Hà Nội, tháng Tư 1979 - Người lính thuộc Quân đoàn 41 của Trung Quốc, bị bắt ở Cao Bằng vào ngày 23 tháng Hai 1979, thú nhận: "Chúng tôi thấy hai đứa trẻ Việt Nam. Chúng đang băng qua cánh đồng để đi về hướng rừng. Một đứa độ tám tuổi và đứa kia độ bốn tuổi. Một đồng đội tôi chĩa súng vào bọn trẻ, nhưng chính ủy của đơn vị ngăn lại. "Đồng chí Lý Xuân này," chính ủy nói, "Đồng chí có căm thù bọn tiểu bá quyền Việt Nam không?" "Có, tôi căm thù bọn chúng," đồng đội tôi đáp. Chính ủy khoác tay ra hiệu, và Lý Xuân liền đuổi theo bọn trẻ. Hắn đứng đối mặt với chúng và rồi đâm chúng bằng lưỡi lê cho đến chết."
Đặc trưng của lính Trung Quốc là chúng cực kỳ tàn ác. Sự dã man của chúng như ở vào thời trung cổ nhưng phương tiện chúng sử dụng lại hiện đại. Các công cụ hủy diệt của chúng rất đa dạng-đại bác 130 ly, 122 ly và 75 ly, súng cối đủ cỡ, súng phóng hỏa tiễn H.12 mười hai nòng, vũ khí bộ binh thông thường, súng phun lửa, lựu đạn, mìn, thuốc nổ TNT, lưỡi lê, dao găm, dao vân vân. Khắp nơi chúng đều tấn công một cách cực kỳ tàn bạo, san bằng những khu vực rộng lớn, bắn gục toàn bộ những nhóm người tỵ nạn, ném lựu đạn vào những nơi trú ẩn, đặt mìn nổ sập những hang chứa hàng trăm người.
Có vô số trường hợp về sự dã man của Trung Quốc.
Vào rạng sáng ngày 17 tháng Hai, một xe buýt từ Lạng Sơn đi Cao Lộc. Ở Đồng Đăng xe bị trúng đạn đại bác. Khi bốn mươi hành khách bước lảo đảo ra khỏi xe thì họ bị quân xâm lược Trung Quốc bắn chết. Xe cứu thương chịu cùng số phận cũng ở nơi này vào độ 10 giờ sáng. Xe mang biển số 12A-04-25 của bệnh viện tỉnh Lạng Sơn chạy đến cứu những người bị thương, nhưng tất cả ba người trên xe- tài xế, nữ bác sĩ tên Nguyễn Thu Thủy, và y tá tên Nguyễn Thị Sâm, đều bị quân Trung Quốc bắn chết. Ở tỉnh lỵ Lào Cai, giáp tỉnh Vân Nam Trung Quốc, bọn xâm lược san bằng bệnh viện và giết tất cả những nhân viên và bệnh nhân không thể chạy trốn.
Những đơn vị Trung Quốc, được những kẻ phản quốc người Việt gốc Hoa dẫn đường, giả dạng thành bộ đội, bộ đội biên phòng, thợ rừng hay dân quân người Việt. Chúng băng rừng và bất ngờ tấn công vào nhiều nông trường nhà nước và làng mạc, bắn giết rất lạnh lùng. Ở nhiều lâm trường ở các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng và Hoàng Liên Sơn, các công nhân nam bị giết ngay lập tức, còn phụ nữ bị hãm hiếp trước khi bị sát hại hay bị bắt sang Trung Quốc. Nhiều gia đình hầu như hoàn toàn bị giết sạch. Bọn xâm lược giết sáu trong số bảy người trong gia đình ông Nông Việt Quan-người dân tộc Nùng ở xã Bảo Lâm, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn. Mẹ ông chết vì trúng đạn trái phá, cha ông bị bắn chết khi quân Trung Quốc tiến vào xã, còn vợ ông và ba con bị thảm sát dưới hỏa lực súng máy và lựu đạn trong một hang núi lân cận. Ở xã Thanh Lòa, huyện Cao Lộc, bọn xâm lược xô các nạn nhân-phần lớn phụ nữ, trẻ em và người già-xuống các ao và rồi bắn chết họ.
Các cuộc tàn sát tập thể được tiến hành ở nhiều nơi. Những người tỵ nạn ở khe núi gần lâm trường Cao Lâu, huyện Cao Lộc bị súng phun lửa thiêu chết. Không thể nào xác định được họ bao nhiêu người. Chỉ hai mươi người còn sống sót qua cuộc thảm sát ở cánh đồng gần Na Rụa, ngay sát thị xã Cao Bằng. Họ ở trong đoàn 283 người tỵ nạn ở khu vực Pác Bó. Bốn mươi ba xác phụ nữ và trẻ em được khám phá ở làng Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, Cao Bằng. Các nạn nhân này bị đập bể đầu hay bị mổ bụng. Và nhiều trường hợp như thế.
Nếu chúng ta xem xét vài trường hợp này thì chúng ta thấy rõ tâm tính của những thủ phạm Trung Quốc. Ở Lai Châu, bọn giết người đập đầu trẻ em vào đá hay cây. Một em bé ở huyện Phúc Hòa, Cao Bằng, bị chặt tay chân rồi để cho chảy máu đến chết. Chúng còn giăng bẫy bằng cách đặt mìn và lựu đạn dưới các xác chết. Chúng bỏ thuốc độc xuống giếng nước và vào thực phẩm.
Bệnh dịch hạch mới, dịch hạch chủ nghĩa bá quyền của Bắc Kinh, đã lộ diện và đe dọa toàn thế giới và trên hết nhân dân Trung Quốc. Cho nên lời cảnh cáo trước thế giới về nguy cơ của chủ nghĩa Phát xít của Julius Fucik cách đây nửa thế kỷ hôm nay vẫn lại thích hợp: "Nhân loại ơi, hãy cảnh giác!"
Nguồn:
Trích dịch từ bài xã luận của báo Anh ngữ Vietnam Courier trong tác phẩm "Chinese War Crimes in Vietnam" xuất bản tại Hà Nội 1979, trang 6-12. Tựa đề bài xã luận tiếng Anh "A Month of Exploits of the Great Army of Crimes". Tựa đề tiếng Việt của người dịch.
Bản tiếng Việt: