Phạm Trần (Danlambao) - Tình hình Việt Nam trước Hội nghị Trung ương 7, khai mạc vào tháng 5/2018 có khả năng xấu đi trước hiện tượng thi đua xu nịnh Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng để quên đi nhu cầu cấp bách phải đổi mới chính trị để cho dân tham gia việc nước.
Với chủ đề "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ", Ban Tổ chức Trung ương đã triệu tập Hội nghị Lãnh đạo các cơ quan Trung ương tại Hà Nội ngày 6/2/2018 để thu thập ý kiến xây dựng đội ngũ cán bộ.
Theo báo điện tử Trung ương đảng thì Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nói với Hội nghị rằng: "Việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là nhiệm vụ khó và đặc biệt quan trọng; cần tạo ra cách làm mới, đột phá, khả thi, tạo sự lan tỏa và sức ảnh hưởng lớn nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách trong bối cảnh tình hình có nhiều thay đổi."
Nhưng tại sao lại “cấp bách” vì “tình hình có nhiều thay đổi” thì không thấy ông Chính giải thích. Chỉ biết ông đã yêu cầu các đại biểu dự Hội nghị quan tâm đến "những vấn đề cụ thể như: chống suy thoái, nạn chạy chức, chạy quyền, kiểm soát quyền lực, đẩy lùi những nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của Đảng."
Như vậy là khẩn trương và không bình thường vì ông Chính không nói tại sao vấn đề xây dựng cán bộ lại nẩy sinh "những nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của Đảng"
Chỉ biết một điều chắc chắn là đảng đang lo sót vó lên vì tình trạng “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” đang lan rộng và ăn sâu trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên. Những người bị quy kết thuộc hàng ngũ “lợi ích nhóm”, “đề cao chủ nghĩa cá nhân”, “không làm theo lệnh đảng”, “say mê quyền lực”, “tham nhũng”, “cửa quyền”, “dễ bị mua chuộc", “lũng đoạn nội bộ”, “dèm pha lãnh đạo”, “công khai chê bai Chủ nghĩa Mác-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh” và lười tham gia “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Những căn bệnh này không mới mà đã có từ lâu và được diễn dịch ra từ hai căn bệnh “suy thoái tư tưởng” và “suy thoái đạo đức” trong các Văn kiện của hai Hội nghị Trung ương 4 khóa đảng XI và Trung ương 4 khóa XII về Xây dựng đảng.
Tuy nhiên, Ban Tuyên giáo Trung ương của đảng và Tổng cục Chính trị của Bộ Quốc phòng đã liên kết chĩa mũi dùi vào điều được gọi là “các thế lực thù địch” bên ngoài và “những kẻ cơ hội” bên trong đã cấu kết với nhau xuyên tạc thành tích xây dựng đảng để chống phá làm mất uy tín đảng và chia rẽ nhân dân.
Vì vậy, báo Quân đội Nhân dân (QĐND) đã cảnh giác trong bài viết ngày 01/03/2018 rằng: "Mục tiêu không bao giờ thay đổi của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa. Để đạt được mục đích ấy, chúng áp dụng nhiều âm mưu, thủ đoạn, trong đó có việc thúc đẩy "tự diễn biến", “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta."
Báo này viết tiếp: "Một âm mưu, thủ đoạn hết sức nham hiểm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm chống phá cách mạng Việt Nam là thúc đẩy sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, mà trước hết và chủ yếu là suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị. Bởi họ toan tính và cho rằng chỉ có làm chệch hướng tư tưởng chính trị thì mới làm cho nội bộ Đảng chia rẽ, tổ chức của Đảng rệu rã, bộ máy của Nhà nước lung lay và nguy cơ tự đánh mất vai trò lãnh đạo, tự sụp đổ sớm muộn cũng đến."
Nhưng chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ban Chấp hành Trung ương đảng đã báo động tình trạng “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ trước tiên chứ có người nào hay thế lực nào nói rồi đổ vạ cho đảng đâu.
Nhưng ngoài chuyện đảng viên đang “tự biến” để xa đảng họ cũng tự cho mình quyền bỏ cả Mác-Lenin và quên luôn cả “tư tưởng Bác Hồ” để tìm đường sống. Vì vậy mà báo QĐND đã chạm lòng để lên tiếng phản bác: "Cùng với việc xuyên tạc, phủ nhận tính cách mạng, khoa học của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thời gian gần đây họ tập trung kích động, cổ xúy cho nhiều quan điểm sai trái phủ định mục tiêu của Đảng và con đường đi lên xây dựng CNXH của nước ta. Họ cho rằng muốn có dân chủ thực sự cho người dân thì Việt Nam phải thực hiện chế độ “tam quyền phân lập”. Họ cổ xúy cho xã hội dân sự và cho rằng “xã hội dân sự là hiện thân của tự do, dân chủ và những giá trị tốt đẹp trong xã hội”; “Hình thành xã hội dân sự độc lập về chính trị là điều kiện, tiền đề cho việc bảo đảm quyền con người”... Họ phủ nhận những kết quả và xuyên tạc cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở nước ta hiện nay với các luận điệu đáng lưu ý như: “Cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay là “cuộc chiến thanh trừng phe phái trong nội bộ Đảng”; “Chế độ một đảng cầm quyền là nguyên nhân sinh ra tệ tham nhũng”; “Tham nhũng là vấn đề thuộc bản chất của chế độ XHCN ở Việt Nam”.
Đổi mới chính trị ở đâu?
Dù bài viết có cố tình lẩn tránh, nhưng sự thật là chế độ độc đảng và độc tài ở Việt Nam đã giúp cho tham nhũng tồn tại vì người dân không có cơ hội tham gia việc nước nói chung và phòng, chống tham nhũng nói riêng.
Ngay cả các Đại biểu của dân trong Quốc hội và các Hội đồng nhân dân địa phương cũng không trực tiếp gánh vác chống tham nhũng thì những kẻ tham nhũng được tự do hành nghề cũng là điều dễ hiểu.
Đó là lý do tại sao vào ngày 22/1/2016, cả Hội trường Quốc hội đã “phát sốt” khi họ nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư
Bùi Quang Vinh nói dõng dạc: "Đổi mới hệ thống chính trị là điều kiện để phát triển."
Bài tham luận của ông Vinh đã thẳng thắn trích lại “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020” được Quốc hội thông qua "nêu rõ đổi mới chính trị cần đi đôi với đổi mới kinh tế."
Ông nói: "Bên cạnh đổi mới ở bộ máy công chức, nguyên tắc thị trường cần được áp dụng đầy đủ hơn, phân biệt khu vực công - tư, bảo vệ quyền tài sản, tạo điều kiện cho người dân tham gia vào quản trị Nhà nước, hoạch định chính sách..."
Tuy ông Vinh không nói ra nhưng ai cũng hiểu đó chính là đòi hỏi đảng phải thật sự tôn trọng quyền tự quyết của dân trong một chế độ có bầu cử tự do và trực tiếp.
Tuy nhiên, đảng đã làm ngơ trước đề nghị thẳng thắn này của ông Vinh. Tiểu sử của ông Vinh cho biết ông sinh năm 1953 tại Hà Nội, từng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X, XI, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam (2011 - 2016), Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIII tỉnh Lai Châu.
Ông là Bộ trưởng duy nhất từng tuyên bố về chủ trương kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: "Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm."
Tại Đại hội đảng XII năm 2016, ông Vinh nói thẳng:
"Một hệ thống chính trị phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây, đặc biệt trong hoàn cảnh chiến tranh nay không còn phù hợp nền kinh tế thị trường, thậm chí còn là rào cản, trở ngại cho sự phát triển."
Đó là sự thật ngay cả đối với các Chuyên gia kinh tế trong nước, nhưng Lãnh đạo đảng và những cái đầu bảo thủ, giáo điều sỏi đá trong Hội đồng Lý luận Trung ương và Ban Tuyên giáo thì cứ coi cái định hướng mơ hồ “theo Xã hội Chủ nghĩa” là khuôn vàng thước ngọc phải duy trì bằng được.
Vì vậy, mỗi khi bị phê bình và chống đối thì báo đài đảng lại được lệnh phản biện.
Bài viết của QĐND phản ảnh thái độ này bằng lời cảnh giác: "Mục tiêu nhằm tới của họ không gì khác là làm chia rẽ nội bộ mà trước hết là chia rẽ về quan điểm chính trị, từ đó dẫn đến tan rã niềm tin, gây hỗn loạn về lý luận và tư tưởng. Tình hình ấy đòi hỏi chúng ta, mà trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên không được phép chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.”
Nhưng đây là cuộc chiến tư tưởng không có biên cương. Nếu đảng viên đã nghe lời đảng thì làm gì còn tình trạng “tự diễn biến, tự chuyển hóa”?
Sở dĩ cán bộ, đảng viên và nhân dân đã chán đảng đến tận mang tai vì Lãnh đạo nói mà không làm hoặc nói một đàng làm một nẻo.
Điển hình như Báo cáo Chính trị tại Đại hội đảng XII năm 2016 của Khóa đảng XI đã viết: "Đổi mới chính trị chưa đồng bộ với đổi mới kinh tế; năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị chưa ngang tầm nhiệm vụ."
Nhưng nhóm chữ “đổi mới chính trị” có ý nghĩa gì trong thực tế?
Hãy nghe chính lời ông Nguyễn Phú Trọng nói tại Hội nghị Trung ương 10, Khóa đảng XI: "Phải nắm vững và khẳng định: Đổi mới chính trị không phải là làm thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của Đảng ta, Nhà nước, mà là đổi mới cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy, kiện toàn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đổi mới phương thức công tác, lề lối làm việc, cải cách hành chính, chống tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia." (VietNamNet, 12/01/2015)
Như vậy thì có gì mà phải rùm beng lên cho ồn ào hàng xóm?
Nịnh và hót
Nói năng ngược xuôi như thế thì hèn gì mà ông Trọng chẳng được các loa Tuyên giáo hót nịnh đến điếc tai thiên hạ.
Bằng chứng như Nhị Lê – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, cơ quan ngôn luận của Trung ương đã ca: "Thông điệp của Tổng Bí thư gửi tới chúng ta: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy… Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được…” là một hình tượng rất sống, rất hay và rất thực tế. Nó thể hiện sự kiên quyết không thể gì lay chuyển của ông Nguyễn Phú Trọng, trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, hiện nay."
Tưởng hát bấy nhiêu chưa có người nghe, Nhị Lê hót tiếp: "Thông điệp của Tổng Bí thư đã gửi: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy…Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được…” là sự kết tinh, thể hiện tầm nhìn, sự kiên định và cả tâm huyết của ông. Cái Ngọn lửa Dân chủ, Đức trị và Pháp trị phải cháy lên trong cái lò ấy! Và, càng tin rằng, không ai cản được, khi Lòng dân đã dậy sóng, đang làm Gió thổi lò, với quyết tâm: “Dân ta đã nói là hành. Đã đốn quyết đốn cả cành lẫn cây”. (Tuần Việt Nam 09/08/2017)
Tiếp theo là Đài phát thanh nhà nước, Tiếng nói Việt Nam (VOV, Voice of Việt Nam) lên giọng từ Hà Nội: "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - với tư cách là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhìn ra mối nguy cơ của đại dịch tham nhũng, bằng tất cả dũng khí và mưu lược của một kẻ sĩ Bắc Hà đã phất lên ngọn cờ tiêu diệt bằng được sự tham nhũng, sự lộng quyền. Ông trở thành một người đốt lò vĩ đại đã nhóm lên chiếc lò được cháy lên bằng ngọn lửa của lương tâm, và công lý để thiêu hủy bằng được cơn đại dịch tham nhũng và lạm quyền.
Người có học bao giờ cũng trọng cái danh và xa lánh mọi ham hố vật chất, sự ích kỷ vun vén quyền lợi cho cá nhân, cho gia đình mình. Vài ba chục năm trở lại đây, người dân từng biết khá nhiều vị có chức sắc bằng quyền lực của mình cất nhắc con cái, người thân vào những vị trí này nọ. Mỗi lần có sự việc nào đó từ cưới xin cho con, thượng thọ cho bố mẹ, không ít vị lợi dụng chức vị để kiếm chác. Trên thiếp mời còn lòe loẹt in đủ chức danh và học vị.
Với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì không. Đã kinh qua nhiều chức vụ cao nhất của nhà nước, của Đảng nhưng từ việc lớn cho đến việc nhỏ, trong dân gian chưa có lời đồn, giai thoại nào về sự lợi dụng quyền hạn của ông để mưu lợi cho mình, cho người thân.
Về với lớp từ phổ thông đến đại học, Tổng Bí thư vẫn khiêm nhường, hòa đồng với mọi người. Ngay cả khi đang ở vị trí cao nhất Quốc hội, khi về với lớp học cũ, ông vẫn khiêm tốn với bạn đồng môn với các thầy, các cô giáo cũ."
Hát khan cả họng mà như chưa được ai cho xu nào nên Tiếng nói Việt Nam ca tiếp: "Lò lửa chống tham nhũng đang ngùn ngụt cháy đúng như mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy". Chiếc lò đó đã bắt đầu và sẽ liên tục thiêu ra tro những củi gộc mối mọt, độc địa. Ngọn lửa nghìn độ đó không chỉ được nuôi bằng lương tâm, dũng khí mà còn bằng trí tuệ, tài thao lược bài bản, có lớp lang của một kẻ sĩ có tâm, có tài, có dũng. Nhờ có chiếc lò và ngọn lửa hợp lòng dân như vậy nên chưa bao giờ cuộc chiến đấu chống tham nhũng lại quyết liệt, công bằng và có kết quả như lúc này.
Xin nhắc lại người nhóm lò và giữ cho ngọn lửa trong lò đó, người đứng đầu cuộc chống tham nhũng đang có hiệu lực làm nức lòng người đó chính là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - một kẻ sĩ Bắc Hà ta đó." (VOV, ngày 19/02/2018)
Với kỷ nguyên của Truyền thông điện tử toàn cầu và con người Việt Nam không còn u ám như thập niên 50 mà báo đài nhà nước thi đua viết bài khen ông Trọng nứt lưỡi thì chắc là ông khoái chí lắm.
Chỉ có điều là khi ông đang ở giữa nhiệm kỳ Khóa đảng XII mà được ca ngợi không tiếc lời như thế thì khi nhớ lại lời ông nói về “đổi mới chính trị”, hẳn không ít người sẽ nói theo lời Cố Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu với hoàn cảnh mới: "Đừng nghe những gì ông Trọng nói mà hãy nhìn kỹ những gì ông Trọng làm".
(03/018)