Nuốt không trôi nên đành phải nhả ra - Dân Làm Báo

Nuốt không trôi nên đành phải nhả ra

Hương Khê (Danlambao) - Vậy là vụ âm mưu thực hiện kế hoạch “ăn cướp vĩ đại” giữa Tổng công ty Viễn thông Di động (MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) đã có một cái kết rất bất ngờ.

Hôm 13/03/2018, các báo lề đảng đồng loạt đưa tin về việc hủy bỏ hợp đồng mua bán giữa Mobifone và AVG.

Tờ VNEPRESS đưa tin: “MobiFone và AVG thống nhất huỷ hợp đồng chuyển nhượng”.

Theo đó: “AVG sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền MobiFone đã thanh toán và các bên cùng cố gắng để không chịu thiệt hại từ việc hủy bỏ hợp đồng này”.

Kết luận hủy bỏ toàn bộ hợp đồng Tổng công ty Viễn thông Di động (MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG), vừa được hai bên đưa ra tại cuộc họp chiều 12/3/2018.

Theo đó, MobiFone và AVG thống nhất huỷ việc chuyển nhượng 344,66 triệu cổ phần, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận theo thỏa thuận. Tổng giá trị hợp đồng chuyển nhượng này là 8.889,8 tỷ đồng.

Các cổ đông đã chuyển nhượng (phía AVG) sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tiền MobiFone đã thanh toán. Còn MobiFone cũng trả lại AVG số cổ phần và các tài sản đã nhận chuyển nhượng. Đồng thời, hai bên "sẽ cố gắng để cả hai không chịu thiệt hại từ việc này”.

Đại diện cho AVG trong cuộc thương thảo với MobiFone, ông Phạm Nhật Vũ đã đồng ý không yêu cầu phạt và đòi bồi thường khi huỷ giao dịch. Ngoài số tiền đã thanh toán cho AVG, MobiFone cho biết đã phải trả một số chi phí liên quan như thuê tư vấn và đại diện AVG cũng đồng ý sẽ thanh toán cả những khoản này.

Theo đại diện AVG, có nhiều lý do khiến họ đề xuất huỷ hợp đồng. Một là, từ khi mua lại, MobiFone đã không vận hành, phát triển đúng như kế hoạch và để lỡ nhiều cơ hội, tiềm năng của AVG.

Hai là, kể từ khi hợp đồng có hiệu lực, MobiFone mới thanh toán 95% giá trị hợp đồng. Quá thời hạn phải thanh toán theo hợp đồng nhưng đến nay, MobiFone vẫn chưa hoàn tất nghĩa vụ chi trả 5% còn lại dù AVG đã liên tục có văn bản đòi.

Bên cạnh đó, kể từ khi có yêu cầu thanh tra hợp đồng này, quá trình vận hành thương hiệu AVG phát sinh nhiều vấn đề gây tổn hại uy tín cho các bên liên quan. Theo cả MobiFone và AVG, việc huỷ hợp đồng nhằm đảm bảo uy tín cho cả hai đơn vị.

Tại cuộc thương thảo, lãnh đạo MobiFone cũng lý giải quá trình thanh tra đã tác động đến việc hoàn tất thanh toán cho AVG. Đại diện công ty này cho biết, do MobiFone phải tuân thủ các quy định đối với doanh nghiệp Nhà nước, đó là phải quyết toán xong dự án. Tuy nhiên, vì có sự việc thanh tra nên việc quyết toán đã chưa hoàn tất(1).

Mặc dù cả hai bên mua bán cố tinh quanh co khi đưa ra một số lí do không chính đáng để giải thích cho việc họ phải hủy bỏ hợp đồng. Nào là “từ khi mua lại, MobiFone đã không vận hành, phát triển đúng như kế hoạch và để lỡ nhiều cơ hội, tiềm năng của AVG”(Ơ hay! Anh mua rồi không đưa vào vận hành, lỗ thì kệ anh chứ). Nào là “kể từ khi hợp đồng có hiệu lực, MobiFone mới thanh toán 95% giá trị hợp đồng”. Nhưng cuối cùng “cái đuôi” cũng đã lòi ra khi nói: “kể từ khi có yêu cầu thanh tra hợp đồng này, quá trình vận hành thương hiệu AVG phát sinh nhiều vấn đề gây tổn hại uy tín cho các bên liên quan”. À ra là vậy.

Vậy thì vì sao “quá trình vận hành thương hiệu AVG phát sinh nhiều vấn đề gây tổn hại uy tín cho các bên liên quan”?

Vì sao việc hủy hợp đồng này lại “bảo đảm uy tín cho cả hai đơn vị”?

Hay vì họ cố tình bưng bít giấu diếm giá trị hợp đồng vì đã thổi lên gấp nhiều lần để bòn rút tiền ngân sách một cách trắng trợn. Nhưng vì “bàn tay không che nổi mặt trời”, nên khi việc gian lận bị bại lộ, và để tránh cái thòng lọng đang lơ lửng trước ai đó, khi mà trước áp lực dư luận, Thanh tra chính phủ mặc dù đã vào cuộc hơn một năm nay, với kế hoạch ban đầu là thời gian thanh tra trong 50 ngày sẽ báo cáo kết quả. Nhưng vì những lý do tế nhị nào đó mà mãi hơn một năm kể từ ngày bắt đầu thanh tra, vẫn không công bố kết quả.

Bởi vì, cũng từ năm 2016, đã có thông tin ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông, và ông Trương Minh Tuấn lúc đó là Thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp đã dính dáng đến vụ MobiFone mua AVG.

Chỉ đến khi có ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo làm rõ vụ Mobifone mua AVG, thì hai bên mới có màn kịch hủy bỏ hợp đồng này.

Như nhiều người đều biết, đầu năm 2016, dư luận cả nước bàn tán xôn xao về thương vụ được gọi là ‘bí ẩn nhất’. Bí ẩn không phải vì con số thực MobiFone mua lại 95% cổ phần AVG là bao nhiêu, mà chính vì AVG từ khi bước vào thị trường truyền hình cho đến lúc "bán được" cho MobiFone bị cho rằng đang kinh doanh thua lỗ.

Có thể nói, đây là một thương vụ lớn giữa một bên là doanh nghiệp nhà nước với một bên là doanh nghiệp tư nhân có một không hai về độ "bí hiểm". Bởi vào quí I/2016 khi MobiFone phát đi thông cáo mua 95% cổ phần AVG, thì điều khiến báo giới ngạc nhiên nhất chính là giá trị thương vụ không được công bố. Và mỗi lần khi báo giới đặt câu hỏi về vấn đề này, lãnh đạo MobiFone đều từ chối trả lời và cho rằng đó là hồ sơ "mật". Có nghĩa là thương vụ này ngay từ ban đầu đã không được công khai minh bạch nếu không muốn nói là bị che đậy.

Một trong những tiếng nói mạnh mẽ thúc đẩy quá trình "giải mật" thương vụ bí hiểm này bắt đầu tư các chuyên gia thuộc Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI).

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Hải- Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, thương vụ MobiFone mua AVG thuộc loại thông tin phải công bố tức thời ngay sau khi hai bên ký kết hợp đồng mua bán.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Hoàng Hải nói, việc không công bố giá trị hợp đồng mua bán giữa MobiFone và AVG là vi phạm quy định:

“MobiFone là doanh nghiệp nhà nước, không phải doanh nghiệp gia đình hay tư nhân, nên mọi hoạt động của MobiFone cần phải đảm bảo tính minh bạch công khai và chịu sư giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước và của xã hội” .

Vị đại diện VAFI khẳng định người đại diện MobiFone đã vi phạm chế độ công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước theo Điều 23 Nghị định 81 qui định về xử lý vi phạm trong công bố thông tin(2).

Từ tiếng nói của giới chuyên gia VAFI, thương vụ này đã đi vào nghị trường kì họp Quốc hội.

Đến khi đó, giá trị thương vụ mới được chính thức "giải mật": MobiFone đã mua lại 95% cổ phần AVG với số tiền "khủng" lên đến 8.900 tỉ đồng.

Nên biết rằng, giá trị của AVG trong những lần định giá trước đó còn được "thổi" lên mức hơn 20.000 tỉ đồng, trong khi thực tế doanh nghiệp này đang hoạt động không hiệu quả, thực chất là đang thua lỗ, giá vốn được ước tính chỉ khoảng từ 1.600-2.000 tỉ đồng chưa trừ khấu hao. Một số chuyên gia cho rằng, AVG hô giá cho 95% cổ phần ở mức 1.000 tỉ đồng chưa chắc đã bán được. Thế nhưng không hiểu vì sao MobiFone lại "đâm đầu" vào mua với mức giá cao gấp gần 9 lần, vậy mà không có bộ ngành chức năng nào cảnh báo, ngăn cản thương vụ gây thất thoát tiền nhà nước có một không hai trong lịch sử này.

Vậy thì nguyên nhân nào khiến thương vụ mua bán đầy bí hiểm và tai tiếng này, cuối cùng cũng được “giải mật”, để từ đó có màn kịch hủy hợp đồng này?

Cũng cần nói thêm rằng, trong khi khí thế đốt lò của ông Trọng đang dâng cao, vì ông Trọng đã lôi cổ được Trịnh Xuân Thanh từ Đức về “đầu thú”, và sau đó là “hạ nốc ao” cánh tay đắc lực của Ba Dũng là cựu Ủy viên BCT, Bí thư thành Hồ Đinh La Thăng, và được báo chí lề đảng ca ngợi là “Người đốt lò vĩ đại”.

Do đó ông Trọng dù muốn hay không cũng không thể bỏ qua vụ này, vì có nguồn tin nói rằng, thương vụ mờ ám này có dính líu đến Nguyễn Thanh Phượng, là con gái của Ba Dũng. Nếu đúng như vậy thì đây là dịp may trời cho, nên ông Trọng không thể bỏ qua.

Và cuối tháng 7/2017, ông Trọng đã chỉ thị, yêu cầu Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng khẩn trương thanh tra, kết luận rõ đúng sai về trách nhiệm trong dự án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG.

Theo đó: “Hôm nay 31-7, Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức phiên họp thứ 12 dưới sự chủ trì của Trưởng ban - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tại cuộc họp, Tổng bí thư yêu cầu Ban chỉ đạo trong 6 tháng cuối năm 2017 tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng.

Ban chỉ đạo phải khẩn trương thanh tra, kết luận rõ đúng, sai, xác định đúng nguyên nhân, trách nhiệm, xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân có sai phạm tại 9 dự án gây thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm.

Hai vụ việc nổi bật mà Tổng bí thư nhắc Ban chỉ đạo là dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG) và việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn"(3).

Dư luận cho rằng, nếu không có ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư, mà cụ thể là ông TBT Nguyễn Phú Trọng, thì có lẽ “kế hoạch ăn cắp vĩ đại” gần 400 triệu USD này đã hoàn toàn trót lọt?

Nên nhớ rằng đây không phải là lần đầu tiên, sau khi có ý kiến chỉ đạo của ông Trọng, thì các cơ quan bảo vệ pháp luật mới ì ạch vào cuộc.

Chúng ta hãy điểm qua xem bàn tay của Tổng Bí thư đã vươn xa tới đâu.

Đầu tiên là vụ chiếc xe biển số xanh do Phó Chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh: “Ngày 10/10/2016, TBT Nguyễn Phú Trọng yêu cầu kiểm tra vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh đi xe tư nhân trị giá trên 5 tỷ đồng gắn biển xanh”.

Rồi đến việc “Tổng Bí thư yêu cầu truy bắt, dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về nước”. Đến việc “Tổng Bí thư giao đẩy nhanh xác minh, điều tra vụ việc tại PVC cùng sai phạm tại loạt ngân hàng”.

“Tổng Bí thư: Kiên quyết xử lý những vụ án tham nhũng 'đắp chiếu'; “Tổng Bí thư yêu cầu kết thúc điều tra, xét xử 21 vụ án trong năm 2018”.

“Tổng bí thư yêu cầu Bộ Công an điều tra ông Vũ 'nhôm'…

Và gần đây nhất là “Ban Bí thư yêu cầu xử lý nghiêm vụ án tổ chức đánh bạc, lừa đảo, rửa tiền ngàn tỷ” liên quan đến tướng Công an Nguyễn Thanh Hóa.

Người ta tự hỏi: Nếu không có sự chỉ đạo liên tục và hầu như ở tất cả mọi lĩnh vực, thì các cơ quan bảo vệ pháp luật đông như quân Nguyên, nào là Ủy ban Kiểm tra TƯ, Ban Nội chính TƯ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an với hàng mấy chục Tổng cục, Cục, Vụ… Tất cả những đội quân ấy có hàng chục ngàn nhân viên từ Trung ương đến địa phương, mỗi năm ngốn hàng trăm ngàn tỷ tiền thuế của dân, ăn rồi làm cái gì?

Trở lại thương vụ mua bán giữa MobiFone và AVG.

Ai cũng hiểu rằng, để thương vụ này diễn ra trót lọt sẽ phải có rất nhiều chữ ký, từ thấp đến cao, thậm chí qua rất nhiều tầng nhiều nấc thủ tục nhiêu khê. Vậy mà vẫn hớ, vẫn lọt khiến cho tiền nhà nước chảy tràn ra như hệ thống đường dẫn nước sông Đà bị vỡ đến 18 lần vậy.

Dư luận đã nhiều lần chờ công bố kết luận thanh tra thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG trong suốt hơn một năm qua hết lần này tới lần khác.

Câu hỏi được đặt ra là, nếu các bên thống nhất việc hủy hợp đồng thì việc xử lý các vấn đề liên quan sẽ được thực hiện thế nào?

Thứ nhất là về vấn đề tài chính. Theo thông tin đã được công bố, để mua 95% cổ phần của AVG, Mobifone đã phải chi ra 8.890 tỷ đồng. Với mức vốn điều lệ của AVG tại thời điểm chuyển nhượng là 3.628 tỷ đồng, Mobifone đã chi ra mức giá cao gấp 2,58 lần mệnh giá cổ phần doanh nghiệp này.

Chưa rõ các bên sẽ "chốt" con số trả lại là bao nhiêu. Nếu trả nguyên số tiền 8.890 tỷ, đây sẽ là áp lực rất lớn cho AVG. Trong khi đó, ngay cả việc nhận lại đủ số tiền này, Mobifone cũng "khó ăn khó nói" khi về lý thuyết, các khoản đầu tư phải sinh lợi, nếu không sinh lợi thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm?

Thứ hai là vấn đề pháp lý. Hợp đồng với giá trị lớn như vậy chắc chắn sẽ kèm theo nhiều điều khoản ràng buộc khác về trách nhiệm của các bên. Hơn nữa, thương vụ cũng đã diễn ra được hơn hai năm, trong thời gian đó bản thân công ty AVG cũng đã có nhiều hoạt động có phát sinh doanh thu, chi phí, thì việc hạch toán, đánh giá lại sẽ như thế nào?

Thứ ba là vấn đề nhân sự. Cho dù việc hủy hợp đồng và AVG có thể giúp "thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát" theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, thì câu hỏi đặt ra đối với các nhân sự liên quan đến thương vụ này như thế nào?

Dù cho qua thương vụ này, ông chủ AVG Phạm Nhật Vũ có thiệt thòi đi nữa, thì đảng đã có vô số phương án để bù cho ông này. Chỉ cần đảng duyệt cho một vài dự án lớn nào đó, thì chẳng những ông Vũ thu hồi đủ phần thiệt, mà còn thu lãi khủng nữa là đằng khác.

Nhưng có thể nói rằng, “thắng lợi vẻ vang” nhất của việc hủy hợp đồng này là, ngoài việc cứu hai vị cựu và tân Bộ trưởng 4 T ra, thì còn rất nhiều đồng chí khác sẽ thoát khỏi “chiến dịch đốt lò” này. Vì giá như ông Trọng phải nghiến răng thiêu đốt những đồng chí cao cấp của mình như vậy, thì dù có thắng lợi đi nữa, nhưng khi “ta tự đánh ta” như vậy cũng chẳng làm ông Trọng vui vẻ gì.

Vì “đống củi” này không phải thuộc phe nhóm Ba Dũng, là mục tiêu chính mà ông Trọng đang hăm he nhắm tới. Vì thương vụ này lúc đầu nhiều nguồn tin nói rằng, người con gái rượu của Ba Dũng là Nguyễn Thanh Phượng là người chủ mưu sắp xếp vụ này. Nhưng sau đó lại có nguồn tin nói vụ này không liên quan tới Nguyễn Thanh Phượng, nhờ đó mới có cái kết đẹp như vậy. Vì cha con Ba Dũng mới chính là mục tiêu cần nhắm tới của “người đốt lò vĩ đại”.

Nói tóm lại, dù đây là thương vụ quá béo bở mấy đi nữa. Dù có chia năm xẻ bảy thì ít ra mỗi đồng chí cũng kiếm được dăm bảy trăm tỷ. Nhưng vì nuốt không trôi thì đành phải nhả ra. Chứ các quan lớn nhỏ nhà ta cũng chẳng phải tốt lành gì, nhưng đành phải tiếc đứt ruột đứt gan mà nhả ra thôi, nếu không thì chết chìm cả lũ.

Thế đấy. Không phải loại củi nào ông Lú cũng sẵn sàng cho vào cái “lò tôn vĩ đại” của mình để đốt. Nếu vậy thì có khi phải đốt gần hết mấy triệu đảng viên ưu tú của ông, y như tụi phát xít Đức thiêu sống mấy triệu người Do Thái năm nào, chắc cũng chưa hết.

Mà những loại củi được ông cho vào lò là có chọn lựa.

Hoặc là phía “bên thua cuộc” thuộc phe đồng chí X.

Hoặc là ăn quá đậm mà không biết làm ‘phép chia” như cựu Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh.

Hỡi các đồng chí đảng viên yêu quý. Cứ cố gắng bám chặt vào “cái càng” của ông Lú theo phương châm “Còn Lú còn mình”, thì ngày nào phe ông Lú còn tồn tại, ngày ấy các đồng chí còn có dịp vơ vét để “vinh thân phì gia”.



___________________________________

Chú thích:



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo