Việt Nam: Hãy hủy bỏ cáo buộc đối với nhà hoạt động nhân quyền - Dân Làm Báo

Việt Nam: Hãy hủy bỏ cáo buộc đối với nhà hoạt động nhân quyền

Nhà vận động dân chủ bị bức hại vì ủng hộ đa nguyên

Human Rights Watch (New York, ngày 27 tháng Ba năm 2018) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu, Việt Nam cần hủy bỏ mọi cáo buộc đối với nhà hoạt động ủng hộ dân chủ Nguyễn Viết Dũng và phóng thích anh ngay lập tức. Anh bị công an bắt hồi tháng Chín năm 2017 và bị cáo buộc tội tuyên truyền chống nhà nước. Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An dự kiến sẽ mở phiên xử anh vào ngày 28 tháng Ba năm 2018.

“Việc Việt Nam vẫn cứ sử dụng tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ đã mất hết sức thuyết phục để dập tắt tiếng nói của những người bất đồng chính kiến chỉ làm uổng phí thời gian mà thôi,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Cả Nguyễn Viết Dũng lẫn những người đang kêu gọi cải cách khác đều không hề biểu lộ ý định chịu khuất phục trước sức ép mạnh tay kiểu này của chính quyền. Tất cả những gì Việt Nam đang làm chỉ gây sự chú ý tới chính sách lố bịch, không chấp nhận bất đồng chính kiến của mình.”

Nguyễn Viết Dũng, 32 tuổi, còn được gọi là Dũng Phi Hổ, có một quá trình phản kháng xã hội khá dài. Khi còn học trung học, anh từng được biết đến khi đoạt giải cuộc thi trên truyền hình Đường Lên đỉnh Olympia và trúng tuyển vào Đại học Bách Khoa Hà Nội với kết quả thi xuất sắc. Nhưng sau hai năm, anh bị nhà trường đuổi học vì bận tham gia biểu tình. Tháng Tư năm 2015, Nguyễn Viết Dũng lại được công chúng quan tâm sau khi bị bắt vì tham gia một cuộc biểu tình ôn hòa đòi bảo vệ môi trường ở Hà Nội và bị cáo buộc tội gây rối trật tự công cộng theo điều 245 của bộ luật hình sự. Cũng trong năm 2015, được biết anh đã thành lập một đảng chính trị lấy tên là Đảng Cộng Hòa Việt Nam để vận động cho dân chủ ở Việt Nam.

Tháng Mười hai năm 2015, anh bị đưa ra xử tại Tòa án Nhân dân Quận Hoàn Kiếm (Thành phố Hà Nội). Được biết, trong phiên xử, các luật sư bào chữa yêu cầu tòa án triệu tập nhân chứng và “người bị hại” của hành vi bị cho là phạm tội của anh. Tòa phản ứng lại bằng việc trục xuất một luật sư bào chữa ra khỏi tòa án. Những luật sư còn lại bỏ ra ngoài để phản đối. Nguyễn Viết Dũng bị kết án 15 tháng tù, sau đó phiên phúc thẩm xử vào tháng Ba năm 2016 đã giảm mức án trên xuống còn 12 tháng. Sau đó anh kể vớimột nhà báo tự do rằng công an đã đánh và đá vào mặt và mạng sườn anh trong quá trình bắt giữ.

Ngay sau khi ra tù hồi tháng Tư năm 2016, Nguyễn Viết Dũng lập tức phục hồi các hoạt động chính trị và nhân quyền với khẩu hiệu, “Dù có xảy ra chuyện gì, kết quả cuối cùng vẫn phải là Tự do và Phân quyền.” Anh tham gia nhiều cuộc biểu tình phản đối Formosa, một công ty thép Đài Loan đã xả chất thải độc gây ra thảm họa môi trường biển lan rộng dọc bờ biển miền Trung Việt Nam. Anh lên tiếng ủng hộ các nhà vận động nhân quyền như nhà hoạt động nổi tiếng Nguyễn Văn Đài và cộng sự Lê Thu Hà. Anh cũng tham gia các hoạt động nhân đạo, như hỗ trợ các nạn nhân bão lụt ở hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình vào tháng Mười năm 2016.

Tháng Năm năm 2016, khi anh đang đi thăm các bạn bè hoạt động ở Thành phố Hồ Chí Minh, một nhóm người mặc thường phục tấn công anh và đưa anh về đồn công an. Công an câu lưu và hỏi cung anh suốt hai ngày rồi áp giải ra sân bay đưa về Vinh. Đến nơi, ba người không xưng danh tính đã khống chế anh, đẩy anh lên một chiếc xe hơi, và đánh dã man, theo như lời Nguyễn Viết Dũng kể lại sau đó.

“Họ đấm vào đầu và tay Dũng bị sưng tím vì bị đánh. Họ không nói hay giải thích bất cứ điều gì, cứ thế đánh Dũng liên tục trên xe ô tô. Đánh bằng tay chưa đủ, họ còn tháo giày da và quật bằng mũi giày.”

Anh kể với một người bạn hoạt động rằng những người này giữ anh một đêm trong một khách sạn ở Vinh, ở đó họ tiếp tục đánh và ép anh viết một bản cam kết những điều chống lại mình, rồi mới thả anh.

Tháng Ba năm 2017, công an câu lưu một số nhà hoạt động vì tham gia buổi tưởng niệm các chiến sĩ Việt Nam hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma giữa Việt Nam và Trung Quốc vào năm 1988. Nguyễn Viết Dũng và bạn là Đỗ Thanh Vân đến đồn công an phường Bách Khoa để đòi thả các bạn hoạt động của họ. Những người mặc thường phục đã tấn công họ. Đỗ Thanh Vân kể với một phóng viên Đài RFA:

“Ngay lập tức hai thằng ập vào đạp Dũng Phi Hổ ngã ra. Sau khi đạp Dũng, 4,5 thằng tiếp theo dàn trận sẵn rồi. Hai thằng lao vào đập Dũng, hai thằng lao vào đập mình. Mình bị chúng nó dùng 1 cái ghế nhựa đập thẳng tay chính xác vào đầu. Lẽ ra chúng nó sẽ còn tiếp tục đánh mình nhưng vì cái cú đập quá mạnh và mình bị chảy máu ngay lập tức. Máu chảy suốt một bên mặt và chảy xuống áo, che cả mắt mình. Chúng nó thấy vậy, có lẽ một phần vì mình là phụ nữ, thứ hai là chúng thấy chảy máu nhiều quá nên không đánh mình nữa, mà tập trung vào đánh Dũng Phi Hổ.”

Nguyễn Viết Dũng đang thực hiện phóng sự về “hiện trạng lạm thu cũng như suy nghĩ, nguyện vọng của học sinh và các bậc phụ huynh trên địa bàn nơi Dũng sinh sống” trước khi bị bắt hồi tháng Chín năm 2017, theo lời một người bạn hoạt động.

“Thật đau lòng khi thấy hết lần này đến lần khác, chính quyền Việt Nam bức hại một nhà hoạt động ôn hòa vì người đó không chịu thuần phục chính sách của đảng,” ông Adams nói. “Các đối tác thương mại và nhà tài trợ quốc tế của Việt Nam cần lên tiếng về cách xử sự côn đồ và không biết xấu hổ của chính quyền Việt Nam.”

Muốn đọc thêm tin, bài của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về Việt Nam, xin truy cập:

Muốn có thêm thông tin về tù nhân chính trị Việt Nam, xin truy cập:

Muốn có thêm thông tin, xin liên hệ:
Ở San Francisco, Brad Adams (tiếng Anh): +1-347-463-3531 (di động); hay email: adamsb@hrw.org. Twitter: @BradMAdams
Ở Washington, DC, John Sifton (tiếng Anh): +1-646-479-2499 (di động); hay email: siftonj@hrw.org. Twitter: @johnsifton


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo