Bầu cử Pháp: mở cửa hay bế quan tỏa cảng? - Dân Làm Báo

Bầu cử Pháp: mở cửa hay bế quan tỏa cảng?

Từ Thức (Danlambao) - Cả Âu Châu nín thở: trong một tuần nữa, cử tri Pháp sẽ lựa tổng thống mới, giữa Emmanuel Macron, người ủng hộ liên hiệp Âu Châu và bà Marine Le Pen, chủ trương bế quan tỏa cảng, muốn rút khỏi Liên hiệp, rút khỏi khối tiền tệ Âu Châu.

Sau kết quả vòng đầu, Âu Châu thở phào, nhẹ nhõm, tin rằng tổng thống Pháp sẽ mang tên Emmanuel Macron, 39 tuổi, không đảng phái, ứng cử viên ủng hộ Liên hiệp Âu Châu tích cực nhất. Một tuần sau, hôm nay (30/04), người ta lại bắt đầu lo ngại: vấn đề không phải đơn giản như vậy, và kết quả chung kết không chắc chắn như người ta tưởng. Marine Le Pen, 48 tuổi, cực hữu, vẫn là một đe dọa đối với Macron.

Một trái bom

Tối Chủ nhật, 23/4, gần 80% cử tri Pháp bỏ phiếu vòng đầu, lựa hai người vào chung kết trong số 11 ứng cử viên. Người ta hồi hộp chờ kết quả, như chờ xổ số, vì trong thời gian gần đây, không ai đoán được phản ứng giờ chót của cử tri. Nhưng kết quả lần này đã đúng như dự đoán: Macron về đầu với 24% số phiếu, Le Pen về nhì, 21%. Hai ứng cử viên của đảng Cộng Hòa (LR, Les Républicains) và đảng Xã Hội (PS, Parti Socialiste) bị loại.

Lần đầu tiên, hai đảng chính trị chính yếu, đã thay nhau cầm quyền từ một nửa thế kỷ đã bị loại ngay vòng đầu. Độc giả ngoài nước Pháp, để có một ý niệm, có thể tưởng tượng một cuộc bầu cử tổng thống Mỹ không có ứng cử viên của đảng Cộng Hòa và đảng Dân Chủ. Hai chính đảng, nền tảng của hệ thống chính trị Pháp, ngày nay là một đống gạch vụn. Đảng Cộng Hòa, hữu phái (LR, Les Républicains) được coi là đảng sẽ đương nhiên nắm chính quyền thay đảng Xã hội đã thất bại sau 5 năm cầm quyền, chỉ chiếm 20% phiếu bầu. Thê thảm hơn nữa, Đảng Xã Hội, tả phái, rơi xuống đáy vực: 6%!.

Nước Pháp choáng váng: cuộc bầu cử vòng đầu là một big bang chính tri. Cử tri thẩy vào thùng phiếu một trái bom, làm nổ tung hệ thống chính trị cũ, đưa vào vòng chung kết hai ứng cử viên tự nhận là ‘’ hors système ‘’ (ngoài hệ thống): Emmanuel Macron, không đảng phái và Marine Le Pen, cực hữu. Nước Pháp chia làm hai, không nhận ra nhau. Một nửa, cử tri của Macron, những người thích ứng với thế giới hóa. Một nửa, cử tri của Le Pen, những người bị bỏ quên, những người đứng bên lề, muốn quay lại quá khứ, tìm lại một nước Pháp đã mất. Hơn là việc chọn lựa giữa hai chính sách kinh tế, cuộc bầu cử vòng hai sẽ là một lựa chọn giữa hai thế giới: thế giới đóng kín, quốc gia chủ nghĩa của đảng cực hữu của Le Pen và thế giới mở rộng của Macron.

Những ngày đầu, người ta nghĩ Macron sẽ thắng dễ dàng. Các ứng cử viên bị loại vòng đầu sẽ kêu gọi bỏ phiếu cho Macron để loại Le Pen "kẻ thù của chế độ cộng hòa", và cử tri sẽ dồn phiếu cho Macron.

Cách đây 15 năm, ông bố của Marine Le Pen, Jean Marie Le Pen, người sáng lập đảng cực hữu Front National (FN, Mặt trận Quốc Gia) cũng đã lọt vào vòng hai, nhưng cử tri đã dồn phiếu cho Chirac và ông này đã thắng cử với tỷ số gần như trong một cuộc bầu cử kiểu Nga Xô Viết. Trong những cuộc bầu cử địa phương gần đây, FN thắng lớn vòng đầu, nhưng vào chung kết đều thua nặng. Dân Pháp, mặc dù bất mãn với một hệ thống chính trị mệt mỏi, với nạn thất nghiệp kinh niên, với vấn đề di dân, với hậu quả của thế giới hóa, vẫn chưa muốn nhẩy vào một cuộc phiêu lưu với một đảng cực đoan. Đó cũng là điều ghi nhận ở các nước láng giềng như Đức, Hòa Lan: cực hữu lên như diều nhưng chưa đủ để nắm chính quyền. Người ta nghĩ dân Pháp cũng chưa muốn phiêu lưu như cử tri Mỹ khi mời ông Trump vào nhà trắng. Liên Hiệp cần nước Pháp, vì dù bệnh hoạn, nước Pháp, cùng với Đức, vẫn là hai nước cột trụ của Liên Hiệp. Sau Đức, Pháp là nước đông dân nhất (66 triệu trên 500 triệu của cả Liên Hiệp), mạnh nhất về kinh tế. Pháp la nước đứng mũi chịu sào cho Âu Châu về gánh nặng quân sự, hầu như đơn thương độc mã trong những chiến dịch chống khủng bố hồi giáo ngoài lãnh thổ Âu Châu.

Những diễn biến trong tuần qua khiến Âu Châu lo ngại. Nhiều dấu hiệu cho thấy chuyện Macron thắng cử không dễ dàng như người ta tưởng. Cái gọi là "front républicain" (mặt trận cộng hòa), cả nước đoàn kết chống đảng quá khích cực hữu FN đã bắt đầu lung lay. Khi Le Pen bố lọt vào vòng hai, năm 2002, hàng triệu người đổ xuống đường chống FN, coi như một đại họa của nước Pháp, một đe dọa cho dân chủ, cho chính thể cộng hòa. Tất cả các đảng phái, nghiệp đoàn, xã hội dân sự, báo chí, các nhà lãnh đạo tôn giáo, trí thức, nhân sĩ, muôn người như một đã đoàn kết lên tiếng chống FN.

"Mặt Trận Cộng Hòa Lung Lay"

Thời thế đã thay đổi. Bao nhiêu nước đã chảy dưới cầu. Sau khi hất ông bố để nắm chức chủ tịch FN, cô con gái, Marine, đã thay đổi chiến lược, biến FN từ một nhóm chính trị quá khích thành một đảng chính trị có tham vọng chiếm chính quyền. Ông bố tuyên bố vung vít, chống Do thái, chống Ả Rập, chống người da đen, công khai kỳ thị chủng tộc, bào chữa cho Phát xít Đức, ủng hộ chủ nghĩa thực dân, cô con gái thận trọng hơn, đóng vai ôn hòa hơn. Dần dần, cái sợ FN phai đi, FN trở thành một nhóm chính trị như những đảng chính trị khác. Món hàng ăn khách nhất của FN là chính sách chống di dân, chống thế giới hóa. Chính sách đó đã được nhiều người ủng hộ khi nạn thất nghiệp gia tăng, khi những đụng chạm với người Ả Rập, người da đen là chuyện thường nhật, đã giúp FN trở thành một trong hai chính đảng lớn nhất, sau những cuộc khủng bố đẫm máu của Hồi giáo quá khích.

Cái khiến cử tri Pháp vẫn còn e dè với FN là chính sách bế quan tỏa cảng, muốn ra khỏi liên hiệp Âu Châu. Dân Pháp chỉ trích liên hiệp, coi đó là một liên hiệp không phải của nhân dân Âu Châu, mà là liên hiệp của thế lực kinh tài, nhưng vẫn muốn ở lại, vì ý thức rằng nước Pháp quá nhỏ để có thể một mình đối đầu với thế giới hóa. Ra khỏi hệ thống đồng tiền Euros, có thể đưa tới lạm pháp ít nhất 20%, đánh thuế nặng hàng nhập cảng sẽ có hậu quả tai hại đối với một quốc gia sống nhờ xuất cảng. Le Pen ý thức được điều đó, tỏ thái độ ôn hòa hơn, tuyên bố chuyện ra khỏi liên hiệp sẽ qua trưng cầu dân ý, và sẽ thương lương với các nước Âu châu trong 2,3 năm, trước khi đi tới quyết định

‘’Mặt trận cộng hòa ‘’ ngày nay đã lung lay. Sau khi Marine Le Pen lọt vào vòng hai, chỉ có vài nhóm nhỏ biểu tình. Giáo hội Công giáo không kêu gọi bỏ phiếu cho Macron, vì không muốn mất lòng với giáo dân, đa số bầu cho Fillon, đảng Cộng Hòa, đã bị loại từ vòng một. Lãnh tụ cực tả Jean Luc Mélenchon, đã chiếm 19% số phiếu trong vòng đầu, đáng lẽ phải là người chống FN tích cực nhất, đã không chọn lựa giữa Le Pen và Macron, kết án Macron là người của thế lực kinh tài, ngược lại Dupont Aignant, chủ tịch đảng Debout La France, đã liên kết với FN với lý do Macron là người phe tả, đã làm bộ trưởng của tổng thống xã hội đương nhiệm François Hollande và sẽ tiếp tục chính sách của Hollande. Đó là lần đầu tiên một chính khách "cộng hòa" hợp tác với một đảng cực hữu, một ranh giới chưa ai dám bước qua. Nhất là Dupont Aignant (gần 5% phiếu vòng đầu) vẫn tự nhận là "gaulliste", người trung thành với De Gaulle, quên rằng những người sáng lập ra FN là những người chống, tới độ đã ám sát hụt De Gaulle. Sự thực là Marine Lepen, cần đồng minh, đã hứa trao chức thủ tướng cho Dupont Aignant nếu đắc cử Tổng thống.

Diễn biến mỗi ngày có thể thay đổi kết quả cuộc bầu cử tổng thống vòng chung kết tuần tới (Chủ nhật 07/04). Một cuộc khủng bố, số người không đi bầu gia tăng, sẽ làm cán cân thiên về phía Le Pen. Cho tới giờ này, người ta tin rằng Macron sẽ thắng cử, nhưng nếu thắng cử một cách khít khao, ông tổng thống 39 tuổi, thiếu kinh nghiệm, không có hệ thống đảng phái làm hậu thuẫn, sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhất là nếu không có đa số ở quốc hội trong cuộc bầu cử lập pháp trong tháng tới. Macron tin rằng nếu dân Pháp bầu ông làm tổng thống, đương nhiên sẽ đưa người của ông vào quốc hội. Điều đó không có gì bảo đảm, nhất là đây là lần đầu đảng En Marche của Macron, mới thành lập từ một năm nay, đưa người ra tranh cử.

Tóm lại, ít ai biết nước Pháp sẽ đi về đâu trong những ngày tới.

Paris, 30/4



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo