Chấp nhận hay không: Việt Nam Cộng Hòa - Dân Làm Báo

Chấp nhận hay không: Việt Nam Cộng Hòa

Nguyễn Đắc Dõng (Danlambao) - Mấy tuần nay, coi bộ bà con chúng ta lắm người vui mừng, lắm kẻ dửng dưng, cũng không thiếu người cười khinh bỉ cho cái thói trăng hoa, lừa lọc của bọn CS, khi có tin bộ sử VN vừa mới được hoàn thành. Trong đó các nhà sử học XHCNVN đã lên tiếng chấp nhận công lao nhà Mạc, cũng như nhà Nguyễn ở đàng trong. Không còn gọi quân đội, chính quyền Sài Gòn trước năm 1975 là Ngụy quân, Ngụy quyền nữa.

Người viết đọc đâu đó, thấy có người viết: "Nếu CS nói với tôi là con bò có 4 chân, tôi phải chạy ra tìm con bò, và đếm, nếu đủ 4 chân thì tôi mới tin".

Câu nói có vẻ ngộ, nhưng thực tế. Những nhà bình luận mấy tuần nay, thấy toàn là những tay viết lách, luật sư, và cả ông Bùi Diễm, cựu đại sứ VNCH trước kia. Người viết đã đoán già, đoán non, các nhà bình luận đã chưa tìm thấy con bò, và chưa đếm xem con bò có 4 chân hay không. Người viết cũng cùng một bè với các nhà bình luận kia, chưa đếm chân bò. Nhưng cũng muốn nói với anh em, bạn đọc một vài ý kiến, nhận xét cá nhân về tin đồn: "Các nhà Sử học XHCNVN đã chấp nhận công lao nhà Mạc, nhà Nguyễn, và không còn gọi chính quyền, QLVNCH là Ngụy nữa.

Những đòi hỏi đầu tiên, mà một người, một nhóm người cộng tác nhau viết lịch sử, làm lịch sử cần phải có là tính vô tư, trung thực. Đòi hỏi đó rất khó để đạt được. Mà còn khó hơn bội phần đối với người CS. Khi họ đã: "Tiếng chào đời con gọi Stalin". Làm sao người viết sử tránh được tính thiên vị, chủ quan. Làm sao gột rửa cho sạch cái chủ quan về ý thức hệ. Cái chủ quan chính trị đã ăn sâu vào tư tưởng của họ. Họ không nhận thức được khi tất cả tưởng như bình thường, như vô tư.

Người viết chưa thấy, và chưa đếm chân con bò, nghĩa là chưa có dịp để được đọc bộ sử mới đó, nên chưa dám nói lên tính trung thực, vô tư đã đạt được là bao.

Theo tin tức đọc được, các nhà viết sử XHCNVN đã chấp nhận công lao của nhà Mạc, nhà Nguyễn. Trước đó, nhà nước XHCNVN đã phủ nhận. Trên tinh thần của các nhà viết sử, tính vô tư, trung thực, không cho phép họ có hành vi chấp nhận, hay phủ nhận quá khứ, và ngay cả một chế độ, một chính quyền, cũng không thể có những hành vi chấp nhận hay phủ nhận những diễn tiến trong một giai đoạn lịch sử. Phủ nhận, hay chấp nhận những diễn biến trong những giai đoạn lịch sử đã qua vài trăm năm, một ngàn năm là những hành vi bẻ cong lịch sử.

Người viết sử, không phải là những người đã sống suốt mọi giai đoạn một trăm năm, một ngàn năm để tận mắt chứng kiến những sự việc xảy ra, mà ghi chép lại. Mà nhà viết sử chỉ dựa vào những trang sử cũ, nghiên cứu, tìm tòi thêm những tài liệu, sách vở, kể cả những tài liệu có được từ nước ngoài, gạn lọc, loại bỏ những điều khả nghi, mà ghi chép lại. Nếu có được những tài liệu đáng tin, thì những trang sử được chép ra, chi tiết, và sáng sủa hơn.

Những người viết sử không nên tự cho mình cái quyền phê phán, chấp nhận, hay phủ nhận lịch sử, vì cái chủ quan, cái thành kiến vì ý thức hệ. Nhất là không nên đem cái quan niệm sống, cái môi trường sống hiện tại mà gán ghép vào thời buổi hàng trăm năm trước để phê phán.

Lịch sử là lịch sử. Là những gì đã xảy ra theo chiều dài của quá khứ. Những nhà viết sử có bổn phận ghi chép lại một cách vô tư, trung thực cho con cháu hậu duệ học hỏi. Không nên gán vào đó cái quan niệm riêng tư của mình, của thể chế chính trị mình đang cung phụng, để lèo lái tư tưởng của dân tộc đi theo đường hướng chủ quan đã được vạch ra.

Người viết lấy một ví dụ thực tế đã xảy ra, để bạn đọc nhận xét thế nào về tính đúng, sai: Vua Tự Đức, sai ông Nguyễn Trường Tộ đi sứ sang Pháp. Khi về, Ông Nguyễn Trường Tộ đã tâu với vua Tự Đức là ông đã thấy cái đèn treo chúc ngược xuống mà vẫn sáng. Vua Tự Đức nổi cơn giận, và ghép tội Nguyễn Trường Tộ là khi quân. Ai đúng, ai sai?. Người viết cho là cả hai, Vua Tự Đức và Nguyễn Trường Tộ đều đúng, và đều sai. Cái đèn treo chúc ngược xuống, dầu trong đèn chảy hết, thì làm sao cái đèn sáng được?. Vua Tự Đức đúng. Nguyễn Trường Tộ thấy cái đèn được đốt sáng bằng điện, treo ngược, treo xuôi cũng sáng. Nguyễn Trường Tộ đúng. Vua Tự Đức đã không nhìn xa, hiểu rộng để học hỏi văn minh, canh tân xứ sở mà cứ ôm cái đèn được thắp sáng bằng dầu phong, dầu mù u. Vua Tự Đức sai. Nguyễn Trường Tộ đã không cảm thông cho cái xã hội vẫn còn đang lạc hậu, mà đem cái văn minh của Tây phương tâu lên vua. Nguyễn Trường Tộ sai. Người viết muốn mượn ví dụ trên có ý là không nên đem cái chủ quan thời đại ta đang sống mà phán xét quá khứ.

Thứ đến, Việt Nam Cộng Hòa, là một thực tế, một thực thể. Có chính quyền, có quân đội, có dân, có lãnh thổ: đầy đủ các yếu tố để cấu thành một quốc gia.

Ngày 20 tháng Bảy năm 1954, Ông Phạm Văn Đồng, thay mặt nhà nước VNDCCH, đã ký vào bản hiệp định Geneve (tiếng Anh gọi là Geneve accords) cùng với đại diện của một số quốc gia như Pháp, Trung Quốc, Liên xô, Anh. Đã chấp nhận nước VN được chia đôi, lấy vĩ tuyến 17 là ranh giới Bắc-Nam. Phía bắc vĩ tuyến 17 thuộc VNDCCH, phía nam vĩ tuyến 17 thuộc Quốc gia VN. Trên thực tế, phía nam vĩ tuyến 17 chưa hình thành một chính quyền hợp pháp, chưa có tên gọi chắc chắn. Chưa có quyết định một thể chế chính trị nào sẽ được thành lập tại miền Nam. Một chính quyền thân Pháp?, nằm trong Liên hợp Pháp?. Hay một chính quyền độc lập?. Có điều quan trọng, người viết muốn nhấn mạnh ở đây là: Khi ông Phạm Văn Đồng đặt bút ký vào bản Hiệp định Geneve, có nghĩa là ông Phạm Văn Đồng và chính phủ VNDCCH. Đã mặc nhiên công nhận một chính phủ, một thể chế chính trị đối nghịch sẽ được thành lập tại miền Nam. Một chính quyền chống CS, không chấp nhận CS sẽ ra đời tại miền nam VN, dù dưới tên gọi: Quốc gia VN, VNCH, hay Cộng Hòa VN v.v...

Tên gọi VNCH. Là rất quan trọng đối với nhân dân miền Nam và chính trường Quốc tế. Tên VNCH đã xác định chính quyền miền Nam là một thể chế Cộng hòa, dân chủ, tự do. Không phải một chính quyền độc tài hay thân Cộng. Nhưng cái tên VNCH để được chính phủ VNDCCH, hay CHXHCNVN chấp nhận hay không, thì cái tên không quan trọng. Dù cái tên gọi đó là gì đi nữa, thì vẫn là một chính quyền, một chế độ không CS, chống CS, đối nghịch và không chấp nhận CS tại miền Nam.

Các người gọi chính quyền và quân đội VNCH là ngụy?.

Ngụy là gì?

Là đánh thuê cho Mỹ? "Đánh đây là đánh cho Trung quốc, đánh cho Liên xô”. Tổng thống Ngô Đình Diệm và TT. Nguyễn Văn Thiệu đã không nói điều đó, hoặc tương tự với QLVNCH.

300. 000 quân Trung quốc, và quân đội Bắc hàn có mặt trên đất Bắc. Chuyên viên kỹ thuật và điều khiển hỏa tiển phòng không Nga, có mặt trên đất Bắc. Họ đóng vai trò của những đơn vị hậu cần, để thanh niên miền Bắc vào Nam. Một hình thức gián tiếp chiến đấu. Như vậy Ngụy là gì?

Do đó, nếu chính phủ CHXHCNVN không chấp nhận VNCH, có nghĩa là họ đã tự phủ nhận chữ ký của ông Phạm Văn Đồng trong bản Hiệp định Geneve năm 1954.

VNCH là một thực tế, một thực thể, một hiện hữu tại miền Nam VN, tại Sài Gòn, trong giai đoạn lịch sử từ năm 1954 đến 1975 VNCH có QLVNCH, đã đánh trả bọn bành trướng xâm lăng Trung quốc năm 1974 tại Hoàng Sa. Tiếng súng vẫn còn vang rền đó. Sự anh dũng hy sinh của các chiến sĩ Hải quân QLVNCH vẫn còn được nhắc nhở và truy điệu hàng năm. Trận chiến đó phải được lịch sử ghi nhận.

Không có VNCH, thì sao có các bà mẹ VN anh hùng để làm bia, làm tượng mà tuyên truyền?. Không có VNCH thì sao có đường mòn HCM? sao có bài Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây mà hát? Không có VNCH, thì lấy ai để gọi là Ngụy quân, Ngụy quyền?.

Chính quyền CHXHCNVN và các nhà làm sử XHCN có chấp nhận, hay không chấp nhận VNCH thì đối với chúng tôi, những người đã sinh sống tại miền Nam, việc đó vô nghĩa.

VNCH thuộc về lịch sử, hãy để cho lịch sử phán xét.

Tháng Tám, 2017



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo