Hình ảnh CA tấn công vườn rau Lộc Hưng hôm 13/7/2014, một số người dân nơi đây vì quá uất ức đã tưới xăng liều chết giữ đất. Ảnh: Huỳnh Công Thuận |
Dân Làm Báo chúng tôi đã tiếp cận những người dân đang sinh sống và lao động trên khu đất này nhằm rộng đường dư luận đến quí độc giả. Đồng thời kêu gọi những ai yêu chuộng sự thật quan tâm, chia sẻ và đồng hành cùng những người nông dân kiên cường giữ đất cũng như lên án hành động cướp đất của nhà cầm quyền cộng sản.
Theo thông tin chúng tôi nhận được từ sự chia sẻ của một số bà con thuộc khu đất vườn rau Lộc Hưng cho biết, khu đất này có diện tích khoảng 5 ha (50.000m2) nằm tọa lạc sát đường CMT8 thuộc phường 6 quận Tân Bình. Đất được xem là khu đất vàng bởi nó tiếp giáp với nhiều quận như quận 3, quận 10, quận Phú Nhuận, quận Bình Tân. Chính vì thế nhà cầm quyền cộng sản từ lâu nay đã hăm he cướp đất của bà con trồng rau nơi đây. Tuy nhiên trước sự can trường giữ đất cùng sự am hiểu về luật pháp đã giúp người dân vườn rau Lộc Hưng ngăn cản những âm mưu, những thủ đoạn bỉ ổi của nhà cầm quyền trong hơn 17 năm trời với ý định cướp trắng đất của nông dân.
Để tìm hiểu ngọn ngành vụ việc nhà cầm quyền thành Hồ cố tình làm trái pháp luật để thực hiện việc cưỡng cướp đất, Dân Làm Báo sẽ cập nhật trong loạt bài phóng sự “Bạch hóa âm mưu cướp đất vườn rau Lộc Hưng của nhà cầm quyền”.
Kỳ 1: Quá trình hình thành và phát triển khu đất vườn rau Lộc Hưng
Năm 1954, một cuộc tháo chạy khỏi chế độ cộng sản tại miền Bắc đã diễn ra dưới sự yểm trợ của chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm. Nhiều người dân miền Bắc đã theo đoàn tị nạn cộng sản tiến vào Nam để định cư lâu dài tại khu tập trung thuộc làng tị nạn Chí Hòa. Làng tị nạn cộng sản mang tên Chí Hòa có diện tích tính từ Ngã Sáu Dân Chủ cho đến chân cầu Tham Lương, trong đó bao gồm diện tích khu đất vườn rau Lộc Hưng hiện nay.
Trong những ngày đầu lạ lẫm nơi đất khách, những người dân làng Sơn Tây trong đoàn tị nạn gặp nhiều những khó khăn với cuộc sống mới, họ cần có công việc để mưu kế sinh nhai. Thế là một số người đã ra sức khai hoang trồng rau trên khu đất bãi ăng ten của chính quyền Pháp để lại sai khi rút quân khỏi chiến trường Việt Nam. Vì thế khu đất này trước đây còn có tên gọi là khu “cánh đồng Sơn Tây”. Thưở ấy nơi đây chỉ còn lại một số cột chống sét (cột thu lôi) được đặt trong khu vực sình lầy, hoang hóa, cỏ mọc cao hơn đầu người. Những người dân Sơn Tây đã vất vả, đánh đổi mồ hôi, công sức để phá cỏ, bồi đắp cả một khu vực sình lầy rộng lớn để có đất trồng rau. Tùy theo sức của mỗi gia đình khai phá bao nhiêu thì trồng rau trên diện tích ấy. Bao nhiêu khó khăn vất vả của bà con đã được đền đáp khi khu vực sình lầy giờ đã trở nên màu mỡ xanh tốt với những luống rau xanh mướt. Thành quả ấy được tạo nên từ sự chăm chỉ, cần cù và từ tình liên đới, đoàn kết của những người tị nạn cộng sản.
Sau biến cố 30/4/1975, với những thay đổi xung quanh trong xã hội, nhưng vốn dĩ là những người nông dân chân lấm tay bùn, bà con vườn rau vẫn an phận với nghề nông ngày ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Tuy nhiên họ vẫn là những công dân dưới sự quản lý của nhà cầm quyền cộng sản sau ngày cưỡng chiếm miền Nam. Trong thời điểm ấy, những người trồng rau trên khu đất vườn rau Lộc Hưng được Ủy ban nhân dân Phường 7 (nay là phường 6, quận TB) lập danh sách, chia thành bốn tổ nông hội và tiến hành thu thuế cho nhà nước. Hình thức đóng thuế ban đầu là nộp rau cho UBND phường để cung cấp cho hợp tác xã bán cho người dân trong khu vực. Sau một thời gian, UBND phường đề nghị qui thành tiền và nộp thuế thông qua các tổ trưởng tổ nông hội và được ghi nhận vào sổ đóng thuế có đóng con dấu của ủy ban phường 7 lúc bấy giờ. Việc tiến hành thu và đóng thuế lúc đó được xác nhận bằng việc cấp biên lai thu thuế cho đại diện các tổ trong khu vực vườn rau Lộc Hưng.
Biên lai thu thuế của bà con do UBND phường ghi nhận
Đến năm 1999, theo tinh thần của Luật Đất Đai sử đổi, Chỉ thị 24/1999/CT-TTG của Thủ tướng chính phủ về tổng kiểm kê đất đai. Bà con vườn rau Lộc Hưng đã tiến hành làm đơn đề nghị UBND phường 6 và quận Tân Bình xác nhận quá trình sử dụng đất theo chỉ thị trên. Tuy nhiên một việc làm thể hiện sự tôn trọng luật pháp của bà con vườn rau Lộc Hưng đã bị UBND phường 6 và quận Tân Bình tìm cách tránh né, không xác nhận cho bà con với lý do: “Đất này bà con khai phá, canh tác mấy chục năm nay, chúng tôi - các cấp lãnh đạo phường - và bà con xung quanh ai cũng biết. Tôi khẳng định khu đất này chưa có dự án và quyết định qui hoạch nào. Tôi không thể giải quyết được vì đó là chỉ thị của cấp trên”. Đó là câu trả lời mà hai đời chủ tịch phường là ông Võ Xuân Tâm và bà Nguyễn Thị Ngọ đã nói khi bà con nhiều lần chất vấn tại sao không xác nhận quá trình sử dụng đất.
Cũng chính từ thời điểm này nhà cầm quyền cho thấy âm mưu cướp mảnh đất vườn rau của bà con Lộc Hưng được lộ ra. Những người nông dân vườn rau Lộc Hưng bắt đầu chịu sự sách nhiễu của nhà cầm quyền địa phương cùng với sự bao che từ cấp quận cho đến thành phố. Cũng từ đó cho đến nay, những thông tin qui hoạch (vi phạm pháp luật), nhiều chủ đầu từ đến áp lực bà con, vô số thủ đoạn sử dụng côn đồ hăm dọa bà con... liên tiếp được nhà cầm quyền thành Hồ sử dụng nhằm dồn người dân vườn rau Lộc Hưng vào bước đường cùng.
Kỳ 2: Vườn rau Lộc Hưng trước viễn cảnh mất đất
12/5/2017