Đứng trước cái xấu và kẻ ác - Dân Làm Báo

Đứng trước cái xấu và kẻ ác

Phước An Thy (Danlambao) - Vì không có bất cứ một niềm tin tôn giáo nào ngoài niềm tin đấu tranh tiêu diệt kẻ thù, tiêu diệt thế lực thù địch và sự đánh giá đạo đức ngược với xã hội văn minh, nên người Cộng sản gây điều ác một cách bình thản, phấn khởi và vui vẻ. Từ đánh, giết một người mà mọi người kinh sợ, cúi đầu thì đương nhiên kẻ ác, những kẻ nằm đầy trong bộ máy lãnh đạo từ cấp cao nhất cho đến cấp ở địa phương, thắng thế sẽ đánh giết nhiều người dân lương thiện hơn nữa. Những điều xấu xa sẽ tăng lên khi người tốt, đạo đức, co cụm lại, thúc thủ, khuất phục và im lặng. Sự vô cảm, thỏa hiệp, tạo điều kiện cho một xã hội đầy dẫy cái ác lấn lướt cái thiện và là nguyên nhân bóp nghẹt những tiếng nói lương tri cô đơn.

Bất kỳ xã hội nào, ở thời đại nào vẫn có cả cái thiện lẫn cái ác, cả con người xấu lẫn con người tốt, nhưng điều cần phải nói là khi cái ác, kẻ xấu quá nhiều, công khai bao trùm cái thiện và người tốt. Điều xấu, kẻ ác trong xã hội Việt Nam hiện nay ngày càng nhiều hơn, cuộc sống của mỗi người dân lương thiện ngày càng có nhiều rủi ro hơn từ chính quyền và từ những người ác sống quanh mình.

Gần đây có rất nhiều vụ giết người, hiếp dâm, cướp giật, côn đồ đánh người cô thế... nhiều đến mức chúng ta cần phải tự đặt câu hỏi, tự chất vấn mình, đặt nghi vấn sao cái ác có quá nhiều. Tại sao xã hội ngày nay cái ác lại lộng hành khắp nơi, khắp chốn một cách ngang nhiên và tại sao kẻ xấu lại nắm quyền lực, thống trị xã hội? Đó là do chúng ta đã khiếp sợ trước kẻ xấu và cái ác, do chúng ta đứng nhìn, không lên án điều xấu, kẻ ác. Khi ta chạy trốn, làm ngơ và tìm cách biện hộ cho việc làm ngơ trước cái ác của mình thì ta đã tiếp tay cho cái ác và một ngày nào đó cái ác sẽ nuốt trọn luôn cả chúng ta.

Vì kẻ ác không bị trừng trị, không bị lên án, nên thay vì lo sợ chúng lại quay ra thách thức xã hội, hành hung những người lẻ loi dám phê phán chúng. Kẻ ác đã gieo mầm ác của mình vào xã hội, len lỏi vào gia đình, môi trường, giáo dục, báo chí, giao thông, thực phẩm... khiến mọi người luôn có cảm giác bất an, bởi chẳng có ai có thể bảo vệ mình khỏi những con người hành xử bằng “luật rừng”.

Nhà nước và hệ thống pháp luật của nó phải có những giá trị đạo đức, những tiêu chuẩn, trật tự nhất định để quản lý xã hội, điều chỉnh con người theo những qui định, lề luật trong xã hội. Khi nhà nước không thượng tôn hệ thống pháp luật của chính mình, thực thi pháp luật một cách thiếu nghiêm minh và xa rời việc bảo vệ người dân thì cái ác lấn lướt cái thiện, kẻ xấu xa chèn ép người hiền lương trong xã hội là điều tất nhiên.

Một xã hội đã thiếu tính nhân văn, không có tình người trong đó, mà lại cứ mãi đầu độc bằng các loại tin sex, cảnh nóng, cưỡng hiếp, kinh dị, giang hồ, bầy đàn bạo lực đánh đấm, chém giết… qua đại đa số báo, đài như hiện nay sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức, nhân cách văn hóa cộng đồng, nhất là giới trẻ. Nhân cách của con người bắt đầu hình thành ngay từ nhỏ, nhưng xã hội với những sự không quan tâm, không dạy con trẻ biết yêu thương người sống quanh mình thì làm sao chúng biết hướng thiện, có trách nhiệm với bản thân, với xã hội và sống có ích cho đất nước.

Để chống lại cái ác, kẻ xấu chúng ta phải cùng nhau tiến bước trên con đường đấu tranh chống cái ác, cùng nhau chỉ mặt kẻ xấu có hành vi bạo lực, gây nên tội ác. Học và chỉ cho các nạn nhân các cách thức chiến thắng sự sợ hãi trong tâm hồn mình và khuyến khích, cổ võ sự dấn thân chung giữa các tổ chức đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền. Mời gọi mọi người cộng tác vào các phương tiện truyền thông xã hội để bài trừ những bài văn xuyên tạc sự thật, khiêu khích, gây oán thù.

Chính cơ chế xã hội xấu làm hư hỏng con người, làm mất đi cái bản tính hướng thiện và khiến cái ác phát triển ngay chính trong lòng mỗi con người sống trong xã hội đó. Muốn xã hội, đất nước phát triển thì cần một cơ chế xã hội nhân bản, luôn hướng con người đến cái thiện và đẩy lùi cái ác. Có một chế độ đặt nền móng của nó trên sự tự do, bình đẳng thì khi ấy chính quyền không còn nạn tham nhũng, hống hách, lộng quyền, đối xử vô nhân đạo với người dân. Khi người dân được sống trong một chế độ nhân bản, nhân văn thì cái thiện ẩn giấu trong tâm hồn sẽ phá vỡ thái độ vị kỷ bao trùm trong tâm thức của mỗi con người và đó là lúc cái thiện đã thắng cái ác.

05.05.2017



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo