42 tháng Tư và cuộc chiến không bom đạn - Dân Làm Báo

42 tháng Tư và cuộc chiến không bom đạn

Vũ Đông Hà (Danlambao) - Những ngày này năm xưa, chỉ trong 55 ngày đêm, với tốc độ “một ngày bằng 20 năm”, toàn bộ miền Nam bị “giải phóng”. Cuộc chiến bom đạn chấm dứt. Xác người thôi còn phơi khô trên những đại lộ kinh hoàng. Việt Nam “thống nhất”. Những người lính Việt Nam Cộng Hòa gãy súng giữa trời, nhìn nhau bằng đôi mắt uất hận. Những bộ đội cộng sản Bắc Việt ngồi dọc vỉa hè, ngơ ngác ngước nhìn Sài Gòn tráng lệ, và có người ôm mặt khóc. 

Bao năm trôi qua. Trong từng năm tháng ấy, xác người dọc theo Đại Lộ Kinh Hoàng đã được thay thế bằng hàng vạn thây người trên những hải trình xuyên biển Đông. Các cuộc tổng tấn công quân sự được đổi lại bằng những đại chiến dịch tập trung cải tạo, cải tạo công thương nghiệp, hợp tác hóa nông nghiệp. “Ý thức đoàn kết dân tộc lại một lần nữa bị phần nào xao lãng bởi bệnh chủ quan và say sưa vì chiến thắng, bởi những cách nhìn hẹp hòi, biệt phái, bởi chuyện phân biệt thắng-thua, bởi những kỳ thị ta-ngụy...” (cố Thủ tướng CSVN Võ Văn Kiệt). Trong im lặng hòa bình, trong thống nhất đất nước nhưng phân ly lòng người, một cuộc chiến không bom đạn đã khởi đầu. “Ngụy quân, ngụy quyền” được thay thế bằng “bè lũ phản động”. Chiến tranh xâm lược được thay trang đổi phục thành diễn tiến hòa bình. Những khẩu AK-47 được thế chỗ bởi điều 79, 88, 258... Những quả bom trải thảm B52 của đế quốc Mỹ đã nhường chỗ cho những ngọn hải đăng, tàu chiến, khoan dầu hiện đại và công trình xả thải của đế quốc Trung Hoa. Và những người bộ đội từ rừng về phố ngày xưa, bây giờ già nua, lặng nhìn cơ đồ và vận mạng của tổ quốc đang đắm chìm trong tăm tối. 

*

Khi nói đến chiến tranh, người ta đo lường mức độ tàn phá khốc liệt và sự đau khổ bằng điêu linh đổ nát, bằng quan tài phủ bọc quốc kỳ, hay hố chôn người tập thể, hoặc hình ảnh bé gái trần truồng chạy khóc dọc đường khói lửa. Che đậy bởi mảnh vải đỏ hòa bình, bịt mắt bằng tấm khăn đen thống nhất, cuộc chiến không tên không tuổi của những năm tháng dưới lá cờ búa và liềm đã kéo dài trong im lặng nhưng tàn khốc. 

Nó đã bắt đầu: 

Khi chiếc xe bít bùng chở cả gia đình đến rừng U Minh Thượng. Người mẹ cùng đàn con ngơ ngác giữa hoang vu với đời sống kinh tế mới và người chồng “ngụy quân” vẫn còn đang bị lưu đày ở trại cải tạo Cổng Trời. 

Khi người cha thắt cổ tự tử trong căn nhà ở Chợ Lớn sau khi bị cướp trắng tay bởi chiến dịch cải tạo công thương nghiệp; đàn con 9 đứa lăn lóc ở công trường Quách Thị Trang sau ngày căn hộ đã bị niêm phong và người mẹ quấn tròn chiếc chiếu quanh người để làm vệ sinh buổi sáng giữa phố thị đông người. 

Khi mỗi người phải đứng trước chọn lựa đi hay ở, vào cái thời mà cột đèn có chân cũng muốn vượt biên; khi người cha bất lực nhìn đứa con gái 15 tuổi gào thét dưới man rợ của tên hải tặc người Thái; khi người anh rửa những hạt bắp trong nhúm phân người khô rốc cho đứa em trai 9 tuổi ăn để sống trên con đường vượt biên giới Việt-Miên. 

Cuộc chiến đã bắt đầu với Câu Lạc Bộ Kháng Chiến Cũ, với Nửa Đời Nhìn Lại, Đêm Giữa Ban ngày, với Mặt ThậtHoa Xuyên Tuyết, với Chia tay ý thức hệ, Nhật Ký Rồng RắnNhững Thiên Đường Mù... Một cuộc chiến giữa bám víu vinh quang quá khứ và đối diện thực tại phũ phàng, giữa lương tâm và lẽ phải với biện minh, tiếc nuối cho những cống hiến của tuổi thanh xuân. Một cuộc chiến dù bắt đầu nhen nhúm từ buổi sáng ngồi rơi nước mắt ở vỉa hè Sài Gòn, hoặc muộn màng vào lúc cuối đời, vẫn là cuộc chiến âm ĩ bạc đầu của nhiều người đã từng cống hiến cuộc đời của mình cho quỷ đỏ từ “thuở ấy trong tôi bừng nắng hạ, mặt trời chân lý chói qua tim” (Từ Ấy - Tố Hữu). 

Cuộc chiến đã khởi đi từ vụ án Vinh Sơn, đàn áp văn nghệ sĩ, tiếp nối với bản án tử hình dành cho người sinh viên bất khuất Trần Văn Bá, sang đến Lời Kêu Gọi Cuối Năm và khẩu hiệu Tự Do Tôn Giáo Hay Là Chết được dựng lên tại giáo xứ nhỏ bé Nguyệt Biều... Và cứ như thế cho đến nay, những công dân Việt Nam đầy lòng ái quốc, từ thế hệ 4x, 5x cho đến 8x, 9x, đã lần lượt vào tù. 

Ẩn dưới mặt hồ gợn đỏ của đất nước được dán nhãn cộng hòa xã hội chủ nghĩa độc lập tự do hạnh phúc là những tàn phá kinh hoàng hơn cả 21 năm xâm lược VNCH 54-75:

Một thiểu số thống trị giàu có ngoài sức tưởng tượng độc quyền kiểm soát sinh hoạt, tư tưởng của người dân. 

Những giá trị đạo đức văn hóa bị xuống cấp chưa từng thấy. Cán bộ hủ hóa, tham nhũng, mua dâm, cờ bạc, rượu chè nhưng vẫn tiếp tục đọc bài diễn văn ca tụng điều nhân nghĩa lẫn chính nghĩa. 

Ti tiện từ cá nhân đến ti tiện cả hệ thống được tiếp nối tung hô bởi những bút nô có chiếc lưng cong. 

Mức độ chênh lệch giàu nghèo leo thang tới mức kỷ lục. Những "đầy tớ của nhân dân" trở thành tỉ phú và nhiều "nhân dân làm chủ" của đất nước chỉ mong một ngày có được 2, 3 chục ngàn để sống. 

Con cháu của Mẹ Âu Cơ, của Trưng Triệu, của Cô Giang, của giòng giống với hơn 4000 năm văn hiến đã phải gác nhân phẩm qua một bên, chui háng chủ nhân Hàn, lấy chồng Đài, cam phận kiếp sống Ô sin, gửi con gái sang Campuchia làm đĩ, xếp hàng làm đơn mong trở thành món hàng xuất khẩu lao động. 

Đêm nay. Con của Mẹ 18.
Ngồi bán mực nướng ở quán bia Xiêm Rệp.
Lẻo đẽo trước tiệm uốn tóc làng Việt Nam - Svay Pak
mời khách mua dâm.
Mặc váy ngắn đứng bán trầu
trong những lồng kính đèn màu đêm Taoyuan.
Co mình nằm dưới người đàn ông không răng ở con hẻm Chung Li.

*

Những chiến trường Bình Trị Thiên, Khe Sanh, Bình Giả, An Lộc... đã được thay thế bằng mặt trận Dân Oan, Dân Báo, Đình Công, Tôn Giáo... bằng những địa danh Nguyệt Biều, Thái Hà, Đồng Chiêm, Tiên Lãng, Văn Giang... Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền là khẩu hiệu xung phong. Cho đến một hôm, thức dậy từ đêm đen bưng bít của đảng cầm quyền chợt thấy: lãnh hải, lãnh thổ, đất đai, rừng đầu nguồn đã bị treo cờ đỏ 5 sao - đôi lúc 6 sao. Trận chiến trong hòa bình (và vẫn chưa thấy bóng thanh bình) đã bước vào một khúc quanh, một mặt trận mới: Bảo Vệ Chủ Quyền. Trong mặt trận này những công dân yêu nước phải đối đầu với bá quyền bành trướng phương Bắc bên ngoài và chống trả với độc tài mang não trạng tay sai bên trong. 

Ở mặt trận mới này, phải nhìn hình ảnh cả nghìn thanh niên sinh viên xuống đường biểu tình chống Tàu cộng, bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa mới cảm được lòng ái quốc vẫn luôn mãnh liệt. Phải đọc trăn trở, tâm huyết của nhiều người, từ những bloggers thế hệ 7x, 8x sinh ra và lớn lên dưới bóng mây đen xã hội chủ nghĩa, qua đến những con người đã từng phục vụ trong chính thể VNCH, của những cựu đảng viên cộng sản đã bỏ đảng... mới thấy được hiểm họa xâm lăng đã kết hợp lòng người về một mối: Tổ Quốc Trên Hết. 

Trận chiến trong hòa bình cũng đã bước vào một bước ngoặc mới với sự phá sản toàn diện về tư thế đại diện dân tộc và chính nghĩa của đảng cầm quyền. Nếu trước đây có nhiều người vẫn còn tin vào thiện chí và vai trò phục vụ dân tộc của đảng CSVN thì ngày nay bộ mặt thật của đảng cầm quyền đã lộ nguyên hình. Cho dù huyền thoại Cách mạng Mùa thu vẫn còn vấn vương đâu đó trong lòng một số người, nhưng dù thế đi nữa thì cũng phải học được bài học lịch sử là không thể bám vào hào quang của đức Lê Thái Tổ mà biện minh cho sự tồn tại của Lê Chiêu Thống. 

Cuộc chiến không bom đạn cũng đang bước vào một giai đoạn phức tạp. 

Ai là bạn? Ai là thù trong nội bộ đảng CSVN trước họa xâm lăng? Thái độ khách quan không cho phép vơ đũa và chụp lên đầu tất cả hơn 4 triệu đảng viên CSVN đều là những người vô tâm làm mất đất tổ tiên. Phải có những con người đang biết mình là công dân Việt Nam trước khi là đảng viên cộng sản. Phải có những người lính, sĩ quan, tướng lãnh đảng viên đang ngậm ngùi nhớ đến những đồng đội đã hy sinh ở mặt trận Việt-Trung. Phải có những chuyên viên, trí thức đang phục vụ trong guồng máy thấy rõ hơn ai hết những hiểm họa lâu dài. Nhưng biết ai là bạn ai là thù khi không lên tiếng nói? Đây cũng là một mặt trận của cuộc chiến giữa lương tâm, trách nhiệm, lòng can đảm và quyền lợi cá nhân, vị kỷ, sự hèn nhác. 


Năm tháng trôi qua. Đất nước đi trọn một vòng với nhiều oan khiên để trở lại bài toán ban đầu: Độc lập, Tự do. Điều rõ ràng nhất của bài học xương máu là Tự do của toàn dân tộc không thể giải quyết bằng con đường di tản hay thủ tục xin cho; Dân chủ chỉ là bánh vẽ và tuyên truyền hão với điều Bốn của Hiến pháp và chúng ta phải tìm cách chấm dứt tình trạng “tư thế hóa” vai trò lãnh đạo đất nước bằng lá phiếu dù là miễn cưởng của mỗi người. Bởi vì hệ quả của nó là vận mạng của dân tộc, trong đó có chủ quyền của đất nước, đã được chính danh giao trọn vào tay của những kẻ độc quyền cai trị, lấy tư cách đại diện dân tộc để ký kết với ngoại bang. 

42 tháng Tư trôi qua. Đất nước chỉ còn một chữ để diễn tả trạng thái: Chết. Ở dưới biển, những con cá dật dờ bơi chờ ngày hội ngộ với những con cá đã phơi bụng trên bờ. Ở trên đất, những con người còn thở, vẫn vô tư quay cuồng sống và tung tăng bơi lội như những con cá ở biển Đông. Những thái thú Ba Đình cùng với quan thầy Bắc Kinh đã xây dựng hàng trăm căn cứ với những pháo đài, vũ khí sinh học để tàn sát môi trường Việt Nam. Người Việt không những chỉ tranh đấu cho những mảnh đất, những hòn đảo, những vùng biển đã mất, mà còn phải vào tù để bảo vệ những phần đất, sông ngòi, núi rừng, biển cả đang còn giữ được nhưng bị giặc trong thù ngoài tàn phá, hủy diệt.

Vì thế, tới ngày hôm nay, cuộc chiến không bom đạn vẫn phải tiếp diễn. Không phải với thực dân, với đế quốc từ phương nào mà với độc tài đảng trị và bầy đàn tham ô, tay sai bán nước, hèn với giặc ác với dân - chính xác hơn là một lũ trung với giặc và thù với dân. Cuộc chiến phải tiếp diễn bằng đôi bàn tay trắng, bằng lòng yêu nước và khát vọng cho thế hệ mai sau. Phải tiếp diễn bởi vì ai trong chúng ta cũng biết rằng Việt Nam chẳng bao giờ có ngày hội Đống Đa, đã chẳng oai hùng đối đầu với triều đình nhà Thanh bằng tự hào dân tộc của Quang Trung nếu Lê Chiêu Thống vẫn tiếp tục ngồi ở Thăng Long vái lạy thiên triều phương bắc. Vì thế nên người này vào tù thì có kẻ khác tiếp tục đứng lên cho đến khi người dân Việt thực sự làm chủ vận mạng của đất nước này. 

Những ngày này, nhìn lại những năm tháng đã qua, tôi ghi ơn những gian truân quá khứ, những cuộc đời đã nằm xuống để gìn giữ quê hương. Ghi ơn những người lính hải quân VNCH đã bỏ mình trong trận hải chiến Hoàng Sa, những chiến sĩ QĐND đã nằm xuống trên núi rừng Việt Bắc. Ghi ơn những con người dũng cảm đã đánh đổi tự do của mình cho tự do của dân tộc. Nhìn về tương lai, tôi ước mơ và tin chắc rằng cuộc chiến không bom đạn này sẽ phải chấm dứt, con người Việt Nam sẽ cùng nhau xây dựng một cuộc sống bình an, không cần vĩ đại, không cần đỉnh cao, chỉ cần là một nước bình thường, tự chủ, có tự do, công bằng và sống nhân ái với nhau.

Tháng Tư, 2017



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo