Tiếng nói bất đồng của Mai Khôi - Dân Làm Báo

Tiếng nói bất đồng của Mai Khôi

M.C. (The Economist)/Hoàng An dịch - Ca sỹ và nhà hoạt động – đôi khi được coi là Pussy Riot của Việt Nam, đang thách thức một xã hội biết tự kiểm duyệt.

Trong những ngày cuối tháng Hai, các khán thính giả đã tập trung tại Phu sa lab – một không gian biểu diễn nghệ thuật tại quận Tây Hồ, Hà Nội. Một số đại diện của đại sứ quán Hoa kỳ và những người làm trong ngành ngoại giao của những nước khác đứng kề bên các nhà hoạt động, các nhạc sỹ, nghệ sỹ và một nhóm nhỏ các nhà báo. Những người nước ngoài và cả người Việt này đã làm chứng cho sự ra đời của “Bất đồng”, một CD mới của Mai Khôi được mang một tên gọi rất thẳng thắn và trung thực. Nhiều người thắc mắc, liệu sẽ có sự xuất hiện của Công an. Vì đây không phải là lần đầu tiên Công an có mặt tại sự kiện của nữ nhạc sỹ bất đồng này.

Những người Mỹ đứng xung quanh đó, thật ra đã quen biết Mai Khôi từ trước. Trong năm 2016, cùng với hàng trăm ứng cử viên độc lập cô đã bị ngăn cản khi ứng cử vào Quốc Hội, và cô là một trong số ít những người được gặp tổng thống Mỹ Obama. Vào tháng 11, khi Tổng thống Trump tham dự APEC, cô và chồng (là người Úc), đã bị đuổi khỏi căn hộ tại Hà Nội bởi những người mà cô cho là người của công an chìm. Khi những chiếc xe của phái đoàn Tổng Thống Trump đi qua, cô đã đứng ra giương cao tấm biển “P(iss)eace on you Trump” (chơi chữ hoà bình và đái).

“Tôi phản đối Trump vì ông ấy là người phân biệt chủng tộc” Mai Khôi nói. “Ông ấy đến Việt Nam nhưng không tiếp xúc với xã hội nhân sự và không làm gì để ủng hộ nhân quyền. Tôi muốn dừng lại việc chỉ nói suông về tự do biểu đạt, và muốn bắt đầu thực tập nó.”



Cô nói một cách khá khiêm tốn. Sau khi cô bị gạt ra khỏi danh sách các ứng cử viên, thì trên các lá phiếu bầu chỉ còn toàn các ứng cử viên cộng sản. Mai Khôi nói, cô sẽ cố gắng hết sức để làm gương cho giới thanh niên có thể tham gia cuộc bầu cử năm 2021. “Chiến dịch của chúng tôi nhằm làm thay đổi cái cách người ta tham gia vào chính trị". Đơn giản là tham gia ứng cử chính là một cách hoạt động có ý nghĩa.

Khác với Pussy Riot, là nhóm nhạc Nga mà người ta hay so sánh với Mai Khôi, thì âm nhạc đối với Khôi vẫn và sẽ luôn luôn có giá trị, và là điều quan trọng đối với cô. Qua các bài hát mới (có hai thành viên nữa trong nhóm nhạc, rất phù hợp với cái tên “Những người bất đồng”), Mai Khôi có thể được coi là Bjork hay Laurie Anderson của Việt nam. Giọng của cô lúc trầm, lúc bổng, lúc thì thầm, lúc vang dội. Người thổi Sacxô của cô chơi như John Coltrane trong thời gian ông bị trầm cảm nhất. Nhạc của Khôi được viết ra để gây một phản ứng lên thân thể, nó như đấm vào không phải chỉ một mà là nhiều sợi dây thần kinh. Mục đích của nó là tấn công, không sợ gây khó hiểu, nghe ác cảm hay gây đau đớn. Giá mà âm nhạc có thể làm vỡ những chiếc cùm thì đây chính là loại âm nhạc đó.

Lời hát của cô cũng liều mạng. Bài hát đầu tiên “Xin ông” gửi cho các lãnh đạo của đảng cộng sản: “Xin ông, cho chúng tôi được hát, cho chúng tôi được bày tranh ra ngắm, cho chúng tôi được yêu". Chủ đề bài hát  “Trại phục hồi nhân phẩm” cũng giống như thế: “Vào trong đó ngồi, các ngươi sẽ có thời gian để suy nghĩ, các ngươi sẽ có thời gian để ăn năn, để hối hận, để tự tát vào mặt, vì đã quá tàn ác, vì đã cưỡng bách sự thật, vì đã dùng chính sách ngu dân để cai trị...” Đây là những lời lẽ hoàn toàn phản động, nhưng album này không những quan trọng về chính trị, mà còn về âm nhạc. “Thể loại nhạc này là phương hướng mới đối với tôi,” Khôi nói. “Nó chịu ảnh hưởng của âm nhạc dân gian, và dân tộc, nhưng đó không phải là nhạc dân tộc hay truyền thống. Hơn nữa, nhạc này không bị nhập khẩu từ phương Tây hay Hàn Quốc, như các thể loại nhạc Việt hiện đại".

Sau buổi biểu diễn, họ bắt đầu thảo luận. Một người Mỹ đặt câu hỏi mà cũng là điều thắc mắc từ đầu của khán giả: “Tại sao công an chưa đến?” Mai Khôi mỉm cười, cô dịch câu hỏi sang tiếng Việt và nói rằng, họ đã được mời nhưng cuối cùng quyết định không tham gia. Thực tế, cô ấy không rõ, tại sao họ không đến, có lẽ vì trong khán giả có quá nhiều người nước ngoài, bao gồm cả đoàn quay phim tài liệu đi theo Mai Khôi đã mấy tháng nay. Hơn nữa, cùng với luật sư, cô đã chuẩn bị một buổi biểu diễn 100% theo luật, vì họ không muốn cho nhà cầm quyền có cơ hội để gây khó dễ.

Như là một sự giải tỏa khi họ đã không đến làm phiền cô trong đêm nay. Trong quá trình làm CD “Bất đồng”, người chịu trách nhiệm chính đã bị phạt vì những lý do rất kỳ lạ. Người chơi Sacxô bị cha của mình đe dọa, nếu tiếp tục chơi nhạc với Khôi, anh sẽ bị gia đình từ bỏ. Một số quan hệ bạn bè bị phá vỡ vì lý do chính trị. “Chúng tôi đã phải trả giá cho loại âm nhạc này”, cô nói.

Việc phản đối chống ông Trump cũng gây phản ứng thù địch. Cả những người ủng hộ cô từ xưa cũng bắt đầu cho rằng cô đã đi quá xa. “Tôi rất ngạc nhiên khi nhận ra người Việt có cách suy nghĩ độc tài ở mức khá cao,” cô nói, và mô tả những cách suy nghĩ mà người Việt đã chấp nhận trong lịch sử, khi xã hội Việt nam hình thành. Mục đích của chế độ độc tài là phải làm sao để người dân tự kiểm duyệt, tự kiểm tra. “Sự phản đối của tôi đã tạo được một cuộc thảo luận rất cần thiết ở Việt nam với chủ đề tự do biểu đạt.” Mai Khôi nhấn mạnh vai trò quan trọng của âm nhạc và nghệ thuật :“Tôi cố gắng mở ra những hướng suy nghĩ và hành động mới, tôi muốn làm cho những điều không được nghĩ tới và không được nói trở thành những điều được nghĩ tới và được nói thoải mái.”

Mấy ngày sau khi CD “Bất Đồng” ra đời, Mai Khôi đã đi biểu diễn ở châu Âu. Sau khi về Hà Nội, cô bị tạm giữ 8 tiếng và tất cả các đĩa CD “Bất Đồng” đã bị tịch thu. Nghe tin mới đó, chúng ta hãy lại nhớ tới lời bài hát “Xin ông”, xin ông cho chúng tôi được  hát..

Nguồn: The Economist
Người dịch: Hoàng An


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo