Rưng rưng hoài hồn nước mênh mông - Dân Làm Báo

Rưng rưng hoài hồn nước mênh mông



Nguyễn Thị Thanh Bình (Danlambao) - Tựa đề được trích từ câu thơ trong ca khúc “Tình Bến Hải Sông Chia”, mà nhạc sĩ Vĩnh Điện không dưng tâm đắc phổ nhạc rất phê, với tiếng hát của một ca sĩ trẻ Đông Nguyễn ở trong nước đặc biệt diễn tả khỏi chê. Câu thơ trong một bài thơ ấp ủ cùng thời với tiểu thuyết Giọt Lệ Xé Hai in năm 1991, khi mà chủ nghĩa CS đang bị bứng trốc rễ ở Liên Xô, và CSVN cũng đang xanh mặt cố chờ “đế quốc Mỹ” dỡ bỏ luật cấm vận, để chống chọi với ngôi nhà thiên đường XHCN có cơ may sụp đổ. Như chúng ta đã thấy, rõ ràng họ đã “thoát” trong đường tơ kẽ tóc, vì cuối cùng dường như chúng ta cũng chỉ biết “rưng rưng hoài hồn nước mênh mông” không những ở thời điểm đó, mà tâm lý sẵn sàng chùng xuống sợ hãi vẫn chưa thoát được cho đến thời điểm hôm nay.

Phải chăng cứ tiếp tục ta thán, phản biện, thậm chí la làng chửi bới thì không biết tới kiếp nào CS mới rụng hết những cọng lông chân?

Hoặc thôi thì cứ tạm trút lòng mình vào những ca khúc như Việt Khang đã lãnh 4 năm tù cho 2 nhạc phẩm để đời “Anh Là Ai?”“Việt Nam Tôi Đâu?”, và Trần Vũ Anh Bình cũng vừa trả xong án 6 năm cho 11 bài hát. Hay mai kia mốt nọ không lẽ lại dám đụng đến nhạc sĩ Tuấn Khanh với dòng nhạc đấu tranh rất cận nhân tình và nhân bản như Biển Đông, Gánh Xiếc To Trên Quê Hương Nhỏ…

Mà biết đâu cũng chỉ vì một bài thơ nhỏ như bài “Xin Ông” mà Mai Khôi đã phổ nhạc và trình bày trong tập “Thơ Một Vần” của Bùi Chát, biết đâu họ cũng sẽ không ngại ngùng tìm cách răn đe anh. Không phải thi phẩm của nhà thơ trẻ này đã nằm cùng hội cùng thuyền với bản cáo trạng của Mẹ Nấm hay sao.

Có điều họ quên mất sự răn đe sẽ bị phản ứng ngược, khi lòng người căm phẫn. Dù sao đã là văn nghệ sĩ, chúng ta không thể không sống đúng và đi cùng với những cảm xúc của thời đại, chưa kể thường là tiếng trở mình gọi kêu của những ngòi bút có lương tâm. Như ca khúc Biển Đông của Tuấn Khanh, Về Đâu Sóng Dữ Biển Đông của Quốc Toản…, hay thậm chí ca khúc với đề tài nhạy cảm như trái tim vốn bị phân thây giữa hai bờ Quốc Cộng, mà một cách nào đó “Tình Bến Hải Sông Chia” của Vĩnh Điện đã cố thể hiện, diễn tả đúng mức và rất vời vợi.

Bài thơ thì lúc nào cũng phải cô đọng và phiêu lãng, không thể chuyên chở trọn vẹn như cuốn tiểu thuyết giàu tính tự sự mà tôi vừa nhắc.

Điều cần nói thêm một chút ở đây là ca khúc này tôi vừa được nhạc sĩ gởi tặng đúng vào dịp lễ Độc Lập Mỹ, lúc thiên hạ đang tưng bừng thi nhau đốt pháo bông ăn mừng. Lại vào lúc lòng không mấy vui, nếu không muốn nói là quá buồn vì bản án tàn độc vừa giáng xuống cho blogger Mẹ Nấm, nên chợt giật mình tự hỏi Việt Nam bao giờ mới thực sự độc lập, hay hoài đời vẫn là thứ độc lập giả hiệu chỉ thấy ghi trên những tờ đơn. 

Không trách dạo sau này để chụp bắt được những cảm xúc có vẻ “trữ tình” như thế này, thật khó đối với tôi. Bài thơ tưởng ngủ quên ở một góc bàn, hôm nay lại được bàn tay phù thủy Vĩnh Điện chắp thêm đôi cánh âm nhạc để bay cao hơn.

Cũng xin cảm tạ một tiếng hát trẻ tràn đầy xúc cảm và nồng ấm Đông Nguyễn, dù chưa một lần gặp gỡ ở quê nhà. 

Hẳn nhiên chúng ta muốn chúc lành hết thảy cho nhau. Vì biết đâu một ca khúc khá trữ tình réo rắt lại bị cho là điều cấm kỵ đối với chế độ. 


8/7/2017



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo