Mạnh Thu (Danlambao) - Sau bao nhiêu năm sống dưới áp lực của sổ hộ khẩu và tem phiếu, nhiều người thở phào cảm thấy nhẹ nhõm khi được tin Chính phủ ban hành nghị quyết bãi bỏ phương án quản lý dân cư bằng hình thức giám định Hộ khẩu mà thay vào đó bằng mã số định danh cá nhân. Vì bị mang trên người cái vòng kim cô Hộ khẩu và Chứng minh Nhân dân quá lâu nên khi nghe những thứ giấy tờ ấy được bãi bỏ, mọi người xem đây là bước tiến bộ, mà quên điều quan trọng là trong nghị quyết 112-NQ/CP, nhà nước vẫn duy trì việc quản lý dân cư, và việc quản lý này thông qua một phương tiện khác gọi là mã số định danh cá nhân để phù hợp với việc áp dụng phần mềm tin học mà công nghê thông tin trực tuyến.
Tuy nhiên, nói quản lý dân cư bằng mã số định danh cá nhân, nghe có vẻ “hiền lành” vì không cần giấy tờ, và có vẻ “tiên tiến” vì mã số cá nhân được điều hành bằng ứng dụng phần mềm và thông tin cá nhân được lưu trữ qua cơ sở dữ liệu. Người dân không còn phải đứng sắp hàng chờ đăng ký, điều chỉnh và sao lục. Nhưng trong ứng dụng tiên tiến này, người dân không biết mình bị quản lý một cách tinh vi và tàn tệ ẩn dấu bên trong mà cách quản ly hồ sơ bằng giấy tờ không làm được. Đó là con người sẽ bị thay thế bằng mã số. Bên trong mã số là một hệ thống điểm hạnh kiểm (credit system) qua đó hành vi của họ được chấm điểm và lưu giữ theo hết cuộc đời của họ. Từ hệ thống điểm hạnh kiểm này con người sẽ bị phân loại và số phận của họ được định đoạt tùy theo số điểm mà họ có. Đây là điều Trung quốc đang làm thí điểm ở một số nơi và họ nhắm tới năm 2020 sẽ áp dụng trên toàn cõi Hoa lục.
Theo Simon Danyer trong bài China wants to give all of its citizens a score - and their rating could affect every areas of their life (Trung quốc muốn dùng chính sách cho điểm người dân, và điểm số sẽ ảnh hưởng mọi mặt trên đời sống của họ) của tờ Independent Anh quốc ngày 22/20/2016 (1), chính phủ Trung quốc sẽ định danh công dân bằng mã số và lưu giữ hồ sơ cá nhân trên cơ sở dữ liệu được điều hành trên hệ thống thông tin trực tuyến. Trong hồ sơ dạng mã số này, ngoài thông tin cá nhân còn kèm theo hệ thống điểm để định giá “hạnh kiểm” hay “mức độ tin cậy” của từng công dân. Việc cho điểm căn cứ trên hành vi của cá nhân khi giao tiếp trong xã hội, bao gồm hạnh kiểm đối với người thân trong gia đình, sự tuân thủ luật đi đường, hồ sơ phạm lỗi, can án, giao dịch ngân hàng, nợ nần, thuế má, hồ sơ làm việc, hồ sơ giao dịch với Bác sĩ gia đình, với thầy cô, với chính quyền địa phương và việc chỉ trích Chính phủ. Một số thông tin trên sẽ được thu thập từ những giao dịch qua điện thoại cầm tay hay máy điện toán cá nhân mà các dịch vụ mạng đều do doanh nghiệp Hoa lục cung cấp.
Từ “số điểm hạnh kiểm” này, công dân sẽ được phân loại ngầm trên hệ thống mà người dân không biết. Tùy theo mức điểm mà người dân sẽ hưởng được hay không được hưởng một số quyền hạn trong giao dịch xã hội hay từ chính phủ. Thí dụ, việc nhỏ nhặt như đặt phòng khách sạn, đặt chỗ trong nhà hàng cho đến việc lớn hơn như xin cho con vào học trường tốt hoặc xin xuất cảnh.
Trong thí điểm thực hiện từ năm 2010 ở hạt Suining, tỉnh Jiangu miền Nam Trung hoa, người công dân có hạnh kiềm tốt sẽ được cho 1000 điểm. Nếu vi phạm luật lệ giao thông, họ bị mất 20 điểm. Vượt đèn đỏ hay uống rượu lái xe bị mất 50 điểm. Không chăm sóc cha mẹ già bị mất 50 điểm. Không tuân thủ, thách thức hay cản trở viên chức công quyền hay đảng CS bị mất 50 điểm. Dùng internet để bôi nhọ người khác sẽ mất 100 điểm. Ngược lại, nếu đạt được danh hiệu nhà nước (national honour) thì được công thêm 100 điểm.
Người dân ở đây được phân loại với thứ hạng A, B, C, D. Hạng A sẽ được chính phủ hỗ trợ trong việc làm ăn, kinh doanh, hay được cứu xét đặc biệt khi muốn xin vào guồng máy của đảng, của chính phủ, xin gia nhập quân đội hay xin thăng tiến. Hạng D sẽ không được sự hổ trợ nào từ chính quyền và cũng sẽ gặp khó khăn trong việc xin việc làm.
Với hệ thống này thân phận con người bị kiểm soát hoàn toàn một cách vô hình mà họ không thấy bị áp lực đè nặng của thanh gươm điểm hạnh kiểm trên cổ. Muốn được sống yên ổn, con người phải ngoan ngoãn để số điểm không bị sút giảm. Không những từng cá nhân bị cho điểm, mà cả doanh nghiệp tư nhân cũng bị quản lý bằng hệ thống điểm này. Đảng CS sẽ thâu tóm hoàn toàn số phận của công dân trong xã hội.
Đó là bối cảnh của toàn nước Trung hoa dưới chế độ CS trong năm 2020 mà chắc chắn nhà nước Việt Nam xem đó là mô hình mẫu mực noi theo như họ đã từng noi theo mọi chính sách của đảng CS Trung hoa từ khi theo đuổi kinh tế thị trường theo định hướng của đảng.
Từ lâu, từ khi mở cửa để thu hút du khách vào trong nước, ngành Công an VN đã áp dụng hệ thống tin học của Nga để quản lý chặt chẽ du khách về mặt an ninh qua mã số trên passport khi họ bước qua khâu Cảnh sát Hải quan tại phi trường. Từ bước áp dụng này, thì việc dùng mã số định danh cá nhân cùng việc áp dụng nguyên hệ thống quản lý công dân trực tuyến bằng công nghệ của Tàu chỉ là bước kế tiếp.
Những biến chuyển mới đây như việc lăm le ra luật An ninh mạng nhằm đuổi những dịch vụ cung cấp giao dịch trên mạng xã hội phổ biến như Google, Gmail, Facebook, Skype, Viber... mà dân VN đang xử dụng, hoặc để ép những doanh nghiệp này thỏa hiệp với chính quyền để lưu giữ thông tin tại nội địa. Kế tiếp là ban hành nghị quyết bãi bỏ sổ Hộ khẩu và giấy Chứng minh Nhân dân. Những biến chuyển mới này cho thấy rõ ràng chủ đích thu giữ thông tin cá nhân, thông tin giao dịch của người xử dụng mạng xã hội, để từ đó kết hợp thông tin này vào mã số định dạng cá nhân được ban hành sau nghị quyết 112-NQ/CP y hệt như những bước mà nhà nước CS Trung hoa làm với dân họ. Rồi số phận của mọi công dân VN được định đoạt bằng số điểm mà chính họ cũng không thấy.
10/11/2017