Cánh dù lộng gió - Lại một mùa xuân đang đến, đó là tin vui hay nỗi sầu tùy hoàn cảnh. Khi mùa xuân 1975 tắt hẳn thì cũng là lúc mùa xuân của những Anh Em TPB VNCH không bao giờ nhìn thấy mùa xuân đúng nghĩa nữa.
Trước đây khi chính quyền VNCH còn, họ có chính sách trả lương, nuôi dưỡng những Anh Em TPB bằng cách trả lương cho 2 người thí dụ nếu bị thương 50% thì cấp lương đệ nhị nhân tức TPB và một người chăm sóc, còn nếu bị thương nặng 100% thì cấp lương đệ tam nhân tức là TPB và 2 người ăn lương chăm sóc và những ưu tiên khác trong cuộc sống của họ. Con cái có thể xin vào học miễn phí tại các trường công và được đài thọ từ A-Z.
Một sự đền đáp có tình người, xứng đáng và trách nhiệm với những người vì nước đã mất đi một phần thân thể.
Đau đớn thay sự đãi ngộ ấy chưa được bao lâu thì ngày 30/4/1975. Một ngày đen tối đã cướp đi tất cả bởi những kẻ trong rừng rú chui ra. Họ nhẫn tâm đuổi tất cả những Anh Em TPB vừa mới bị thương, vết thương vừa mới mổ hay cắt đi phần tay chân, chưa kịp băng bó ra đường phố.
Các Anh Em TPB như đang trên cao bị xô xuống vực thẳm một cách không thương tiếc xót xa. Họ cắn răng, bậm môi để chịu đựng lê đi với những bước chân nặng trĩu, vô định, chưa biết sẽ đi về đâu.
Chỉ còn mỗi cách là vừa đi vừa xin dọc đường mong sao những người đi đường thấy hoàn cảnh của họ, mỗi người giúp đỡ một tay, để họ có tiền lên xe về quê hay sống lây lất qua ngày nơi đầu đường xó chợ.
41 năm qua, họ đã bị ngược đãi, nhiều người lang thang, nay đây mai đó để tìm kiếm miếng ăn hằng ngày, hay tìm kiếm từng viên thuốc để mong xoa dịu nhức nhối vì vết thương tái phát hành hạ ngày đêm cho thân phận lạc loài.
Họ không kêu ca và cam chịu số phận đã an bài vì biết thời cuộc đã đổi thay, kẻ thắng làm vua, kẻ thua chịu nhục.
Vâng họ đã cố sống như thế với tất cả ý chí, giành giựt với sự sống từng ngày, cho dù họ đã mất đi thậm chí một nửa người, tức 2 chân, chỉ còn lại nửa trên.
Tôi đã từng gặp một Anh TPB một đơn vị BĐQ ở Bình Thuận, cụt 2 chân, đang lết đi bán vé số dọc đường, hỏi thăm Anh là đã có ai giúp đỡ Anh bao giờ chưa. Anh trả lời Anh có gặp một vài người bên Mỹ về VN, Anh nhờ gởi hồ sơ vài chỗ kể cả bà Trung Tá CQN Hạnh Nhơn, nhưng không một câu trả lời, người Anh đen trũi như con trâu nước, vì đầu trần, quần áo rách nát. Nhìn thấy cảnh này tôi không khỏi xót xa ngậm ngùi, nhất là Anh nhìn tôi rồi thốt lên một câu "tôi bị thương quá nặng, Anh nhẹ hơn tôi". Nước mắt tôi lúc đó cứ tự nhiên nhỏ giọt lẫn lộn với cái nắng gắt của trưa hè oi ả mà thương Anh đang lê tấm thân tàn đi bán vé số, ngặt lúc đó trong túi tôi không còn tiền, chỉ còn 100 bạc đổ xăng, nên tôi cũng ráng nhín lại gởi Anh một nửa phần nước. Thôi thì lá rách đùm lá nát một chút. Vài câu an ủi để Anh đừng buồn, cảm thấy vẫn còn đâu đó chút tình chiến hữu xa xưa.
Mùa xuân con Gà đang đến nhanh, chúng ta những người có cuộc sống không đến nỗi khó khăn như những Anh Em TPB khác, xin hãy thương, cùng chung tay giúp đỡ những Anh Em TPB VNCH đã bị ngược đãi, phân biệt đối xử, sống lê lết lây lất cho tới giờ này. Hãy vì tình con người để mắt tới những Anh Em này trước khi quá muộn, vì người trẻ nhất tức là nhập ngũ năm 1974 giờ cũng đã 63 tuổi rồi cộng thêm vết thương tàn phá cơ thể, thời gian chỉ đếm trên đầu ngón tay từng ngày. Họ đang mong mỏi xuân về có một chút gì ấm áp tình người để quên đi những đau thương tủi nhục mà họ đã phải gánh chịu từ sau tháng tư đen đến giờ.
Mọi liên lạc xin gởi về Anh Năm Xích Lô Email: namxichlodap@gmail.com
Xin nói rõ hiện nay Anh Năm Xích Lô có một nhóm hỗ trợ cho TPB VNCH tại Châu Âu, nhưng vì số Anh Em TPB VNCH như DCCT đã tổng hợp cuối năm 2016 vừa qua là 4500 Anh Em, nên như muối bỏ biển, rất cần sự tiếp tay của mọi người.