Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) - Không phải ai cũng bị những sang chấn tâm lý sau khi ở tù. Nhưng có khá nhiều người tù và cả thân nhân họ bị nhiều triệu chứng thuộc lãnh vực "tâm thần học". Trong đó, căn bệnh "Rối loạn nhân cách" là một thí dụ.
Chứng "Psychopath"
Theo trang VNExpress: "Người bị "Rối loạn nhân cách (psychopath)" còn được gọi là thái nhân cách (trạng thái biển đổi nhân cách) là một trong những rối loạn khó phát hiện nhất. Nhìn từ bên ngoài, người rối loạn nhân cách có thể trông rất bình thường, thậm chí hấp dẫn, quyến rũ. Thế nhưng bên trong, họ thiếu thấu cảm và hối hận, mang tính cách mạnh bạo, tự cao tự đại và có những hành vi chống đối xã hội kéo dài..." (1)
Những người này có 8 biểu hiện cụ thể: Không có cảm xúc; Ngủ ít; Thích làm cho người khác cảm giác có lỗi; Thích thể hiện và luôn có sức hút đặc biệt; Rất yêu bản thân mình; Luôn nói dối; Vô trách nhiệm; Luôn phá vỡ quy tắc.
Hiện nay, có những người tù có những biểu hiện như trình bày trên, nhưng rất tiếc, không có một công trình nghiên cứu nào cụ thể từ phía các nhà khoa học Việt Nam, như một hình thức giúp đỡ những người tù chúng tôi. Với tư cách cá nhân đã ở tù và ít nhiều bị "hậu chấn tâm lý" (2) (Posttraumatic Stress Disorder), tôi cũng rất cần một bác sĩ chuyên ngành như vậy, nhưng thưa thật, không biết tìm ở đâu.
Rất mong những bác sĩ chuyên khoa hãy nghiên cứu, đánh giá cẩn trọng và rút ra kết luận như là một công trình khoa học nghiêm túc, ngõ hầu giúp ích cho nhiều người tù mà theo thiển ý của tôi, rất có khả năng họ đang mang trong mình một trong các thể "bệnh tâm thần".
Ngoài các chứng "bệnh tâm thần" kể trên, có nhiều ngộ nhận và sai lầm giữa các bạn tù, kể cả những người đã ra tù hoặc được xem là "tù dự bị".
Nhầm lẫn giữa "mục đích" và "phương pháp".
Nhiều người nhầm lẫn giữa "mục đích" và "phương pháp". Có những người lấy "phương pháp" làm "mục đích" theo cách mà một thời các học giả tranh cãi kịch liệt rằng: "Phương tiện biện minh cho cứu cánh" hay "Cứu cánh biện minh cho phương tiện". Thậm chí, một số người còn ngộ nhận ý nghĩa của "cứu cánh" là "cứu giúp" hoặc "cứu rỗi".
Nói cách khác, những người gọi là "đấu tranh" mà có biểu hiện không giống "ta", tức là họ trở thành "đối thủ" của "ta". Sự nhẫm lẫn tai hại này đã dẫn dắt nhiều người "lạc lối". Đôi khi, họ tự huyễn hoặc về khả năng, hơn là trình bày bản thân như một người hiểu biết theo cách khoa học cần phải có. Vì lẽ đó, khi không đạt được ý nguyện ban đầu, họ nhanh chóng rời bỏ việc đòi nhân quyền mà họ lầm tưởng đòi "cho nhiều người", nhưng "không có mình" trong đó. Dễ nhận thấy những người này, theo cách "mua bán có lời", nghĩa là: "Khi tôi bỏ ra một thì tôi phải được bù đắp năm, bảy lần" mà đó như là trách nhiệm của xã hội đối với họ, chứ không phải sự tự nguyện tương thân tương ái.
Những người này dễ rơi vào "bệnh giáo điều", khi xem việc đấu tranh đòi nhân quyền hiện nay như là một "công thức" bất di bất dịch (của toán học) do họ tự định ra, nhưng khá hời hợt, bởi không có nghiên cứu khoa học với thời gian đủ dài, trong khi lại tự suy diễn một cách phiến diện.
Cũng có khi, một số người nhầm lẫn giữa khái niệm "ôn hòa" và khái niệm "dĩ hòa vi quý".
Lấy "hiện tượng" thay cho "bản chất".
Ví như, họ lấy việc đọc được vài chục đầu sách về đề tài chính trị - xã hội, triết học hay kinh tế - chính trị để làm "kim chỉ nam" và cho rằng ai đó phải đọc nhiều hơn họ, thế mới đủ khả năng "đàm đạo". Họ bỗng quên mất, tri thức không nhất thiết phải đọc sách nhiều hay ít mà quan trọng hơn, khả năng tiếp nhận hiện thực (một phần thông qua sách) của bản thân đến mức độ nào. Đặc biệt, tư duy phản biện dựa trên tự do tư tưởng có khoa học hay không. Cũng như cách tiếp cận vấn đề có khách quan hay không.
Cũng từ việc lấy "hiện tượng" thay "bản chất", có những người tù lấy "số năm tù" để "định giá" "số má" với ngay cả những bạn tù (ở đây, tôi xin phép không đề cập về tù thường phạm). Đó là điều rất đáng tiếc. Những bạn tù này quên mất, "ở tù càng lâu lạc hậu càng nhiều", bởi chế độ kiểm duyệt thông tin quá nặng trong các trại tù. "Số năm tù nhiều", chỉ chứng tỏ được sự khắc nghiệt, tàn bạo và tăng cường đàn áp của nhà cầm quyền, nó không làm đầy đặn tri thức. Kể cả, lòng nhân ái và tính vị tha, dường như cũng dễ thui chột theo năm tháng tù đày. Sự khắt khe càng lên "ngôi thứ bậc", ngay giữa những người bạn tù, thông qua "số năm tù". Thậm chí, có những người bị "hội chứng stokholm" và "hội chứng tự kiểm duyệt" mà không hay biết, vì thế dễ làm những việc trái đạo lý.
Pha trộn phạm trù "chính trị" với "đạo đức"
Đây cũng là một trong các "chướng ngại vật" mà nhiều người có thể không có khả năng vượt qua, hoặc giả, có thể họ hiểu nhưng cố tình lấy "đạo đức cá nhân" pha tạp vài phép ngụy biện để "tấn công chính trị" người khác.
Đôi khi, họ không phân biệt hay đánh đồng giữa "đạo đức cá nhân" và "đạo đức chính trị".
Chính sự "chồng khít" hai "giá trị đạo đức" nói trên, khiến tệ "sùng bái cá nhân" như là "viên kim cương không tì vết" trở thành chuẩn mực, khi đánh giá thái độ hay hành động chính trị của những người đấu tranh. Chính nó đã làm thui chột giá trị "Làm Người" và gieo cảm giác nản lòng cho quảng đại quần chúng, khi bất cứ một hành vi hay việc làm nào đó cũng được đưa lên "bàn mổ" với những "bác sĩ tay ngang" như vậy.
Tương tự như thế, nhà cầm quyền Việt Nam mắc phải sai lầm giữa "đức trị" và "pháp trị" trong hiện tình hôm nay - đó là thành tố quan trọng nhất làm cho xã hội Việt Nam tiếp tục trì trệ, bất chấp mọi sự vật, hiện tượng đang thay đổi quá nhiều và biến đổi quá nhanh. Biểu hiện rõ nhất hiện nay, công cuộc "đốt lò" do ông Nguyễn Phú Trọng ráo riết thực hiện, nó chỉ cho thấy như là "lấy đức trị nhân" của một "minh quân", thay vì sử dụng pháp luật theo chuẩn mực quốc tế. Đây cũng là lý do làm nhiều người tin rằng, việc chống tham nhũng rồi cũng chỉ là đi "loanh quanh cho đời (thêm) mỏi mệt".
Điều này cũng góp phần lý giải cho hiện tượng "Thượng Hoàng vạn tuế", vẻ như vẫn còn rất đắc dụng với chủ trương "học và làm theo..." các loại mà mới đây việc ông Tập Cận Bình có khả năng nắm quyền vĩnh viễn, ít nhiều sẽ gây tác động lên Việt Nam, bởi vốn dĩ có chung một "thể chế chính trị".
Chịu nhiều ảnh hưởng từ Khổng giáo và hủ nho
Một trong những câu ngạn ngữ cổ của người Trung Hoa mà rất nhiều người biết: "Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy", dường như nó vẫn hiển hiện trong cuộc đấu tranh đòi nhân quyền Việt Nam hiện nay. Biểu hiện này, ngay cả nhà cầm quyền cũng đang sử dụng triệt để trong việc thi hành án hình sự thông qua việc "nhận tội" hay "không nhận tội", bất chấp chính họ đang vi phạm "Luật thi hành án hình sự" và thông tư liên tịch 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC "HƯỚNG DẪN THI HÀNH CÁC QUY ĐỊNH VỀ GIẢM THỜI HẠN CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ ĐỐI VỚI PHẠM NHÂN" ban hành ngày 15/5/2013, có hiệu lực từ 01/7/2013; trong đó tại điều 6 chương 2 không hề quy định tiêu chuẩn để được giảm án là phải "nhận tội".
Bên cạnh đó, tính "hủ nho" với "tam cương ngũ thường" còn khá nặng, nhưng được biểu hiện mới hơn trong bối cảnh xã hội hiện nay, thông qua việc siết chặt nhân quyền trên cả lý thuyết (bằng Luật HS mới) và trên thực tế với án tù ngày càng nhiều và càng cao, cũng như ngay cả "án quản chế" mà người viết và nhiều bạn tù đã và đang trải qua, vốn chỉ có giá trị khi chưa có internet. Hiện nay, ngoài việc làm mệt mỏi cho cả đôi bên, "án quản chế" không mang lại tác dụng gì hơn.
Nói cách khác, nếu người dân không chấp nhận "trung với đảng", mặc nhiên phải chịu mang tiếng "bất hiếu với cha mẹ", "bạc tình với vợ (chồng) con" mà tình cảnh nhà báo Phạm Đoan Trang là một ví dụ mới nhất về "tam cương ngũ thường" bị biến dạng. Đó cũng là cách lý giải để nhiều người hiểu thêm sự trì trệ của VN trong trật tự xã hội phong kiến vẫn "đặc quánh". Việt Nam vẫn đang đắm chìm trong những "hủ tục" như vậy.
Mặt khác, công luận cũng thường đánh giá "chí khí" của những người "không nhận tội" hơn là cảm thông với những người "nhận tội". Đó phải chăng, cũng là một cách lý giải "học thuật" gọi là "quân tử Tàu", nó vẫn còn đậm nét trong xã hội hiện nay?
Người Việt Nam có truyền thống chống Tàu ngàn năm? Không có gì bàn cãi. Dường như, vì "cái ngàn năm đó", nên "văn hóa đấu tranh Nhân Quyền" hiện nay vẫn chịu ảnh hưởng nhiều từ "Khổng Tử & hủ nho" ?!
"Kiếm vé" và "giải thưởng"
Có lẽ vì thế, một luồng suy nghĩ theo trào lưu hiện nay, kể cả phía nhà cầm quyền: Đấu tranh chỉ là phụ, "kiếm vé" đi Mỹ là chính.
Mới đây, một số bằng hữu đã viết thư kêu gọi cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và cô Trần Thị Nga hãy vì tương lai các bé (con của các cô ấy) còn quá nhỏ dại và vì sinh mạng của bản thân, nên xuất ngoại, dù biết rằng "chẳng ai chọn ngục tù làm phòng chờ để kiếm tìm sự ra đi cả". Nếu xét yếu tố "đạo đức", việc làm này không sai. Tuy nhiên, có thể những bằng hữu này, vẫn chưa thoát khỏi "sự pha trộn giữa đạo đức và chính trị" cũng như chịu nhiều ảnh hưởng của "tam cương ngũ thường" như phân tích trên.
Một người bạn tù đã khéo léo từ chối một giải thưởng quốc tế thuộc về lãnh vực "Nhân Quyền", bởi người đó biết rõ hậu quả mình có thể gánh lấy. Các tổ chức trao giải, bấy lâu nay, hình như không nghiên cứu "văn hóa chính trị" phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Do đó, đôi khi họ làm người nhận giải trở nên phiền toái và cả nguy hiểm chực chờ người được vinh danh "đi về phía" nhà... đá!
Phần đã đăng:
*
Một lần nữa, Nguyễn Ngọc Già cám ơn rất nhiều:
- Các anh, các chị: LS Lê Công Định, LS Hà Huy Sơn, Bạch Cúc, Tâm Như, Bùi Thị Minh Hằng, Vũ Đông Hà, Phùng Mai, Nguyên Thạch, Phan Châu Thành, Lê Thăng Long, Lê Vĩnh Trương, Lê Hải Lăng, Trần Quốc Việt, Người Đưa Tin, nhà báo Gia Minh, nhà báo Mặc Lâm, Nguyệt Quỳnh, Hải Điếu Cày, nhà báo Trương Duy Nhất, nhà văn Võ Thị Hảo, Hạt Sương Khuya, nhạc sĩ Đình Đại, nhạc sĩ Tuấn Khanh, Dương Thị Tân, bác sĩ Lê Phương, bác sĩ Trần Ngọc Quảng Phi, gia đình anh Trần Huỳnh Duy Thức, Người Buôn Gió, Trần Minh Trường (Hồ Gươm), nhà báo Bùi Tín, nhà văn Tưởng Năng Tiến... và chắc chắn còn nhiều anh, chị mà Nguyễn Ngọc Già không thể nào nhớ ngay một lúc. Vui lòng miễn chấp cho một người vừa ra tù và đầu óc vẫn còn khá "nặng nề".
- Các báo đài và tổ chức: RFA, Dân Làm Báo, BBC, VOA, RFI, HRW, CRD, FH, RSF, MLBVN, CLB Lê Hiếu Đằng, Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm v.v...
- Các em: Phạm Thanh Nghiên, Huỳnh Anh Tú, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Dương Đại Triều Lâm, Vũ Huy Hoàng, Phạm Đoan Trang, Thảo Teresa, Nguyễn Hoàng Vy, Phạm Lê Vương Các, Trần Vũ Anh Bình v.v...
Không thể nào "đong hết và đếm nổi" những tấm lòng của độc giả và bằng hữu gần xa đã giúp đỡ tiền, an ủi tinh thần, chia sẻ những đau buồn của Nguyễn Ngọc Già.
Nguyễn Ngọc Già không biết nói gì hơn ngoài lời "Tri Ân Tất Cả"!
_______________________________________
Chú thích: