Hoàng Trần (Danlambao) - Ngày 14/3/1988, 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam đã bị Tàu Cộng thảm sát trong trận chiến kéo dài 15 phút tại Gạc Ma, Trường Sa. Thủ phạm tiếp tay Trung Cộng chính là đại tướng Lê Đức Anh, khi ấy giữ chức bộ trưởng quốc phòng, kẻ đã ra lệnh bộ đội Việt Nam không được nổ súng chống lại bọn giặc xâm lăng.
Ngày 7/5/1988, tức gần 2 tháng sau, Lê Đức Anh đã đích thận đến đảo Trường Sa lớn để bày trò thề thốt trong buổi lễ kỷ niệm 33 năm ngày truyền thống hải quân Việt Nam.
Lê Đức Anh trong bài phát biểu được gọi
là 'Lời thề Trường Sa' năm 1988 |
Trong bài diễn văn được bộ máy tuyên truyền CS gọi là "Lời thề Trường Sa" này, Lê Đức Anh khoe khoang những điều được gọi là "chiến công oanh liệt"' của lực lượng hải quân trong cuộc chiến với 'Mỹ-Ngụy'.
Đáng chú ý, "Lời thề Trường Sa" của Lê Đức Anh không hề đả động gì về trận Gạc Ma - nơi Trung Cộng đã ra tay thảm sát 64 người lính Việt Nam cách đó chưa đầy 2 tháng.
Lê Đức Anh khẳng định, trong cuộc chiến tranh cưỡng chiếm miền Nam, sự giúp đỡ của của Tàu Cộng từ những năm 1950 cho đến 1970 “là rất to lớn và hiệu quả”.
“Nhân dân Việt Nam vô cùng biết ơn sự giúp đỡ to lớn đó của nhân dân Trung Quốc đã dành cho mình...
...Nói tóm lại cả hai nước đã giúp đỡ lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực, với tinh thần anh em sâu đậm”. Trích bài phát biểu của Lê Đức Anh tại Trường Sa, ngày 7/5/1988, theo VietNamNet
Sau cùng, trước vong linh của 64 chiến sỹ hải quân Việt Nam vẫn đang trôi dạt dưới đáy biển vì bị hải quân Trung Cộng sát hại, Lê Đức Anh kết thúc bài diễn văn bằng tuyên bố:
“Chúng ta nhớ mãi không bao giờ quên tình sâu nghĩa nặng giữa nhân dân hai nước Việt-Trung, kiên trì phấn đấu để khôi phục tình hữu nghị giữa hai nước, đồng thời chúng ta nhất quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc chúng ta”.
Khi đọc lại những tài liệu trên, chúng ta không khó để có thể đưa ra kết luận về bộ mặt phản quốc, hại dân của tên tội đồ dân tộc Lê Đức Anh. Hội nghị Thành Đô diễn ra sau đó ít lâu, cộng với việc Lê Đức Anh lên làm chủ tịch nước là bằng chứng bán nước không thể chối cãi của tập đoàn CSVN.
Trong cuộc phỏng vấn gần đây trên báo VietNamNet, Lê Đức Anh kể rằng khi đến Trường Sa và đọc bài phát biểu trên, ông ta cảm thấy rất "đau lòng". Vở kịch nước mắt cá sấu này cũng chẳng lừa được ai.
Hiện nay, Trung Cộng đã gần như hoàn tất việc xây cất căn cứ quân sự trên đảo Gạc Ma, biến nơi này thành một tiền đồn trực tiếp uy hiếp toàn bộ miền Nam Việt Nam. Đây cũng là hậu quả rõ rệt sau những phi vụ bán nước có hệ thống của tên Việt gian Lê Đức Anh và đảng CSVN tại Mật nghị Thành Đô 1990.
Việt gian Lê Đức Anh ‘sám hối’?
Nhân dịp sinh nhật lần thứ 94 của cựu chủ tịch nước Lê Đức Anh, báo VietNamNet đã có bài phỏng vấn tiêu đề “Đại tướng Lê Đức Anh trăn trở Lời Thề ở Trường Sa”.
Động thái trên như để bào chữa trước các thông tin khẳng định đại tướng Lê Đức Anh khi còn đương chức chính là thủ phạm đã tiếp tay cho Tàu Cộng đánh chiếm đảo Gạc Ma (Trường Sa) vào ngày 14/3/1988.
Trong vai trò là bộ trưởng bộ quốc phòng, Lê Đức Anh đã ra lệnh cho hải quân Việt Nam ‘không được nổ súng’, dẫn đến hậu quả hải quân Trung Cộng dễ dàng đánh chiếm đảo Gạc Ma và ra tay thảm sát 64 người lính hải quân Việt Nam chỉ sau một trận chiến ngắn.
Hành động bán nước của Lê Đức Anh đã được thiếu tướng Lê Mã Lương tiết lộ hôm 14/6/2014 tại hội thảo Minh Triết Biển Đông.
Đại tướng "đau lòng"?
Hiện nay, dù đã về hưu nhưng Việt gian Lê Đức Anh vẫn là một thế lực đáng sợ trong giới chóp bu Ba Đình. Nhân vật này là người đỡ đầu quyền lực cho thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, còn con trai là Lê Mạnh Hà đã giữ chức phó chủ tịch ủy ban nhân dân thành Hồ.
Trong bài phỏng vấn được đăng trên báo VietNamNet hôm 30/11/2014, Lê Đức Anh nói rằng sau khi xảy ra "cuộc đụng độ" tại Gạc Ma, ông ta đã ra Trường Sa và cảm thấy "đau lòng" khi nói "lời thề giữ gìn chủ quyền biển đảo".
"Tôi ra Trường Sa đúng dịp kỷ niệm ngày truyền thống bộ đội Hải quân và ngay sau khi vừa diễn ra cuộc đụng độ giữa bộ đội Hải quân của ta với tàu chiến của Hải quân Trung Quốc ở các đảo Gạc Ma, Chữ Thập. Lúc bấy giờ, tôi thấy cần thiết phải ra Trường Sa. Khi nói lời thề giữ gìn chủ quyền biển đảo ở Trường Sa, tôi đau lòng nhìn thấy một đất nước trải qua bao nhiêu năm chiến tranh mà vẫn không trọn vẹn, Hoàng Sa bị lấy mất rồi...", báo VietNamNet trích lời Lê Đức Anh nói.
Trước vong linh của 64 chiến sỹ hải quân Việt Nam đã hy sinh vì lệnh không được nổ súng, tên Việt gian Lê Đức Anh có thực sự đau lòng hay không? Chỉ biết rằng sau trận Hải chiến Trường Sa năm 1988, tên Việt gian này đã trực tiếp "đi đêm" với Bắc Kinh, dẫn tới kết quả là Hội Nghị Thành Đô diễn ra vào năm 1990.
Sám hối hay ngụy biện?
Hậu quả Mật nghị Thành Đô với vai trò của Lê Đức Anh, Đỗ Mười, Nguyễn Văn Linh... đã khiến Việt Nam bị mất hàng chục ngàn km vuông lãnh hải, lãnh thổ vào tay Tàu Cộng.
Tàu cộng đã ráo riết xây sân bay quân sự trên đảo Gạc Ma, biến nơi này thành một tiền đồn uy hiếp toàn bộ khu vực miền Nam của Việt Nam.
Những phát biểu trên của Lê Đức Anh là một lời sám hối lúc tuổi già, hay chỉ là một lời biện minh về hành vi bán nước cho Tàu Cộng?
Nếu thực sự sám hối, Lê Đức Anh hãy công khai cho toàn dân biết về những thỏa ước mà bộ chính trị đảng CSVN đã bí mật ký kết với Trung Cộng tại Hội nghị Thành Đô năm 1990.
Ngược lại, mọi lời biện minh đều trở thành giả dối. Lê Đức Anh và bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước dân tộc bởi tội danh phản quốc về hành vi bán nước cho Tàu Cộng.
*
Thủ phạm tiếp tay Tàu cộng đánh chiếm Gạc Ma là Lê Đức Anh
Video: Tướng Lương chua chát tiết lộ thủ phạm tiếp tay Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma, sát hại 64 chiến sỹ hải quân Việt Nam năm 1988
CTV Danlambao - Thiếu tướng quân đội Lê Mã Lương gián tiếp tiết lộ thủ phạm tiếp tay cho Tàu cộng đánh chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam chính là ‘một đồng chí lãnh đạo cấp cao’.
Theo tướng Lương, trước khi xảy ra trận Hải chiến Trường Sa năm 1988, quân đội Việt Nam đã phải phải nhận lệnh ‘không được nổ súng’ trong trường hợp Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma hay bất kỳ một đảo nào ở Trường Sa.
Hậu quả là ngày 14/3/1988, hải quân Trung Quốc dễ dàng đánh chiếm đảo Gạc Ma và ra tay thảm sát 64 người lính hải quân Việt Nam chỉ sau một trận chiến ngắn.
Ai ra lệnh không được nổ súng?
Mặc dù tướng Lương không nêu tên đích danh, nhưng ai cũng hiểu "đồng chí lãnh đạo cấp cao" là để ám chỉ Lê Đức Anh, khi ấy đang giữ chức Bộ trưởng bộ quốc phòng.
Lê Đức Anh là người duy nhất trong bộ chính trị CS vào năm 1988 có đủ quyền lực để ra lệnh cho quân đội Việt Nam không được nổ súng.
Theo tướng Lương, trong một cuộc họp của bộ chính trị diễn ra sau đó, bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã đập bàn chất vấn: Ai ra lệnh cho bộ đội không được nổ súng?
Theo các tài liệu đã được tiết lộ một phần, sau trận Hải chiến Trường Sa năm 1988, Lê Đức Anh đã ‘đi đêm’ với Tàu cộng, dẫn tới kết quả là Hội Nghị Thành Đô diễn ra vào năm 1990.
Phía Tàu Cộng áp lực CSVN phải loại bỏ bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch vì quan điểm chống Trung Quốc của ông này.
Bộ chính trị CSVN đã chấp nhận các yêu cầu của Tàu Cộng "để bình thường hóa quan hệ". Vài tháng sau, ông Nguyễn Cơ Thạch bị gạt bỏ mọi quyền lực. Còn tên Việt gian Lê Đức Anh chỉ 2 năm sau lên làm chủ tịch nước.
Nỗi đau người lính
Thiếu tướng Lê Mã Lương là cựu giám đốc bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Từng tham chiến trong cuộc chiến tranh Việt Nam, chiến tranh biên giới Việt-Trung.
Ông được phong làm anh hùng lực lượng vũ trang ở tuổi 21. Theo sách vở cộng sản, tướng Lương là người nổi tiếng với câu nói: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”.
Phát biểu của tướng Lê Mã Lương được đưa ra hôm 14/6/2014 tại hội thảo Minh Triết Biển Đông. Video phần phát biểu đã được báo Pháp Luật Việt Nam ghi lại.
Trong video, có thể thấy vị tướng này tỏ ra rất xúc động khi nói về trận Hải chiến Trường năm 1988. Có những đoạn, dường như ông phải cố gắng kiềm chế để tránh nói ra hết những hiểu biết của mình.
Về câu hỏi vì sao Tàu cộng chỉ tập trung đánh chiếm Gạc Ma, tướng Lương thuật lại lời đô đốc Giáp Văn Cương - người đứng đầu hải quân Việt Nam năm 1988 nói:
“Nó chỉ có thể lấy được Gạc Ma. Còn những đảo khác, nếu lấy thì vấn đề không phải như thế... không còn là câu chuyện của 64 chiến sỹ hy sinh và 3 tàu của chúng ta chìm dưới biển như thế”.
Tướng Lương giải thích tiếp:
“Bởi vì câu chuyện như thế này, có đồng chí lãnh đạo cấp cao đã lệnh là bộ đội ta không được nổ súng nếu như [Trung Quốc] đánh chiếm đảo Gạc Ma hay bất kỳ một đảo nào ở Trường Sa.
Không được nổ súng!
Và sau này có một câu chuyện và tài liệu đã rõ rồi. Cho nên trong một cuộc họp của bộ chính trị, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã đập bàn và nói: Ai ra lệnh cho bộ đội không được nổ súng?
Chính vì thế khi Trung Quốc tấn công vào đảo Gạc Ma, nó chỉ có hơn 40 lính với mấy cái xuồng bằng hợp kim nhôm đổ bộ vào. Trong khi bộ đội ta, trong đấy có một người sau này được truy tặng anh hùng là thiếu úy Trần Văn Phương chỉ có mỗi tay không và giữ chặt lá cờ trên đảo Gạc Ma. Không có súng.
Và rồi lính Trung Quốc bắn, nó đâm. Nó đâm hạ sỹ Nguyễn Văn Lanh nhiều nhát trọng thương. Anh em cứ quần lộn với lính Trung Quốc như vậy...
Nó vừa chiếm được đảo Gạc Ma sau đó nó chuyển hướng, nó bắn tàu 505, 604, 605.”
Tàu HQ-604 của hải quân Việt Nam hứng chịu đạn pháo dữ dội
của lính Tàu Cộng và chìm dần xuống biển.
Theo tướng Lương, lệnh không được nổ súng cộng với sự chênh lệch lực lượng và khí giới đã khiến cho Trung Quốc dễ dàng đánh chiếm đảo Gạc Ma, 64 người lính hải quân Việt Nam hy sinh trên biển. Vị tướng này chua xót nói:
“Đứng về góc độ người lính, đây là nỗi đau không chỉ của người lính hải quân mà cả người lính quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong lịch sử hải quân Việt Nam, chưa có trận nào mà chỉ có mấy phút thôi mà hải quân ta chết đến hơn nửa đại đội. Lịch sử của các đơn vị chiến đấu bộ binh cũng thế, làm gì có mấy phút mà ‘đi’ như thế... trong đánh nhau, ta cũng trong thế chủ động thì không có chuyện đó.
Đó là nỗi đau, mà nỗi đau này nó âm ỷ và sẽ đi cùng người lính cho đến khi kết thúc sứ mệnh trên mảnh đất này.”
Trong phát biểu của tướng Lương, có một phần mà đoạn video đã không ghi lại.
Đó là câu chuyện dưới thời TBT Nông Đức Mạnh, một quan chức ngoại giao đã đề nghị nhà nước nên yêu cầu Tàu cộng để phía Việt Nam được đến Gạc Ma trục vớt 3 chiếc tàu bị bắn chìm cùng 61 thi thể các chiến sỹ hy sinh trên biển.
TBT Nông Đức Mạnh nghe xong liền nói: "Có nên làm việc đó không? Cứ để họ nằm đó cũng đã làm sao".
CTV Danlambao
danlambaovn.blogspot.com
CTV Danlambao
danlambaovn.blogspot.com