suốt ba tháng. Lý Quỳ trong Thuỷ Hử, thế kỷ thứ bảy, không biết chữ cũng một ngaỳ làm quan tri phủ nhờ xử kiện. Cho nên Nhà nước cho đến tận thời trung cổ, việc của chính quyền vẫn chỉ là quan toà. 

Cùng với sự phát triển tiến bộ của loài người, công cụ lao động và kỹ năng làm chủ các nguồn lực ngày càng hoàn thiện cho phép tăng vọt năng suất lao động. Từ chỗ sản phẩm nông nghiệp của một lao động chỉ đủ tự túc, tới nuôi một vài người, tiến tới đủ cho hàng trăm người, lực lượng có thể thoát ly sản xuất nông nghiệp ngày một tăng. Phân công lao động và chuyên nghiệp hoá lao động ngày một cao, hình thành nên các thành phần khác của xã hội, thợ thủ công, người buôn bán, thầy thuốc, nhà giáo, nhà văn, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu v.v... sinh hoạt xã hội ngày càng đa dạng, sự phân hoá lợi ích ngày càng giãn rộng, các chức năng khác của Nhà nước vì thế, không ngừng được bổ sung, đồng thời cũng trở thành phức tạp và chuyên nghiệp hoá cao dần.

Lý thuyết về Nhà nước, về khoa học quản trị quốc gia dần dần thoát ra ngoài trình độ văn hoá phổ cập của cộng đồng dân cư đã phân hoá mỗi ngày một sâu sắc. Hoạt động của Nhà nước trở thành khu vực giành riêng cho lực lượng thuộc thành phần tinh hoa của cộng đồng xã hội, xa xôi và siêu hình đối với đa số quần chúng lao động, làm biến mất dần ý niệm làm chủ có nguồn gộ́c lịch sử xa xăm, và mất dần ý thức chính trị của dân chúng.

Quy mô xã hội ngày một lớn, các hoạt động quản trị hành chính của nhà nước ngày càng chuyên môn hoá và chuyên sâu hoá, trở thành một bộ máy quan liêu, tách rời ý niệm khởi thủy là công cụ phục vụ được ủy nhiệm và trở thành công cụ riêng của thế lực cầm quyền. 

Đấy chính là nguyên nhân mà nhà nước từ môṭ công cụ ủy nhiệm của dân, sống bằng sự đóng góp của dân, có chức năng chủ yếu là phục vụ các nhu cầu trong cuộc sống của dân, lần lượt trở thành công cụ bóc lột của các chủ nô lệ, của Vua chúa, của các tầng lớp địa chủ giầu có, của tầng lớp tư sản quý tộc, các tư bản tài chính. Nhà nước mất dần tính trung tính, trung gian, cân bằng lợi ích, giải toả xung đột, bảo vệ lợi ích bao trùm, phai dần và mất dần chức năng phục vụ công cộng.

Tổ chức Nhà nước hình thành do nhu cầu sinh họat xã hội trong các công xã nguyên thủy hàng chục nghìn năm trước khi xuất hiện giai cấp với ý nghĩa là các tầng lớp xã hội có lực lượng và quyền lợi khác nhau, trong đó có một phần xã hội có cấu tạo bởi hai giai cấp đại diện, có mâu thuẫn đối kháng nhau là tầng lớp lao động bị bóc lột và tầng lớp bóc lột như chủ nô, chuá đất hay chủ tư bản. Nhà nước không có bản chất cai trị hay trấn áp. Nhà nước là nơi dung hoà lợi ích, hạt nhân quy tụ và cố kết cộng đồng công dân.

Học thuyết Mác Lê nin định nghĩa Nhà nước chỉ ra đời và tồn tại trong xã hội có giai cấp, là công cụ chuyên chính của giai cấp thống trị là học thuyết phản khoa học, nguồn gốc của chia rẽ xã hội và quy kết xã hội thành các thành phần đối kháng và trấn áp lẫn nhau, giành giật quyền lợi và tiêu diệt lẫn nhau, biến xã hội thành các thành phần tự nó gây xung đột bất khả điều hoà, nguyên nhân của mọi mâu thuẫn và mất ổn định từ trong lòng xã hội. Lý thuyết giai cấp của Mác là lý thuyết tội ác, nguồn gốc của chiến tranh và thảm hoạ.

Nhà nước tại Việt Nam do đảng cộng sản Việt Nam dựng nên từ hơn 70 năm cho đến hiện nay là nhà nước chuyên chính vô sản, công cụ trong tay bộ máy lãnh đạo của đảng cộng sản, để trấn áp các tầng lớp khác còn lại trong xã hội. Các công cụ quyền lực nhà nước có nhiệm vụ trước nhất và duy nhất là bảo vệ sự tồn tại trên vị trí cầm quyền của đảng, dựa trên việc tước đọat hầu hết các quyền tự do các quyền dân chủ căn bản của công dân, trấn áp mọi tiếng nói đối kháng ôn hoà phi bạo lực của công chúng.

*

Nhà nước trung tính là nhà nước kiểu mẫu của xã hội trong thể chế Dân chủ Đa nguyên. Chỉ có dưới một chế độ dân chủ đa nguyên mới tồn tại một Nhà nước được gọi là trung tính. Trong một xã hội Dân chủ thực sự, tính Đa nguyên trong xã hội được tôn trọng. Quyền tự do, quyền tồn tại bình đẳng trước pháp luật là quyền bất khả xâm phạm. 

Tư duy đa nguyên là tư duy luân phiên cầm quyền. Chỉ có một xã hội tôn trọng bản chất đa nguyên của cộng đồng công dân, thì mới hiểu ổn định xã hội chính là sự luân phiên cầm quyền trong hoà bình thông qua tranh cử dân chủ và minh bạch.

Trong một xã hội mà nguyên tắc đa nguyên được tôn trọng, hệ thống chính trị quốc gia không phải là hệ thống chân rết hay vòi bạch tuộc của một đảng chính trị duy nhất. Trong một thể chế đa nguyên, tính chất đa đảng phái trong sinh hoạt chính trị quốc gia vưà là sự hình thành tự nhiên, vừa là yêu cầu bắt buộc phải có để bảo đảm tính cạnh tranh trong môi trường chính trị. Các thành tố của cấu tạo xã hội có quyền và nghĩa vụ tham gia hoạt động và tổ chức thành các đảng chính trị nhằm nuôi dưỡng và duy trì cân bằng, trung hoà các xung đột, bảo đảm một môi trường cạnh tranh thường xuyên, thúc đẩy tính tích cực tiến bộ của xã hội và ngăn cản quá trình tha hoá của các cơ chế quyền lực.

Hiến pháp và luật pháp quốc gia phải quy định chế độ hoạt động của các đảng chính trị. Các cơ chế Nhà nước phải có trách nhiệm bảo vệ và hỗ trợ điều kiện để các tổ chức chính trị, các đảng phái hoạt động lành mạnh, hợp pháp và phục vụ tốt cho lợi ích quốc gia. Ở các quốc gia dân chủ phát triển, quy chế đa đảng được ghi vào hiến pháp và luật hóa như một bộ phận hữu cơ của thể chế. Luật quy định ngân sách nhà nước đảm bảo tổ chức đảng được tồn tại với một mức tối thiểu. 

Như vậy, trong một quốc gia tồn tại chế độ chính trị đa nguyên, bắt buộc phải hình thành và tách biệt hai thiết chế quyền lực hành pháp khác nhau, có tính độc lập tương đối với nhau, có chức năng và trách nhiệm khác nhau đối với lợi ích quốc gia. Hai thiết chế hành pháp này là Tổng thống và Chính phủ.

Tại các quốc gia, trong đó Tổng thống do dân bầu trực tiếp, không chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ do quốc hội bầu ra, gọi là chế độ Cộng hoà Bán tổng thống.

Ngược lại, nếu cả Tổng thống và Chính phủ đều do Quốc hội bầu ra và có quyền bãi miễn, thì Tổng thống chỉ là nguyên thủ hình thức, không có trách nhiệm và quyền hạn hành pháp thực tế nào, đây là chế độ Cộng hoà Đại nghị. 

Tuy nhiên, việc phân chia cách gọi chỉ có ý nghĩa tượng trưng. Mỗi quốc gia theo chể chế này hay khác đều có những cơ chế riêng, không nước nào giống nước nào. căn cứ để phên biệt chỉ là dựa vào các đặc điểm, nếu Nguyên thủ có tính cha truyền con nối thì là quân chủ, nếu nguyên thủ được bầu ra theo nhiệm kỳ thì là Cộng hoà. Nhà nước có cơ quan Hành pháp được bầu bởi Quốc hội là chệ́ độ Đại nghị.

Tổng thống hay người đứng đầu quốc gia là người đại diện cho giá trị tổng thể quốc gia, bao gồm quyền chủ quyền quốc gia, tức là chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền với tài nguyên khoáng sản trong phạm vi lãnh thổ, chủ quyền đối với các tài sản vô hình của quốc gia như lịch sư dân tộc̉, phong tục tập quán, ngôn ngữ, tài sản văn hoá. Cùng với quyền chủ quyền như một thủ lĩnh quốc gia, Tổng thống còn là người đại diện và bảo vệ các quyền căn bản của mọi công dân thuộc cộng đồng sinh sống trong phạm vi lãnh thổ quốc gia. Hệ thống quyền chủ quyền và quyền căn bản của công dân taọ thành hệ thống giá trị quốc gia. Đó là hệ thống giá trị dần trở thành cố định, ít nhiều bất biến được xác định như một phần hữu cơ trong hiến pháp nhà nước. Dù xuất phát từ đảng phái nào, Tổng thống buộc phải tuyên thệ phi đảng phái, phi tôn giáo, trung thành tuyệt độ́i vô điều kiện với Hiến pháp. Tổng thống đại diện một thiết chế trung tính, là người đảm bảo tính hợp hiến của mọi điều luật.

Trong lịch sử, tính hợp hiến của luật pháp đã được xét đến từ lâu. Tại Pháp, ngay từ thế kỷ XVI, Nghị Viện đã tách biệt giữa "luật của Vua, có thể thay đổi và có thể chết", trong khi "Luật của Vương Quốc là̀ bất khả thay đổi và bất tử". Luật Vương Quốc chính là Hiến pháp theo thuật ngữ hiện đại, và luật của Vua chính là luật của Chính phủ, là người chấp chính hay là người thực hành quyền cai trị, quản trị xã hội.

Trong một thể chế Cộng hoà Đại nghị, tổng thống là biểu tượng của chủ quyền quốc gia, người bảo đảm các hệ thống gía trị quốc gia, bảo đảm an ninh trật tự nội địa, quyền lợi thống nhất và bao trùm của toàn xã hội, nhưng không nắm quyền hành pháp trực tiếp. Trên thực tế, quyền hành pháp nằm trong tay chính phủ.

Nguyên thủ quốc gia trong chính thể cộng hoà đại nghị không khác nào địa vị của nhà vua hoặc nữ hoàng trong chính thể quân chủ đại nghị, theo nguyên tắc: “Nhà Vua trị vì nhưng không cai trị”. Nhưng khi có khủng hoảng chính trị, hoặc khủng hoảng an ninh, lợi ích quốc gia bị đe dọa, thì Nguyên thủ Quốc gia, hay Tổng thống là người toàn quyền và là người quyết định cuối cùng.

Nguyên thủ quốc gia như là một chế định tiềm tàng của nhà nước cho những tình huống khẩn cấp.

Chính phủ, mà người đứng đầu là Thủ tướng, đại diện cho một đảng chính trị hay một lực lượng chính trị, giành được quyền lập Chính phủ thông qua chương trình và các chính sách kinh tế xã hội, chiếm được đa số phiếu trong chiến dịch bầu cử lập pháp và nhờ vậy chiếm đa số ghế trong Quốc hội.

Tiêu chí cạnh tranh giành quyền chính danh của Chính phủ là Tăng trưởng kinh tế và Tăng trưởng phúc lợi xã hội. Trong khuôn khổ Hiến pháp, Chính phủ được quyền sử dụng, và tổ chức tối ưu các công cụ quyền lực công cộng nhằm khai thác tốt nhất moị nguồn lực có sẵn và tiềm ẩn của quốc gia, hướng tới các mục tiêu cam kết trong chương trình tranh cử.

Trong một hệ thống chính trị của một Nhà nước Pháp quyền (Etat de Droit), các chính sách cuả Chính phủ bắt buộc phải chuyển hoá thành luật và được hợp hiến hoá sau khi được Quốc hội thông qua và Tổng thống phê chuẩn. Các chính sách được thực thi khi chưa có luật ban hành hợp hiến đều có thể bị truy tố. Bộ trưởng của chính sách liên quan sẽ buộc phải từ chức hay bãi nhiệm bởi tổng thống.

Vì tính chất luân phiên của Chính phủ, tức là tính luân phiên cầm quyền của các đảng chính trị, hai yêu cầu đặt ra phải được thiết chế hoá:

1- Tính ổn định của hệ thống giá trị quốc gia.

2- Tí́nh liên tục bền vững của các định chế quản trị.

Từ hai yêu cầu này, đặt ra các yêu cầu có tính nguyên tắc là tính chất độc lập tương đối giữa tổng thống đối với chính phủ. Nhiệm kỳ cuả tổng thống hay người đứng đầu Nhà nước, không bắt buộc phài trùng khớp với nhiệm kỳ Quốc hội hay nhiệm kỳ Chính phủ, có nghĩa là có thể dài hơn. tổng thống không nhất thiết cùng đảng với thủ tướng, thậm chí không cần phải tham gia chính đảng nào nếu có khả năng tự lưc về kinh tế và đủ uy tín chính tri trong xã hộị.

Các đảng chính trị khi tham gia cầm quyền phải cam kết nhất trí với nhau và trung thành với chính sách quốc phòng và đường lối đối ngoại. Những chính sách này mang tính chiến lược, nên buộc phải đảm bảo tính liên tục. Điều này dẫn tới các gợi ý chuyển bộ Quốc phòng và bộ Ngoại giao trực thuộc phủ tổng thống, cũng chính là nhu cầu phi chính trị hoá quân đội.

Do tính luân chuyển cầm quyền, bộ máy quản trị cuả Chính phủ có cấu tạo đặc biệt, bao gồm bộ máy quản trị chính trị và bộ máy quản trị công vụ. Bộ máy quản trị chính trị bao gồm các bộ trưởng, thuộc đảng chính trị cầm quyền, là bộ máy ra lệnh. Bộ máy công vụ là bộ máy hành chính sự nghiệp chuyên nghiệp, là công cụ trong tay chính quyền, có trách nhiệm và nghĩa vụ tuân thủ vô điều kiện và thi hành với hiệu suất cao nhất các mệnh lệnh từ bộ máy chính trị, tức là từ bộ trưởng. Bộ trưởng quốc phòng không nhất thiết là quân nhân hay được đào tào quân sự.

Mỗi lần luân chuyển cầm quyền, Bộ máy quản trị chính trị thay đổi, người cầm đầu bộ máy quản trị thay đổi, nhưng bộ máy công vụ vẫn giữ nguyên. Như vậy trong chế độ đa đảng, bộ máy công vụ mang tính chất trung tính, phi đảng phái, phi tôn giáo. Luật pháp nghiêm cấm các hành vi chính trị hoá hệ thống công vụ chuyên nghiệp. Bổ nhiệm một quan chức công vụ thành bộ trưởng là có ý đồ tham nhũng.

Tính chất luân chuyển cầm quyền và điều kiện cạnh tranh lành mạnh và khả năng thay thế liên tục, vưà giú tính chuyên nghiệp trong sinh hoạt chính trị, vưà giải toả mọi mâu thũân trong sinh hoạt xã hội, làm biến mất các đối kháng giai cấp, tạo ra nền tảng của ổn định bền vững, điều mà nhà nước cộng sản độc đảng hiện nay không thể có được.

Như vậy, trong một Nhà nước dưới chế độ dân chủ đa nguyên,Tổng thống là trung tính. Quốc hội Đa đảng. Quân đội và Cảnh sát phi chính trị. Toà án và Công tố độc lập. Cơ quan công quyền mang tính đảng hay tính chính trị duy nhất là Chính phủ, nhưng chỉ là bộ phận quản trị chính trị và chỉ có tính nhiệm kỳ, phần cốt lõi của Chính phủ là bộ phận quản trị hành chính công vụ là bộ máy chuyên nghiệp và trung tính.

Đó chính là Nhà nước Trung tính hiện đại, Nhà nước của chế độ Dân chủ, chính trị Đa nguyên.

06/01/2017

-->


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo