Chim Biển (Danlambao) - Hàng chục lễ hội diễn ra sau tết Nguyên Đán như Lễ hội Gò Đống (Hà Nội), Lệ hội Khai ấn đền Trần (Nam Định), Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), Lễ hội Đền Gióng (Sóc Sơn)… đã và đang thu hút hàng trăm ngàn người tham dự. Đây là thời gian để người dân cầu an, cầu may mắn cho một năm mới, cũng là dịp để hậu nhân bày tỏ sự kính trọng và biết ơn thần linh cùng những bậc tiền nhân đã có công lao xây dựng, gìn giữ quê hương. Tham dự các lễ hội mùa Xuân đã trở thành một nét văn hóa và là một thú vui thanh nhã của nhiều người từ xưa đến nay. Tuy nhiên những lễ hội này đã trở nên hỗn loạn không khác gì một trận chiến trong thời bình bởi sự tranh giành, cướp bóc dẫm đạp lên nhau để lấy lộc.
Tình trạng chặt chem, gian manh tại các dịch vụ phục vụ lễ hội đã khiến sự thú vị, nét văn hóa của lễ hội bỗng chốc trở thành nỗi ám ảnh của du khách. Bên cạch đó còn xảy ra hàng trăm truyện cười ra nước mắt khi du khách bị móc túi, rạch giỏ, khi cụ già bị đánh ngất xỉu chỉ vì lỡ dẫm lên chân người khác… Hình ảnh hàng trăm người lao vào ẩu đả, leo cả lên đầu nhau để cướp lộc đã trở nên phổ biến tại các lễ hội đang diễn ra. Có thể thấy lễ hội mùa Xuân đang trở nên vô cùng xấu xí từ khâu tổ chức cho đến việc quản lý và ý thức của người tham dự.
Mới đây, Nghệ An là một địa phương cũng đã tổ chức lễ hội trong dịp xuân vào ngày mùng 5 tháng giêng âm lịch, đây là ngày kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa. Liền sau đó 1 ngày, tức ngày mùng 6 âm lịch, Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Nghệ An phối hợp với Hiệp hội Du lịch Nghệ An tổ chức lễ dâng cặp bánh chưng khủng nặng tới 700kg cho bà mẹ bác Hồ. Được biết đây là lần thứ 5 địa phương này tổ chức lễ dâng bánh chưng cho bà Hoàng Thị Loan. Có lẽ khi còn sống, bà Loan có nằm mơ cũng không thể nghĩ ai đó cho mình cặp bánh chưng to thế, nếu có đi chăng nữa chắc bà phải nặn óc nghĩ cách làm sao ăn cho hết.
Khi nhắc đến Nghệ An, nhiều người vẫn còn băn khoăn bởi nơi đây là một địa phương miền Trung thường xuyên gánh chịu hậu quả do thiên tai. Năm 2016 vừa qua, người dân tỉnh thành này đã gặp không ít khốn đốn, ngoài chuyện thiên tai. Cuộc sống người dân còn phải chịu đựng sự khốn khổ vì thảm họa môi trường biển do Formosa và những lần xả lũ thủy điện đúng qui trình của đám quan quyền nhà sản gây ra. Lãnh đạo cộng sản của Nghệ An đã phải gửi công văn để xin gạo cứu đói. Ấy vậy mà dân đen nào có biết số gạo cứu đói đó đi đến đâu và vào tay ai. Gạo đâu chẳng thấy, chỉ thấy cái rét, cái đói của những ngày tết luôn kề cạnh bên mình. Còn nhớ trước tết ít hôm, người dân một số huyện của Nghệ An đã được nhà cầm quyền quan tâm sâu sắc khi trao cho hơn 51000 hộ dân những chiếc cờ máu và lịch để mừng tết. Nay lại được sở Văn Hóa – thể thao tổ chức lễ tri ân bà mẹ bác Hồ bằng cặp bánh chưng khủng này. Dù là tỉnh thành nghèo nhưng Nghệ An quả thật là tỉnh thành chịu chơi và thích chơi nổi.
Theo như báo chí nhà sản nói, toàn bộ kinh phí thực hiện hoạt động dâng bánh chưng tri ân bà mẹ bác Hồ là do sự đóng góp của các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh. Ấy là nói thôi chứ người dân có biết doanh nghiệp nào đóng góp, họ góp bao nhiêu và việc chi thu như thế nào. Cũng có thể Nghệ An đã dùng ngân sách để tổ chức hoạt động này rồi nói rằng công ty này nọ yêu quí bà mẹ bác Hồ nên muốn tổ lòng tri ân. Một giả thiết khác là cặp bánh chưng này được nấu bằng gạo cứu đói mới xin từ Bộ LĐTB và XH trong dịp cuối năm.
Bà Hoàng Thị Loan là người có công dưỡng dục Hồ Chí Minh nên đám con cái của cha già cũng không để bà thiệt thòi khi “dành trọn” ngọn núi Động Tranh (Nam Giang, Nam Đàn-Nghệ An) để xây lăng mộ cho bà. Để đưa được cặp bánh chưng khủng này lên núi dâng cho bà mẹ bác Hồ cần tới 30 tráng sĩ khệ nệ bưng vác hơn 30 phút. Sau những giây phút mệt nhọc vất vả, con cháu của bà đã dâng hương, hoa, cúng vái xong thì ban tổ chức đã cắt nát cặp bánh ra thành hàng trăm mảnh để biến thành trò phát lộc thần thánh. Buổi dâng bánh chưng cho bà mẹ bác Hồ đã kết thúc như thế. Hoạt động này được ngành du lịch và quan chức Nghệ An hy vọng sẽ trở thành du lịch tâm linh. (Cộng sản vô thần mà sao cứ thích tâm linh nhỉ. Hồ Chí Minh thì bỗng dưng được phong làm Phật Hồ, có lẽ sắp tới chắc bà Hoàng Thị Loan sẽ được phong là Phật Mẫu Hồ).
Việt Nam quả là một đất nước với những điều lạ lùng trong trí tưởng tượng của nhiều người. Lễ hội văn hóa mùa Xuân trở thành nơi để phô diễn bạo lực, nơi để trổ tài cướp bóc, gian manh, chặt chém người tham dự... Những tỉnh thành nghèo khó đến độ phải đi xin gạo cứu đói thì lại là những tỉnh thành nổi tiếng với những kỷ lục của tượng đài nghìn tỷ, của những cặp bánh tét, bánh chưng hàng trăm kg. Sự lãng phí kinh khủng khi tổ chức những lễ hội văn hóa mà chẳng hề có văn hóa. Chế độ cộng sản một mặt thì cấm cản, tuyên truyền người dân không được lãng phí, không được mê tín dị đoan. Nhưng mặt khác thì âm thầm ủng hộ những lễ dâng cúng tốn kém vô bổ và cố tình “thất thủ” tại các lễ hội để đổ lỗi cho ý thức của người tham dự nhằm duy trì sự mê muội của dân chúng. Phải nói cộng sản Việt Nam ngày nay đã phần nào thành công trong việc kiểm soát tâm linh của người dân.