TNLT/Dân Oan Lê Thị Kim Thu (Danlambao) - Buổi ra mắt quyển “Bút ký Tù nhân” của Blogger Phạm Thanh Nghiên, được tổ chức tại Thư Viện Việt Nam, Garden Grove, California, lúc trưa Chủ nhật, ngày 25 tháng 2, năm 2018. Ban Tổ chức là Đài Phát Thanh Đáp Lời Sông Núi, đại diện là Ks Đỗ Như Điện; và nhà xuất bản Tủ sách Tiếng Quê Hương, đại diện là nhà văn Trần Phong Vũ.
Chương trình bao gồm các nghi thức thường lệ như: chào cờ Việt Mỹ, phút mặc niệm, giới thiệu BTC, quan khách hiện diện,... Sau đó là phần giới thiệu tác giả của Cựu Tù Nhân Lương Tâm / Dân Oan Lê Thị Kim Thu; kế đó, giới thiệu tác phẩm do nhà văn Trần Phong Vũ đảm trách; tâm tình của tác giả qua video clips; quan khách phát biểu; văn nghệ đấu tranh của Ban Tù ca Xuân Điềm; cuối cùng là phát biểu của quan khách: tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng, nhà báo Du Miên, ks Nguyễn Anh Giao và Ông Trần Quốc Bảo.
Số tiền thu được sau khi trừ chi phí, theo yêu cầu của tác giả, sẽ yểm trợ Mạng Lưới BLOGGER VN và Thầy giáo Vũ Hùng, người đang bị nhà cầm quyền bỏ tù.
Sau đây là trích đoạn bài giới thiệu tác giả của cô Lê Thị Kim Thu.
Bài Giới Thiệu Cựu Tù Nhân Lương Tâm Phạm Thanh Nghiên, Trong Buổi Ra Mắt Sách: “Những Mảnh Đời Sau Song Sắt”
Kính thưa Quý vị:
Kính thưa Quý vị:
Kim Thu rất hân hạnh được tham dự và đóng góp một phần nhỏ trong buổi ra mắt sách: “Những Mảnh Đời Sau Song Sắt”, của Tù Nhân Lương Tâm Phạm Thanh Nghiên, và là nhà tranh đấu đòi tự do, dân chủ nhân quyền cho đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.
Năm 2001, KT ra Hà Nội để tiếp tục một cuộc đời đòi công lý đầy gian nan của một cô gái nhỏ miền Nam, không bạn bè thân thuộc trên đất Bắc. Bơ vơ bước xuống tàu ở ga Hàng Cỏ với hai hàng nước mắt, đó là hình ảnh để KT có một cảm nhận rằng: “Sự đấu tranh khốc liệt giữa người dân với sự tàn bạo của bạo quyền CS, không thuộc của riêng ai, thành phần nào đó trong xã hội, mà là của tất cả mọi người, không phân biệt ai là ai”. Vì vậy, khi gặp Thanh Nghiên, một người con gái nhỏ nhắn mảnh mai, là KT có cảm tình ngay, vì sự giao cảm đó.
Người con gái này, không vì ốm yếu để không có sức chống chỏi, đương đầu với một sức mạnh; không vì hình hài gầy còm nhỏ bé, để không có ý chí đương đầu với nghịch cảnh, mà trái lại, ở trong con người này có tất cả các đức tính của một nhà hoạt động dân chủ như: quyết tâm, kiên cường, can đảm, và lòng yêu nước.
Đúng vậy, qua những thời gian qua, cô đã chứng minh những điều trên bằng những hoạt động của cô:
- Cô đã không nản lòng trước những sách nhiễu của nhà cầm quyền để vững bước đi.
- Cô đã không chùng bước trước nhà tù của bạo lực để bước vào.
- Cô đã không sợ họng súng của bạo quyền để tiếp tục bước tới.
- Cô đã không vì tương lai cuộc sống riêng tư, để dấn thân chung cho lý tưởng đã chọn.
Đó, là những điều thêm nữa, để KT phải có cảm nhận trong những lần gặp nhau, là cuộc đấu tranh này, không thuộc của riêng ai!
Tiện đây, KT xin kể một vài cơ duyên mà KT gặp được tác giả:
- 5 giờ sáng tháng 11 năm 2007, tình cờ gặp PTN khi mở cửa cho KT vào nhà cô Lệ, là thân mẫu cô Ls Lê Thị Công Nhân, để cùng cô tham dự phiên tòa Phúc Thẩm của Ls Lê Thị Công Nhân và Ls Nguyễn Văn Đài. Cô Lệ giới thiệu PTN là con gái nuôi ở Hải Phòng. Từ đó, KT biết được PTN, cô gái người bé tẹo cân nặng khoảng 36 kg.
- Có lần nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa ở Hải Phòng, nhờ KS Phạm Văn Trội đưa KT lên nhà anh Nghĩa thăm chơi. Một lần nữa, KT lại gặp PTN ở nhà anh Nghĩa cùng các anh em Dân Chủ và Sinh Viên. Sau khi trò chuyện và dùng cơm trưa xong, PTN đưa KT đến nhà chơi, thăm mẹ và gia đình, thì KT mới biết, qua tấm hình mà KT đã chụp cho các Dân Oan đi phản đối phiên tòa xử Ls LTCN và Ls NVĐ, có hình mẹ Thanh Nghiên.
- Và từ đó, KT và người con gái nhỏ bé mảnh mai của đất Hải Phòng thường có những lúc gặp bất chợt trong những hoàn cảnh tranh đấu éo le. Ngày 9-12-2007 là ngày khởi xướng xuống đường biểu tình đòi Hoàng Sa và Trường Sa trước Tòa Lảnh sự Quán của Trung Cộng, ở phố Hoàng Diệu Hà Nội, KT vừa thấy 2 chiếc xe sinh viên bất ngờ ập xuống đổ người biểu tình, thì từ xa cô gái bé xíu, vừa chạy vừa gọi: “Chị KT ơi! Em đây nè, trong dòng người biểu tình!”. KT hỏi Nghiên đi với ai, Nghiên nói có chú Nghĩa và bác Quận. Từ cuộc biểu tình đó, chúng tôi không có cơ hội gặp mặt nhau, nhưng qua điện thoại, chúng tôi đã liên lạc và có những cuộc biểu tình tiếp theo.
- Lần khác, vào tháng 9 năm 2008 là việc biết tin PTN bị bắt. Khi KT bị CSVN bỏ tù ở Hỏa Lò, an ninh Hà Nội cho KT và anh Lê Thanh Tùng gặp nhau ở phòng điều tra. KT động viên anh Lê Thanh Tùng và hỏi thăm các anh em ở bên ngoài thì được biết có PTN cũng bị bắt. Vừa thương, vừa lo sợ với sức lực của Nghiên không chịu đựng nỗi những ngày tháng trong nhà tù, những trận đòn tẩy não của CS. Thế mà, cô bé Thanh Nghiên lại vượt qua tất cả, vì con đường mà cô đã chọn cho quê hương, cho dân tộc VN.
Những cuộc gặp nhau giữa Thanh Nghiên và KT quá ít, vả lại sự gặp nhau rất ngắn ngủi khó viết thành một chuyện ngắn, nhưng trong lòng Thanh Nghiên cũng như KT, nó không ít và ngắn, bởi vì chúng tôi cùng đang đi trên một con đường dài, cùng một tâm trạng, cùng một lý tưởng, và cùng một mục đích.
Hôm nay, nói về Thanh Nghiên, KT xin gửi đến quý vị một niềm tin vào chánh nghĩa quốc gia, về sự đấu tranh chung cho dân tộc được tự do, dân chủ và nhân quyền, vì trên con đường đó có Phạm Thanh Nghiên.
Xin kính chào quý vị.
TNLT / Dân Oan Lê Thị Kim Thu.
Ủng hộ mua sách, xin liên lạc: Ô. Đỗ Như Điện, email: lienlac.dlsn@gmail.com
Tel: 408-663-9860.
Toàn cảnh Video Youtube giới thiệu sách "Những mảnh đời sau song sắt" của Blogger Phạm Thanh Nghiên từ Nam California
Nhà văn Trần Phong Vũ giới thiệu "Những mảnh đời sau song sắt" của Blogger Phạm Thanh Nghiên
Ông Đằng Giang - Đỗ Như Điện - giới thiệu "Những mảnh đời sau song sắt" của Phạm Thanh Nghiên.
Dân oan Lê Thị Kim Thu: Cảm nghĩ về tác giả "Những ảnh đời sau song sắt".
Tâm tình của Blogger Phạm Thanh Nghiên nhân ngày giới thiệu "Những ảnh đời sau song sắt".
Vài cảm nghĩ của khách mời về tác giả & tác phẩm "Những ảnh đời sau song sắt".
Ban tù ca Xuân Điền trong ngày ra mắt sách "Những ảnh đời sau song sắt" từ Nam California.