Mahatma Gandhi * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Nói chung, nguyên tắc bất bạo động có nghĩa là người ta nhất định cố ý tránh tất cả các vũ khí tàn sát và tránh sử dụng bất kỳ vũ lực nào nhằm chống lại người khác.
Lời phê bình quen thuộc nhất về nguyên tắc này là chúng tôi - những người tin ở bất bạo động là những kẻ khờ dại ngây thơ chẳng có hiểu biết thực tế về cuộc đời. Lời chỉ trích ấy đặc biệt nhắm vào tôi, chính vì tên tôi thường gắn liền nhiều nhất với bất bạo động.
Họ nói giá như tôi không khờ dại đến thế, cứ cố tình nhắm mắt trước hoàn cảnh thực tại thì tôi ắt biết rằng bất bạo động không bao giờ có thể hy vọng thắng nổi lực lượng hùng mạnh và tàn bạo mà tiêu biểu là Quốc xã Đức và Nhật Bản, mà thực chất là sức mạnh vũ trang vô lương tâm. Bất bạo động, họ nói, có thể hoàn toàn rất hay trên lý thuyết, nhưng trong thực tế, vô vọng thay nó lại quá lý tưởng nên không thể có bất kỳ cơ hội thành công nào trong thế giới hiện đại của những sư đoàn thiết giáp, lính nhảy dù, máy bay ném bom này.
Phải chăng chúng tôi là những kẻ khờ dại ngây thơ? Phải chăng bất bạo động cũng gần giống như ảo tưởng mơ mộng mà đã không bao giờ có và có thể không bao giờ có sự thành công thật sự nào trong việc chống lại lực lượng hùng hậu của quân đội hiện đại và sự áp dụng không hạn chế vũ lực và khủng bố?
Lịch sử gần đây của Ấn Độ là câu trả lời cho câu hỏi này. Chúng tôi đã giành được chiến thắng lớn lao. Chúng tôi đã đối diện với lực lượng vũ trang hùng hậu nhưng chúng tôi đã không bị dẹp tan. Chúng tôi vẫn tồn tại; niềm tin vào bất bạo động vẫn tồn tại. Phải chăng chỉ một chiến thắng duy nhất đã đạt được không đủ để chứng minh rằng bất bạo động, khi được phát triển hoàn thiện hơn, có thể chống lại lực lượng vũ trang hùng hậu hơn để giành được chiến thắng lớn lao hơn?
Nhưng cho phép tôi miêu tả tín đồ chân chính của bất bạo động - người lính bất bạo động chân chính như tôi thấy.
Điều kiện cần thiết chính cho người lính trong quân đội bạo động là thân thể khỏe mạnh. Họ phải có điều này để phát triển khả năng giết người. Như vậy người già, thiếu niên non nớt và những người bệnh không được gia nhập.
Nhưng trong quân đội bất bạo động điều kiện cần thiết chính là khả năng chết cho niềm tin của ta. Điều này không phụ thuộc vào thân thể khỏe mạnh mà phụ thuộc vào tinh thần khỏe mạnh. Vì vậy, quân đội này có thể hoan nghênh vào hàng ngũ của mình những người già, thiếu niên, người mù, người bệnh và người tàn tật. Như vậy nhờ đấy quân đội bất bạo động có cơ sở quần chúng rộng lớn hơn; nó bao gồm không chỉ những thành phần nào đấy trong dân chúng mà bao gồm tất cả mọi thành phần.
Quân đội bất bạo động không sử dụng vũ khí. Nó rèn đao gươm thành lưỡi cày và giáo mác thành lưỡi liềm. Ngược lại với người lính trong quân đội bạo động được huấn luyện sử dụng bạo lực qua việc được dạy cách bắn, người lính bất bạo động không có thời gian hay nhu cầu cho điều này. Toàn bộ sự huấn luyện của người lính bất bạo động xuất phát từ việc họ săn sóc người bệnh, cứu người đang bị lâm nguy đến tính mạng, và trau giồi khả năng hy sinh cao quý nhất.
Người lính bất bạo động không nhìn nhận ai là kẻ thù bên ngoài. Anh chỉ có lòng trắc ẩn cho những ai coi anh là kẻ thù của họ. Anh tin không ai cố ý độc ác, không ai không có khả năng tự nhiên phân biệt giữa thiện và ác, và nếu khả năng ấy được phát triển hoàn toàn thì nó chín muồi thành bất bạo động. Không ai có thể vẫn còn là những kẻ thù khi đứng trước cách cư xử như thế và tinh thần như thế. Rốt cuộc nó phải cuốn hút họ và họ trở nên một phần của nó.
Vì vậy người lính bất bạo động cầu nguyện Chúa để giúp cho những người gọi là kẻ thù ngày càng phát huy ý thức thiện và ác này, và để ban phúc lành cho họ. Lời cầu nguyện của người lính bất bạo động cho bản thân là anh có thể luôn luôn ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn về đạo đức để anh có thể can đảm đối diện với cái chết.
Thân thể và tinh thần khỏe mạnh
Tôi đã nói quân đội bất bạo động hoan nghênh những người tàn tật, người già, người rất trẻ, người bệnh và người mù. Điều ấy là đúng. Nhưng nếu được, người lính bất bạo động phải tập luyện cho thân thể và tinh thần được khỏe mạnh, vì có những bổn phận nào đấy chỉ có thể thực hiện được bởi những người đã từng rèn luyện cơ thể.
Vì người lính bất bạo động phải có khả năng chịu đựng đánh đập tàn bạo, tra tấn, hủy hoại thân thể, đói khát và còn tệ hơn nữa, nhưng chấp nhận những điều này mà không sợ hãi và cũng không oán hận những người áp bức mình. Anh phải có khả năng đứng gác ở một chỗ duy nhất hết đêm này đến đêm khác, hết ngày này đến ngày khác; anh không được ngã bệnh cho dù anh phải chịu đựng giá lạnh, nóng bức, và mưa gió. Anh phải có sức mạnh để đi vào chốn hiểm nguy, để xông vào đám cháy, và có can đảm để vượt qua chính bao ám ảnh về cái chết. Anh phải có khả năng và tháo vác để lao vào nơi bạo loạn tưởng như không thể nào vào được, và có dũng cảm để lao xuống dòng lũ để cứu người chết đuối.
Ở Ấn Độ đã có những người có vũ khí nhưng họ lại vất vũ khí đi sau khi hân hoan chấp nhận bất bạo động và tự nguyện dấn thân không sợ hãi trước súng đạn và sắt thép.
Đây là người lính bất bạo động chân chính.
Tôi từng nghe nói rằng phong trào bất bạo động ở Ấn Độ có nhiều người theo chỉ vì nhân dân Ấn Độ là những kẻ hèn nhát không có vũ khí cho nên không thể tự bảo vệ mình; vì thế bất bạo động quả thực rất thích hợp với họ.
Dựa theo bằng chứng tôi đưa ra, phải chăng nhân dân Ấn Độ hèn nhát? Liệu người hèn nhát có can đảm phanh ngực ra trước mũi súng? Liệu có quân đội nào trên thế giới có thể thắng được những người lính như thế? Đã không sợ chết thì liệu Hitler, liệu Nhật Bản có thể đánh bại được họ không?
Hãy phán xét xem chúng tôi có có phải là những kẻ khờ dại ngây thơ hay không; hãy phán xét xem chúng tôi có lòng can đảm hay không! Hãy phán xét xem chúng tôi những người tin ở bất bạo động không có khái niệm thực tế về cách chiến thắng cái ác tồn tại trong thế giới ngày nay hay không!
Nguồn:
Dịch từ tạp chí Mỹ Collier's Weekly ra ngày 26 tháng Sáu năm 1943, trang 17. Nguyên tác tiếng Anh "I Still Believe In Non-Violence"
Người dịch:
Trần Quốc Việt