Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) - Chúng ta biết "quy trình ở tù" trải qua nhiều "công đoạn". Những gì viết dưới đây chỉ có ý nghĩa và một phần hữu hiệu, đối với những bạn tù và quý vị độc giả cùng đồng tình phương châm của tôi: Sự Thật + Pháp Luật + Bền Bỉ.
Dù cố gắng mô tả chi tiết nhiều nhất, nhưng điều đó không có nghĩa bản thân tôi thực hiện đúng và đủ. Bây giờ nhìn lại mới thấy, bản thân mình thiếu sót nhiều điều. Vì lẽ đó, tên gọi "kinh nghiệm xương máu" đáng để cho tất cả chúng ta cùng suy ngẫm. Rất mong các bạn đã ra tù đóng góp thêm.
Hãy luôn luôn có bốn bộ luật: LHS, LTTHS, Luật thi hành tạm giữ - tạm giam, LTHAHS ở nhà hay trong cốp xe. Hãy đọc và gạch dưới những điều luật liên quan đến mình, dù đó là nội dung truy tố hay thủ tục đưa bạn ra tòa hoặc tạm giam, thi hành án. Rảnh rỗi là đọc. Đọc nhiều lần, bạn sẽ nhớ. Đây là thiếu sót lớn nhất của tôi.
Bắt khẩn cấp
Dù họ đi bao nhiêu người, địa điểm bắt (tại nhà, cơ quan, quán ăn, nhà bạn bè của mình v.v...) bạn vẫn nên bình thản, không to tiếng nhưng kiên trì yêu cầu, chỉ làm việc với những người mặc sắc phục, có bảng tên và cấp hàm rõ ràng, tất cả những người còn lại, yêu cầu ra khỏi nhà (nếu là cơ quan, quán ăn v.v... buộc những người đó tránh ra. Không trả lời, không đôi co với những người mặc thường phục). Dứt khoát không làm việc, không nói một ý nào khác, cho đến khi yêu cầu hợp pháp này được thực hiện. Đừng để sự khiêu khích, quát tháo của đám đông làm bạn phân tâm, rối trí hay nổi giận. Đặc biệt, không nên chửi hay dùng lời lẽ thách đố, khiêu khích để đáp trả (Ví dụ: Họ hét lên: "Tao đập mày, tao bóp cổ mày v.v...", bạn không nên đáp trả "Mày ngon mày làm đi! v.v..." mà hãy bình thản nói: "Các ông là người thi hành công vụ, không được đe dọa dân")
Giả sử họ thực hiện theo yêu cầu của bạn, bạn bắt đầu yêu cầu họ đọc lịnh khám nhà, lịnh bắt khẩn cấp và bạn phải yêu cầu họ đưa cho bạn đọc lại, trước khi hướng dẫn họ khám nhà. Nhắc lại, chỉ những người mặc sắc phục mới được phép đi theo hướng dẫn của bạn. Khám từng phòng. Xong phòng nào, thì đóng cửa phòng đó lại. Bất kỳ vật gì, giấy tờ gì, lấy ra khỏi phòng, bạn đều phải xem kỹ, trước khi đưa cho họ lập biên bản. Đặc biệt, laptop hay desktop, smart phone không bao giờ cung cấp password, kể cả email, facebook v.v... Họ muốn làm gì với những thứ đó của bạn, cứ để họ làm.
Trước khi làm những "động tác" nói trên, nếu gia đình bạn có bao nhiêu người (vợ, con, cha, mẹ v.v...) phải yêu cầu họ mời tất cả những người này về chứng kiến và sau đó đại diện gia đình của bạn, bản thân bạn ký vào biên bản. Họ cũng mời "tổ trưởng" hay "trưởng khu phố" vào cho "đủ bộ" (cứ để họ mời).
Trong trường hợp đã rất kiên trì và ôn hòa nhưng họ không thực hiện, dứt khoát không ký vào bất kỳ giấy tờ nào, ngay cả những giấy tờ họ in từ máy tính của bạn ra ngay trước mặt bạn.
Luôn luôn tâm niệm trong đầu một "hằng số": Chúng ta - Người dân. Họ - Người thi hành công vụ. Hãy suy ngẫm "hằng số" này thật kỹ. Tối quan trọng.
Không được để họ động chạm vào bất kỳ bộ phận nào trên thân thể bạn.
- Ví dụ 1: Họ hét lên: "Tao còng mày bây giờ!". Hãy bình thản nói: "Các ông đang vi phạm pháp luật", "Không được phép xưng hô tao mày, vì các ông là người thi hành công vụ". Nếu họ vẫn quyết còng, hãy đưa tay ra cho họ còng (nhấn mạnh, phải là người đang mặc sắc phục còng bạn - vui lòng đừng quên). Đừng chống cự, bởi đau đớn và vô ích. Nếu bạn chống cự, hãy nhớ, chính bạn đã "tạo điều kiện" cho họ có quyền phạm vào khoản 1 điều 20 HP 2013 "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể...", bởi họ là "Người thi hành công vụ" đang "thi hành công vụ".
- Ví dụ 2: Giả sử đi ra xe, họ chuẩn bị đưa tay chạm vào tay bạn, hãy nhẹ nhàng đưa tay lên để tránh và ôn tồn nói: "Để tôi tự bước vào" và nhanh chóng bước vào xe.
Tình huống thì vô vàn, nhưng vui lòng nhớ, không bao giờ để họ chạm vào người bạn. Ngay cả khi tôi bị đi cùm, tôi cũng không bao giờ để họ phải chạm vào hay lôi kéo.
Khi ra khỏi nhà, nhớ mang theo: tiền (chừng 1 - 2 triệu), 2 - 3 bộ quần áo & đồ lót (đối với nữ), 2 quần đùi & 1 áo thun (đối với nam), thuốc men (nếu bạn đang bị bịnh), một áo khoác, 2 khăn mặt, 1 cây kem đánh răng & bàn chải (vào tù họ sẽ chặt bàn chải ngắn ngủn chỉ còn 3 phân, họ nói là để bảo vệ an toàn cho bạn vì sợ bạn tự tử v.v...), 1 cục xà bông, 1 muỗng nhựa, 1 tô nhựa (tiếng lóng gọi là "bo"), 1 ca nhựa loại 2 lít (nếu bạn không mang theo, vào tù họ sẽ bán cho bạn). Chọn một bộ đồ tây (tốt nhất là quần tây và áo thun (nam mặc 1 quần đùi ở trong, đừng mặc quần lót, đừng chọn quần jean) màu sáng mặc ra khỏi nhà, mang dép nhựa. Vào tù, họ sẽ phát cho bạn 1 chiếc chiếu có thể rất nhỏ (dành cho trẻ em), 1 cái mùng, 1 cái mền. Không bao giờ họ giam bạn 1 mình (ít nhất là cùng với 1 người). Hãy chủ động làm quen một cách hòa nhã và văn minh (dù cho đó là "người nhảy sô") với tư cách người vô tội. Việc làm quen để học những điều sơ đẳng nhất: ví dụ làm sao mắc mùng, se dây nylon, dùng cơm để làm keo dán v.v...
Hãy nói với người thân an tâm, chờ tin và đọc các bộ luật mà bạn đã để sẵn ở nhà. Cứ theo luật mà làm tất cả những giấy tờ và thủ tục có liên quan đến bạn. Trước hết đọc LTTHS (điều 13, 15, 17, 18, 19 v.v...), Luật thi hành tạm giữ - tạm giam (điều 8, 9, 13, 18 khoản h v.v...). Hồi tôi bị bắt, chưa có Luật Thi hành tạm giữ - tạm giam.
Cần nhớ, trách nhiệm của họ là bảo đảm việc thực thi pháp luật và đòi hỏi là quyền của bạn với chân lý "Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm" và họ "Chỉ được làm những gì pháp luật cho phép". Điều này không có nghĩa các yêu cầu hợp pháp của bạn được họ đáp ứng. Tuy nhiên, vui lòng nhớ rằng: "Đòi thì chưa chắc được, nhưng không đòi thì không bao giờ được".
Vui lòng căn dặn gia đình, không được bấn loạn. Giai đoạn này chưa cần đến luật sư ngay. Tốt nhất, gia đình làm hết tất cả mọi việc, vì vậy cần phải nhắc gia đình nhiều lần đọc luật và làm đúng theo luật. Nếu bất kỳ ai có gia đình cảm thông và có bạn bè ủng hộ thì quá tốt, để cùng nhau ngồi lại nghiên cứu luật.
Tạm giữ, tạm giam
Khi tôi bị bắt, luật này vẫn chưa có. Tuy nhiên, hãy đòi lịnh tạm giữ. Hết hạn tạm giữ, đòi tiếp lịnh tạm giam. Phải đòi cho bằng được. Nếu họ phớt lờ, thì báo cai tù vào những lúc điểm danh, nhận cơm v.v... nói chung, bất kỳ thời gian nào cũng được. Sau chừng vài tiếng đồng hồ, họ vẫn không giao, hãy ra ngay ô cửa nhỏ (để giao cơm, nước) bình thản, kêu to với giọng chậm rãi và tròn chữ, đòi "trả tự do" cho đến khi nào lịnh này được giao. Vui lòng nhớ kỹ, "đòi tự do" chứ không đòi "lịnh tạm giam".
Từ đây đổ đi, tất cả các văn bản quy phạm pháp luật, bạn phải chịu khó giữ cẩn thận, có thể bỏ trong một bọc nylon và không bao giờ giao cho bất kỳ ai, cho đến khi gặp gia đình hoặc/và luật sư mà bạn tin tưởng.
Đi cung và hỏi cung
Bây giờ bạn đã là "tỷ phú thời gian". Hãy "phung phí thời gian" vào việc suy nghĩ và ứng phó với tất cả những gì bạn có thể nghĩ ra cùng với việc tập thể dục và yoga, bạn sẽ cảm thấy "mau hết giờ". Hãy nhớ về sở thú. Bây giờ, bề ngoài bạn hãy xem mình là một con thú vừa bị dính bẫy, điều đó sẽ lý giải cho bạn, tại sao các loài hổ, báo v.v... luôn đi qua đi lại trong chuồng. Bạn cũng thế, không bao giờ được ngồi một chỗ, như bạn tôi - Phan Châu Thành đã viết (1) (trích): "... Hết phải “đi cung” mà vẫn không có án, bọn nó giam mình với 2 người tù có án khác trong buồng giam dài khoảng 3,5m rộng 2,4m gồm một đầu có toilet xi-măng và bể nước hai bên chiếm khoảng 80cm chiều dài buồng, phần giữa là lối đi và hai bệ xi-măng làm giường dài 2m đều rộng 80cm (mình phải ngủ ở lối đi ở giữa đó), và cộng khoảng “sân” ở đầu giường khoảng 80cm nữa theo chiều dài buồng, có cửa vào, đó là buồng “tạm” giam gần 2 năm của mình...”
Anh kể: "Để không bị điên, mình đã phải đi bộ điên cuồng trong buồng giam và hình dung là mình đi theo Quốc lộ 1 từ Cà Mau ra Sài Gòn ra đến Ải Nam Quan và về lại vừa đến Sài Gòn thì được tha, tổng cộng khoảng gần 4000 km...” Tôi không hiểu anh, hỏi lại: “Anh đã đi bộ ở đâu? Lúc nào?” Anh giải thích: “Mình đi bộ hàng ngày trong buồng tạm giam suốt gần 2 năm đó, từ toilet dọc lối đi đến “sân” đầu giường xi-măng thì quẹo vô tường, được 5 bước một chiều, 10 bước một vòng dài tổng cộng 6m, mỗi ngày mình đi bộ “ra Bắc hoặc vào Nam” đúng 2000 vòng như thế bằng khoảng 12kms một ngày, mất khoảng 4 tiếng mỗi ngày. Hầu như ngày nào mình cũng đi và đo đếm lại..." (hết trích)
Tôi chỉ thêm một ý của Phan Châu Thành mà có lẽ bạn anh PCT không nghĩ đến: Hãy "vừa đi đường vừa kể chuyện (ý lộn! vừa suy nghĩ)". Đi đến khi nào bạn cảm thấy mỏi gối và gót chân của bạn cảm thấy, ban đầu là mềm và sau đó chai dần, tức là bạn đã quen rồi đó. Khi đó, bạn hãy ngồi nghỉ... "giải lao" và tiếp tục, khi hết mỏi gối. Hãy vừa đi vừa suy nghĩ về các cách ứng phó, về những câu hỏi họ có thể đặt cho bạn, về những điều tích cực. Nếu hình ảnh gia đình (nhất là vợ (chồng) con, cha mẹ v.v...) xuất hiện trong đầu bạn, nên gạt bỏ ngay với suy nghĩ: "Dù gì đi nữa mình cũng không thể làm được gì cả. Giữ sức khỏe và tỉnh táo cho bản thân tức là mình đang làm cho gia đình mạnh khỏe và yên lòng".
Hãy đòi tắm nắng, đòi mỗi ngày. Nhắc lại câu "tục ngữ" của tôi: "Đòi thì chưa chắc được nhưng không đòi thì không bao giờ được". Đòi cả cạo râu, cắt tóc, khi nào bạn thấy cần cắt tóc, cạo râu.
Vui lòng nhớ, không để xao lãng tinh thần vì những câu chuyện vô bổ từ bạn tù nhốt chung. Hãy nói chuyện chừng mực, nhưng tránh giãi bày, chửi bới vì uất ức. Điều này có nghĩa bạn cần tập trung tư tưởng, chứ không phải bạn sợ hãi gì cả.
Thông thường, bất cứ ai bị bắt cũng đều rơi vào tâm trạng bất an về mọi mặt (gia đình, bịnh tật, công ăn việc làm v.v...). Giữ được bình an tâm hồn (peace of mind) đó là bản lãnh của bạn. Vui lòng nhớ, bản lãnh không phải là điều gì to tát lớn lao. Mến tặng các bạn tù và quý vị độc giả:
"Trí tuệ trưởng thành trong tĩnh lặng, tính cách trưởng thành trong bão táp" - V. Goethe
"Đi cung". Có thể họ kêu liên tục cả sáng cả chiều, trong thời gian một vài tháng đầu. Sau đó, cả tháng, thậm chí 2 tháng không thấy kêu. Nôn nóng là một nhu cầu tự nhiên sau quãng thời gian gian dài không gặp gia đình. Tuy nhiên, bạn có quyền chọn sự thờ ơ, không quan tâm. Đó cũng là bản lãnh của bạn. Vui lòng nhớ, dù sao thì bạn cũng không thể làm gì cho gia đình ngoài việc giữ gìn sức khỏe và sự bình tâm cần phải có.
Nếu họ kêu "đi cung" ngoài giờ hành chánh, bạn có quyền từ chối. Kêu "đi cung" là nhiệm vụ của họ. "Đi" hay "không đi" là quyền của bạn. Nếu bạn muốn "đi" hoặc buộc phải "đi", cứ đi ra. Ra phòng "hỏi cung", bạn có thể trả lời: "Hôm nay tôi mệt, tôi sẽ thông báo các ông khi tôi thấy khỏe hơn". Nếu họ để bạn vào thì bạn vào, nếu họ không để bạn vào thì cứ ngồi đấy. Nếu họ nói chuyện "trên trời dưới đất" bạn có thể góp vui hay im lặng, tùy bạn. Cho đến khi nào, họ để bạn vào thì thôi.
"Hỏi cung" là nhiệm vụ của họ. "Khai hay không" và "khai cái gì" là quyền của bạn. Tôi không bàn đến "ép cung" bằng tra tấn đủ kiểu. Chỉ lưu ý, tuyệt đối bạn không được để rơi vào bẫy "mớm cung", "dụ cung".
Ví dụ (vui lòng nhớ rằng cả 2 phía đều ôn tồn và điềm đạm, kể cả chỉ có bạn là ôn tồn cũng cần nên như ví dụ dưới đây):
Điều tra viên: Anh (chị) có cương lĩnh không? Có tổ chức không? v.v...
Trả lời: Tôi không làm gì vi phạm pháp luật cả.
Điều tra viên: Tôi nhắc lại câu hỏi (bla bla...)
Trả lời: Chứng minh tội trạng là trách nhiệm của các ông.
Điều tra viên: Tôi chỉ hỏi ngắn gọn và yêu cầu anh (chị) trả lời vào trọng tâm câu hỏi, không lan man.
Trả lời: Tôi xin phép nhắc lại: tôi không làm gì vi phạm pháp luật. Điều 15 LTTHS quy định "Xác định sự thật của vụ án" đã viết: "Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội."
Điều tra viên: Chúng tôi đang làm đúng điều 15 đấy chứ. Tôi chỉ hỏi những câu có lợi cho anh (chị) thôi. Tôi hỏi lại Anh (Chị) có tổ chức không? Có cương lĩnh không? Có mục đích hoạt động không? v.v...
Trả lời: Đó là trách nhiệm của các ông phải đi điều tra, thu thập chứng cứ. Tôi yêu cầu các ông thực hiện điều 13 "Suy đoán vô tội", trong đó nói rằng: "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục (...)(Tôi thấy cho đến bây giờ) các ông "...không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định (nên) cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận (tôi) không có tội".
Điều tra viên: Thôi mà! Trên mạng đầy ra đó, nào là "MLBVN", "Hội AEDC", "PTLĐV" v.v..., anh (chị) cũng đã công khai đầy ra đó, có gì đâu mà chối. Chẳng qua là, chúng tôi phải làm cho đủ thủ tục, anh (chị) coi như hỗ trợ chúng tôi đi. Mấy cái này có gì đâu mà ngại, vả lại chính bản thân anh chị đưa hình ảnh, giọng nói đủ cả v.v... đó là bằng chứng rồi đó. Chúng tôi chỉ làm theo luật thôi. Anh chị có chối thì cũng vậy à! v.v... và v.v...
Trả lời: Tôi xin phép nhắc lại lần nữa. Tôi không làm gì vi phạm pháp luật cả. Tôi yêu cầu các ông thực thi pháp luật v.v...
Điều tra viên: Anh (chị) có viết 18 bài (ABC v.v...) không? (Nếu bạn không ký gì cả, dứt khoát chối từ 18 bài là của mình. Hãy nhớ lại câu "tục ngữ" của tôi: Mồm + Mồm = Không).
Trả lời: Tôi không biết 18 bài gì cả.
Điều tra viên: Anh (chị) nói vậy coi sao được! Mình có viết thì có nhận, vậy mới quân tử, mới đáng mặt anh hùng chứ! (bla bla...)
Trả lời: Xin lỗi. Tôi không biết.
Điều tra viên: Tưởng sao. Hóa ra (ví dụ: Nguyễn Ngọc Già, Hồ Văn Hải tưởng là ngon lành, dữ dội lắm! Ai có ngờ!) bla bla...
Trả lời: Im lặng. Hoặc (nếu bạn muốn nói), tôi không dám nhận mình là Nguyễn Ngọc Già hay Hồ Văn Hải gì cả v.v...
Điều tra viên: Anh (chị) nói sao lạ vậy? Hình ảnh đó, blog đó, facebook đó v.v... mặt mũi, giọng nói, bút tích sờ sờ vậy mà chối à? Sao tệ thế?
Trả lời: Tôi xin phép nhắc lại lần nữa. Điều 15 LTTHS và đó là trách nhiệm của các ông.
Trong trường hợp bạn đã ký những bài viết (đây là sai lầm quá lớn của tôi, có thể nói là không có chút kinh nghiệm gì cả, không phải vì bị "khích tướng" mà vì thật tình, lúc đó tôi thấy các bài viết chẳng có gì bịa đặt hay xuyên tạc, bởi tôi viết sự thật), bạn càng không nên giãi bày (giống như tôi: mấy bài đó có sai gì đâu, chẳng có gì gọi là chống nhà nước cả v.v...). Họ không quan tâm, bởi lẽ họ chỉ cần bạn công nhận những bài viết đó là của bạn. Thế là "đủ" (!) Các "công đoạn" còn lại, họ suy diễn và giải thích theo kiểu "chụp mũ" như mọi người đều biết và quá hiểu rõ....
Lúc tôi bị giam tại Xuân Lộc, ở chung với anh Nguyễn Dinh (thuộc giáo phái "Ân Đàn Đại Đạo", án 14 năm và 5 năm quản chế về "tội 79"). Sau nhiều lần nói chuyện, tôi biết nhóm Ân Đàn Đại Đạo có sai lầm về "dụ cung" như sau:
Điều tra viên: Các anh có cương lĩnh không? Có cờ không? Có tôn chỉ không?
Nguyễn Dinh: Đạo giáo nào chẳng có. Nhưng mà chúng tôi chỉ hành đạo, truyền dạy những gì tốt đẹp, đạo đức cho chúng sanh, không có lật đổ gì cả v.v...
... Và như thế, đối với họ là "đủ rồi!"
Vui lòng nhớ, mọi lời giải thích/giãi bày/giải trình/tranh luận/tranh biện/tranh tụng/... đều vô nghĩa.
Tình huống "Hỏi và đáp" thì vô vàn, tôi chỉ lưu ý các bạn tù và thân nhân cùng quý độc giả không để mắc bẫy "mớm cung" và "dụ cung" qua vài ví dụ cụ thể nói trên. Tôi muốn nhấn mạnh, các bạn chỉ cần xoay quanh "pháp luật và pháp luật"; "trách nhiệm là của họ", "quyền là của chúng ta". Ngay đây, tôi xin phép nhắc lại "hằng số": "Họ - Người thi hành công vụ", "Chúng ta - Dân".
Trong quá trình "cung", theo thiển ý của tôi, các bạn và quý vị độc giả hãy chú tâm vào pháp luật cùng với sự kiên trì bình thản để bảo vệ bản thân, không nên nóng giận, đôi co, khiêu khích, thách thức, mắng chửi, bởi vô ích và không hề có lợi gì cho bạn đang trong tình hình "vây khốn" và "bất an" về mọi mặt.
Kết luận điều tra & Cáo trạng truy tố
Khi nhận kết luận điều tra, bạn có quyền làm đơn khiếu nại về nó.
Khi nhận cáo trạng truy tố, bạn cũng có quyền làm đơn khiếu nại về nó.
Điều này không có nghĩa khiếu nại của bạn được xem xét và sửa đổi (nhưng chắc chắn họ sẽ trả lời bằng văn bản). Tuy nhiên, theo thiển ý của tôi, bạn vẫn nên làm.
Vui lòng chú ý, trong cáo trạng, phần quan trọng nhất (theo điều 167 LTTHS cũ và điều 243 LTTHS mới), 4 yếu tố: Mục đích, động cơ, thủ đoạn và hậu quả luôn luôn phải có.
Bạn nên xoay quanh 4 yếu tố này, không nên (xin lỗi, tôi nhắc lại lần nữa) giãi bày/giải trình/giải thích/tranh luận/tranh cãi/tranh tụng... về lòng yêu nước, về thảm họa ngoại xâm, về vi hiến, về tự do lập hội, về lợi ích đa đảng, về cái hại của độc đảng, về hoạt động xã hội dân sự là tốt cho toàn dân, về các công ước quốc tế: nhân quyền; về quyền dân sự & chính trị; về quyền trẻ em; về chống tra tấn và đối xử nhân đạo v.v... Vô ích và không chắc họ để cho bạn (hay luật sư của bạn) nói.
Thay vào đó, bạn (hay LS của bạn) chỉ xoay quanh "4 yếu tố" nói trên. Ví dụ: Tôi không có mục đích "chống nhà nước", tôi không có động cơ "lật đổ chính quyền nhân dân", tôi không có thủ đoạn "...", tôi không hề gây ra bất kỳ "hậu quả" nào...
Thêm vào đó, bạn (hay LS của bạn) hãy ôn tồn nói rằng: Cáo trạng không chỉ ra được 4 yếu tố để cấu thành tội phạm, như vậy tội danh không thể thành lập. Phía công tố đã trình bày một cáo trạng không đủ chứng cớ, không có mục đích phạm tội, không có động cơ phạm tội, không cho thấy thủ đoạn, không trình ra hậu quả cụ thể, như vậy bản cáo trạng này là một cáo trạng vô căn cứ và không thuyết phục, thân chủ tôi (hoặc tôi, nếu bạn không có LS) vô tội. Yêu cầu trả tự do cho thân chủ tôi (hoặc tôi, nếu bạn không có LS) v.v... Xin phép nhấn mạnh, bất cứ vụ án hình sự nào cũng không thể thiếu yếu tố quan trọng bậc nhất: MỤC ĐÍCH. Không chứng minh được mục đích, không đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Cáo trạng buộc phải chứng minh đầy đủ, như tôi đã viết trong bài (2) "Phân tích cáo trạng truy tố công dân Cù Huy Hà Vũ (phần 4)" cách đây 7 năm (trích):
Bản cáo trạng chưa nêu được:
1) Mục đích phạm tội. TUYÊN (bố) và (lan) TRUYỀN (bằng lời nói, bằng chữ viết) là cách thức không phải mục đích. Ví dụ, cáo trạng phải nói rõ: Thông qua việc "tuyên truyền chống" bằng những "thủ đoạn" (a, bê, xê gì đó), mục đích của ông Vũ là (chẳng hạn) ngồi lên cái ghế "Thủ tướng Chính phủ".
2) Động cơ phạm tội, Ví dụ, cáo trạng phải nói rõ: xuất phát từ động cơ tham lam vô độ với một trình độ dốt nát cộng thêm cái đầu ảo tưởng, kết hợp thái độ ngông cuồng, ngạo mạn và côn đồ khi chống người thi hành công vụ, ông Vũ đã dùng các thủ đoạn (a, bê, xê gì đó) để quyết lòng chiếm được (chẳng hạn) vị trí " Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao".
3) Hậu quả của tội phạm (Nhà nước CHXHCNVN bị thiệt hại ra sao?)
Ví dụ:
3.a) Qua việc "phỉ báng", "xuyên tạc", "đòi", "tạo điều kiện" của ông Vũ làm cho 100.000 người dân xuống đường biểu tình.
Từ đó:
3.a.1) làm đình trệ một số công ty, nhà máy... (gây thiệt hại 100 tỉ đồng mỗi ngày cho các doanh nghiệp...)
3.a.2) làm tắc nghẽn giao thông (gây thiệt hại 1.000 tỉ đồng mỗi ngày cho xã hội...)
3.a.3) làm các công sở Nhà nước đình trệ trong việc phục vụ nhân dân (gây thiệt hại 300 tỉ đồng mỗi ngày cho ngân sách Nhà nước...)
3.a.4) làm người dân dẫm đạp lên nhau khi được "công an nhân dân" "nhã nhặn và lễ phép" để "vãn hồi tình hình an ninh trật tự công cộng". Việc này làm cho 1.000 người tử vong và bị thương, trong đó có 200 chiến sĩ "công an nhân dân chỉ biết còn đảng còn mình" bị thương nghiêm trọng. Nhà nước phải bỏ ra 100 tỉ đồng để chữa trị và chăm sóc gia đình các "chiến sĩ của ta", ngoài ra từ đó làm cho các bệnh viện quá tải gây khó khăn cho công tác điều trị và làm cho Bộ trưởng Bộ Y tế bị tai biến mạch máu não dẫn đến liệt nửa người và Nhà nước phải tốn thêm chi phí hàng năm là 10 tỉ đồng cho vị bộ trưởng đáng kính này v.v... và v.v...)
3.b) Qua việc "phỉ báng", "xuyên tạc", "đòi", "tạo điều kiện" của ông Vũ làm cho 500.000 quân nhân Việt Nam rã rời tay súng.
Từ đó:
3.b.1) Làm mất Hoàng Sa, một phần Trường Sa, Ải Nam Quan, một phần thác Bản Giốc, một số vùng đất thuộc biên giới phía Bắc (nói rõ bao nhiêu cây số vuông?)
3.b.2) Làm cho Trung Quốc nhân cơ hội đất nước đang hỗn loạn mà tràn sang khai thác bauxite (nói rõ giá trị thiệt hại?), thuê đất rừng 50 năm với giá rẻ mạt (nói rõ giá trị hợp đồng?)
3.b.3) Mất an ninh quốc phòng.
v.v... và v.v...
Những hậu quả thiệt hại theo các ví dụ (hoang đường) kể trên hoàn toàn không mảy may có (nói chi có rõ ràng!). Thậm chí nếu những ví dụ này có thật thì người dân nhiệt liệt ủng hộ hai tay, hai chân phải đem Cù Huy Hà Vũ ra trước đoạn đầu đài mà xử bắn cho xứng tội "XÂM PHẠM AN NINH QUỐC GIA" thuộc Chương XI Bộ Luật hình sự (!) (hết trích)
Phúc thẩm
Dù có hay không có LS, tôi vẫn khuyên tất cả mọi người hãy tiếp tục "phiên phúc thẩm" với tinh thần "tận nhân lực, tri thiên mệnh". Ngoài "tinh thần này" ra, nó cũng là cơ hội để bạn có thể sửa chữa những khiếm khuyết trong "phiên sơ thẩm".
Hy vọng với chút kinh nghiệm trải qua, những gì viết trên đây có thể có điều gì đó có ích cho dân oan, những bạn tù oan dù đã ra tù hay còn trong lao khổ.
*
Viết thêm: tôi xin phép nói một ít về những vấn đề liên quan trong chủ đề này.
Có vài độc giả đặt câu hỏi:
1. Tại sao tôi chọn phương châm "sự thật + pháp luật + bền bỉ" và lợi ích khi chọn phương châm này?
Sự thật là ánh sáng, Pháp luật là nước, Bền bỉ là không khí. Không có đủ 3 yếu tố căn bản này, không thể sống được. Vì lẽ đó, lợi ích trở nên vô nghĩa khi người ta đã chết.
Nhân đây, mến gửi những vị độc giả đặt câu hỏi này, 2 câu châm ngôn nhiều ý nghĩa:
- Ta thường đánh giá bản thân qua những gì ta cảm thấy có khả năng thực hiện. Trong khi người ngoài đánh giá ta qua những gì ta đã làm - Longfellow
- Không nhất thiết phải nói tất cả những gì mình biết. Nhưng cần phải biết tất cả những gì mình nói - M. Claodiut
2. Về việc áp dụng tiêu chuẩn ăn, theo các Nghị định của nhà cầm quyền Việt Nam ban hành?
Mỗi tháng chỉ có đường cát (hình như 0,5kg) và bột giặt (hình như 200g) được phát cho từng tù nhân. Kem đánh răng và bàn chải (mỗi thứ một cây cho 4 tháng). Tất cả gạo, muối, mắm, bột ngọt, chất đốt v.v... không thấy phát. Tôi nghĩ có lẽ họ tính vào mỗi ngày nấu cơm, nấu canh, kho cá, kho thịt v.v... Chỉ có củi, khi nào hết, nhờ tù thường phạm chở cho dùng.
Tôi có hỏi những người tù lâu năm, việc phải lao động. Nó đã chấm dứt từ khoảng 2010-2011. Trước đó, cũng phải lao động như tù thường phạm.
Bạn tù tôi thường bày tỏ, muốn nói gì hãy đợi ra ngoài mới hiệu quả, chứ trong này, vô ích. Tôi hồi đáp, nếu trong này không lên tiếng thì ra ngoài nói gì đây? Với phương châm đã trình bày, tôi không thể và không cho phép mình nói bất kỳ việc gì, ngoài "sự thật+pháp luật+bền bỉ". Tôi trở nên cô đơn, ngay giữa những người bạn tù.
Phần 1:
Chú thích:
07.02.2018