Thảm sát hóa học tại Syria, Luật Sư Nguyễn Văn Đài, tương quan giữa các khái niệm về Nhân Quyền và Chủ Quyền Quốc Gia - Dân Làm Báo

Thảm sát hóa học tại Syria, Luật Sư Nguyễn Văn Đài, tương quan giữa các khái niệm về Nhân Quyền và Chủ Quyền Quốc Gia

Luật sư Đào Tăng Dực (Danlambao) - Trong những ngày gần đây, đối với cộng đồng người Việt hải ngoại lẫn quốc nội, có hai biến cố quan trọng nhiều người lưu ý.

1. Hai biến cố quan trọng:

Thảm sát bằng vũ khí hóa học tại Syria:

Thứ nhất, là sự kiện ngày 7 tháng 4, 2018, nhà cầm quyền Al Assad của Syria đã sử dụng vũ khí hóa học gồm các loại gas Chlorine và Sarin, giết khoảng 70 nhân mạng, trong đó gồm nhiều trẻ em và phụ nữ vô tội. Hình ảnh các phụ nữ và trẻ em quằn quại rên xiết vì vũ khí hóa học, trước khi chết, tràn ngập màn ảnh truyền hình thế giới. Công luận thế giới lập tức lên án dữ dội.

Sau đó, vào ngày 14 tháng 4, Liên quân Hoa Kỳ, Pháp và Anh Quốc đã không kích, bằng hơn 100 phi tiễn, một số mục tiêu tại Syria bao gồm cơ sở nghiên cứu hóa học tại thủ đô Damascus, phương tiện đồn chứa vũ khí hóa học tại miền tây thành phố Homs và trạm điều hành vũ khí hóa học gần Homs.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố “nhiệm vụ hoàn thành viên mãn”, Tổng Thống Pháp Emannuel Macron và Thủ Tướng Anh Teresa May đều tuyên bố tương tự.

Trong khi đó, Tổng Thống Nga Putin có cuộc điện đàm với Tổng Thống Iran là Hassan Rouhani và tuyên bố đại khái rằng “hành vi phi pháp” này đã hủy hoại viễn tượng một giải pháp chính trị cho Syria.

Cùng ngày 14 tháng 4, Thượng tướng CSVN Võ Tiến Trung, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng, trả lời báo chí như sau:

“Việc Mỹ đưa lực lượng quân sự tấn công Syria là hành động vi phạm luật pháp quốc tế hết sức nghiêm trọng. Chính phủ của Tổng thống Syria hiện nay là một chính phủ hợp hiến, hợp pháp, được quốc tế công nhận.”

CSVN kết án LS Nguyễn Văn Đài và các TNLT trong hội Anh Em Dân Chủ:

Thứ nhì, đó là sự kiện nhà cầm quyền CSVN, vào ngày 5 tháng 4, 2018, qua những phiên xử được đảng chỉ đạo, đã kết án LS Nguyễn Văn Đài và một số người trong Hội Anh Em Dân Chủ. LS Nguyễn Văn Đài bị kết án 15 năm tù và 5 năm quản chế, Ông Trương Minh Đức 12 năm tù và 3 năm quản chế, Mục Sư Nguyễn Trung Tôn 12 năm tù và 3 năm quản chế, Ông Nguyễn Bắc Truyển 11 năm tù và 3 năm quản chế, Bà Lê Thu Hà 9 năm tù và 2 năm quản chế và Ông Phạm Văn Trội 7 năm tù và 1 năm quản chế, theo điều 79 Bộ Luật Hình Sự về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”, một điều luật không hề hiện hữu trong luật pháp của bất cứ một quốc gia văn minh nào.

Lập tức vào ngày 6 tháng 4, cả Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lẫn Liên Hiệp Âu Châu ra tuyên bố lên án hành động vi phạm nhân quyền này của Hà Nội.

2. Liên hệ mật thiết giữa hai biến cố:

Hai câu hỏi chúng ta cần nêu ra là:

- Tại sao có tương quan mật thiết giữa biến cố sử dụng võ khí hóa học tại Syria và hiện tượng đàn áp Hội Anh Em Dân Chủ tại Việt Nam?

- Tại sao vô cớ Thượng Tướng CSVN Võ Tiến Trung lại có lời bình phẩm bênh vực trực tiếp cho Al Assad của Syria xa xôi và một cách gián tiếp binh vực Putin của Nga Sô và Rouhani của Iran?

Tuy tình hình và bối cảnh chính trị giữa Việt Nam và Syria khác biệt nhưng có rất nhiều mẫu số chung. Cả hai đảng CSVN và Phục Hưng Xã Hội Chủ Nghĩa Á Rập của Syria đều phát xuất từ lò xã hội chủ nghĩa Liên Xô. Việt Nam có điều 4 hiến pháp xuất phát từ điều 6 hiến pháp Liên Xô, thì Syria đến năm 2012 có điều 8 hiến pháp quy định tương tự như sau:

“Đảng Phục Hưng Xã Hội Chủ Nghĩa Á Rập là chính đảng lãnh đạo của xã hội và nhà nước. Đảng này lãnh đạo một mặt trận ái quốc và tiến bộ nhằm mục tiêu quy tụ năng lực tòan dân ngõ hầu phục vụ cho những mục tiêu quốc gia Á Rập”.

Ngòai điểm then chốt là cả điều 4 của Việt Nam và điều 8 của Syria đều khẳng định vai trò lãnh đạo của 2 đảng liên hệ, thì cả 2 đảng cũng có những ngọai vi để củng cố cho vai trò lãnh đạo của mình nữa. Tại Việt Nam thì đảng CS có Mặt Trận Tổ Quốc và trước 1975 còn có Đảng Dân Chủ và đảng Xã Hội như là ngọai vi. 

Tại Syria cũng tương tự, đảng Phục Hưng Xã Hội Chủ Nghĩa Á Rập lãnh đạo một Mặt Trận Cấp Tiến (tương đương với Mặt Trận Tổ Quốc VN)  bao gồm 8 đảng phái nhỏ hơn như Phong Trào Xã Hội Chủ Nghĩa Á Rập, hai hệ phái đảng Cộng Sản Syria và một số thành phần khác.

Dưới áp lực của quốc tế và các nhóm đối lập, vào năm 2012, điều 8 đã bị hủy bò. Tuy nhiên đó chỉ là trên hình thức. Trên thực tế Đảng Phục Hưng Xã Hội Chủ Nghĩa Á Rập vẫn độc quyền.

Chính vì thế, cuộc thảm sát dân chúng tại thành Phố Douma bằng vũ khí hóa học và sự đàn áp nhân quyền thô bạo qua vụ án Anh Em Dân Chủ phát xuất từ bản chất tương đồng của hai chế độ độc tài theo truyền thống Đệ Tam Quốc Tế.

Nhất là khi Thượng Tướng Võ Tiến Trung nhắc đến “Chính phủ của Tổng thống Syria hiện nay là một chính phủ hợp hiến, hợp pháp, được quốc tế công nhận” là ông ta gián tiếp nhắc đến một khái niệm mà các nhà độc tài trên thế giới yêu mến. Đó là khái niệm “chủ quyền quốc gia”. Như những lãnh đạo cộng sản khác, ông không hề nhắc tới khái niệm nhân quyền.

Tương quan giữa hai khái niệm then chốt này cũng chính là trọng điểm của trật tự chính trị thế giới sau Đệ Nhị Thế Chiến.

3. Trật tự chính trị thế giới đương đại và tương quan giữa hai khái niệm nhân quyền và chủ quyền quốc gia.

Trước hết chúng ta phải ý thức rằng, tuy trật tự chính trị thế giới đương đại trên nguyên tắc, qua cơ chế Liên Hiệp Quốc, là trật tự thế giới kiến tạo theo quan điểm của của các cường quốc chiến thắng trong Đệ Nhị Thế Chiến gồm Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Trung Hoa Dân Quốc (của Tưởng Giới Thạch) và Liên Bang Xô Viết, nhưng có một số biến cố thay đổi hiện trạng sau đó. 

Trước hết là trật tự này phản ảnh sức mạnh của kẻ chiến thắng, trong đó sức mạnh của Hoa Kỳ vượt trội. Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền được Đại Hội Đồng LHQ thông qua ngày 10 tháng 12, 1948 là một văn kiện nói lên những bản giá trị qua nhãn quan của Hoa Kỳ và các nước Tây Âu. Các quốc gia cộng sản dưới sự lãnh đạo của Liên Bang Xô Viết chỉ công nhận lấy lệ mà không tôn trọng trên thực tế.

Thứ đến, vị trí của Trung Hoa Dân Quốc trong cơ quan đầy quyền lực là Hội Đồng Bảo An LHQ trở nên khó bảo vệ sau khi Trung Hoa Quốc Dân Đảng bị đảng CSTQ đánh bật ra khỏi Trung Hoa Lục Địa năm 1949. Ngày 23 tháng 11 năm 1971, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa chính thức thay thế Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) trong Hội Đồng Bảo An và thế lực của phe cộng sản được củng cố. Đến thập niên 90 thì Liên Bang Xô Viết và khối cộng sản Đông Âu sụp đổ. Một nước Nga yếu hơn về mọi mặt thay thế cho vị trí của LBXV trong Hội Đồng Bảo An.

Kể từ đấy, sức mạnh của thế giới tự do vượt xa sức mạnh của khối độc tài, trong đó có thế giới cộng sản, về kinh tế, quân sự và đạo đức (trong đó bao gồm yếu tố nhân quyền)

Định nghĩa khái niệm chủ quyền quốc gia:

Trước khi bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ra đời năm 1948, thì khái niệm chủ quyền quốc gia là một khái niệm tuyệt đối. 

Khái niệm này có thể được định nghĩa như “quyền lực tối cao, tuyệt đối và không thể kiểm soát qua đó một quốc gia độc lập được cai trị và từ đó mọi quyền lực chính trị đặc thù phát xuất; tính độc lập có chủ ý của quốc gia, cộng thêm quyền điều hành mọi vấn đề nội bộ mà không bị ngoại bang xen lấn” (Tự Điển Luật Miễn Phí)

Định nghĩa khái niệm nhân quyền:

Trong khi đó, khái niêm nhân quyền có thể được định nghĩa vắn tắc như những quyền nền tảng của một con người cá thể. Vì sự quan trọng của nó, nên ý niệm này được chi tiết hóa trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền năm 1948 qua 30 điều khoản rõ rệt. 

Nhân quyền cũng được khai triển qua nhiều góc cạnh khác nhau như Công Ước Quốc Tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), Công Ước Quốc Tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR), Công Ước về quyền các trẻ em (CRC) và Công Ước Liên Hiệp Quốc chống lại tra tấn (UNCAT)

4. Tương quan thiếu nghiêm chỉnh giữa hai khái niệm nhân quyền và chủ quyền quốc gia:

Tuy khái niệm nhân quyền được khai triển chi tiết hơn và ngày càng phổ biến sâu rộng hơn, như là nền tảng của nền dân chủ Hiến Định, Pháp Trị và Đa Nguyên đương đại, nhưng trong tương quan thực tế giữa hai khái niệm thì khái niệm chủ quyền quốc gia luôn ưu thắng khi xung đột với khái niệm nhân quyền.

Trong cuộc chiến tại Syria hiện nay, tuy chúng ta có thể không đồng ý với Thượng Tướng Võ Tiến Trung, nhưng trên thực tế, chính các các chính phủ Hoa Kỳ, Anh Quốc và Pháp đều nhấn mạnh rằng cuộc oanh tạc này chỉ nhằm mục đích trừng phạt Syria đã sử dụng võ khí hóa học, mà không hề nhằm mục đích thay đổi chính quyền. Nói một cách khác, họ công nhận chủ quyền quốc gia của Syria, và ít nhất trong giai đoạn hiện tại, qua sự lãnh đạo của chính phủ Al-Assad.

Vì giới hạn của mục tiêu oanh tạc và có những thông báo trước để tránh sự thiệt hại cho thường dân Syria cũng như các phương tiện quân sự và nhân sự của Nga Sô là một siêu cường đáng ngại, nên chính quyền Syria đã kịp thời di tản và bảo trì tiềm năng quân sự của mình.

Trong khi đó, lập tức sau biến cố oanh tạc của Hoa Kỳ, Anh Quốc và Pháp, thì quân đội của TT Al-Assad đã tiến công, chiếm trọn vùng Eastern Ghouta và nới rộng sự kiểm soát của chính quyền Syria.

Nói một cách khác, khái niệm nhân quyền đã phải lùi bước trước sức mạnh của khái niệm chủ quyền quốc gia tại Syria, không những trong tâm thức của các chính trị gia tây phương, mà ngay cả trên chính trường hiện thực.

Điều này không xa lạ với chúng ta. Khi chúng ta phóng tầm nhìn vế quá khứ, thì cuộc chiến Việt Nam, chấm dứt năm 1975, cũng bị ảnh hưởng vì một tương quan thiếu nghiêm chỉnh tương tự giữa hai khái niệm nhân quyền và chủ quyền quốc gia.

Thật vậy, trong cuộc chiến tranh ý thức hệ Việt Nam, chúng ta nhận thấy Hoa Kỳ và các đồng minh của Việt Nam Cộng Hòa (Miền Nam), mặc dù ý thức sâu sắc các vi phạm nhân quyền của các chế độ CS trên toàn thế giới và tại Việt Nam, đã minh thị chủ trương tôn trọng chủ quyền quốc gia của CSVN (Miền Bắc) và không bao giờ chủ trương bắc tiến cả. Trong khi đó, CSVN không ngần ngại xâm phạm lãnh thổ VNCH và tổng tấn công chiếm toàn lãnh thổ ngày 30 tháng 4, năm 1975.

Trật tự chính trị thế giới sau Đệ Nhị Thế Chiến trong thực chất là trật tự do Hoa Kỳ chủ động, nên các nước cộng sản chỉ chấp nhận trên hình thức. Chính vì thế, CSVN luôn sẵn sàng chà đạp nhân quyền lẫn chủ quyền quốc gia của VNCH. Kết quả đương nhiên là thế giới tự do thua và phe cộng sản thắng.

5. Nhu cầu một trật tự chính trị thế giới mới:

Sau Đệ Nhị Thế Chiến, nhân loại chứng kiến sự khai sinh Liên Hiệp Quốc như một định chế điều hành tương quan giữa các quốc gia và sự định chế hóa khái niệm nhân quyền như một khái niệm giới hạn tính tuyệt đối của khái niệm chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên rõ ràng trong tâm thức của các chính trị gia tây phương, khi có sự xung đột giữa hai khái niệm này thì khái niệm chủ quyền quốc gia thông thường ưu thắng.

Thêm vào đó, cấu trúc quyền lực của LHQ, với quyền phủ quyết nằm trong tay của các siêu cường là Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nga Sô và Trung Quốc là những thành viên cốt lõi của Hội Đồng Bảo An, đã biến LHQ trở thành một định chế bảo vệ cho khái niệm chủ quyền quốc gia của các chế độ độc tài, đàn áp nhân quyền, dân chúng của họ, mà không e sợ bất cứ một chế tài nào của quốc tế, qua quyền phủ quyết của Nga Sô và Trung Quốc.

Với bước đi bất khả vãn hồi của trào lưu dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên, trên thực tế, nhân loại ngày nay cần một trật tự thế giới mới, theo đó nhân quyền căn bản của con người cá thể phải được tôn vinh và quan trọng hơn hết là khi ý niệm chủ quyền quốc gia và ý niệm nhân quyền xung đột, thì ý niệm nhân quyền sẽ ưu thắng ở mức độ của sự xung đột.

Dĩ nhiên cấu trúc của LHQ và Hội Đồng Bảo An cũng cần phải cải tổ, vượt ra ngoài khuôn khổ của quyền lực các quốc gia chiến thắng trong Đệ Nhị Thế Chiến, mà phải thể hiện thực trạng của thế giới đượng đại, cũng như thể hiện quan điểm dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên.

6. Kết luận:

Lúc nhỏ tôi thường đọc cuốn Đông Chu Liệt Quốc và có đọc một đoạn như sau:

“Khi Án Anh đi sứ nước Sở, Sở vương muốn làm mất mặt nước Tề nên đã bày nhiều trò để hạ nhục. Nhưng Án Anh bằng tài trí của mình đã vượt qua tất cả để giữ vững quốc thể.

Khi đến nước Sở, Vua Sở muốn thử tài Án Anh nên khi Án Anh định vào cung thì vua Sở truyền lệnh không mở cửa lớn chỉ cho người bảo vệ bảo Án Anh chui vào cửa nhỏ (cửa dành cho chó đi) với lý do là sứ giả nước Tề thấp bé, đi vào cửa nhỏ ở bên cũng được. Án Anh đáp: "Nay ta sang nước Sở thì phải đi vào cổng lớn mới đến nước Sở, nếu chui vào cổng chó này chẳng nhẽ ta lại đến nước chó chứ hả?". Sở Vương nghe được bèn mở cổng lớn cho ông vào.”(Wikipedia)

Rút bài học từ ví dụ trên của Đông Chu Liệt Quốc, trong một thế giới lý tưởng, ngoài tái cấu trúc một tương quan nghiêm chỉnh hơn giữa hai khái niệm nhân quyền và chủ quyền quốc gia như trên, thì cổng vào trụ sở của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, cũng như cổng vào dinh quốc khách của mọi quốc gia dân chủ chân chánh, cần tái bố trí để có 2 cổng. Một cổng chính dành cho lãnh đạo các quốc gia dân chủ chân chính gọi là cổng “quốc khách” và một cổng nhỏ hơn dành cho lãnh đạo các quốc gia độc tài còn sót lại trên thế giới như Nga, Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Bắc Hàn, Syria, Iran etc…gọi là cổng “độc tài” (không phải cổng chó).

Tôi nghĩ rằng, lãnh tụ các nước độc tài đương đại, nhất là từ các quốc gia cộng sản, sẽ không đủ hùng tài và vĩ lược để thuyết phục Đại Hội Đồng LHQ hoặc quốc trưởng các quốc gia dân chủ, mở cổng lớn để đón vào như Án Anh thời Đông Châu Liệt Quốc được.

Chúng ta không nên dùng danh từ “cổng chó” vì loài chó cũng là một loại chúng sinh có tình cảm và phẩm giá như một đồng hành của nhân loại và đáng được tôn trọng.

Dĩ nhiên đây chỉ là mơ tưởng đến một thế giới hoàn hảo. Tuy nhiên điều này không làm thuyên giảm một nhu cầu của nhân loại là nhu cầu “hạ nhục” các nhà độc tài của nhân loại và tích cực loại bỏ những thành phần này ra khỏi chính trường của nhân loại tương lai, đem lại nhân phẩm và nhân quyền cho mọi con người cá thể.


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo