Khi côn đồ đòi “đối thoại” với Linh mục - Dân Làm Báo

Khi côn đồ đòi “đối thoại” với Linh mục

Lê Thiên (Danlambao) - Dưới nhan đề “Vác súng đến nhà thờ Thọ Hòa đòi ‘đối thoại,’” bài tường thuật của Truyền thông BBC ngày 06/9/2017 ghi nhận: "Một nhóm đàn ông có trang bị súng và dùi cui đến giáo xứ Thọ Hòa hôm 4/9 đòi 'đối thoại' với linh mục Nguyễn Duy Tân vì cho vị linh mục này có ‘những lời lẽ phỉ báng Hồ Chí Minh và lật đổ chính quyền.’"

Theo BBC, Linh mục Nguyễn Duy Tân cho biết, tầm 10 giờ rưỡi sáng 4/9, một nhóm người đàn ông tự xưng là "người yêu nước", khoảng 20 người đi trên một chiếc xe 52 chỗ, đã kéo đến nhà thờ Thọ Hòa, ở Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Linh mục Tân kể: “Họ vào trong khuôn viên nhà thờ, dùng loa thùng lớn tiếng yêu cầu tôi đối thoại. Tôi thấy họ bất lịch sự quá nên không chịu đối thoại. Sau đó giáo dân xung quanh kéo đến đông hơn, họ phát hiện đám người này có súng và dùi cui, nên hai bên xảy ra cãi cọ xô xát. Lúc sau, chúng tôi kéo cổng nhà thờ lại thì một số bỏ chạy. Còn khoảng 13 người còn ở lại trong khuôn viên nhà thờ…” 


BBC còn cho biết, "trong các bản tường trình, 13 người này bị giáo dân bắt giữ đều nói họ là ‘người yêu nước’ và ‘muốn đối thoại với linh mục Nguyễn Duy Tân về những lời lẽ phỉ báng Chủ tịch Hồ Chí Minh và lật đổ chính quyền Đảng Cộng Sản,’" những điều mà Lm Tân quả quyết mình không bao giờ nói hay làm.

Lm Nguyễn Duy Tân còn kể với BBC: "Có một người cầm súng khi bị giáo dân lục soát thì ném qua hàng rào nhà [một người dân] và bị giáo dân bắt quả tang và bị đánh rất đau. Họ sau đó viết bản tường trình, xin lỗi và hứa sẽ không quấy rối."

Cùng với bài tường thuật, BBC trưng ra hình ảnh súng và dùi cui được giáo dân quay lại khi vụ việc xảy ra hôm 4/9/2017 cũng như hình sao chụp biên bản sau vụ việc hôm ấy (04/9) tại Giáo xứ Thọ Hòa - “BIÊN BẢN gây rối ở Giáo xứ Thọ Hòa. Biên bản được đọc cho mọi người cùng nghe và đồng ký tên.”

Theo BBC, qua điện thoại, công an trực ban huyện Xuân Lộc, cho BBC từ Bangkok biết hôm 6/9 rằng, cơ quan điều tra đang tiến hành điều tra xác minh, và chưa có kết quả vì còn phải xác minh một số đối tượng, mục đích động cơ. Khi được hỏi đối tượng điều tra là đối tượng nào, thì viên công an nói “phải hỏi cơ quan điều tra trên tỉnh.” BBC liên lạc với Cơ quan Cảnh sát Điều tra và Phòng cảnh sát Điều tra Trật tự xã hội tỉnh Đồng Nai thì các công an trực ban đều từ chối cung cấp thông tin và nói "đài [BBC] cần có giấy mời" mới có thể cung cấp thông tin.

Đối thoại, xảo ngữ của CSVN

Trên nhiều diễn đàn lề Dân, chúng tôi đã từng chứng minh rằng “đối thoại” hoặc “hòa giải, hòa hợp” kiểu Cộng sản Việt Nam (CSVN) chỉ là những từ ngữ trống rỗng người ta dùng để che đậy những cuộc “đối chọi” hoặc “đấu thụi” của nhà cầm quyền CSVN với dân bằng dao găm mã tấu đằng sau những mỹ từ ru ngủ, lừa bịp. 

Có người lên án chúng tôi phóng đại sự việc, xuyên tạc sự thật. Sự thật của CS thế nào, những ai đã trải qua thời CS toàn trị đều đã trải qua kinh nghiệm báo “SỰ THẬT” của Liên Xô và Nhà xuất bản SỰ THẬT của CS Bắc Việt... chuyên lấy giả làm thật! Sự thật của CSVN ngày nay cũng thế thôi. Luận bàn thật-giả, giả-thật là loại chuyện dài thời xã hội chủ nghĩa, nói hoài không dứt. Tạm gác nó đi để nói về chuyện lạ xảy ra ngày 04/9/2017 tại Giáo xứ Thọ Hòa, Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, ở đó một nhóm người đàn ông khoảng 20 tên, giống như một bầy sói dữ, mang súng đạn, roi điện và dùi cui sồng sộc xông vào nhà ở của một ông linh mục – thường gọi là nhà xứ, có lẽ toan làm thịt cái ông linh mục cứng đầu ở đó – linh mục Nguyễn Duy Tân! Thật may cho vị linh mục đã được giáo dân chạy đến giải cứu kịp thời! 

Luận về hành vi đám côn đồ xâm nhập nơi ở của một công dân, Lm GB Đinh Xuân Minh từ Đức viết trên một bài báo: “Họ đã vi phạm Hausfriedenbruch (Gây phá rối an bình gia cư). Chiếu theo luật pháp Đức, thì ai đột nhập vào gia cư bất hợp pháp, sẽ phải vào tù từ ba đến sáu tháng. Vì kẻ đột nhập còn mang súng, họ còn bị kết tội khủng bố uy hiếp (Körperverletzung). Tội này cũng vài năm không ít.” 

Chắc chắn không phải chỉ ở nước Đức, mà tại bất cứ quốc gia tự do dân chủ nào trên thế giới này, nhất là tại các nước Âu-Mỹ, luật chống xâm nhập gia cư bất hợp pháp là một mệnh lệnh luật pháp hết sức nghiêm minh và hệ trọng mà bất cứ ai vi phạm cũng đều bị trừng trị đích đáng. Huống chi kẻ vi phạm trang bị vũ khí với trên dưới 20 người tham gia. 

Chỉ cần hơn một người vi phạm có mang theo vũ khí cũng đủ yếu tố cấu thành tội phạm với trường hợp gia trọng! Đằng này, số người xâm nhập và toan làm điều càn quấy lên gần 2 tiểu đội. Sự thật, ở Mỹ, chỉ một người nào đó tự động (không được sự đồng ý của chủ nhà) bước chân lên thảm cỏ nhà người khác cũng đã đủ để bị kết tội xâm phạm tài sản của người khác rồi. Xâm nhập vào nhà người khác với ý đồ đe dọa đến sinh mạng thì chắc chắn tội chồng tội. Đông người tham gia và có trang bị vũ khí, thì hiển nhiên đó là tội khủng bố, như Lm Đinh Xuân Minh nêu rõ trong bài viết của ngài. Hành động khủng bố ấy mang lại cho nạn nhân hậu quả khó lường và lâu dài về tâm thần nếu không bị thiệt hại nơi thân thể hay về mặt vật chất! 

Nếu như Linh mục Nguyễn Duy Tân quả có phát ngôn hay hành động vi phạm luật pháp, thì việc xử lý thuộc thẩm quyền của cơ quan pháp luật, hà cớ gì một đám người “che giấu tông tích”, tự cho mình “yêu nước” để đòi “đối thoại” kiểu luật rừng, luật giang hồ đao búa đầu đường xó chợ? Bảo đó là “hành động tự phát ngoài vòng kiểm soát” nghe có được không? Lại im lặng trước sự việc đã xảy ra thì nếu không là đồng phạm thì cũng là đồng lõa thôi! Phải nói đó là hành vi bảo kê thì chính xác hơn! Nếu cơ quan công quyền không tiếp tay bọn tội phạm, thì hà cớ gì quanh co né tránh, trốn chạy sự thật khi cơ quan truyền thông độc lập (BBC) hỏi tới? 

Tư cách pháp nhân

Trong bài “Toàn văn phát biểu của ĐC Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Tổng thư ký HĐGMVN trong Hội nghị với Thủ tướng chính phủ”, trang tin VRNs (Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam) ngày 20/12/2016 ghi nguyên văn lời phát biểu của ĐC Khảm như sau: “Trên bình diện quốc nội, chúng tôi rất vui vì Chính quyền chấp thuận việc thành lập Học viện Công giáo Việt Nam, qua đó phản ánh mối quan tâm của Nhà nước trước những nhu cầu của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam. Những tín hiệu vui cũng thấy được từ Luật tín ngưỡng, tôn giáo, được Quốc hội thông qua ngày 18-11-2016 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2018; chẳng hạn việc công nhận tư cách pháp nhân phi thương mại của các tổ chức tôn giáo.”

Công nhận tư cách pháp nhân của các tổ chức tôn giáo, đó là một yêu cầu thực tế và chính đáng mà nhà cầm quyền CSVN đã luôn luôn khước từ, nay với Luật tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội thông qua ngày 18/11/2016… người ta đã thấy có dấu hiệu thay đổi. Tuy nhiên, phải chờ đến ngày 01/01/2018 Luật tín ngưỡng, tôn giáo ấy trong đó có điều khoản về tư cách pháp nhân mới có hiệu lực thi hành. 

Sự thật, người dân VN có mòn mỏi trông chờ cái ngày ấy đến thì cũng chỉ là một sự chờ đợi… mơ mộng hão huyền mà thôi. Bởi vì như ĐC Khảm đã chỉ ra, “bộ luật này có những bước thụt lùi so với những Dự thảo trước đây, ví dụ về việc tham gia của các tổ chức tôn giáo vào lĩnh vực giáo dục, y tế và bác ái xã hội (x. Dự thảo 5). Tất cả phản ánh một cách nhìn xem ra còn nhiều nghi ngại của Chính quyền đối với các tôn giáo.” 

Đức Giám mục Nguyễn Văn Khảm dùng từ, dùng câu cẩn trọng tuyệt vời đến như vậy. Nhưng đa số người dân trong nước thì lại quá rõ “CS nói vậy mà không phải vậy”. Người dân đã từng bảo nhau: “Đừng nghe những gì CS nói mà hãy nhìn vào những gì CS làm.” Đến nay, câu ấy vẫn còn là một lời cảnh báo vô cùng hữu ích cho mọi người dân Việt Nam trong nước! Bởi lẽ, khi Luật mới (về tôn giáo, tín ngưỡng) chưa ban hành, một văn kiện hành chánh đang manh nha xuất hiện siết chặt tôn giáo, chống lại chính bản Luật mà QHCS đã bỏ phiếu chấp thuận.

Không cần nại tới luật về “tư cách pháp nhân,” việc đông người mang vũ khí xông vào nhà người khác với mục đích đe dọa, uy hiếp tinh thần (đòi đối thoại dưới súng đạn và dùi cui và roi điện), và người khác ấy đang ở trong tư thế đơn độc bên trong khuôn viên cơ sở thờ phượng của tôn giáo, việc ấy cũng đã đủ cấu thành tội phạm rồi. Bao nhiêu thứ tội (accounts) và mức độ gia trọng như thế nào, chỉ cơ quan tố tụng độc lập, tự do và công minh mới xét định chính xác. 

Quyền con người?

Một đám người mất nhân tính vi phạm luật pháp trắng trợn về quyền con người như thế, song nhà cầm quyền CSVN một mặt né tránh làm sáng tỏ nội vụ trước công luận, tính tới chuyện cho chìm xuồng, mặt khác lại ầm ĩ tuyên truyền rằng đảng đang có kế hoạch đưa “nhân quyền vào chương trình giáo dục” nơi học đường VN ở mọi cấp học từ Tiểu học lên Trung học tới Đại học ở Việt Nam. Con dân Việt Nam học nhân quyền! Sướng chưa? Hay đây là cú lừa ngoạn mục đối với toàn dân, và là thủ đoạn đầu độc não trạng tuổi thanh xuân?

Song chắc chắn đó chỉ là thứ thùng rỗng kêu to mà thôi! Cũng như từ hơn chục năm nay, CSVN đã bao nhiêu lần cho dân VN ăn bánh vẽ “đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào chương trình Giáo dục Việt Nam” khêu gợi lòng ái quốc (?) của toàn dân và đặc biệt của tuổi trẻ VN nơi học đường xhcn! Thử hỏi bài học nhân quyền nào sẽ đưa vào chương trình giáo dục tại Việt Nam trong khi trên truyền thông VN, ngày nào cũng đầy dẫy những vụ vi phạm nhân quyền mọi nơi, mọi lúc! Rồi mỗi khi quốc tế lên án VN vi phạm nhân quyền thì cả một dàn tuyên truyền CSVN nã pháo phản bác kết tội quốc tế thiếu khách quan, sai sự thật! Suốt hơn 40 năm rồi kể từ 30/4/1975, đảng và nhà nước CSCVN có bao giờ được điểm nhân quyền chưa?

“Em ngươi đâu?”

Linh mục Nguyễn Duy Tân bị tấn công tại nhà xứ, trú sở mục vụ (hợp pháp) của ngài, đang lúc ngài có trách nhiệm chu toàn sứ vụ của “người môn đệ được sai đi”. Địa chỉ thường trú của Cha Tân là giáo xứ Thọ Hòa, Giáo phận Xuân Lộc. Giáo xứ Thọ Hòa có lẽ ít người biết, nhưng Giáo phận Xuân Lộc là một Giáo phận với nhiều cái nhất, đặc biệt là giáo phận đông giáo dân nhất, tinh thần đạo cao nhất dưới sự chăn dắt của vị Chủ Chăn đạo đức và uyên bác bậc nhất của GHCGVN đương thời. Giáo phận Xuân Lộc lại là thành phần của Tổng Giáo phận Sài Gòn do Đức Tổng Giám mục Bùi Văn Đọc coi sóc. 

Trong tư cách “người môn đệ được sai đi”, Cha Nguyễn Duy Tân thật may mắn có được giáo dân Thọ Hòa kịp thời bảo vệ. Họ hoàn thành nghĩa tình con cái đối với người cha thiêng liêng của mình một cách tuyệt hảo, giải cứu ngài khỏi nanh vuốt của bầy thú hoang hung hãn! 

Cha Nguyễn Duy Tân còn được chính những vi đồng liêu cùng là “môn đệ được sai đi” nhanh chóng chia sẻ hoàn cảnh của Cha. Cụ thể là “Thư hiệp thông với Linh mục Giuse Nguyễn Duy Tân và Giáo xứ Thọ Hòa, Giáo phận Xuân Lộc” đã được phổ biến trên các truyền thông lề dân. Thư Hiệp Thông ấy do nhóm linh mục “Nguyễn Kim Điền” đồng ký tên, gồm Linh mục Phê-rô Nguyễn Hữu Giải, Tổng Giáo phận Huế, Linh mục Ta-đê-ô Nguyễn Văn Lý, Tổng Giáo phận Huế, Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi, Giáo phận Bắc Ninh, Linh mục Giu-se Nguyễn Công Bình, Giáo phận Vinh. 

Còn những vị thay mặt Chúa ở trần gian đã sai Lm Tân đi và đang “giám quản” vị linh này cũng như đông đảo các vị đồng sự cùng được sai đi như Lm Tân, chẳng lẽ không vị nào biết có một “kẻ được sai đi” đang bị khủng bố, uy hiếp và đe dọa sinh mạng ngay tại nhà xứ của ngài? 

Có lẽ chỉ mỗi mình Linh mục Nguyễn Duy Tân mới có thể trả lời chính xác câu hỏi trên. Biết đâu các đấng bề trên cũng như các vị đồng sự xung quanh đã “âm thầm, kín đáo” hiệp thông, chia sẻ với Cha Tân, nhưng vì lòng khiêm cung, các đấng không muốn cho tay trái biết việc nghĩa do tay phải các ngài đã làm? Nếu quả thật vậy, thì người ngoài cuộc tốt nhất “biết thì thưa thì thốt, không biết thì dựa cột mà nghe.” Chỉ mong sao các đấng bậc trong Hội Thánh, nhất là trong hàng ngũ Chủ Chăn, đừng vị nào phải lúng túng trước câu hỏi của Chúa “Em ngươi đâu?” như Chúa đã hỏi Ca-in sau khi người em là A-bê-lê biến mất. 

Cách đây 7 năm, ngày 22/4/2010, Cha Pascal Nguyễn Ngọc Tĩnh, Dòng Phanxicô Việt Nam có một bài viết nhan đề “Em ngươi đâu?” nói về biến cố ĐTGM Ngô Quang Kiệt đột ngột rời khỏi ghế Tổng giám mục Hà Nội. Ở cuối bài, Cha Tĩnh kêu gọi những vị có trách nhiệm trong GHCGVN đừng “làm bất cứ điều gì để khỏi đối mặt với câu hỏi xưa Chúa đã hỏi Ca-in: ‘Em ngươi đâu?’ (St 4, 9).” 

Bây giờ, chỉ mới ngày 09 tháng 9, năm 2017 đây thôi, nhân chuyến Tông du mục vụ tại nước Colombia, trong bài giảng với hàng Giám mục nước Colombia, chính vị cầm đầu Hội Thánh, Đức Phanxicô lại cũng đặt ra câu hỏi y như vậy với các Giám mục CG ở đó: “Từ môi miệng các hiền huynh trong tư cách các mục tử hợp pháp của Chúa Kitô, Colombia có quyền được thách thức bởi chân lý của Thiên Chúa, Đấng không bao giờ ngưng đặt câu hỏi “em trai ngươi đang ở đâu?” (Xem St 4:9).” Rồi ngài nhắn nhủ tiếp: “Câu hỏi này không nên bị câm lặng, dù cho những người nghe nó không thể làm gì khác hơn là cúi đầu bối rối và lắp bắp vì xấu hổ mà nói rằng họ đã bán người em đó...”

Ước gì tiếng chuông từ vị Giáo hoàng gióng lên ở tận Nam Mỹ được vang dội mạnh mẽ trên mọi miền đất nước Việt Nam, thấm sâu vào lòng các đấng bậc lãnh đạo GHCGVN từ Tổng giáo phận, Giáo phận, xuống Giáo hạt, giáo xứ và cả giáo họ, giáo điểm… Làm sao lời thách thức “em trai ngươi đang ở đâu?” luôn là lời cảnh báo cho người tín hữu Công giáo Việt Nam, bất luận người tín hữu ấy thuộc hàng ngũ, đẳng cấp nào trong Hội Thánh. Để làm sao từ tiếng nói của Cha Nguyễn Duy Tân đến tiếng kêu của Cha Nguyễn Đình Thục, tiếng gào của Cha Đặng Hữu Nam và tiếng bênh vực cho Công lý của chính ĐC Nguyễn Thái Hợp, Chủ tịch UBCLHB thuộc HĐGMVN dù bị bóp méo, xuyên tạc, vẫn vang vọng và đạt hiệu quả. Dù chính bản thân các ngài bị ném vào vòng vây của sói dữ, tiếng nói của các ngài vẫn được đón nhận và nhìn nhận là tiếng nói của lương tri, của lẽ phải, của công bằng xã hội, của những con người chân chính và chính trực.

Quyền tự do được nói

Chúng tôi lại mạn phép trưng dẫn một số những lời vàng ngọc khác mà vị Thủ lãnh của người Công Giáo toàn thế giới ưu ái trao gửi cho các Giám mục Colombia vào ngày 09/9/2017. Ngài nhấn mạnh: “Chỉ một mình Thiên Chúa là Chúa Tể mà thôi; vì chúng ta là các người chăn chiên của Người, nên trái tim ta không được tùy phục bất cứ chính nghĩa nào khác.”

Vị Chủ Chăn hàng đầu của hàng tỉ người Công Giáo khắp thế giới nói tiếp: “Bởi thế, tôi khuyến khích các hiền huynh cố gắng biến Giáo Hội của các hiền huynh thành dạ con của ánh sáng, có khả năng hạ sinh những đứa con mới mẻ mà lãnh thổ này [nước Colombia] cần có, ngay giữa cảnh nghèo cùng cực. Các hiền huynh hãy tìm nơi nương náu trong lòng khiêm nhường của nhân dân các hiền huynh, và nhìn nhận các tài nguyên nhân bản và đức tin giấu kín của họ. Các hiền huynh hãy lắng nghe xem nhân tính tả tơi của họ đang khao khát xiết bao thứ phẩm giá mà chỉ có Chúa Phục Sinh mới ban được.” Chúng ta chú ý, vị Giáo hoàng chú tâm tới “tài nguyên nhân bản và đức tin”. Ngài không nói tới các tài nguyên thuộc về vật chất.

Sau cùng, nhà lãnh đạo Công giáo đã ân cần khuyến cáo các Giám mục sở tại: “Giáo Hội không cần phải liên minh với đảng này hay đảng nọ, mà chỉ là quyền tự do được nói với cõi lòng của mọi người nam nữ. Ở đấy, họ được tự do đối diện với các lo âu của họ; ở đấy, họ có thể tìm được sức mạnh để thay đổi đường đi của đời họ.”

Vị Giáo hoàng còn nhấn mạnh: “Tôi xin các hiền huynh nhìn vào những con người nam nữ cụ thể. Các hiền huynh đừng nói đến ‘con người’, nhưng phải nói về những con người nhân bản, được Thiên Chúa yêu thương và có xương có thịt, có lịch sử, đức tin, cảm xúc, thất vọng, tuyệt vọng…” 

Lề luật của kẻ mạnh thế không chế ngự được…

Trước khi nói chuyện với các Giám mục Colombia, ngày 07/9/2017 Đức Phanxicô đã gặp gỡ chính quyền nước này. Ngài nhắn nhủ nhà cầm quyền: “Công dân phải được tôn trọng tự do và phải được đảm bảo an ninh. Đó không phải là lề luật của kẻ mạnh thế nhưng là sức mạnh của lề luật, được mọi người phê chuẩn, để qui định sự chung sống hòa bình…” Ngài yêu cầu họ hãy “hướng khóe nhìn… vào những người yếu thế nhất, những người bị áp bức và bị đối xử tệ, những người không có tiếng nói, hoặc là vì họ đã bị tước đi tiếng nói ấy…”

Cũng vào ngày 07/9/2017, trước khoảng 22 ngàn bạn trẻ tập họp tại quảng trường Bogotá ở Bolivar, nước Colombia, ĐGH Phanxicô lại đưa ra những chỉ dẫn đanh thép không kém: “Đừng để cho những khó khăn đè bẹp các con. Ước gì tình trạng bạo lực không làm cho các con tan vỡ. Ước gì sự dữ không bóp nghẹt các con. Chúng ta tin rằng Chúa Giêsu, bằng tình yêu và lòng thương xót của Ngài vẫn là mãi mãi, đã chiến thắng sự dữ, tội lỗi và sự chết. Tất cả điều mà chúng ta cần làm là hãy ra đi gặp gỡ Ngài. Cha mời gọi các con … hãy dấn thân cho việc canh tân xã hội, để xã hội trở nên công bằng, bình ổn và sinh hoa trái….”

Chắc chắn không lời kết nào có khả năng lưu lại dấu ấn vững bền nơi cõi lòng chúng ta cho bằng chính những lời dạy dỗ của Đức đương kim Giáo hoàng Phanxicô mà chúng ta đã cùng suy ngẫm trên đây. 

20.09.2017



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo