Luật Sư Đào Tăng Dực (Danlambao) - Lời dẫn: Khởi đầu cho năm 2017 và Tết Đinh Dậu, với sự nhậm chức của tân tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, với sự dương oai diệu võ của Trung Quốc tại Biển Đông qua những tập trận khiêu khích của hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, và nhất là ngày 19/1/2017 là ngày kỷ niệm 43 năm Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa, người Việt trong lẫn ngoài nước băn khoăn không biết liệu năm mới có đem lại tiến triển gì cho vận mệnh dân tộc hay không?
Để trả lời câu hỏi này chúng ta hãy cùng nhau duyệt lại tổng quát tình hình Biển Đông, sách lược chính trị của tổng thống tân nhiệm Hoa Kỳ Donald Trump, hậu quả của phán quyết lịch sử ngày 12 tháng 7 năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế trong phiên xử tranh chấp tại Biển Đông giữa Trung Quốc và Phillipines và sau cùng đánh giá khả năng thu hồi Hoàng Sa về trong vòng tay của mẹ Việt Nam.
1. Tổng quát hiện trạng tại Biển Đông ngày hôm nay ra sao?
Tuy những diễn biến chính trị tại Biển Đông rất phức tạp, nhưng chúng ta có thể cô lập một vài nét chính như sau hầu có một nhận thức tổng quát.
Hiện trạng tại Biển Đông bao gồm các nét chính sau đây:
1. Trung quốc đơn phương công bố đường lưỡi bò bao gồm 80% Biển Đông là thuộc chủ quyền bất khả tranh cãi của TQ từ hằng ngàn năm lịch sử
2. TQ chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào ngày 19/1/74 với sự đồng thuận của đảng CSVN và trong tinh thần của Công Hàm thủ tướng CSVN Phạm Văn Đồng ký năm 1958. Từ đó về sau, vì CSVN không hề có những biện pháp phản kháng thực tế, TQ chính thức đã biến Hoàng Sa thành một phần lãnh thổ của TQ đặt dưới sự cai quản của thành phố Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam từ năm 2012.
3. TQ chiếm một số đảo quan trọng trong quần đảo Trường Sa và bồi đắp, củng cố, xây phi đạo v.v... hầu biện luận cho chủ quyền mình. Trường Sa là quần đảo nằm trong sự tranh chấp của một số quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Mã Lai, Phi Luật Tân và Vương Quốc Bunei. Việt Nam kiểm soát 21 thực thể địa lý gồm các đảo, cồn, đảo san hô và rạng san hô. Phi Luật Tân 10, Trung Quốc 7, Mã Lai 7, Đà Loan 2 và Brunei tuy tranh chấp nhưng không có kiểm soát thực thể nào. Ngoài ra còn nhiều thực thể chưa rõ quốc gia nào kiểm soát.
4. Ngày 12 tháng 7 năm 2016, trong một phán quyết có tính lịch sử Tòa Án Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế đã đánh trực diện vào khái niệm đường lưỡi bò của TQ và đưa ra những nguyên tắc quan trọng về luật biển quốc tế, hoàn toàn phủ quyết ý đồ bá quyền của TQ. Chúng ta sẽ thảo luận về những nét chính của phán quyết quan trọng này.
5. Từ hơn 2 năm nay TQ luôn luôn đe dọa sẽ thiết lập vùng nhận diện phòng không tại Biển Đông, hầu củng cố những đòi hỏi về chủ quyền của mình. Tuy nhiên phán quyết trên làm cho ý đồ này trở nên khó khăn để thực hiện hơn. Vùng nhận diện phòng không (Air Defense Identification Zone) được TQ công bố tháng 11 năm 2013 tại Biển Hoa Đông bao gồm quần đảo Senkaku của Nhật và đá ngầm Sokotra của Nam Hàn. Vùng nhận diện phòng không nếu được thiết lập tại Biển Đông sẽ là phiên bản nới rộng hơn của Biển Hoa Đông.
6. Mới nhất là ngày 27/10/2016 TQ đã tiến hành tập trận ở biển Đông tại phía tây bắc quần Đảo Hoàng Sa cùng với hàng không mẫu hạm Liêu Ninh hầu dằn mặt các quốc gia lân cận.
Một cách tóm tắt thì trong thời gian gần đây, trước khi Ông Donald Trump nhậm chức, TQ đã có những động thái cố tình gây căng thẳng và bất ổn tại Biển Đông.
2. Tân tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vừa tuyên thệ nhậm chức ngày 20 tháng 1 này. Chính sách của Hoa Kỳ với tân Tổng Thống là Donald Trump sẽ có những thay đổi gì về tình hình Biển Đông hay không?
Đây là một vấn nạn mà không phải riêng người Việt Nam, mà người dân các quốc gia trên thế giới, nhất là trong vùng Biển Đông đều băn khoăn muốn biết.
Trước hết, các vùng biển như Biển Đông, Biển Hoa Đông và Biển Nhật Bản là những vùng biển kết nối và liên tục với nhau.
Chính vì thế, các biến chuyển chính trị liên hệ đến Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan đều liên hệ đến các quốc gia biển Đông, trong đó có Việt Nam.
Có một vài điểm chúng ta nhận xét về chính sách tương lai của tân tổng thống như sau:
1. Tuy Ông Donald Trump và một người bộc phát, nhưng cũng vì thế mà rất khó tiên đoán. Chúng ta chỉ hiểu biết sơ qua lập trường tổng quát của ông mà thôi. Đó là, theo ông thì các quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ mọi nơi, từ Âu Châu đến Á Châu, nhất là các quốc gia trù phú như Nhật Bản, Nam Hàn và Đài Loan không những được khuyến khích, mà có trách nhiệm tự trang bị cho mình những vũ khí hiện đại nhất để tự vệ, kể cả vũ khí nguyên tử trong trường hợp Nhật Bản, không thể mãi mãi nương tựa vào Hoa Kỳ làm cho Hoa Kỳ tốn kém ngân sách.
2. Ông cũng sẵn sàng duyệt lại chính sách từ thập niên 70 của Hoa Kỳ là chỉ công nhận Trung Hoa Lục Địa là nước Trung Quốc duy nhất. Theo ông, như thế là không công nhận thực tế của Đài Loan như một quốc gia độc lập và rõ ràng không công bằng. Tuy nhiên ông sẵn sàng thương thuyết với Bắc Kinh nếu BK chịu nhượng bộ cho Hoa Kỳ những quyền lợi kinh tế và thương mại.
3. Nhất là nhân vật quyền lực thứ ba sau tổng thống và phó tổng thống trong nội các là người được ông đề cử vào chức vụ Ngoại Trưởng, Ông Rex Tillerson.
Cách đây khoảng 6 ngày, buổi điều trần trước thượng viện, Ông tuyên bố rõ rệt rằng theo ông thì TQ phải bị ngăn chặn, không cho tiếp cận và bồi đắp các đảo đang trong tình trạng tranh chấp tại Biển Đông.
Đây là một phát biểu vô cùng quan trọng và tôi xin dịch lại nguyên văn một câu tuyên bố của ông như sau:
“Chúng tôi sẽ gởi một tín hiệu rõ rệt cho Trung Quốc rằng, trước hết phải ngưng các hoạt động xây dựng các đảo và thứ nhì là quý vị cũng sẽ bị cấm đoán tiếp cận các đảo này” ("We’re going to have to send China a clear signal that, first, the island-building stops and, second, your access to those islands also is not going to be allowed.”)
Nếu câu nói trên được hiểu theo nghĩa đen của nó, thì hầu như sẽ bao gồm cả sử dụng sức mạnh quân sự Hoa Kỳ để ngăn chận các ý đồ TQ trên Biển Đông.
Do đó, chúng ta có thể tiên đoán một cách tổng quát rằng, tuy sách lược kinh tế của chính quyền Donald Trump sẽ bảo thủ hơn, nhưng về quân sự sẽ cứng rắn hơn chính quyền Obama, nhất là đối với Trung Quốc, nhất là tại Biển Đông vốn là huyết mạch của kinh tế thế giới, trong đó Hoa Kỳ giữ một vị trí quan trọng.
3. Một trong những biến cố quan trọng nhất về luật hàng hải quốc tế là Phán quyết ngày 12/7/2016 của TATTTTQT bác bỏ mọi đòi hỏi của TQ tại Biển Đông. Câu hỏi nêu ra là phán quyết lịch sử này ảnh hưởng như thế nào đến tình hình biển Đông?
Phát quyết của tòa án rất chi tiết và phức tạp, nhưng có thể được cô đọng qua những điểm như sau. Tòa phán quyết minh thị rằng:
1. Đường Lưỡi Bò của Trung Quốc căn cứ trên những yếu tố và quyền lịch sử của TQ là phi pháp và không hiệu lực, vì tuy các thương nhân thương thuyền TQ có sử dụng Biển Đông trong lịch sử dài, nhưng TQ không phải là quốc gia duy nhất sử dụng. Thương thuyền và thương nhân các quốc gia khác cũng đã làm điều ấy tương tự suốt nhiều ngàn năm qua.
2. Toàn bộ quần đảo Trường Sa, kể cả những phần mà TQ chiếm đóng hay bồi đắp, không có vùng đặc quyền kinh tế và quyền trên thềm lục địa và tối đa chỉ có thể có hải phận 12 hải lý. Hậu quả là vùng đặc quyền kinh tế của Phi bao gồm tất cả các vùng biển quanh các đảo Trường Sa cách bờ biển Phi trong vòng 200 hải lý, ngoại trừ lãnh hải của các đảo đó (nếu có). Chủ quyền lãnh hải của mỗi đảo thuộc về nước nào có chủ quyền trên đảo, và vấn đề xác định chủ quyền nằm ngoài phạm vi của phán quyết.
3. Các bãi ngầm như The Reed Bank không phải là lãnh thổ một nước nào, không thể bị chiếm hữu và về pháp lý phải được coi như bất cứ vùng biển nào khác. Chính vì thế khi TQ thăm dò dầu hỏa và dầu khí gần vùng này, thì đã vi phạm quyền chủ quyền (sovereign rights) Phillipines vì Reed Bank nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi.
4. Trong trường hợp bãi Scarbourough (cách Philippines dưới 200 hải lý), ngư phủ của cả TQ lẫn Phi đều có quyền đánh cá truyền thống trong lãnh hải 12 hải lý của bãi này. Khi TQ cấm ngư phủ Phi đánh cá, là vi phạm quyền đánh cá truyền thống của các ngư phủ Phillipines, bất kể Scarborough thuộc về nước nào.
Đây là một thất bại lớn lao cho Trung Quốc có tính chiến lược và sẽ có hậu quả lâu dài cho trật tự địa chính trị tại Á Châu, nhất là vùng Đông Á và Đông Nam Á. Chúng ta đều biết TQ ngay từ đầu đã tẩy chay và tiếp tục không chấp nhận thẩm quyền lẫn phán xét của Tòa Án.
Một trong những hậu quả có tính tích cực của phán quyết trên là làm cho TQ hiện nguyên hình là một quốc gia trắng trợn hiếu chiến và coi thường luật quốc tế nếu đơn phương công bố vùng nhận diện phòng không tại Biển Đông.
Tuy nhiên hậu quả quan trọng nhất là Tòa Án đã quy định những nguyên tắc công pháp quốc tế về luật biển mà bất cứ khi nào TQ vi phạm, đều mất đi tính chính danh và nếu va chạm với một cường quốc về kinh tế lẫn quân sự như Hoa Kỳ, Nhật Bản hoặc ngay cả Indonesia thì có thể sẽ thất bại chua cay cả về pháp lý lẫn quân sự.
4. Trong khi TQ đang lấn lướt và chiếm đóng đất đai và hải đảo của chúng ta, và trong khi Hoa Kỳ có những động thái tích cực ngăn chặng TQ thì TBT Nguyễn Phú Trọng lại đi chầu Bắc Kinh, và ký 15 hiệp ước hợp tác với Trung Quốc. Trước những động thái bị lên án là hèn nhát và đi ngược lại quyền lợi quốc gia của Nguyễn Phú Trọng và đảng CSVN, thì triển vọng VN "lấy lại" Hoàng Sa trong tương lai như thế nào?
Trước hết, chúng ta phải đau lòng xác định rằng Đảng CSVN mặc nhiên chấp nhận Hoàng Sa thuộc TQ và trong thâm tâm của họ, họ chấp nhận sự nhượng đất và lãnh hải cho TQ là cái giá họ phải trả cho sự tồn vong của đảng CSVN.
Tuy nhiên, người dân Việt trong và ngoài nước, cũng như xuyên thế hệ, ý thức rằng đảng CSVN rồi sẽ ra đi nhưng trách nhiệm đòi lại Hoàng Sa còn mãi mãi là trách nhiệm của mỗi chúng ta.
Câu hỏi trong tân thức của toàn dân là: còn có hy vọng nào lấy lại Hoàng Sa hay không hay sự phản bội của CSVN là bất khả vãn hồi?
Theo quan điểm của tôi. muốn lấy lại Hoàng Sa tuy rất khó, nhưng không phải tuyệt vọng. Trước hết chúng ta phải làm ngược lại những gì đảng CSVN đang làm và tích cực tạo những điều kiện pháp lý, kinh tế, ngoại giao, chính trị và quân sự đầy đủ để chiếm lại Hoàng Sa như sau:
1. Theo gương Phi Luật Tân nộp đơn kiện CSTQ, Việt Nam như một nguyên cáo và Trung Quốc như một bị cáo, trước Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế hoặc trước một pháp đình quốc tế có thẩm quyền khác. Phán quyết của Tòa ngày 12 tháng 7, năm 2016 là một tiền lệ (precedent) làm căn bản cho sự phán quyết tiếp theo trong một vụ tranh chấp pháp lý giữa Việt Nam và Trung Quốc.
2. Triệu hồi Đại Sứ Việt Nam tại TQ về nước, trục xuất Đại Sứ TQ tại Việt Nam và không tái lập bang giao cấp đại sứ cho đến khi TQ trao trả chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa và những lãnh thổ và lãnh hải chiếm qua những biện pháp bất bình đẳng cho Việt Nam. Việc triệu hồi đại sứ và giáng cấp bậc sứ thần đại diện cho mỗi quốc gia là việc thường xảy ra trong bang gia quốc tế. Việc này có giá trị biểu tượng, bày tỏ một sự phẫn nộ của toàn dân trước sự bất công và sỉ nhục dân tộc. Việc này không liên hệ tới nền thương mại giữa 2 quốc gia. CSTQ cũng không dễ gì giảm đi ngoại thương giữa 2 nước vì cán cân mậu dịch, qua những chính sách lệ thuộc và thiếu viễn kiến của CSVN, đã quá nghiên về phía TQ và hằng năm họ thu hoạch thặng sư hằng chục tỷ Mỹ Kim khi buôn bán với Việt Nam.
3. Thương thuyết với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc Đại Lợi, Mã Lai, Singapore và Nam Dương hầu tạo thành một liên minh quân sự chống bá quyền TQ. Ngay cả Phi Luật Tân, với sự lãnh đạo theo lối đu dây giữa TQ và Hoa Kỳ, vẫn có thể là đối tượng thương thuyết vì trong bản chất, TQ mới là quốc gia nguy hiểm cho Phi vì bản chất tham lam bá quyền, không phải là Hoa Kỳ.
4. Nhanh chóng xúc tiến tiến trình dân chủ hóa đất nước hầu mọi thành phần dân tộc (không phải chỉ có cộng sản) đều tham gia dựng nước và giữ nước.
5. Xây dựng và trang bị cho quân đội bằng vũ khí hiện đại của Hoa Kỳ, không phải của Nga Sô. Nên nhớ khi 6 triệu dân Do Thái đối đầu với hằng trăm triệu dân Á Rập. Do Thái thắng phần lớn vì họ sử dụng vũ khí Hoa Kỳ và Á Rập sử dụng vũ khí Nga. Trên chiến trường thực sự, phẩm chất của vũ khí còn quan trọng hơn cả số lượng vũ khí.
6. Cải tổ và triệt để tư bản hóa kinh tế, chú trọng nhiều hơn vào ngoại thương với Hoa Kỳ, Nhật Bản. Liên Hiệp Âu châu thay vì lệ thuộc quá nhiều vào TQ.
7. Cải tổ xã hội dân sự và chuyển hóa dân chủ một cách sâu rộng, hầu đạt đến một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính trên đất nước Việt Nam.
Một khi đất nước đã hùng mạnh trên mọi phương diện từ kinh tế, chính trị, bang giao quốc tế đến phẩm chất vũ khí, kể cả vũ khí nguyên tử nếu cần thiết, thì lấy lại Hoàng Sa mới có cơ hội thực hiện được.
Trung Quốc hiện bây giờ là một chế độ độc tài. Bề ngoài ổn định nhưng trong bản chất bao gồm nhiều địa phương và nhiều chủng tộc tranh chấp từ gốc rễ. Xã hội TQ biến chuyển không ngừng và chắc chắn trong tương lại, một khi chế độc độc tài bị xoi mòn, sẽ chia rẽ tận gốc rễ. Viễn tượng TQ bị tan vỡ thành nhiều mảnh không phải là một viễn tượng mơ hồ. Chỉ có một hệ thống chính trị cởi mở, dân chủ, mang tính liên bang như Hoa Kỳ, Canada, Úc v..v… mới có tính ổn định chân chính hàn gắn những dị biệt tôn giáo, chủng tộc, lịch sử. Một chế độ độc tài, bàn tay sắt sẽ sụp đổ như Liên Bang Sô Viết trước đây.
Trong khi Việt Nam là một dân tộc thuần chủng và như một quốc gia thì ổn định hơn.
Chúng ta cần lật đổ độc tài, nhanh chóng dân chủ hóa đất nước sớm hơn TQ và một khi TQ suy vi, nắm lấy thời cơ, sẽ giành lại Hoàng Sa.
Chính vì thế sự ra đi sớm của đảng CSVN, trả lại chủ quyền cho dân tộc là điều kiện thiết yếu để có hy vọng đem lại Hoàng Sa về cho tổ quốc Việt Nam.