Ls Nguyễn Văn Thân (Danlambao) - Vào ngày 9/2, Tổng Thống Trump cho biết là ông sẽ bổ nhiệm Đô Đốc Harry Harris Tư Lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ làm Đại Sứ Mỹ tại Úc. Harris là một vị tướng 4 sao mang hai dòng máu Mỹ - Nhật đầu tiên nhậm chức Tư Lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ từ tháng 5 năm 2015.
Chức vụ Đại Sứ Mỹ tại Úc bỏ trống từ khi cựu Đại Sứ John Berry về hưu vào tháng 9 năm 2016. Sự chậm trễ của chính quyền Trump trong việc bổ nhiệm người thay thế khiến cựu Phó Thủ Tướng Úc Tim Fisher than phiền là Mỹ không tôn trọng đồng minh Úc. Fisher cho rằng đây là một hình thức trả đũa của Tổng Thống Trump vì Thủ Tướng Turnbull yêu cầu Mỹ thi hành cam kết nhận người tỵ nạn mà Tổng Thống tiền nhiệm Obama đã hứa với Úc. Nhưng thời gian chậm trễ được đền bù xứng đáng với ứng viên đại sứ. Harry Harris được hầu hết tất cả các nhà lãnh đạo chiến lược của Úc đón nhận một cách nồng hậu. Euan Graham, Giám Đốc Chương Trình An Ninh Quốc Tế của Viện Nghiên cứu Lowy phát biểu rằng Canberra thở phào nhẹ nhỏm và rất vui mừng với tin này. Peter Jennings, Tổng Giám Đốc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Úc (Australian Strategic Policy Institute) cho rằng Đô Đốc Harry Harris là một chiến binh trí thức văn võ song toàn có tầm nhìn đúng đắn và trung thực về tình hình an ninh và chiến lược tại châu Á - Thái Bình Dương và đặc biệt là ông nhận thức rõ tham vọng bành trướng và ý đồ đảo ngược trật tự thế giới dựa trên luật quốc tế của Trung Quốc. Thủ Tướng Turnbull cũng đã mau chóng gửi lời chào mừng Harris qua twitter.
Harry Harris sinh năm 1956 tại Yokosuka Nhật. Trong một cuộc phỏng vấn với ký giả Kirk Spitzer của tạp chí TIME đăng tải vào ngày 25/5/2016 nhân dịp ông chính thức nhậm chức Tư Lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ tại Trân Châu cảng, Harris cho biết bố ông là một người lính hải quân Mỹ đóng quân tại Yokosuka và cưới mẹ ông là người Nhật. Bố ông có 4 người anh em và tất cả đều phục vụ trong quân đội Mỹ trong Đệ Nhị Thế Chiến. Khi Harris lên 2 tuổi, bố ông giải ngũ và đưa gia đình về Tennessee. Tại đây, bố ông mua một nông trại nhỏ không có điện nước và bắt đầu cuộc sống mới với nghề làm ruộng.
Mẹ ông sinh ra trong một gia đình khá giả ở Kobe nhưng phải lìa xa gia đình vì những trận đánh bom trong chiến tranh. Sau cuộc chiến, bà tìm được việc làm trong căn cứ hải quân Mỹ tại Yokosuka và gặp bố ông. Sau khi di dân sang Mỹ, mẹ ông không dạy ông tiếng Nhật vì bà sợ tạo thêm khó khăn cho ông trong việc hội nhập. Nước Mỹ lúc đó vẫn còn nhiều vấn nạn kỳ thị, nhất là đối với người Nhật được coi là kẻ thù của Mỹ trong Đệ Nghị Thế Chiến. Nhưng bà đã dạy ông là phải tự hào với hai dòng máu Mỹ Nhật cùng với ý tưởng ''trách nhiệm'' (giri) của người Nhật và ông đã mang theo ý tưởng trách nhiệm này trong dòng máu của mình cho tới ngày nay.
Noi gương bố, Harris quyết định theo đuổi cuộc đời binh nghiệp và tốt nghiệp Học Viện Hải Quân vào năm 1978 chuyên về ngành kỹ sư. Trong lúc tại ngũ, ông học thêm và lấy bằng Cao Học Quản Trị Hành Chánh (Master of Public Administration) tại Harvard vào năm 1992. Sau đó, ông được học bổng Arthur S. Moreau để theo đuổi sự nghiệp của một học giả tại Oxford và Georgetown nơi mà ông tốt nghiệp Cao Học An Ninh Quốc Gia vào năm 1994.
Vào tháng 11 năm 2009, Harris nhận chức Tư Lệnh Hạm Đội 6. Hai năm sau, ông được bổ nhiệm chỉ huy trưởng Chiến Dịch Odyssey thi hành lệnh cấm bay (no fly zone) tại Lybia theo Nghị Quyết của Liên Hiệp Quốc. Harris nắm quyền chỉ huy Hạm Đội Thái Bình Dương vào ngày 16/10/2013 và được Tổng Thống Obama đề cử làm Tư Lệnh Thái Bình Dương vào tháng 4 năm 2014.
Harris coi Bắc Hàn là mối đe dọa an ninh lớn nhất tại châu Á nhưng ông chủ trương sử dụng chính sách pháp ngoại giao và cấm vận kinh tế cùng với biện pháp răn đe quân sự để làm Kim Chánh Vân thức tỉnh chớ không phải quỳ phục. Với Trung Quốc, Harris cho rằng ông lúc nào cũng nhận xét một cách công bằng. Từ khi được đề cử Tư Lệnh Thái Bình Dương vào năm 2014, Harris luôn chào đón sự tham dự của hải quân Trung Quốc vào các cuộc diễn tập RIMPAC (The Rim of Pacific Exercise). Khi Tập Cận Bình bội hứa với Obama và tiến hành xây dựng căn cứ quân sự tại Biển Đông, một vài người đã kêu gọi Mỹ nên ngưng không cho Trung Quốc tham gia vào RIMPAC. Nhưng Harris vẫn tiếp tục mời vì ông cho rằng Mỹ cần tiếp tục hợp tác với Trung Quốc ở những lãnh vực có thể hợp tác được gồm có chống khủng bố, hải tặc và cứu trợ nhân đạo. Nhưng ông chủ trương phải thẳng thắn đối đầu khi Bắc Kinh có ý đồ phá vỡ trật tự thế giới dựa trên luật quốc tế.
Theo Harris, yêu sách Đường Lưỡi Bò đòi hỏi 90% chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc là hoàn toàn phi lý. Vào năm 2015, ông cảnh báo là Bắc Kinh đang tiến hành xây ''Vạn Lý Trường Thành" trên những bãi cát ở Trường Sa và cho rằng ý đồ xây dựng căn cứ quân sự tại Biển Đông của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chiến lược và an ninh của Hoa Kỳ. Harris đề nghị gia tăng các chiến dịch tuần tra hàng hải đi sâu vào phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp tại Trường Sa. Nhưng một vài cố vấn khác của Tổng Thống Obama thì đánh giá nhẹ sự việc và cho rằng không nên đối đầu với Trung Quốc chỉ vì một vài hòn đá xa xôi ngoài khơi Thái Bình Dương không có giá trị kinh tế hoặc quốc phòng liên quan trực tiếp đến quyền lợi quốc gia của Mỹ.
Vào ngày 18/1/2018, Ấn Độ tổ chức diễn đàn Raisina có sự tham dự của chỉ huy lực lượng hải quân tứ quốc "kim cương dân chủ" là Đô Đốc Harry Harris, Đô Đốc Katsutoshi Kawano, Tổng Tham Mưu Trưởng Lực lượng Phòng Vệ biển Nhật Bản, Phó Đô Đốc Sunil Lanba, Tổng Tham Mưu Trưởng Hải Quân Ấn Độ, và Tư Lệnh Hải Quân Hoàng Gia Úc, Phó Đô Đốc Tim Barrett. Tại đây, Đô Đốc Harris đã thắng thắn nhận định Trung Quốc là một "thế lực gây rối làm biến đổi nguyên trạng" và làm "xói mòn lòng tin trong khu vực".
Trong buổi điều trần trước Quốc Hội Mỹ vào ngày 14/2, Harris cảnh báo là Kim Chánh Vân muốn phát triển vũ khí hạt nhân không chỉ để duy trì chế độ vương triều họ Kim mà còn muốn dùng nó như một công cụ để tống tiền Nam Hàn với mục đích tối hậu là thống nhất Nam Bắc Hàn dưới điều kiện do Bình Nhưỡng đặt ra. Với Trung Quốc, Harris cho rằng chiến lược Đới Lộ của Bắc Kinh là nhằm loại Mỹ và đồng minh ra khỏi khu vực để thống trị thiên hạ. Ông đi xa hơn nữa và lên án Trung Quốc có tham vọng bành trướng lãnh thổ với ý đồ phá vỡ trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế. Harris cho rằng phải nói rõ với Bắc Kinh là Mỹ sẽ không chấp nhận bất cứ biện pháp vũ lực nào của Trung Quốc ép buộc Đài Loan trong tiến trình thống nhất. Ông cũng cảnh báo là Mỹ phải chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh với Trung Quốc.
Đô Đốc Harris là cái gai trong mắt của Trung Quốc vì những nhận định thẳng thắn và công khai của ông. Bắc Kinh cho rằng ông là một vị tướng mang tư duy chiến tranh lạnh và có thiên kiến nhất đối với Trung Quốc. Báo chí do Đảng Cộng Sản Trung Quốc kiểm soát cáo buộc là ông ghét Trung Quốc vì mang dòng máu Nhật. Vào tháng 5 năm 2017, báo The Japan Times đưa tin là Tập Cận Bình đã sai Thôi Thiên Khải, Đại Sứ Trung Quốc tại Mỹ mặc cả với Tổng Thống Trump là nếu muốn Tập giúp giải quyết vấn đề Bắc Hàn thì Trump phải sa thải Đồ Đốc Harris. Hoàn Cầu Thời Báo cho đăng ý kiến độc giả sỉ nhục mẹ của Đô Đốc Harris là ''một con đĩ Nhật lấy lính Mỹ đẻ ra đứa con lai căng'', biểu lộ thái độ và bản chất của Ban Tuyên Giáo Đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Thật ra, vẫn còn một số đông người Trung Quốc nói riêng và người Á Đông nói chung mang nặng tư tưởng kỳ thị những người lai tây. Trung Quốc có 56 sắc tộc khác nhau. Ngay cả trong dân tộc Hán được cho là có phẩm chất cao hơn các sắc tộc thiểu số khác thì cũng có ít nhất 8 ngôn ngữ và tập tục khác nhau chẳng hạn như Quảng Đông, Chiết Giang, Mân Nam, Khách Gia... Không có gì gọi là thuần khiết. Ngày xưa, Hitler sử dụng chiêu bài chủng tộc Aryan thuộc hạng "ưu việt" để khích động người Đức thi hành chính sách diệt chủng. Ngày nay, Tập Cận Bình cũng kêu gọi Hoa kiều khắp nơi trên thế giới thể hiện tinh thần Đại Hán để đạt "Giấc Mơ Trung Hoa''.
Theo báo chí tường thuật thì Đô Đốc Harris được sự thán phục của các nghị sĩ hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ. Hy vọng là ông sẽ sớm được Thượng Viện Mỹ phê chuẩn và tiến hành nhậm chức Đại Sứ Mỹ tại Úc trong bối cảnh Canberra đang thảo luận việc ban hành luật ngăn cấm thế lực ngoại bang (có nghĩa là Trung Quốc) can thiệp và lũng đoạn thể chế và chính trường Úc. Trong thời gian qua, Bắc Kinh đã khá thành công trong việc bịt miệng một số chính khách, học giả và nhà báo buộc họ phải uốn lưỡi không dám phê bình Trung Quốc một cách công khai vì sợ làm phật lòng Bắc Kinh. Ngay cả nhà xuất bản có tầm vóc quốc tế như Allen & Unwin cũng phải hủy ý định xuất bản quyển sách ''Cuộc xâm lăng thầm lặng'' của Gs Clive Hamilton phơi bày mức độ thâm nhập vào học đường, xã hội và đảng phái chính trị của Úc. Nếu được phê chuẩn, Harris không chỉ là Đại Sứ Mỹ tại Úc mà sẽ đóng vai chính trong việc thực thi chiến lược duy trì khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương rộng mở và tự do của "Tứ Đại Kim Cương" là Mỹ, Ấn Độ, Nhật và Úc để đối trọng với kế sách "Vành Đai, Con Đường" của Trung Quốc. Tầm quan trọng của Đại Sứ Harris không phải là vì ông là một vị tướng giỏi có nhiều huy chương mà vì ông là một học giả uyên bác và là một trí thức thực thụ. Đó là một người thẳng thắn và cương trực dám nói lên những điều sự thật cần phải nói mà không sợ bất cứ cường quyền nào đe dọa.