Quần chúng đã bị moi móc như thế nào trong chiến dịch giành giật vỉa hè - Dân Làm Báo

Quần chúng đã bị moi móc như thế nào trong chiến dịch giành giật vỉa hè

Hải Âu (Danlambao) - Chiến dịch “giành giật vỉa hè” nhằm “moi móc niềm tin” trong quần chúng của tập đoàn cộng sản đảng đã đến hồi “góp nhặt” thành quả.

Những ngày cuối tháng 3/2017 được xem là thời điểm tăng tốc của chiến dịch giành giật vỉa hè. Đoàn Ngọc Hải của thành Hồ đã cho thấy khả năng đập, phá, hốt, cẩu của mình đã đạt đến tầm cao mới. Mọi vỉa hè lấn chiếm, không cần biết đã có từ thời nào, mọi bậc tam cấp, không cần biết cao thấp ra sao đều được Hải đập, đập và đập. Người dân đã bắt đầu ủng hộ kế hoạch đập của phó chủ tịch quận Nhất khi bắc thang để leo vào nhà, bắc ghế để rút tiền tại quầy ATM. Mọi thứ đã được “nâng cao” đúng tầm theo kiểu của Hải với những gì mà phó chủ tịch quận Nhất đang làm. Vẫn trong chiến dịch giành giật ấy, Hải liên tục cẩu, cẩu, và cẩu tất cả những chiếc xe ô tô đậu dưới đường, đậu trên vỉa hè. Hải không cần biết xe đó là xe của bố đảng viên nào. Hải chẳng cần hiểu xe đó là xe của văn nghệ sĩ nổi chìm ra sao. Hải cũng không quan tâm xe đó vội vàng dừng đậu lấn vỉa hè vì đưa người nhà đi cấp cứu. Hải cẩu hết mình vì chiến dịch, Hải cẩu mọi thứ chướng mắt nằm trên vỉa hè. Đến nỗi nhiều người ban đầu tỏ ra ủng kế hoạch “moi móc niềm tin” trong quần chúng đã dành tặng cái tên đầy trìu mến “Hải cẩu” cho vị Phó chủ tịch quận Nhất.

Không thể hành động “đập nhanh, cẩu liền” theo kiểu của Hải cẩu quận Nhất vì vỉa hè thành Hà là một địa bàn phức tạp dưới sự bảo kê của lực lượng công an và quan cán nhà sản. Vì thế sau lời nhắc khéo của Nguyễn Đức Chung thì các hàng quán, các bãi trông xe lấn chiếm vỉa hè tại thành Hà đã bắt đầu “chỉnh trang đúng qui trình”. Biện pháp đập, phá, hốt, cẩu chỉ dành cho những hộ gia đình kinh doanh thiếu sự “bảo lãnh” của các đồng chí công an, chủ tịch phường. Dù không ra quân rầm rộ bằng thành Hồ, nhưng nhìn chung công tác giành giật vỉa hè tại thành Hà cũng đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ dưới sự nhắc nhở, đôn đốc của đồng chí Chung. Dự kiến sắp tới sẽ không còn tình trạng 150/180 quán bia được công an và chủ tịch phường xã bảo kê. Thay vào đó sẽ là 100% các hàng quán, các bãi trông xe sẽ nhận được sự bảo lãnh của UBND thành Hà cùng các lực lượng chức năng với điều kiện đóng phí vỉa hè.

Đến thời điểm hiện tại bên cạnh thành Hồ, thành Hà, các tỉnh thành như Cần Thơ, Bình Dương, Biên Hòa, Đồng Nai, Đà Nẵng… cũng đã tranh thủ nhập cuộc đập, phá, hốt, cẩu. Tất cả kế hoạch liên quan đến vỉa hè đã và đang được thực hiện một cách rất bài bản, rất đúng qui trình. Nhiều tỉnh thành đang vào giai đoạn thực hiện nước rút để khép lại chiến dịch giành giật. Chuẩn bị cho một chiến dịch mới sẽ được công cố sau một vài ngày hội họp, tọa đàm, lấy ý kiến và đi đến thống thống nhất phương án sử dụng vỉa hè sau khi đã giành giật thành công.

Ngày 24/3 tại Thành Hà đã diễn ra buổi tọa đàm trực tuyến “vỉa hè, chống ùn tắc và trách nhiệm công dân”. Khuất Việt Hùng-Phó chủ tịch chuyên trách UB ATGT quốc gia đã tỏ ra có tình, có lý khi chia sẻ câu chuyện “giành giật vỉa hè” đã và đang được sự quan tâm lớn từ dư luận. Ông Hùng thẳng thắn khẳng định ủng hộ và hoan nghênh chiến dịch này: “Không thể để vài cá nhân mà hy sinh quyền lợi của 90 triệu người dân. Cái tình ở đây cần phải hiểu cho đúng”. Từ chia sẻ ấy người dân có lẽ nên hiểu rằng không thể vì 90 triệu dân mà quên đi lợi ích của một vài cá nhân đang nắm quyền. Chỉ như thế mới thể hiện được cái tình của dân giành cho cán bộ nhà sản khi thực hiện chiến dịch “giành giật và moi móc” niềm tin trong quần chúng.

Chuyên gia giao thông, tiến sĩ Lương Hoài Nam cũng tỏ ra đồng quan điểm với ông Khuất Việt Hùng khi cho rằng vỉa hè thuộc quyền sở hữu của nhà nước. Việc lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh là việc làm trái pháp luật và cần phải xử lý. Tuy nhiên vị “thiến sĩ” này tỏ ra là người rất có tình khi đưa ra ý kiến ủng hộ phương án các thành phố nên cho người dân thuê lại một phần của vỉa hè. Ông “thiến sĩ” khẳng định: “Không thể miễn phí được, bởi vì vỉa hè là đất công cơ mà. Vỉa hè có công năng là đi bộ, nơi nào có thể bố trí được có thể phục vụ công năng khác nữa và công năng đó phải được thu phí”. Thiến sĩ Nam cho rằng nếu nhà nước không thu phí vỉa hè thì sẽ có người khác đến thu. “Khi nhà nước đã ký hợp đồng cho thuê vỉa hè, có diện tích kẻ ô trắng, không một ai dám đến thu phí nữa. Khi “bảo kê”, người dân chìa hợp đồng ra và có thể báo công an”- “thiến sĩ” Nam nói.

Sau tất cả những gì mà Hải cẩu quận nhất thành Hồ thực hiện cùng những quan điểm được đưa ra trong buổi tọa đàm tại thành Hà, người dân sống dưới chế độ cộng sản đã hiểu được “cái tình, cái lý” của nhà cầm quyền. Những chiếc xe biển số xanh, đỏ bị Hải cẩu đi chỉ là một màn kịch được dàn dựng khéo léo nhằm moi móc niền tin trong quần chúng. Điều ấy chuẩn bị cho việc đập phá vỉa hè của dân một cách hợp pháp mà sẽ không gặp phải phản ứng thái quá của người dân.

Đảng cộng sản thêm một lần nữa cho thấy khả năng tuyên truyền cùng tài ứng biến lươn lẹo của “chú phỉnh” nhà nước quả là bậc thầy trên thế giới. Nhiều người trước đây đã từng tin vào chiến dịch “giành lại vỉa hè cho người dân” là một việc làm đúng đắn của nhà cầm quyền. Nhưng với những gì đang diễn ra một cách có qui trình thì những người vội vã tin vào cộng sản có lẽ họ đang dần tỉnh mộng. Vỉa hè đã được khẳng định là sở hữu của nhà nước, không thể có chuyện giành giật tài sản của nhà nước đem cho dân. Chiến dịch giành giật vỉa hè xem như đã xong, chú phỉnh của nhà nước cộng sản đã sẵn sàng đưa ra những phương án cho người dân thuê lại vỉa hè nhằm thực hiện bước tiếp theo của kế hoạch là moi móc tất cả những gì có trong quần chúng để xây dựng niềm tin.

30/3/2017



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo